Thứ ba, ngày 23/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Phát huy hiệu quả từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá (08/05/2018-7:18)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2018 - Giải Búa liềm vàng

Chi bộ thôn Thanh Sơn, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) họp bàn công tác tuyên truyền,

vận động nhân dân xóa đói, giảm nghèo.  M.H

Bài 1: Tinh gọn để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước

Theo thống kê từ Sở Nội vụ, ngân sách Nhà nước chi trả hằng năm cho những người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh lên tới 614 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoán phụ cấp 588 tỷ đồng (chi phụ cấp những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 182 tỷ đồng; thôn, tổ dân phố là 406 tỷ đồng).

LTS: Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31-8-2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố là nền tảng quan trọng để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 25-10-2017 về lãnh đạo thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, đồng thời coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Hiệu quả từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố tại nhiều địa phương trong tỉnh thời gian vừa qua cho thấy đây là chủ trương hết sức đúng đắn.

 

Trước thời điểm sáp nhập thôn, tổ dân phố, tỉnh Thanh Hóa có 5.971 thôn (bản), tổ dân phố và 35.143 người hoạt động không chuyên trách. Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương có số thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước. Số lượng thôn (bản), tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách đông, nhưng quy mô dân số tại các thôn (bản), tổ dân phố có sự khác biệt rõ rệt dẫn đến việc phân tán, giảm khả năng phát huy nguồn lực từ cộng đồng dân cư; làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng đô thị văn minh và nông thôn mới ở nhiều địa phương trong tỉnh...

 

Số lượng thôn, tổ dân phố lớn...

 

Buốc Hiềng là bản miền núi của xã Trung Thành, huyện Quan Sơn. Nơi đây vỏn vẹn chỉ có 11 hộ dân, 40 nhân khẩu với 100% dân số là đồng bào dân tộc người Mông. Tuy là bản có quy mô thôn nhỏ, nhưng vẫn có đầy đủ các chức danh theo quy định tại Văn bản số 3462/2015/QĐ-UBND ngày 15-9-2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa về chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách của thôn, tổ dân phố. Như vậy, tính trung bình, cứ khoảng hơn 1 hộ dân trong bản thì có 1 người hoạt động không chuyên trách. 

 

Đồng chí Hà Công Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Thành nhẩm tính: “Hiện tại toàn xã có 10 thôn, bản với 98% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Mường) và hàng chục người hoạt động không chuyên trách tại thôn, bản. Hằng năm, ngân sách Nhà nước phải chi cả trăm triệu đồng để trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách thôn, bản”.

 

Trong khi đó, tại thôn Thượng Hải, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia có tới 1.013 hộ với 4.412 nhân khẩu. Nếu so sánh quy mô số hộ dân tại hai thôn, bản thì số hộ dân tại thôn Thượng Hải gấp gần 100 lần so với bản Buốc Hiềng. Tuy nhiên, theo quy định, cả hai thôn, bản của hai địa phương nêu trên đều được bố trí đầy đủ số lượng các chức danh và được hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước như nhau. 

 

Thực trạng quy mô thôn, tổ dân phố không đồng đều, nhưng vẫn được bố trí số lượng cán bộ không chuyên trách như nhau là thực trạng diễn ra khá phổ biến tại nhiều thôn (bản), tổ dân phố, tồn tại trong nhiều năm ở nhiều địa phương trong tỉnh.

 

Theo Sở Nội vụ, trước thời điểm sáp nhập thôn, tổ dân phố (30-6-2017), toàn tỉnh có 5.971 thôn và 35.143 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Mặc dù có số lượng thôn (bản), tổ dân phố lớn, nhưng toàn tỉnh có tới 3.773/5.971 thôn, tổ dân phố (trong đó có 2.870 thôn, tổ dân phố ở đồng bằng và 863 thôn, tổ dân phố ở vùng miền núi) chưa đảm bảo tiêu chí số hộ theo quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31-8-2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố.

 

Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31-8-2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố nêu rõ: Thôn ở vùng đồng bằng phải có từ 200 hộ trở lên; ở vùng miền núi biên giới phải có từ 100 hộ gia đình trở lên; đối với tổ dân phố ở vùng đồng bằng phải có từ 250 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi phải có từ 150 hộ gia đình trở lên).

 

Báo cáo của Sở Nội vụ về công tác sáp nhập thôn, tổ dân phố năm 2017 chỉ rõ, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi số lượng đảng viên, hội viên rất thấp (bản Xia Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn; bản Bước, xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa có 3 đảng viên; bản Ma Hác, xã Trung Lý, huyện Mường Lát có 3 hội viên cựu chiến binh), làm giảm khả năng tập hợp thành viên tham gia tổ chức, làm ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của chi bộ, chi hội, chi đoàn. Công tác lựa chọn nhân sự làm bí thư, trưởng thôn, trưởng các chi hội gặp nhiều khó khăn do số lượng người ít, chủ yếu là người lớn tuổi tham gia.

