Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tôi không thấy mình “liều lĩnh” (01/03/2018-7:56)
    (NLBTH) - Hữu Đại (Phóng viên Đài PT&TH Thanh Hóa) vừa có một năm thành công khi anh giành hai giải thưởng, trong đó có giải thưởng chưa có tiền lệ với người làm báo Thanh Hóa. Người làm báo đã có cuộc trò truyện với anh xung quanh vấn đề này.

Hữu Đại trong lần tác nghiệp tại vùng cao Quan Hóa

Phóng viên: Giải thưởng liên tiếp đến với anh và ê kíp sản xuất trong năm 2017, bên cạnh sự công phu, nghiêm túc trong lao động nghề nghiệp, theo anh còn yếu tố nào?

Nhà báo Hữu Đại: Hai năm trở lại đây, mỗi kỳ tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc, Đài PT&TH Thanh Hoá luôn đạt được kết qủa rất cao. 100% tác phẩm tham gia đều đoạt giải, trong đó có 4 giải vàng, 4 giải bạc và 2 bằng khen. Năm 2017, Đài có 1 tác phẩm đoạt giải B giải Báo chí quốc gia, là mức giải thưởng báo chí cao nhất từ trước đến nay của người làm báo Thanh Hóa. Kết quả này, theo tôi trước hết đó là sự quan tâm đầu tư, sự gợi ý định hướng ngay từ lúc chọn đề tài, xây dựng đề cương của Ban Giám đốc, của lãnh đạo Phòng Thời sự - Chính trị. Trong 2 năm trở lại đây, trước mỗi kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc, với mỗi đề tài phóng viên đăng ký tham dự, đều được Ban Giám đốc, lãnh đạo các phòng chuyên môn và những nhà báo có nhiều kinh nghiệm xem xét, góp ý, từ việc lựa chọn tên đề tài cho đến cách thể hiện và nội dung chuyển tải.

Có thể nói, theo cảm nhận của riêng tôi, một tác phẩm của Đài PT&TH Thanh Hoá tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc là sản phẩm của cả một tập thể, chứ không phải của riêng một ê kip hay cá nhân nào. Với tôi, là một người chưa có nhiều tuổi nghề, đây là một điều rất quan trọng. Bởi, chúng tôi, những phóng viên va chạm với cơ sở nhiều, hay bị cuốn đi theo những cảm nhận cá nhân của mình, có thể trước một hiện tượng không có được nhiều sự tỉnh táo, khách quan để suy xét, phân tích thấu đáo, tìm ra cốt lõi của vấn đề hay căn nguyên của câu chuyện. Nếu không được định hướng, thì chúng tôi sẽ dễ bị sa đà vào nhận định chủ quan. Mà với những đề tài mang tính phản biện chính sách, thì đây là một điều không được phép. Do vậy, những định hướng của Ban Biên tập, Ban Giám đốc Đài và lãnh đạo Phòng Thời sự - Chính trị, với tôi, là những điều tối quan trọng để có thể thành công.

Phóng viên: Để thực hiện những tác phẩm truyền hình thuộc loại “lao vào điểm nóng” động chạm đến nhiều ngành, nhiều người, anh có cảm thấy mình “liều lĩnh”?

Nhà báo Hữu Đại: Có thể người ngoài nhìn vào, thì thấy chúng tôi là “liều lĩnh”, nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Mỗi tác phẩm mang tính chất điều tra, hay đụng chạm, chúng tôi không đơn độc đằng sau chúng tôi là cả một tập thể. Đó là sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ các điều kiện tác nghiệp của Đài. Tôi lấy một ví dụ, đầu năm 2017, theo nguồn tin báo của người dân, chúng tôi phát hiện ra hành vi xả thải trái phép của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước. Thú thực, lúc đầu khi có nguồn tin, tôi cũng hơi hoang mang, chưa định hình ra được mình sẽ phải làm như thế nào để đưa việc này ra ánh sáng, đặc biệt trong việc thu thập các chứng cứ thuyết phục. Vì nơi xả thải hẻo lánh, đối tượng vi phạm thường xả vào đêm khuya, không có khung giờ cụ thể nào cả. Tôi đã báo cáo đề tài này với Giám đốc Đài, và Giám đốc đã gợi ý, chỉ đạo tôi các biện pháp, phương pháp tác nghiệp, đặc biệt trong việc thu thập hình ảnh và phương án có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp và các đầu mối cơ quan chức năng cần liên hệ làm việc khi sự việc xả thải được phát hiện. Với những phương án được chuẩn bị kỹ càng, chúng tôi đã “lật tẩy” được hành vi xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã của Nhà máy này. Với những chứng cứ thuyết phục, không thể chối cãi, lãnh đạo Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước đã phải thừa nhận hành vi của mình. Sau khi Đài PT&TH Thanh Hoá phát phóng sự này đã tạo được tiếng vang rất lớn, cơ quan chức năng và huyện Bá Thước vào cuộc xử lý doanh nghiệp.
Một điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là khi chúng tôi tác nghiệp những vấn đề mang tính chất nhạy cảm như vậy, chúng tôi không đơn độc. Sau khi ghi được hình ảnh xả thải của Nhà máy, chúng tôi đã điện về để xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Giám đốc dù đã gần 12 giờ đêm, nhưng Giám đốc vẫn chờ điện thoại để chỉ đạo công việc tiếp theo cho buổi sáng mai.
Không chỉ một vụ việc như vậy, mà trong tất cả các vấn đề chúng ta hay gọi là nhạy cảm, khi tác nghiệp chúng tôi không bao giờ đơn độc. Do vậy, tôi không thấy mình “liều lĩnh” khi dấn thân vào thực hiện những tác phẩm như vậy.

