Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (31/10/2017-7:50)
    Chiều 30-10, Quốc hội tiếp tục hoạt động giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016.
Toàn cảnh phiên họp chiều 30.10

Địa phương đề nghị được phân cấp, nhưng bộ, ngành chưa lắng nghe

Trong phiên họp chiều nay, nhiều ĐBQH tiếp tục dành sự quan tâm đến vấn đề phân cấp, phân quyền. Báo cáo kết quả giám sát cũng đã chỉ ra nguyên nhân căn cơ của bất cập, hạn chế. Trong đó có tình trạng ở Trung ương có cơ quan nào, thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó, và thực hiện phân cấp, phân quyền nhưng chưa đồng bộ.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần làm rõ nguyên nhân về phân cấp, phân quyền chưa đạt như yêu cầu về Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp đặt ra. Một mặt do tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành chưa đạt được như các địa phương. Mặt khác do quy định pháp luật về trách nhiệm chưa tương thích với quyền lợi, trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc bộ phận công chức, chuyên viên mà bộ phận đó mang lại. “Đề nghị cần phân tích thẳng thắn thấy việc chậm vì sao”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu.

Lý do thứ hai là do địa phương có tính ỷ lại, thiếu chủ động, các bộ, ngành chưa lắng nghe ý kiến, kiến nghị ở các địa phương. “Có thực tế các địa phương đã đề nghị được phân cấp, có chứng minh rõ lý do vì sao cần phân cấp, nhưng bộ, ngành chưa lắng nghe vấn đề này”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết. Thêm một vấn đề nữa được đại biểu chỉ ra, đó là sự thiếu tôn trọng thực tiễn, đánh giá các điều kiện đủ. “Tôi cho rằng có tư tưởng cào bằng, cầu toàn, cho nên thực hiện vấn đề này chưa tốt”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Chính vì vậy, để việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền đi sát với quy định pháp luật, theo đúng chủ trương của Đảng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, chính quyền địa phương cần có sự chủ động đề xuất, kiến nghị được phân cấp cụ thể. Chính quyền địa phương phải chứng minh cho được năng lực, chứng minh được sự đổi mới của mình trong tư duy trong quản lý. Chính phủ, bộ, ngành phải chủ động phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, đánh giá đúng tình hình năng lực chính quyền địa phương để phân cấp. Chính phủ cùng bàn luận với địa phương để xem phân cấp vấn đề gì. Cần giám sát việc thi hành pháp luật để xem pháp luật có được thực thi đúng không?

http://daibieunhandan.vn/Portals/0/QH_30.10.2017/tiet-hanh-489.jpg
ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định). Ảnh: Quang Khánh

Từ thực tế địa phương, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, có 2 vấn đề quan tâm. Hiện nay, việc thực hiện phân định trách nhiệm từng cấp hành chính chưa rõ ràng và có sự chồng lấn không chỉ từ chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan của Chính phủ với nhau, mà còn có sự chồng lấn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ với chính quyền địa phương. Thậm chí ngay cả các cơ quan của chính quyền địa phương còn có sự chồng lấn chức năng, nhiệm vụ. “Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quản lý hành chính nói chung, đồng thời tạo sự chồng chéo hiệu lực hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước”, ĐB Lý Tiết Hạnh nhận định. 

Đồng tình với nhiều ý kiến về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên do tổ chức thi hành pháp luật tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền thiếu nhất quán với chủ trương, chính sách, song theo ĐB Lý Tiết Hạnh, có nguyên nhân xuất phát từ tư duy, quan điểm của chính con người. Bởi con người là người đề ra chính sách và thực thi chính sách. Ở góc độ này, cần nhìn nhận về tính nghiêm minh trong thực thi và ý thức chấp hành pháp luật trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Báo cáo kết quả giám sát cũng đã chỉ rõ, cần xác định rõ quan điểm các bộ, ngành Trung ương chức năng chủ yếu ban hành các chính sách, quy định kiểm tra giám sát thanh tra công vụ. Chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên địa bàn.

Đồng tình với giải pháp này, ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng, “cần phân cấp giao quyền tự chủ hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện đối với các vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao và thực hiện chủ trương mở rộng xã hội hóa để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dịch vụ công, đồng thời thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập có thu”.

Liên quan đến tổ chức bộ máy, khẳng định đây là nội dung lớn, liên quan đến cả hệ thống chính trị, tác động trực tiếp đến con người, ĐB Lý Tiết Hạnh kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu kỹ, có lộ trình mục tiêu phù hợp có hệ thống các văn bản cụ thể, nhất là trong tổ chức cần bảo đảm tính đồng bộ, công bằng và hiệu quả.

“QH cần có Nghị quyết để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và sắp xếp lại các đơn vị công lập để tạo cơ sở pháp lý bảo đảm việc triển khai thực hiện”, ĐB Lý Tiết Hạnh nói.