 

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách tại nhiều thôn, tổ dân phố chưa cao, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng hoạt động của thôn, tổ dân phố. Theo thống kê, toàn tỉnh còn 22.022 người, chiếm 62,7% chưa qua đào tạo chuyên môn; có 22.624 người, chiếm 75,8% chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Độ tuổi tham gia công tác còn cao, nhất là bí thư chi bộ (có 3.626/5.928 người, chiếm 61,2% từ 50 tuổi trở lên; trưởng thôn có 2.999/5.862 người, chiếm 51,2%).

 

Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ trăn trở: “Với số lượng 5.971 thôn, tổ dân phố và 35.143 người hoạt động không chuyên trách, Thanh Hóa là một trong những địa phương có số thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước. Thực trạng trên làm phân tán, giảm khả năng phát huy nguồn lực từ cộng đồng dân cư; nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng các công trình văn hóa công cộng, khu vui chơi thể thao tăng cao. 

 

Quy mô các thôn, tổ dân phố giữa các khu vực và ngay cả trong cùng một xã cũng không đồng đều, đặc biệt là thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao của thôn, tổ dân phố; việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn, nhất là trong xây dựng mới đường giao thông, hội trường - nhà văn hóa, khu thể thao là những công trình có ý nghĩa quan trọng ở thôn, tổ dân phố, nơi thực hiện quy chế dân chủ trực tiếp đến nhân dân; làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Số lượng thôn, tổ dân phố cao cũng tạo ra nhiều đầu mối trong quản lý của chính quyền cơ sở, làm giảm khả năng nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách”, đồng chí Đầu Thanh Tùng đánh giá.

 

Gánh nặng ngân sách

 

Số lượng thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước không những ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh mà còn tạo nên gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

 

Theo thống kê từ Sở Nội vụ, ngân sách Nhà nước chi trả hằng năm cho những người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh lên tới 614 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoán phụ cấp 588 tỷ đồng (chi phụ cấp những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 182 tỷ đồng; thôn, tổ dân phố là 406 tỷ đồng).

 

Để góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã thôn, tổ dân phố, đồng thời nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực của Nhà nước kết hợp với nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội ở cộng đồng dân cư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chủ động ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 25-10-2017, về lãnh đạo thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3507/QĐ-UBND ngày 18-9-2017, phê duyệt đề án  sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố. 

 

Đồng chí Trần Quốc Huy, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh là chủ trương lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Do đó, các địa phương phải coi việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương, đơn vị trong thời gian tới để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đảm bảo đạt mục tiêu đề ra. Việc thực hiện phải đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở trong năm 2018. Mục tiêu đến 30-6-2018 toàn tỉnh giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố (tương ứng trên 20%) so với hiện nay”. 

  

Theo Quyết định số 3462/2015/QĐ-UBND ngày 15-9-2015 của UBND Thanh Hóa về chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách của thôn, tổ dân phố, tổ chức mỗi thôn có 6 chức danh bố trí tối đa 6 người (riêng miền núi được bố trí thêm 1 người là nhân viên y tế) được hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước bao gồm: Bí thư chi bộ; trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố; công an viên hoặc tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố; thôn đội  trưởng kiêm tổ phó tổ bảo vệ an ninh trật tự, hoặc thôn đội trưởng kiêm tổ phó tổ bảo vệ dân phố; tổ viên tổ bảo vệ an ninh trật tự hoặc tổ viên tổ bảo vệ dân phố; nhân viên y tế thôn). Đó là chưa kể đến các chi hội của các tổ chức chính trị xã hội (MTTQ, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi...) hưởng hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động từ dân cư và các nguồn hợp pháp khác

Theo Xuân Quang - Văn Định/Báo Thanh Hóa điện tử





Bài 2: Tạo đột phá bằng những cách làm sáng tạo, hiệu quả

Thực hiện quy định sáp nhập thôn, tổ dân phố từ việc tổ chức thí điểm sáp nhập thôn tại xã Định Liên, sau đó tiếp tục nhân rộng tại một số xã của huyện Yên Định, Thiệu Hóa và Quảng Xương... đến nay, việc triển khai đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trở thành phong trào, có sức lan tỏa sâu, rộng. Trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực.


