Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Đào tạo tiến sĩ nhiều, sử dụng được bao nhiêu? (13/11/2017-7:45)
    Chi 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ là vấn đề đang gây “nóng” trong dư luận những ngày qua. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Bộ GD-ĐT “mạnh tay” đào tạo tiến sĩ có thể gây lãng phí khi việc sử dụng số lượng tiến sĩ hiện có vẫn chưa hiệu quả.
Đào tạo tiến sĩ nên theo chất lượng đừng chạy đua số lượng. (ảnh minh họa: IT)

Mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ nằm trong đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục ĐH giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030 của Bộ GD-ĐT.

Lý giải về mục tiêu này, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH còn thấp và chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi, chưa cân xứng giữa các ngành nghề. Trong khi đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn rất thấp so với các nước lân cận. Cụ thể, đến năm 2017, Việt Nam mới đạt tỷ lệ 22,7% trong khi Thái Lan là 24% từ năm 2005, Malaysia đạt 73% từ năm 2010...

Đồng tình với việc cần nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên để cải thiện chất lượng giáo dục ĐH, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đào tạo nếu không vì “chất” mà chỉ chạy đua theo số lượng sẽ gây lãng phí lớn. Trong khi đó, hiện cả nước vẫn có 23.000 GS, PGS, TS nhưng hiệu quả nghiên cứu khoa học thì chưa đâu vào đâu.

Chia sẻ với báo chí, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng, phải thừa nhận rằng, hiện nay, ở nước ta, việc đào tạo tiến sĩ vẫn diễn ra một cách dễ dãi, qua loa, chất lượng chưa ổn. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT nên thực hiện ngay việc rà soát lại các cơ sở đào tạo tiến sĩ. “Không phải cơ sở nào cũng có thể đào tạo, đã đến lúc cần cương quyết hơn. Trường nào đào tạo tiến sĩ phải nghiên cứu khoa học mạnh, có bề dày truyền thống, có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên tốt” - TS Khuyến cho hay.

Trong khi đó, GS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục lại cho rằng, chủ trương thì tốt nhưng vấn đề là đào tạo như thế nào để mang lại hiệu quả thực sự. Đó cũng là một câu chuyện phải bàn kỹ.

“Tôi nghĩ rằng, những người được chọn đi học phải học thật và quá trình đào tạo phải mang lại kết quả thật. Chúng ta chấp nhận kéo dài thời gian thậm chí là tốn kém nhưng vấn đề là tiến sĩ phải có trình độ thực sự” - GS Bảo nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nếu ngành giáo dục có thêm nhiều tiến sĩ thì cũng tốt nhưng chất lượng tiến sĩ của chúng ta chưa cao, nhất là khoa học giáo dục của ta chưa phát triển.

“Phải xem xét lại quy trình đào tạo tiến sĩ ở các trường ĐH làm sao cho thực sự cải tiến và có hiệu quả đào tạo. Còn nếu chỉ chạy theo số lượng mà không củng cố chất lượng thì dù có học thật, bằng thật thì chất lượng vẫn giả” - ông Lâm nói.

Ông Lâm cho rằng, nên lấy chi phí nghìn tỷ trên để cải thiện lương cho giáo viên trước, tạo động lực cho họ làm việc. Theo ông, chỉ cần mỗi một ngành có những mũi nhọn, có những người nghiên cứu kịp thời là được. Phải đào tạo làm sao cho có hiệu quả mới đảm bảo yếu tố chất lượng.

Được biết, tổng chi phí của đề án 12.000 tỷ bao gồm 10.200 tỷ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020, được phê duyệt theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17.6.2010 của Thủ Tướng Chính phủ; 1.800 tỷ từ các cơ sở giáo dục đại học và đối tượng thụ hưởng Đề án.

Theo Tùng Anh/Báo Dân Việt

 

Các tin khác:
  • Bộ Y tế ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản, giảm chi tiền túi cho người dân (09/11/2017-8:37)
  • Lũ từ miền Bắc, lũ ngược miền Trung - Ai là thủ phạm? (08/11/2017-10:46)
  • Nếu không thay đổi cách làm: Sách giáo khoa sẽ vẫn toàn sạn (08/11/2017-10:44)
  • “Rất khó xử lý tài sản bất minh của cán bộ” (06/11/2017-8:29)
  • Không phải lập ra viện Đạo đức thì đạo đức cán bộ sẽ tăng lên (03/11/2017-12:00)
  • Yêu cầu chấm dứt lợi dụng ban đại diện phụ huynh để thu tiền (02/11/2017-12:27)
  • Cử nhân phải đốt bằng, công chức yếu kém vẫn "yên vị" lĩnh lương! (02/11/2017-11:51)
  • Internet không phải là công cụ kích động hận thù, chia rẽ đoàn kết quốc tế (02/11/2017-11:47)
  • Sẽ rà soát sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng (02/11/2017-11:46)
  • Thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe (31/10/2017-8:06)