Một tổ chức thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một tổ chức

Hiện nay, công tác quản lý tổ chức bộ máy ở địa phương cơ bản phụ thuộc vào quy định của Trung ương. Trong khi đó, các văn bản quy định về nội dung này của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành lại thường xuyên thay đổi. Theo ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), quá trình thực hiện sắp xếp bộ máy theo quy định của Chính phủ đã tiến bộ đáng kể, cơ bản giảm đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, cấp huyện, tuy nhiên theo hướng dẫn của Trung ương, một số sở, ngành của tỉnh chia nhỏ lĩnh vực quản lý nên vẫn tăng bộ máy bên trong của từng sở, ngành, dẫn đến tình trạng cồng kềnh, nhiều tầng nấc và kém hiệu quả. 

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII, ĐB Lê Xuân Thân đề nghị, việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần có bước đi thích hợp. Theo đó, mô hình nào đã có từ trước nay sáp nhập lại cần tiến hành ngay, không nên thí điểm. Trên cơ sở rà soát toàn bộ hệ văn bản về công tác tổ chức các ban, bộ, ngành, văn bản nào phù hợp tiếp tục áp dụng, “cái nào mâu thuẫn, chồng chéo, kịp thời sửa đổi, cái nào cần kịp thời ban hành”.

Đề nghị Trung ương, các cấp phân cấp mạnh mẽ hơn nữa quản lý nhà nước. Phân cấp phải gắn với phân quyền trên 4 phương diện về tổ chức, bộ máy, quyền hạn, kinh phí, và giao chính quyền địa phương cùng cấp quản lý. “Có như thế mới gắn với vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và đơn vị hành chính; cấp trên thực hiện cơ chế kiểm tra, kiểm soát”, ĐB Lê Xuân Thân nói.

Thực tế cũng cho thấy, trong nhiều nội dung, lĩnh vực, việc ban hành văn bản hướng dẫn đôi khi chưa kịp thời, chưa rõ, trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Một số trường hợp chưa thống nhất giữa các thông tư các bộ, ngành với Nghị định của Chính phủ, nhất là hướng dẫn liên quan đến sự thay đổi về sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, cơ chế hoạt động của cơ quan đơn vị sự nghiệp theo luật định.Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng mô hình tổ chức bộ máy theo hướng bỏ cấp trung gian, tinh gọn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực sự phục vụ nhân dân. Cải cách mạnh mẽ thể chế quản lý các hoạt động dịch vụ sự nghiệp và dịch vụ công theo hướng đề cao tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực.

“Theo tôi, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy thống nhất”, ĐB Lê Xuân Thân đề nghị. Thực hiện nguyên tắc một tổ chức thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một tổ chức chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính trên cơ sở nhiệm vụ và xác định mô hình, quy mô tổ chức bộ máy phù hợp với tính chất, đặc điểm, tình hình.

Phân định rõ, loại bỏ sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa các tổ chức, các cơ quan. Kiên quyết loại bỏ những tổ chức, những khâu trung gian không cần thiết. Xác định mối quan hệ công tác giữa các cơ quan chuyên môn, tham mưu từ địa phương đến Trung ương.

Sớm hướng dẫn những vấn đề còn bỏ ngỏ

Liên quan đến cơ chế phân cấp, phân quyền, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho biết, cử tri đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp để phân cấp quản lý triệt để hơn cho địa phương. Chúng ta đã có nhiều văn bản quy định nhưng thực chất việc phân cấp hiện nay rất chậm. ĐB đề nghị Chính phủ phân định rõ, phần việc nào của Trung ương, phần việc nào của địa phương, giao thẳng cho địa phương quyết định trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những nơi nào thực hiện sai các quy định của pháp luật. Có như thế mới phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, tránh tình trạng trộng chờ như hiện nay.

http://daibieunhandan.vn/Portals/0/QH_30.10.2017/thanh-cong-489.jpg
ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long). Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo giám sát đã tổng hợp được một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nhưng chưa được quy định, chưa được hướng dẫn đầy đủ, cụ thể trong các văn bản pháp luật; các văn bản hiện nay có một số quy định chồng chéo, lạc hậu… ĐB Lưu Thành Công cho rằng, đây là một nỗ lực lớn của Đoàn giám sát; đề nghị Chính phủ trong thời gian ngắn nhất ban hành các văn bản hướng dẫn những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính hiện nay vẫn đang bị bỏ ngỏ, đồng thời, nghiên cứu sửa đổi 31 văn bản chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn để thúc đẩy việc cải cách bộ máy hành chính.

ĐB Lưu Thành Công nhấn mạnh, thực hiện cải cách bộ máy hành chính Nhà nước lần này phải xác định xây dựng nền hành chính vì dân. Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến cấp cơ sở, nơi trực tiếp với dân, nơi triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ, vì thế phải tính số lượng cán bộ cấp cơ sở cho phù hợp, số cán bộ này phải có đạp đức, đủ trình độ, có năng lực đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ. Song song đó, cần có chế độ đãi ngộ thích hợp, bảo đảm cuộc sống thì cán bộ cấp cơ sở mới dành hết thời gian, tâm huyết của mình cho công việc. Chính phủ, các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian đi cơ sở để nắm bắt tình hình triển khai các chính sách của Chính phủ, những thuận lợi, khó khăn, bất cập, tình hình đời sống của người dân. Đây cũng là điều kiện để Chính phủ có cơ sở thực hiện trong hoạch định chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của người dân, hạn chế tình trạng chính sách ban hành nhưng không áp dụng được vào cuộc sống.