Giao thông nội đồng xã Định Tân (Yên Định) được kiên cố đáp ứng nhu cầu sản xuất.  Lê Hà

 

Phương châm “mưa dầm thấm sâu”

 

Quá trưa, trưởng thôn 2, xã Định Tiến (Yên Định), ông Mai Thanh Nguyện mới trở về nhà sau khi hoàn tất nhiệm vụ tuyên truyền nếp sống mới tại khu dân cư. Ông Nguyện năm nay đã 55 tuổi, có thâm niên làm trưởng thôn nhiều hơn bất cứ vị trưởng thôn nào trong xã. Dáng gầy gò, nhưng ông được trời phú cho sức khoẻ nên rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Đợt sáp nhập thôn năm 2013, ông Nguyện tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu, giữ chức trưởng thôn cho đến nay.

 

Cũng từ khi thôn 2 hoàn tất việc sáp nhập thôn, công việc của ông có phần vất vả hơn. Ông nói: “Muốn chủ trương của Đảng, Nhà nước phát huy thực tiễn tại cơ sở thì cán bộ, đảng viên phải gần dân, gắn bó sâu sát với dân để chủ động nắm bắt, xử lý từng vấn đề phát sinh ngay trong từng hộ dân. Làm tốt điều này sẽ tạo sự đoàn kết, thống nhất khi thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và việc sáp nhập thôn, tổ dân phố nói riêng”, trưởng thôn Mai Thanh Nguyện chia sẻ.

 

Năm 2013, làng Lang Thôn bắt tay vào việc thực hiện sáp nhập thôn 3 với 114 hộ dân và thôn 4 với 114 hộ dân thành thôn 2. Thời điểm trước khi sáp nhập thôn, mỗi thôn đều có số người hoạt động không chuyên trách lên tới cả chục người.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm hoàn thành việc sáp nhập thôn, ngoài việc giảm được số người hoạt động không chuyên trách, thôn đã huy động trong nhân dân được 1,3 tỷ đồng kết hợp với nguồn vốn kích cầu của Nhà nước để hoàn thiện hơn 1 km đường giao thông nội đồng, mương dẫn nước, phục vụ cho sản xuất. Điều này góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân trong thôn.

 

Thôn 2 chỉ là một trong số 16 thôn của xã Định Tiến thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Thông tư số 04/2012/TT-BNV. Trước thời điểm sáp nhập thôn (năm 2013), toàn xã có 16 thôn, với 100% thôn có quy mô dưới 200 hộ dân. Số người hoạt động không chuyên trách lên tới hơn 80 người, chưa tính trưởng, phó các đoàn thể trong thôn. Hàng năm ngân sách Nhà nước phải chi gần 1 tỷ đồng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách thôn.

 

Sau khi kế hoạch sáp nhập thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tháng 2-2013, ban chỉ đạo sáp nhập thôn của xã Định Tiến đã thực hiện đúng quy trình các bước sáp nhập thôn, tổ dân phố theo hướng dẫn. Đến tháng 4-2013, 100% các thôn trong xã đã sáp nhập theo đúng quy định, đồng thời giảm từ 16 thôn còn 6 thôn. Số người hoạt động không chuyên trách thôn giảm hơn một nửa so với trước đây. Mỗi năm địa phương tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 700 triệu đồng.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thúy, phó bí thư, chủ tịch HĐND xã cho biết, việc xã hoàn thành sáp nhập thôn tạo ra nền tảng quan trọng trong việc huy động nguồn lực, giúp địa phương cán đích nông thôn mới năm 2015.

 

“Trong xây dựng nông thôn mới, khi sáp nhập từ 16 thôn xuống còn 6 thôn thì nhu cầu chỉ cần 6 nhà văn hóa và 6 sân vận động. Điều này vừa tiết kiệm được đất cho Nhà nước, giảm bớt sức đóng góp của nhân dân và việc huy động nguồn lực dễ dàng hơn. Sau khi hoàn thành sáp nhập thôn, xã đã huy động được gần 12 tỷ đồng từ nhân dân để hoàn thiện công trình xây dựng trường mầm non, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các thôn xóm như nhà văn hóa, hệ thống mương tiêu nước có nắp đậy và các công trình phúc lợi khác”, đồng chí Nguyễn Ngọc Thúy cho biết.

 

Để thực hiện tốt việc sáp nhập thôn trên địa bàn xã, đồng chí Nguyễn Ngọc Thúy nêu kinh nghiệm thực tiễn: “Vấn đề quan trọng nhất trong việc sáp nhập thôn chính là sự đồng thuận của người dân, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch sáp nhập thôn, đa số ý kiến đều đồng tình, nhưng bên cạnh đó cũng còn ý kiến băn khoăn, lo lắng vì khi sáp nhập thôn, nếu không chọn được cán bộ có uy tín sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động phong trào trong khu dân cư. 

