Thứ hai, ngày 13/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Đã tinh giản biên chế được 34.663 người (27/03/2018-10:29)
    Đây là số liệu được lãnh đạo Bộ Nội vụ đưa ra tại buổi họp cung cấp thông tin cho báo chí tổ chức tại Hà Nội chiều 26/3/2018. Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đã cung cấp một số thông tin liên quan đến các vấn đề được dư luận quan tâm.

Liên quan đến đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại dự thảo luật  nó trên để nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ với chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.

Ông Thành phân tích thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương bao gồm cả phụ cấp làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề. Hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ; công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và đã ban hành một số văn bản về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo. Đến nay, nhà giáo được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất, đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự ưu đãi của Nhà nước đối với nhà giáo.

Về thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, từ năm 2015 đến ngày 28/2/2018 , tổng số người tinh giản biên chế la 34.663 người (năm 2015 là 5.778 người, năm 2016 là 11.923 người, năm 2017 là 12.660 người và 2 tháng đầu năm 2018 là 4.302 người). Tính đến thời điểm 28/2/2018, theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, số người nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc theo quy định của pháp luật là 6.832 người trong đó số người nghỉ hưu đúng tuổi là 4.850 người, thôi việc theo quy định là 1.982 người.

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã giới thiệu một số nội dung của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP (ngày 5/12/2017) của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ trẻ sinh viên và cán bộ khoa học trẻ. Trước đây điều 6 của Luật Cán bộ công chức có quy định Nhà nước có chinh sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Như vậy chính sách này chỉ ở phạm vi hẹp, và dành cho đối tượng là công chức còn những người trong đơn vị sự nghiệp chưa được đề cập. Song nội dung này của Luật cũng chưa được cụ thể hóa để thực hiện.

Trong bối cảnh đó, Nghị định 140 là văn bản thể chế hóa Kết luận 86-KL/TW ngày 24/1/2014 của Bộ Chính trị, một văn bản có rất nhiều đột phá về chủ trương của Đảng, quyết tâm của Bộ Chính trị và tâm huyết của nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước để xây dựng một đội ngũ trí thức, bồi dưỡng nhân tài trở thành lực lượng lao động có chất lượng cao, chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành trong tất cả các lĩnh vực.

Liên quan đến việc sáp nhập một số sở ngành, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Trong đó các sở hiện nay sẽ được phân nhóm, quy định những sở nào thống nhất trong cả nước, những sở nào giao quyền địa phương quyết định. “Trên cơ sở đó, Chính phủ giao cho địa phương quyết định việc sáp nhập, hợp nhất, thành lập một số sở và sắp tới TƯ không quy định sở có bao nhiêu phòng”,  ông Nguyễn Duy Thăng cho biết.

Dự kiến trong quý II/2018, Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị định nói trên, qua đó sẽ khắc phục được tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên mà báo chí phản ảnh thời gian qua.

Theo Baocongthuong

 

Các tin khác:
  • Đốt đuốc, soi chân mình! (26/03/2018-20:12)
  • Gần 90% người điều khiển phương tiện vận chuyển, bơm hút cát chưa có chứng chỉ chuyên môn (26/03/2018-10:15)
  • Khai mạc vòng sơ khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIII- 2018 khu vực miền Bắc (23/03/2018-20:17)
  • Tổ chức Giải báo chí về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi (23/03/2018-20:11)
  • Hội Nhà báo Việt Nam sẽ giám sát trực tiếp 33 cơ quan báo chí trong năm 2018 (23/03/2018-8:44)
  • Kết quả ban đầu xác minh thông tin có nội dung xấu trên mạng xã hội liên quan đến đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (22/03/2018-19:12)
  • Cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội (22/03/2018-19:10)
  • Vấn nạn tin giả, tin xuyên tạc tràn lan trên mạng xã hội (21/03/2018-16:15)
  • Thủ tướng Phan Văn Khải với báo chí: Đôi điều tôi biết (21/03/2018-16:05)
  • Tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng năm 2018 (18/03/2018-15:03)