Chấm dứt tình trạng cấp trên ôm đồm, cấp dưới đùn đẩy

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, chủ trương phân cấp quản lý chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế chính là hạn chế khiến cho cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa đạt hiệu quả. Biểu hiện cụ thể là tình trạng cấp trên ôm đồm, bao biện, cấp dưới đùn đẩy công việc lên cấp trên. Điều này dẫn đến 4 hệ lụy:

Một là, cấp trên quá tải, công việc bế tắc. Việc tất cả các địa phương, các ngành dồn về Trung ương để xin, trình duyệt để được phê chuẩn, tất yếu dẫn đến tình trạng thắt cổ chai. Trong trường hợp này chính sách một cửa không những không phát huy tác dụng, mà làm cho việc xếp hàng dài thêm, ách tắc nhiều thêm. Mặt khác, thói quen xin ý kiến cấp trên làm cho cấp Trung ương quá tải, mà công việc của dân, của nước chậm được giải quyết. Nhiều vấn đề phát sinh ở cơ sở cũng chậm được xử lý, vì thường trực thuộc thẩm quyền của cấp trên.

Hai là, cấp dưới bị động, ỷ lại. Việc không thực hiện phân cấp triệt để làm cho nhiều cấp hành chính bị động, lúng túng trước vấn đề phát sinh hàng ngày, không phát huy được tính chủ động và sáng tạo. Cơ chế xin phép làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, việc gì cũng đùn đẩy lên cấp trên để né tránh trách nhiệm.

Ba là, cơ chế xin - cho. Trong một số trường hợp, cơ chế xin - cho là môi trường không lành mạnh, làm phát sinh tệ nạn, hối lộ, tham nhũng.

Cuối cùng là chế độ trách nhiệm không rõ ràng. Việc cấp trên giữ quyền phê duyệt nhiều việc thuộc cơ sở, còn dẫn tới tình trạng nhũng nhiễu, không rõ ràng. Cấp dưới có lá bùa hộ mệnh là phê duyệt của cấp trên, cấp trên có căn cứ là đề nghị của cấp dưới thì rất khó quy kết trách nhiệm. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị, trên cơ sở rà soát cần xác định chức năng, nhiệm vụ của từng cấp hành chính để phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận trong bộ máy hành chính, chấm dứt tình trạng cấp trên “ôm” việc hoặc can thiệp trái quy định vào công việc cấp dưới, và cấp dưới đùn đẩy công việc lên cấp trên.

Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm Trưởng ban 27 tổ chức liên ngành

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) kiến nghị, cần xây dựng tiêu chí đối với tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn các tỉnh. Đây là việc cần thiết và cấp thiết để kịp thời chấn chỉnh thực tế hiện nay. Lý giải cho đề xuất này, ĐB Cao Thị Xuân cho biết, khi vào website của một tỉnh thì thấy lãnh đạo của UBND tỉnh có 4 đồng chí, trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh phải kiêm nhiệm Trưởng ban hoặc Chủ tịch của 27 tổ chức liên ngành, 3 Phó Chủ tịch còn lại phải kiêm nhiệm - người ít nhất là 10 tổ chức, người nhiều là 25 tổ chức. Hệ lụy này được báo cáo giám sát phân tích rõ là: Tạo nên sự chồng chéo, làm mờ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, lãng phí thời gian, kinh phí, số lượng lãnh đạo đã ít còn phải chia sẻ thời gian quản lý điều hành cho quá nhiều tổ chức, hội nghị… Theo ĐB, thực trạng này có nguyên nhân sâu xa từ việc chúng ta chưa quan tâm tổng kết quá trình thực hiện. Quyết định số 34/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành hiện nay vẫn đang là cơ sở pháp lý cho tổ chức chuyên ngành. Vì thế, QH cần yêu cầu Chính phủ tổng kết đánh giá thực hiện Quyết định 34 làm cơ sở để rà soát, giảm thiểu phương thức tổ chức hoạt động của các tổ chức không cần thiết, hoặc hoạt động không hiệu quả.

“Những tưởng đã khép lại tình trạng quan liêu, tắc trách”

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước không chỉ có những gam màu tối. Nếu chọn một trong những điểm sáng để nhấn mạnh toàn cảnh bức tranh, tôi đề nghị lấy Quảng Ninh là ví dụ điển hình nhất. Niềm tin vào bộ máy, nhất là sáp nhập cơ quan Đảng và cơ quan chính quyền có sự tương đồng về chức năng đã và đang được tập thể chính quyền và nhân dân Quảng Ninh ra sức xây dựng và đạt được thành quả bước đầu. Mô hình mà Quảng Ninh đang tiếp tục xây dựng đã đụng đến và xử lý những vấn đề, những điều mà chúng ta thấy khó khăn và nhạy cảm trong toàn thể chính quyền địa phương, từ cơ quan Đảng, cơ quan hành chính, tổ chức chính trị. Bài học kinh nghiệm đáng học là từ nơi đây. Nhưng điều quan trọng là, quyết tâm nhân rộng mô hình này như thế nào để lan tỏa đến từng ngóc ngách? Đó là vấn đề cần được phân tích.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)

 

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương),tiến trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã và đang đứng trước nhiều thách thức.