 

Do đó, thực hiện kế hoạch sáp nhập thôn, tổ dân phố được thông qua, ban chỉ đạo sáp nhập thôn đã tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, yêu cầu chủ trương sáp nhập thôn đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã. Nội dung này cũng thường xuyên được lồng ghép, triển khai tại các buổi sinh hoạt chuyên đề ở chi bộ, trên thông tin truyền thanh của xã với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố. 

 

Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong trong nhận thức và gương mẫu thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động, tuyên truyền chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố tới từng hộ gia đình. Từ đó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, để đề xuất, tham mưu, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế”.

 

Mô hình “hai trong một”

 

Xã Yên Ninh (Yên Định) là một trong số ít các đơn vị trong huyện có cách làm hiệu quả, sáng tạo với mô hình “hai trong một”, lồng ghép việc sáp nhập thôn với việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Theo đó, đầu năm 2016, UBND xã Yên Ninh sau khi tiếp thu chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, triển khai, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn đảng bộ và nhân dân từ chi hội, đoàn thể các xóm về nội dung sáp nhập thôn kết hợp với việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đến tháng 9-2017 mô hình “hai trong một” tại địa phương đã đem lại kết quả cụ thể.

 

Đồng chí Đỗ Công Hưng - Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết: “Trước khi sáp nhập thôn, xã Yên Ninh có 10 thôn, với 20 bí thư chi bộ và trưởng thôn. Trong số các trưởng thôn có nhiều người không phải là đảng viên, do vậy việc điều hành tại tổ tự quản còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Khi lồng ghép việc sáp nhập thôn và nhất thể hóa hai chức danh cùng một thời điểm, thì số lượng thôn giảm còn 5 thôn, đồng thời số cán bộ kiêm nhiệm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn chỉ còn 5 người. Việc thực hiện mô hình “hai trong một” vừa giúp tinh gọn số cán bộ hoạt động không chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ, vừa tiết kiệm được ngân sách Nhà nước”.

 

Đồng chí cho biết thêm: “Để việc sáp nhập thôn và nhất thể hóa chức danh được thành công, không làm ảnh hưởng tới tâm lý cán bộ, điều quan trọng là làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách, giúp họ hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc sáp nhập thôn, từ đó xác định được vai trò của mỗi cá nhân trong việc thực hiện đề án, để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện”.

 

Ông Trịnh Đình Hồng, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn 3 cho biết, sau khi thôn 3 được thành lập trên cơ sở sáp nhập thôn 5 và thôn 6, cán bộ thôn phát huy tốt hơn tinh thần trách nhiệm trong công việc, góp phần tạo nên hiệu quả trong việc tuyên truyền, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại khu dân cư. Khi chưa sáp nhập thôn và nhất thể hóa chức danh thì một chủ trương phải triển khai tới hai lần ở hai thôn. Có khi chủ trương đó lại có cách hiểu và cách thực hiện khác nhau, nên khó mang lại hiệu quả tốt khi thực hiện. Nhưng khi hai thôn được sáp nhập thành một thôn, một chủ trương chỉ cần triển khai 1 lần, qua đó phát huy được tính dân chủ, khắc phục được tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương và tổ chức thực hiện, thuận lợi cho việc triển khai nghị quyết, kế hoạch của cấp trên. 

 

Xã Định Tiến, Yên Ninh chỉ là số ít các địa phương của huyện Yên Định đi đầu và có cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố. Để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác sáp nhập thôn trên địa bàn huyện và tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 12CT/TU ngày 25-10-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt, phổ biến sâu rộng và thực hiện nghiêm túc chỉ thị trên đến cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương; xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện chỉ thị và Quyết định 3570/QĐ-UBND ngày 18-9-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện và chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách dôi dư.

 

Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện sáp nhập toàn huyện giảm được 32 thôn với 192 người hoạt động không chuyên trách và 192 tổ chức chi hội các đoàn thể thôn. Mỗi năm đã giảm được hơn 2 tỷ đồng kinh phí chi trả cho các thôn và phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn.

 

Đồng chí Vũ Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Định đánh giá về hiệu quả việc thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện: Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã tạo thuận lợi trong việc tổ chức hoạt động của cộng đồng dân cư, khôi phục và duy trì các làng truyền thống trước đây. 