Phóng viên: Xem những tác phẩm của anh đoạt giải trong năm qua, người xem ngay từ đầu đã cảm nhận được anh định nói về vấn đề gì, nhưng càng xem lại càng bị dẫn dắt đến những vấn đề mới, những điều thú vị. Đặc biệt anh đã sử dụng nhiều con số theo cách riêng để minh họa. Phải chăng đây là một hướng đi mới trong sản xuất tác phẩm truyền hình ở Thanh Hóa?

Nhà báo Hữu Đại: Tôi chỉ tâm niệm một điều, với mỗi tác phẩm của mình, hãy cố gắng tìm cách thể hiện mới, tạo hiệu ứng tốt với người xem, để có thể truyền tải thông điệp đến người xem truyền hình một cách ấn tượng và hiệu quả nhất. Đơn giản chỉ là vậỵ.

Phóng viên: Có nhiều đề tài hay, ăn khách ở đô thị, ở vùng biển, nhưng vì sao cứ nhất thiết anh phải chọn vùng núi, vùng khó khăn để thực hiện. Anh yêu quý vùng cao, cảm thông, chia sẻ với đồng bào, hay bởi lẽ đất và người vùng cao thì dễ thuyết phục những người cầm cân nảy mực trong các cuộc thi?

Nhà báo Hữu Đại: Tôi hay viết về miền núi, về cuộc sống của đồng bào nơi đây và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đang được thực hiện ở khu vực này. Nó có hai lý do. Trước hết, tôi đã từng có gần 5 năm sống, làm việc với đồng bào miền núi khi là giáo viên dạy ở huyện biên viễn Quan Sơn. Nên trong một chừng mực nào đó, cuộc sống, tâm tư, lối sống, cách nghĩ của đồng bào miền núi, tôi có thể hiểu và chia sẻ. Do vậy, khi viết về khu vực này, tôi có cảm giác thân thuộc. Thứ hai là, trong những năm trở lại đây khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện nhiều chính sách, ban hành cơ chế để cải thiện và nâng cao cuộc sống của đồng bào. Theo tôi, đây là mảnh đất rất thuận lơị cho báo chí tác nghiệp, bởi có nhiều đề tài hay trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đó. Báo chí sẽ góp phần vừa tuyên truyền những cách làm hay, vừa có thể phản biện chính sách, để đi đến một mục tiêu chung là góp phần thúc đẩy việc thực hiện các cơ chế, chính sách đó được hiệu quả hơn.

Phóng viên: Có khi nào trong lúc tác nghiệp anh mang theo suy nghĩ (đúng hơn là lấn cấn) rằng sẽ thế nọ, thế kia, chẳng hạn một thế lực nào đó, điển hình là với tác phẩm “Sông mòn” đề cập đến vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp là thủy điện mà anh vừa đoạt giải vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37?

Nhà báo Hữu Đại: Khi thực hiện tác phẩm này tôi hoàn toàn không hề nghĩ đến điều đó. Bởi như tôi đã nói, đằng sau mỗi tác phẩm của chúng tôi là Ban Giám đốc, là lãnh đạo Phòng Thời sự - Chính trị định hướng, giúp đỡ chúng tôi. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn phản ánh một góc nhìn khác trong việc phát triển thuỷ điện ở Thanh Hoá. Chúng ta đã biết, thuỷ điện là hạ tầng quan trọng để phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển thuỷ điện lại đang tạo ra những xung đột, mâu thuẫn với người dân vùng ảnh hưởng của các dự án thuỷ điện, đặc biệt là với những người nghèo, những người yếu thế đang phải gắn bó sinh kế hằng ngày trên sông. Qua tác phẩm “Sông mòn”, chúng tôi muốn phản ánh những tác động của các dự án thuỷ điện từ góc nhìn của những con người này.

Phóng viên: Mỗi tác phẩm là những chuyến đi, vậy điều gì để lại cho anh sau khi thực hiện những tác phẩm đó?

Nhà báo Hữu Đại: Tôi chỉ nghĩ một điều, nếu đam mê thì sẽ thành công. Mỗi một chuyến đi, mỗi một tác phẩm thành hình, với tôi, đó là sự nuôi dưỡng niềm đam mê.

Phóng viên: Cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

Lam Vũ (thực hiện)

 

Các tin khác:
  • Cảnh báo hiện tượng trục lợi trong tác nghiệp báo chí (28/02/2018-8:33)
  • Công nghệ cắt ghép video có thể tạo nên kỷ nguyên mới của tin tức giả (28/02/2018-8:29)
  • Báo chí thời trí tuệ nhân tạo (23/02/2018-19:07)
  • Được sống với nghề báo là điều thật dễ chịu! (21/02/2018-10:55)
  • “Cắt được chữ nào phải cắt ngay, nào phải nhả ngọc phun châu đâu” (21/02/2018-10:51)
  • Ngày xuân - Nhàn đàm về đạo lý Người cầm bút (21/02/2018-7:42)
  • Nhận thức đầy đủ, đồng hành trách nhiệm (08/02/2018-15:17)
  • Quản lý hiệu quả hoạt động văn phòng đại diện, phóng viên thường trú (03/02/2018-8:17)
  • Chúng tôi đi làm ký sự “Biển, đảo quê Thanh” (01/02/2018-15:08)
  • Sợ mất thông tin liên lạc hơn cả việc… không được ăn uống (01/02/2018-14:53)