Chủ trương cải cách đã được đề ra từ năm 1986, tiếp tục được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Tức là 30 năm trước, chúng ta đã chỉ ra nguy cơ của một bộ máy cồng kềnh, trì trệ, kém hiệu quả. Nền tảng để cải cách không thiếu khi chủ trương có, quyết tâm có, nền tảng pháp lý đã có. Thế nhưng bộ máy tiếp tục cồng kềnh, biên chế ngày càng phình to, ngân sách phải chi ngày càng lớn. Những điều chúng ta có mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải thấy đó là trách nhiệm trước nhân dân, coi đó là nhiệm vụ, là đạo đức công vụ.

Nhìn vào trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước ở những vụ việc cụ thể nổi lên gần đây đã phần nào thấy rõ thách thức. Sau vụ việc quán Cà phê Xin chào tại TP Hồ Chí Minh, những tưởng sẽ khép lại tình trạng tắc trách, quan liêu, trì trệ và vô cảm của các cơ quan quản lý nhà nước. Trước bức xúc của người dân, một vụ việc cỏn con vốn không thuộc chức năng của người đứng đầu Chính phủ, lẽ ra phải tập trung làm chính sách, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, đã phải chỉ đạo giải quyết. Chúng ta tán dương với hình ảnh một Phó chủ tịch UBND quận tại TP Hồ Chí Minh ra tay làm sạch vỉa hè. Việc lạm dụng vỉa hè trái phép, triền miên là thách thức với thể chế, vốn được cho là đã đổi mới và hoàn thiện. Liệu đây có phải là một nền hành chính thỏa đáng mà người dân đang mong muốn với các cơ quan nhà nước không? Câu trả lời là không. Vấn đề đặt ra là vì sao các vụ việc ấy diễn ra như vậy, khi mà thể chế, với Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc phân cấp công việc? ĐB Phạm Trọng Nhân nêu rõ, những câu hỏi này cần được trả lời trong chuyên đề giám sát này, mặc dù những người đang làm việc trong các cơ quan hành chính nêu trên chắc chắn sẽ bị xử lý, nhưng phải có biện pháp giúp củng cố niềm tin của người dân.

Biến “đặc thù” thành “phổ biến”

Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 vừa ban hành quy định: “Không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định”. Thời gian tới, Chính phủ cần rà soát các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, để tổ chức lại theo đúng hướng Nghị quyết số 18 đã đề ra.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)


Theo ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), đã có tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung chuyên môn “lấn sân” sang các văn bản quy định về tổ chức bộ máy. Thông qua các quy định về chuyên môn đã có hiện tượng quy định việc thành lập một loạt các tổ chức bộ máy mới từ Trung ương xuống địa phương. Ví dụ, Nghị định 55 của Chính phủ quy định về việc thành lập tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, tất cả các bộ, ngành đều thành lập Vụ Pháp chế, ở UBND, các tỉnh, thành phố thành lập 291 phòng pháp chế, với tổng số biên chế chuyên trách và kiêm nhiệm là 5.177 người. Một ví dụ khác là việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh đã dẫn đến việc tổ chức một loạt Văn phòng điều phối nông thôn mới ở các cấp hoạt động chuyên trách. Việc thành lập hệ thống các cơ quan nêu trên không phải là sai nhưng rõ ràng là với cách thức thành lập như vậy sẽ không kiểm soát được về mặt tổng thể tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, gián tiếp làm tăng đầu mối, tăng biên chế, ĐB Mai Thị Phương Hoa khẳng định.

Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, ĐB Mai Thị Phương Hoa chỉ rõ một thực tế là, chúng ta đã biến cái cá biệt, đặc thù thành phổ biến, thậm chí là “lách” quy định của pháp luật. Nguyên nhân là do thiếu sự cương quyết, còn nể nang khi ban hành các Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động của các Bộ. Chỉ rõ, hiện nay, Nghị định về cơ cấu tổ chức của Bộ nào lại do chính bộ đó soạn thảo và trình Chính phủ, ĐB Mai Thị Phương Hoa đề nghị, cần tập trung trách nhiệm và nâng cao hơn nữa vai trò của Bộ Nội vụ trong việc giúp Chính phủ chuẩn bị và trình dự thảo Nghị định, các Bộ khác chỉ nên tham gia, phối hợp. Có như vậy mới giữ nghiêm được kỷ luật trong vấn đề này.

http://daibieunhandan.vn/Portals/0/QH_30.10.2017/phuong-hoa-489.jpg
ĐB  Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). Ảnh: Lâm Hiển

Không cải cách bộ máy kiểu “khắc nhập, khắc xuất”

Đối với nền hành chính hiện đại, tự động hóa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin thì yêu cầu phải đổi mới quy trình, chuẩn hóa các nhiệm vụ, quy trách nhiệm cụ thể,  xây dựng, tạo lập chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong một trình tự nghiêm ngặt từ đó thay đổi thủ tục hành chính, rút gọn vị trí việc làm, giảm biên chế, thu gọn tổ chức bộ máy. Nhưng thực tế, càng ứng dụng công nghệ thông tin, càng gặp bế tắc trong tổ chức, Chính phủ điện tử vẫn chậm chạp. Hoặc như vấn đề hành chính công bao nhiêu năm nay vẫn quy định quy trình, thủ tục báo cáo định mức, tiêu chuẩn như vậy có theo kịp yêu cầu đổi mới hành chính hay không?