 

Việc huy động đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể tham gia các hoạt động cộng đồng cũng thuận lợi hơn, đặc biệt là số đảng viên chi bộ thôn sau khi sáp nhập đông hơn, thuận lợi cho cấp ủy, chính quyền cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ được tinh giản, chọn lọc được những cán bộ có năng lực nên hiệu lực quản lý Nhà nước tăng lên. Việc sáp nhập thôn đã tăng quy mô dân số, tăng số hộ ở các thôn, nên việc huy động đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi cho người dân được thuận lợi hơn...

 

Những kết quả đạt được trong công tác sáp nhập thôn trên địa bàn huyện Yên Định những năm qua là rất rõ ràng. Trong năm 2018, huyện Yên Định tiếp tục tập trung quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác sáp nhập thôn theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ đối với những đơn vị có đủ điều kiện sáp nhập. Huyện Yên Định sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Nội vụ đề nghị UBND tỉnh thẩm định trình HĐND quyết nghị về việc sáp nhập từ 226 thôn thành 148 thôn (giảm 78 thôn). 

 

Theo Xuân Quang - Văn Định/Báo Thanh Hóa điện tử

 





Bài 3: Sức lan tỏa rộng rãi

 - Thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trở thành phong trào, có sức lan tỏa sâu rộng khắp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo sự chuyển biến đáng kể trong đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đạt được, vẫn còn không ít trăn trở trong quá trình thực hiện đề án.


Nhà văn hóa thôn 1, xã Hoằng Long (TP Thanh Hóa) được xây dựng khang trang.

Ảnh: Phạm Nam 

 

Hiệu ứng “đô-mi-nô”

 

Hiệu quả mang lại trong việc sáp nhập thôn, thành lập tổ dân phố tại nhiều địa phương của huyện Yên Định có sức lan tỏa sâu rộng tới nhiều đơn vị khác trong tỉnh. Trong số các địa phương cấp huyện, Hoằng Hóa là một trong số ít những đơn vị có số lượng thôn, tổ dân phố sáp nhập, thành lập mới nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa. 

 

Theo đó, hưởng ứng phong trào sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Hoằng Hóa mặc dù không phải là đơn vị được chọn làm điểm theo kế hoạch sáp nhập thôn, tổ dân phố của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng với sự chủ động, quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, đến ngày 31-11-2017 địa phương đã hoàn thiện hồ sơ sáp nhập (đợt 1) tại 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện gửi Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. 

 

Đến nay, sau gần 5 tháng thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố (đợt 1), trong tổng số 60 thôn, tổ dân phố tại các xã, thị trấn (Hoằng Trinh, Hoằng Lương, Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Phong, Hoằng Tiến, thị trấn Bút Sơn), huyện tiến hành sáp nhập chỉ còn 36 thôn, giảm được 24 thôn sau khi sáp nhập, giảm 40% so với thôn, tổ dân phố trước đây. Theo kế hoạch sáp nhập thôn (đợt 2), trước ngày 30-4-2018, huyện Hoằng Hóa sẽ trình Sở Nội vụ, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đề án sáp nhập thôn của 29 xã còn lại (sáp nhập 191 thôn thành 95 thôn).

 

Theo tính toán, sau khi sáp nhập từ 370 thôn, toàn huyện sẽ giảm 121 thôn còn 249 thôn, đồng thời sẽ tiết kiệm cho ngân sách hằng năm hơn 9 tỷ đồng tiền phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố.

 

Đánh giá về hiệu quả trong việc thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Hùng Thao, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hoằng Hóa cho biết: “Việc triển khai kế hoạch sáp nhập thôn, tổ dân phố tại nhiều địa phương trong huyện tạo thuận lợi cho các đơn vị huy động tốt nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 25 xã trong huyện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới”, ông Thao cho biết.

 

Từ thực tế tại huyện Yên Định, Hoằng Hóa, tính đến cuối tháng 12 năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố một cách có hệ thống, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều địa phương khác như Quảng Xương, Hậu Lộc, Cẩm Thủy,  Hà Trung, Thọ Xuân... đã hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục đề án sáp nhập, thôn, tổ dân phố và bước đầu việc sáp nhập thôn, tổ dân phố đem lại hiệu quả rõ rệt.