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

 


Đề cập đến tổ chức, hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đồng ý với nhận định được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát là đã cơ bản thực hiện sắp xếp, kiện toàn theo đúng quy định của Trung ương. Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Lâm cũng chỉ rõ, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, phức tạp, chia tách, thậm chí có nơi còn trì trệ, tiêu cực gây phiền hà, nhũng nhiễu với dân. Điều này, rõ ràng có phần trách nhiệm thuộc về các quy định hướng dẫn từ cấp trên chưa bảo đảm phù hợp với thực tiễn, sự cứng nhắc trong các quy định đã triệt tiêu sự sáng tạo của cấp dưới trong việc tổ chức, bộ máy phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện ở mỗi địa phương ở cả về lịch sử, văn hóa, dân cư, kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương rất khác nhau.

Cũng theo ĐB Trần Văn Lâm, mặc dù quy định về tổ chức bộ máy ở địa phương là rất cụ thể, chi tiết với yêu cầu rất ngặt nghèo là chấp hành, nhưng không gắn với yêu cầu cuối cùng là nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, thực thi nhiệm vụ. Vì thế, khi những khó khăn, phức tạp, yếu kém, buông lỏng quản lý nảy sinh thì chúng ta lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, có chỗ đổ thừa cho quy định cấp trên. Tức là, chúng ta chưa thực sự gắn được trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính cấp tỉnh và cấp trung ương.

ĐB Trần Văn Lâm nhấn mạnh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính là bộ phận cấu thành trong tổng thể cải cách nền hành chính quốc gia. Nó phải xuất phát từ mục đích, yêu cầu quản lý, phải tiến hành đồng bộ trong mối quan hệ hữu cơ với các nội dung cải cách khác, gồm cải cách thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách thủ tục hành chính… Tuy nhiên, trong thời gian qua, tính đồng bộ này chưa tốt. Việc đổi mới tổ chức bộ máy chưa gắn chặt với các khâu khác. Một ví dụ nhỏ, ở chính quyền cấp xã, theo quy định là phải giảm 1 Phó Chủ tịch xã nhưng ở cơ sở không đủ lãnh đạo xã để đi họp, không có lãnh đạo xã thường xuyên tiếp dân, không có người thường trực ký các văn bản khiến người dân phải chờ đợi. Vấn đề là, thay đổi cơ cấu lãnh đạo như vậy thì phải đổi mới cung cách làm việc, phân công lại trách nhiệm, giám sát việc họp hành, tăng trách nhiệm người đứng đầu… Nhưng thực tế thay đổi nội bộ cũng gây nên xáo trộn, bức xúc. 

http://daibieunhandan.vn/Portals/0/QH_30.10.2017/van-lam-489.jpg
ĐB Trần Văn Lâm(Bắc Giang). Ảnh:Lâm Hiển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước phải nằm trong tổng thể cải cách hành chính quốc gia. Nhấn mạnh điều này, ĐB Trần Văn Lâm nêu rõ, trong 6 khâu cải cách hành chính thì bộ máy phải là khâu ổn định nhất so với các khâu còn lại; bộ máy phải thiết lập sau cùng trên nền tảng các khâu khác. Tuy nhiên, thực tế dường như ngược lại, tính ổn định bộ máy trong những năm qua chưa được bảo đảm. Việc thường xuyên thay đổi chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của một số cơ quan đoàn thể chỉ trong một nhiệm kỳ, với thời gian không dài; hạn chế việc nghiên cứu, đề xuất mang tính dài hạn, hay nghiên cứu xây dưng cơ cấu, tổ chức Chính phủ cho nhiệm kỳ sau cũng chưa được quan tâm… Đây là nhận định xác đáng, sự xáo trộn thường xuyên ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, đến hiệu quả hoạt động của bộ máy. Có nơi sau chia tách, sáp nhập mất cả qua trình dài để ổn định tổ chức, nhất là sự đoàn kết, thống nhất nội bộ. ĐB đề nghị, trong thời gian tới, việc này càng phải thận trọng, đặc biệt quyết định thay đổi tổ chức bộ máy dựa trên cơ sở vững chắc, nghiên cứu khoa học bài bản, đánh giá, tổng kết thấu đáo, như tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 yêu cầu, bảo đảm kết hợp hài hòa sự kế thừa ổn định, đổi mới phát triển, thực hiện các bước đi vững chắc, có thí điểm. Câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất” không được ứng nghiệm vào việc chia tách, sáp nhập cải cách tổ chức bộ máy hành chính của nước ta.

Định kỳ đánh giá việc phân cấp quản lý

Giám sát tối cao của QH là vô cùng cần thiết, đúng định hướng, đáp ứng tinh thần tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thực tế, cải cách hành chính là việc không mới, đã được các tổ chức, cơ quan quan tâm. Nhưng đến nay, biên chế không giảm, vẫn phình ra, số lượng cục, vụ, viện tăng lên; nhiều Bộ số lượng thứ trưởng nhiều hơn quy định, làm tăng gánh nặng tiền lương, gây lãng phí, ảnh hưởng đến Đề án cải cách chế độ tiền lương. Theo Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước, hàng năm biên chế vẫn tăng cao, năm 2015 tăng 12,2%. Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi giải trình về nội dung này mà tôi rất chia sẻ là, “quýt làm cam chịu”.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)


Đối với quá trình kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xác định hợp lý số đầu mối trực thuộc, ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, không chỉ phải rà soát kỹ, sắp xếp hợp lý chức năng, nhiệm vụ của các Bộ về quản lý kinh tế mà còn cần rà soát cả trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khoa học - công nghệ.

Cũng theo ĐB Lê Anh Tuấn, việc tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô mở rộng hợp lý hơn cũng cần gắn với việc tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn, sắp xếp lại các Ban chỉ đạo liên ngành theo hướng nhiệm vụ của các Ban này sẽ chuyển về cho các Bộ tương ứng sau khi đã sắp xếp, hợp nhất một số Bộ có chức năng gần nhau, đối tượng, phạm vi khu vực liên quan quản lý với nhau để khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo. Có như thế mới bảo đảm thực hiện đầy đủ nguyên tắc mỗi việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính và các cơ quan khác chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện theo thẩm quyền. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan tổ chức đó. Không nhất thiết các đơn vị, địa phương phải có tổ chức, bộ máy giống nhau.

Tuy nhiên, việc này cần xác định lộ trình và thời gian cụ thể. Cần chỉ rõ việc thiết kế các mô hình này không đồng nghĩa với việc bỏ quản lý nhà nước. Đồng thời, chú ý làm rõ quy trình giới thiệu nhân sự của các Bộ quản lý ngành đối với việc bổ nhiệm người chịu trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực tại địa phương trong trường hợp không có sự thống nhất về mô hình, tổ chức, bộ máy, cơ quan quản lý ngành giữa Trung ương và địa phương. Ngay cả việc tinh giản biên chế cũng cần gắn với đặc điểm của từng loại đơn vị hành chính, không nên mang tính cơ học, cần bám sát quy mô dân số, đặc điểm, lợi thế so sánh của từng địa phương, các nhiệm vụ Trung ương ủy quyền cho địa phương thực hiện và quy hoạch phát triển KT - XH của địa phương đã được Trung ương phê duyệt.

http://daibieunhandan.vn/Portals/0/QH_30.10.2017/le-anh-tuan-489.jpg
ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh). Ảnh: Lâm Hiển

ĐB Lê Anh Tuấn cũng đề nghị, cần sớm tiến hành rà soát lại việc thành lập các đơn vị đại diện cho một số bộ, cơ quan ngang bộ của Việt Nam ở nước ngoài. Nếu các đơn vị này cơ cấu tổ chức thuộc Bộ thì cần tuân thủ theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, cần nghiên cứu để có giải pháp pháp lý giải quyết dứt điểm tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản luật hiện hành để tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước.

Chính phủ cần định kỳ đánh giá kết quả thực hiện phân cấp địa phương trong các lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư, quản lý công vụ, cán bộ, công chức viên chức, quản lý đất đai và các giải pháp, biện pháp của Chính phủ.

Thảo luận về nội dung này, các ĐBQH đánh giá cao kết quả giám sát; nêu rõ, với yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế của nước ta có nhiều vấn đề đặt ra đối với nền hành chính nhà nước, thay đổi cách thức vận hành để nâng cao hiệu lực hiệu quả, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng cơ chế tương tác giữa người dân và hệ thống hành chính quốc gia

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng: chất lượng cán bộ, công chức chưa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra. Số lượng cán bộ, công chức lớn nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Đánh giá hiệu quả công việc chưa sát thực tiễn, đánh giá cuối năm đều hoàn thành nhiệm vụ, chưa có sự chuyển biến trong phương thức, tiêu chí đánh giá. Việc tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ có Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế, nhưng theo số liệu báo cáo của Chính phủ thì giai đoạn 2007 - 2011 chỉ tinh giản 2,8%, trong đó hơn 90% đối tượng nghỉ hưu trước tuổi. Năm 2011 - 2016, biên chế tăng, cuối năm 2016 tăng gần 4,8% so với năm 2011. Bình quân mỗi năm tăng gần 1%. Điều đó cho thấy, giải pháp giảm biên chế chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng phình to các đầu mối, sắp xếp cán bộ công chức còn chậm. Đề án vị trí việc làm chưa đồng bộ triển khai chưa hiệu quả. Cùng với đó là sự tăng nhanh của lực lượng không chuyên trách cấp xã. Theo báo cáo của Chính phủ, trong 5 năm số cán bộ này tăng 210.266 nghìn người, tăng bình quân 2 - 3 người/xã. Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này thấp.