 

Tính chung trên địa bàn tỉnh, sau khi hoàn tất đợt 1 công tác sáp nhập thôn, tổ dân phố (từ tháng 6 đến tháng 12-2017), toàn tỉnh đã giảm được 198 thôn, tổ dân phố và hơn 1.000 cán bộ không chuyên trách. Dự kiến đến ngày 30-6-2018, toàn tỉnh sẽ giảm được 1.486 thôn, tổ dân phố với khoảng 8.916 người hoạt động không chuyên trách. Mỗi năm tiết kiệm được xấp xỉ 100 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Đây là cơ sở từng bước nâng mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

 

Từ thực tiễn và kết quả đạt được khi thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, một số địa phương (Lạng Sơn, Hưng Yên) đã cử đoàn công tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện đề án của tỉnh:

 

“Không giống như một số địa phương khác, Thanh Hóa có thể coi là đơn vị tiên phong trong việc huy động cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ sáp nhập thôn, tổ dân phố bằng việc ban hành chỉ thị. Điều đáng lưu ý là, tỉnh coi việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là mục tiêu trọng yếu của địa phương, từ đó các đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố đưa ra kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc thực hiện và đạt được hiệu quả rõ rệt. Đây là điều đáng tiếp thu và hoan nghênh”, đồng chí Phạm Như Thi, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn đánh giá đề án và hiệu quả sáp nhập thôn, tổ dân phố tại Thanh Hóa sau khi đoàn công tác của Sở Nội vụ hai tỉnh tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm.

 

Đồng chí, Trần Quốc Huy, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nêu bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian vừa qua: “Để đạt hiệu quả trong việc thực hiện đề án, trước hết đó là sự thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cấp ủy, chính quyền từ tỉnh cho đến cấp cơ sở; các cơ quan được giao nhiệm vụ đã triển khai thực hiện đề án một cách khoa học, cụ thể. 

 

Mặt khác, trong quá trình thực hiện đề án, cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong việc thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố đảm bảo khoa học, sát thực tế, dân chủ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Điều này được thể hiện ở kết quả thực hiện đề án (vượt mục tiêu sáp nhập thôn, tổ dân phố như đề án đưa ra - pv)”, đồng chí Trần Quốc Huy cho biết.

 

Còn không ít băn khoăn

 

Hiệu quả từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trong tỉnh đã có thể đo đếm được thông qua những con số. Thế nhưng đằng sau đó vẫn còn những băn khoăn, trăn trở của người trong cuộc.

 

Đồng chí Lê Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Long, TP Thanh Hóa cho biết: “Việc thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố đồng nghĩa với việc nhiều giấy tờ của người dân sẽ bị thay đổi theo tên mới của thôn, tổ dân phố. Ví dụ, khi sáp nhập thôn 6 sáp nhập với thôn 4 để thành lập thôn mới thì chứng minh thư, hộ khẩu, bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều phải thay đổi theo tên địa giới hành chính mới. Vậy, kinh phí để thực hiện việc đính chính hoặc thay đổi giấy tờ là do người dân tự bỏ hay Nhà nước cấp kinh phí?”, đồng chí Tuấn băn khoăn.

 

Mặt khác, theo đồng chí Lê Hồng Tuấn, việc Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 09/2017 ngày 29-12-2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04 hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố, trong đó đáng chú ý, Thông tư 09 quy định điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới (nâng quy mô tổ chức thôn, tổ dân phố gấp đôi so với Thông tư 04) khiến việc thực hiện sáp nhập thôn của các địa phương có phần bị động, thậm chí có thể gây xáo trộn, làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của người dân.

 

“Không phải riêng mình địa phương chúng tôi mà rất nhiều đơn vị khác trên địa bàn toàn tỉnh đã, đang triển khai thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố theo hướng dẫn của Thông tư 04 và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại Thông tư số 09 đã có hiệu lực thì nên tiếp tục thực hiện sáp nhập thôn theo Thông tư 04 hay Thông tư 09?”, đồng chí Tuấn băn khoăn.

 

Trong khi đó, đồng chí Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho rằng: “Sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố, quy mô số hộ, dân số của thôn, tổ dân phố mới sẽ đông, khó khăn trong công tác điều hành quản lý, thực hiện nhiệm vụ của những người hoạt động không chuyên trách, trực tiếp là bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên... Vì thế cần có quy định về chế độ phụ cấp cho đội ngũ này theo hướng phân chia cấp độ loại thôn (thôn nhiều hộ, đông dân, địa bàn rộng thì mức phụ cấp cao hơn thôn ít hộ, ít dân, địa bàn hẹp) nhằm tạo sự công bằng, tránh sự so bì giữa đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố.

 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các thôn sau khi sáp nhập để đầu tư xây dựng công trình phục vụ cộng đồng dân cư như nhà văn hóa, các công trình thể thao ở thôn”, đồng chí Lưu Vũ Lâm đề xuất.