ĐB Phùng Đức Tiến kiến nghị, khẩn trương, xây dựng hoàn thiện áp dụng đồng bộ Chính phủ điện tử. Đây là chủ trương cần thiết trong thời kỳ phát triển công nghệ thông tin. Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, rà soát đề án vị trí việc làm sát thực tế và có lộ trình thực hiện. Có tiêu chí đánh giá cán bộ dựa trên năng lực, việc làm để có cơ sở để sắp xếp tinh giản biên chế. Giảm tối đa bộ máy, khẩn trương chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ tự chịu trách nhiệm để áp dụng ngân sách. Rà soát các đơn vị chỉ để lại các đơn vị thực sự cần thiết không thể giao cho tư nhân, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Quy định cụ thể vai trò vị trí chức năng nhiệm vụ của các tổ chức, các thôn, tổ dân phố để xác định rõ số lượng và cơ chế quản lý, chế độ phụ cấp hợp lý. Xây dựng cơ chế tương tác của người dân với hệ thống hành chính quốc gia. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả của cải cách bộ máy hành chính, xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ.

6 nhóm giải pháp cơ bản

Trên cơ sở kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Đoàn giám sát đã đề xuất 6 nhóm giải pháp, kiến nghị để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Cụ thể là:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chất lượng:

- Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết về tổ chức bộ máy và văn bản liên quan nhằm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở trung ương và của mỗi cấp chính quyền địa phương; không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước. 

- Trong năm 2017, Chính phủ khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổng cục và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; văn bản hướng dẫn liên quan đến Hội đồng nhân dân; ban hành nghị định về tiêu chí thành lập và thống nhất mô hình tổ chức phòng, vụ, cục, tổng cục thuộc Bộ và phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. 

- Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước giữa các cấp hành chính và giữa các cơ quan cùng cấp trong bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm thực hiện có hiệu quả hơn nguyên tắc một cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; giảm tối đa tình trạng một việc phải qua nhiều cấp xử lý mới quyết định được; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp. Rà soát chuyển những nhiệm vụ mà Nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho xã hội đảm nhận trên cơ sở xác định rõ vai trò Nhà nước -  Thị trường - Xã hội.

http://daibieunhandan.vn/Portals/0/QH_30.10.2017/qh-dinh-a13010.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ ba, tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm: 

- Đối với Chính phủ: Tiếp tục kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng xác định hợp lý số đầu mối trực thuộc, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động. Nghiên cứu điều chỉnh ngành, lĩnh vực quản lý giữa các cơ quan để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan; nghiên cứu hợp nhất một số Bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước. 

- Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn, giảm cấp trung gian; giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt thì phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ.

- Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, nghiên cứu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động phù hợp với đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp, không áp dụng như mô hình tổ chức của các Bộ. 

- Đối với chính quyền địa phương: Thực hiện từng bước sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng tiêu chí quy định và xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp. Thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp, thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp huyện, cấp xã ở nơi có điều kiện. Đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính, xác định cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế… phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại địa phương. Rà soát lại tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố, giảm đầu mối, tăng hiệu quả hoạt động; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động để thôn, tổ dân phố thực sự là hình thức tự quản của cộng đồng dân cư.

Nghiên cứu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện và tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.   

Áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, khoán số lãnh đạo cấp phó đơn vị trực thuộc, khoán tổ chức cho các địa phương tự chủ quyết định cụ thể, phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc thù địa phương.

- Giảm số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương; giải thể những tổ chức hoạt động không hiệu quả. Từ năm 2018, việc thành lập mới tổ chức liên ngành phải có thời hạn (hết thời hạn thì đương nhiên chấm dứt). Kiên quyết không thành lập mới các tổ chức phối hợp liên ngành làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế.

- Khẩn trương sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm tối đa đầu mối để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Đẩy mạnh việc xã hội hóa, mở rộng tự chủ của các đơn vị, hạn chế tối đa việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập tại những địa bàn mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư thành lập. 

Thứ tư, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động:

- Xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động quản lý, quy mô phát triển,... để xác định tổng biên chế của các Bộ, ngành, địa phương, tránh việc áp đặt bình quân đồng loạt.  

- Thực hiện việc khoán kinh phí chi trả phụ cấp cho số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố gắn với xây dựng mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư. 

- Tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015 nhưng vẫn phải thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. 

- Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, công bằng, công khai về kết quả thực thi nhiệm vụ, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. Xây dựng tiêu chí làm cơ sở xác định đối tượng cần tinh giản một cách khoa học, chính xác, thuyết phục. 

Thứ năm, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính, đáp ứng các điều kiện bảo đảm cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, người giữ chức vụ chủ chốt do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Vẫn chậm điều chỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều đầu mối. Vào cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu , chưa thực hiện đúng yêu cầu trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị. 


Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, không tăng thêm đầu mối, tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phát huy hiệu quả hoạt động, năng lực quản lý nhà nước được nâng lên, đã từng bước khắc phục được nhiều việc chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý giữa các Bộ, ngành. Tuy nhiên, Chủ  nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ: tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm.