 

Từ thực tế việc sáp nhập thôn, tổ dân phố tại phường Quảng Thọ, (TP Sầm Sơn), đồng chí Lê Đình Son, Phó Chủ tịch UBND phường thẳng thắn: “Hiện nay phường đã hoàn tất việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng tại 14 tổ dân phố. Theo kế hoạch 14 tổ dân phố sẽ sáp nhập còn lại 7 tổ dân phố. Tuy nhiên, mức phụ cấp đối với một số chức danh kiêm nhiệm còn ít, trong khi trách nhiệm với công việc thì nặng nề hơn, khiến một số người có tâm lý không mặn mà với công việc. Do đó, tỉnh cần có cơ chế chính sách nâng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách kiêm nhiệm để động viên, khuyến khích họ hoàn thành tốt nhiệm vụ...”.

 

Những khó khăn phát sinh từ cấp cơ sở trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố nêu trên là những vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. Do đó, cấp có thẩm quyền, cần có giải pháp chung tay tháo gỡ khó khăn tại các địa phương trong quá trình thực hiện đề án.

Theo Xuân Quang - Văn Định/Báo Thanh Hóa điện tử



 


Bài 4: Chung tay tháo gỡ khó khăn

Song song với việc kiện toàn lại hệ thống chính trị, các chức danh hoạt động không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố mới theo quy định cũng được các địa phương nhanh chóng thực hiện. Tuy nhiên, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sáp nhập thôn phát sinh tại cơ sở, cần sự chung tay, góp sức của lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa.


Đường liên thôn tại thôn Thọ Thái, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) được trải nhựa. Ảnh: Phạm Nam 

 

Chủ trương đúng đắn

 

Phóng viên: Thưa đồng chí, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua có ý nghĩa như thế nào trong việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại khu dân cư?

 

Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Có thể nói việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang đạt được những kết quả bước đầu, tạo ra hiệu ứng, sức lan tỏa tích cực và sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh. Điều này đã khẳng định việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của địa phương; có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 

Việc sáp nhập sẽ làm tăng quy mô của thôn, tổ dân phố, góp phần đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định. Sáp nhập thôn, tổ dân phố góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách, qua đó sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư cho thôn, tổ dân phố, từng bước nâng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách.

 

Việc tổ chức triển khai sáp nhập thôn, tổ dân phố giúp tăng quy mô các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, góp phần kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố mạnh về số lượng, chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong triển khai nhiệm vụ do cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên giao; bảo đảm đoàn kết, dân chủ, công khai, minh bạch; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương; xây dựng, giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa; phòng chống các tệ nạn xã hội và xóa bỏ hủ tục trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại; phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi; xóa đói, giảm nghèo.

 

Theo mục tiêu của đề án, đến 30-6-2018, toàn tỉnh sẽ giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đề án, toàn tỉnh dự kiến sáp nhập, làm giảm 1.486 thôn, tổ dân phố. Qua đó, hằng năm, ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng kinh phí chi trả cho những người hoạt động không chuyên trách và các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố.

 

Tập trung tháo gỡ khó khăn

 

Phóng viên: Thực tế tại một số địa phương, sự khác biệt về phong tục tập quán, tôn giáo, địa hình chia cắt, gây ra những khó khăn không nhỏ trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố. Cấp có thẩm quyền đã đưa ra những giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn này, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Thời gian qua, công tác sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện; tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở; hoạt động tuyên truyền được chú trọng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Điều này thể hiện ở kết quả thực hiện vượt mục tiêu đề án đã đề ra và theo kế hoạch, đến 30-6-2018, đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành.

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có một số khó khăn nhất định, như: Ở một số đơn vị mặc dù thôn có quy mô nhỏ, nhưng do sự khác biệt về phong tục tập quán, tôn giáo, truyền thống văn hóa, đặc biệt là sự chia cắt về địa lý, nên việc sáp nhập gặp khó khăn; phương án sáp nhập còn một số nơi xây dựng chưa khoa học, chia nhỏ các thôn lớn để sáp nhập nên không đảm bảo yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa của thôn, tổ dân phố. 

 

Đối với các đơn vị này, cấp ủy chính quyền tiếp tục thực hiện vận động, tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa chủ trương, đồng thời rà soát, xây dựng phương án sáp nhập thôn, tổ dân phố phù hợp, khoa học, phù hợp với đặc điểm, thực tế của địa phương để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhằm đạt hiệu quả về việc sáp nhập. Quan điểm trong việc thực hiện sáp nhập thôn là không được duy ý trí mà phải thực hiện trên cơ sở thực tế, khoa học và sự đồng thuận của nhân dân.

 

Phóng viên: Thưa đồng chí, tên đơn vị thôn, tổ dân phố, một số giấy tờ cá nhân của người dân sẽ bị thay đổi theo sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố. Vậy cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo hoặc hỗ trợ người dân giải quyết vấn đề này ra sao?