Về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của chính quyền địa phương, báo cáo giám sát đánh giá, kết quả hoạt động cơ bản được nâng lên, bước đầu thực hiện cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ và chưa triệt để; một số nội dung tuy đã phân cấp cho cấp dưới nhưng sau một thời gian ngắn, cấp trên lại thu về (như một số nội dung trong lĩnh vực đầu tư công, xây dựng hoặc việc đăng ký quyền sử dụng đất). Tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn là phổ biến (có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các Bộ, cơ quan ngang Bộ ở Trung ương); chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương. Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý. 

Trong giai đoạn giám sát, số đơn vị sự nghiệp công lập tăng lên và chưa có xu hướng giảm. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và đổi mới, sắp xếp lại khu vực các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả thấp. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đẩy mạnh (năm 2015, cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính, trong đó chỉ có 1.114 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 3,7%), 10.827 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (chiếm 35,8%) và 18.278 đơn vị vẫn phải do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 60,5%)). Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các địa phương tăng nhanh (năm 2011 là 1.971.577 người, đến năm 2016 là 2.093.313 người, tăng 121.736 người (5,8%).


Báo cáo kết quả giám sát cũng nêu rõ: mô hình tổ chức quản lý ở cấp xã được thực hiện đúng quy định và hướng dẫn của cấp trên là cấp chính quyền gần dân nhất nên có vai trò quan trọng trong quản lý dân cư và thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội ở cơ sở; tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế. Thôn, tổ dân phố đang có xu hướng chuyển từ tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trở thành một cấp quản lý ở địa phương với cơ cấu tổ chức nhiều bộ phận, không khác nhiều so với ở cấp xã. Nhiều công việc của cấp xã giải quyết phải thông qua thôn, tổ dân phố. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tăng nhanh (từ 729.509 người giai đoạn tháng 8/2011 lên 837.657 người tại thời điểm tháng 12/2016, tăng 108.148 người), trong khi mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương rất thấp, chỉ 0,2 - 0,3 mức lương cơ sở, gây nhiều khó khăn, tâm tư trong chính đội ngũ này. Ở một số nơi, chính quyền cơ sở còn quan liêu, xa dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ, khi xảy ra tình huống phức tạp đều phải do cấp trên xử lý, giải quyết.

Về biên chế công chức, theo ghi nhận của Đoàn giám sát, đã được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm nhưng nhìn chung, việc giao và quản lý biên chế chưa khoa học; thẩm quyền quản lý biên chế chưa thống nhất, thiếu tập trung. Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. Việc sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tính khả thi không cao; tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị (tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 02 năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (mới đạt 0,83%).

Nhiều kết quả quan trọng

Thay mặt Đoàn giám sát của QH, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát đã được Đoàn giám sát chuẩn bị trong gần 1 năm qua.

http://daibieunhandan.vn/Portals/0/QH_30.10.2017/qh-dinh-3010.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát
Ảnh:Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, trong giai đoạn 2011 – 2016, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, phát huy được những kết quả của việc cải cách hành chính, sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy trong các giai đoạn trước, kế thừa và có bước phát triển. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước ta: chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững, kinh tế, văn hóa – xã hội đều có bước phát triển, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên. Công tác điều hành, quản lý nhà nước từng bước được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều đạt giá trị trung bình trên 70%; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh từ năm 2011 đến năm 2016 đều ghi nhận sự đánh giá tích cực của người dân về chất lượng dịch vụ hành chính công. Lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Hệ thống các văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện, thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng; nội dung bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng được nâng lên (với tổng số 266 văn bản của Trung ương mà Đoàn đã giám sát, gồm 02 bản Hiến pháp, 06 luật, 176 nghị định, 55 thông tư và 27 nghị quyết, quyết định), góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống văn bản vẫn chưa thật đồng bộ, còn phức tạp, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Một số chủ trương, chính sách của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể và kịp thời; một số văn bản chất lượng chưa cao, tính ổn định thấp, nhiều văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhưng vẫn quy định làm tăng tổ chức bộ máy và biên chế, gây khó khăn cho việc thực hiện.

Theo daibieunhandan.vn

 

Các tin khác:
  • Một bộ phận cán bộ vô cảm, tai tiếng do tham nhũng, lợi ích nhóm (29/10/2017-19:13)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến về Đề án chính sách phát triển Khoa học và Công nghệ và nhiều nội dung quan trọng (27/10/2017-7:38)
  • Nhận diện âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa và đề ra cách thức đấu tranh (24/10/2017-15:22)
  • Hủy quyết định xử phạt bác sĩ nói xấu Bộ trưởng trên Facebook (24/10/2017-10:33)
  • 174 bài viết, tài khoản Facebook bôi nhọ, xuyên tạc cá nhân, tập thể (24/10/2017-7:54)
  • Cuộc thi "Chinh phục 2017": Học bổng 1,5 tỉ đồng dành cho Quán quân (24/10/2017-7:52)
  • Phát động cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” (22/10/2017-10:31)
  • Trao giải cuộc thi ảnh với chủ đề "Xứ Thanh - 72 mùa thu cách mạng" (20/10/2017-8:44)
  • Tết Nguyên Đán: Đã chốt đề xuất cuối cùng về lịch nghỉ Tết Mậu Tuất (19/10/2017-7:56)
  • Trại giam ở Thanh Hóa bác thông tin 300 tù nhân chết trong lũ (19/10/2017-7:44)