 

Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Trong quá trình xây dựng đề án, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đánh giá những tác động cũng như ảnh hưởng của việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố mới, trong đó có thay đổi định danh trong giấy tờ của công dân (sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), địa chỉ liên lạc... Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế trong công tác chia tách, sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây cho thấy, về cơ bản các thông tin (chỉ danh) trong giấy tờ tùy thân của người dân không có thay đổi nhiều. Vì vậy, người dân cũng không gặp nhiều vướng mắc trong lập hồ sơ, giao dịch. Trường hợp đặc biệt, việc thay đổi thông tin (định danh) cần cấp lại (thay thế) giấy tờ cũ thì các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ tạo điều kiện và giải quyết nhanh gọn, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục. 

 

Đặc biệt, những năm qua, Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương trên cả nước đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính Nhà nước, mà trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính nói chung cũng như giải quyết những thủ tục phát sinh do việc sáp nhập thôn, tổ dân phố nói riêng.

 

Phóng viên: Sáp nhập thôn, tổ dân là chủ trương lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì không hề đơn giản vì nó là một công việc phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới công việc, vị trí của cán bộ, đảng viên ở thôn, tổ dân phố. Để cán bộ không tâm tư khi thôi đảm nhiệm chức danh sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố, tỉnh đã có cơ chế chính sách gì hỗ trợ đối với những đối tượng bị “tinh giản” này?

 

Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Song song với việc ban hành đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND ngày 12-7-2017 về việc ban hành chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách thôi đảm nhiệm chức danh sau khi sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố mới; UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3635/2017/QĐ-UBND ngày 26-9-2017 quy định về biện pháp thi hành chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách thôi đảm nhiệm chức danh sau khi sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố mới. Theo đó, những người thôi đảm nhiệm chức danh được tỉnh hỗ trợ một lần. Mức hỗ trợ căn cứ vào thời gian thực tế tham gia công tác và mức phụ cấp khi đang thực hiện nhiệm vụ. Việc triển khai thực hiện hỗ trợ đối với những người thôi đảm nhiệm chức danh sau khi nghỉ việc sẽ được thực hiện ngay sau khi hoàn thành việc kiện toàn các tổ chức ở thôn, tổ dân phố. Ngân sách tỉnh phân bổ để thực hiện việc trợ cấp này và người nghỉ việc sẽ được nhận trợ cấp tại địa phương sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Phóng viên: Mới đây, Bộ Nội vụ  ban hành Thông tư số 09/2017 ngày 29-12-2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04 hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố. Đáng chú ý, thông tư 09 quy định điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới (nâng quy mô tổ chức thôn, tổ dân phố), trong khi đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã, đang thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Thông tư số 04. Về việc này, tỉnh đã chủ động xử lý những khó khăn này ra sao?

Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện việc sáp nhập thôn, thành lập tổ dân phố dựa trên Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31-8-2012 của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên nếu theo quy định điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới tại Thông tư số 09 thì việc triển khai sẽ gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt, đối với các địa phương đã hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi công cộng đã được xây dựng hoàn thiện.

 

Về việc này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản xin ý kiến và được Bộ Nội vụ đồng ý cho tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đề án theo mục tiêu, lộ trình đã đề ra gắn với việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

 

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3457/UBND-THKT ngày 3-4-2018 về việc triển khai Thông tư 09/2017/TT-BNV và đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh ngày 3-4-2018. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố theo mục tiêu đề ra trong đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3507/QĐ-UBND ngày 18-9-2017 theo tinh thần Thông tư 04 và Chỉ thị 12CT/TU ngày 25-10-2017 của Tỉnh ủy Thanh Hóa. 

 

Đối với những nơi đáp ứng được điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống và được nhân dân đồng thuận thì có thể áp dụng ngay về tiêu chí, quy mô số hộ tại Thông tư 09/2017/TT-BNV. Phấn đấu từ năm 2021 đến 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố. 

 

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

 

Theo Xuân Quang - Văn Định/Báo Thanh Hóa điện tử

 





Bài cuối: Để phát huy tính tự quản, dân chủ trực tiếp của cộng đồng dân cư

Sau loạt bài “phát huy hiệu quả từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, Báo Thanh Hóa đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố, phát huy tính tự quản, tính dân chủ trực tiếp của cộng đồng dân cư, không chỉ riêng Thanh Hóa mà ở nhiều địa phương khác trên cả nước.


Thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố cần lưu ý tới các yếu tố lịch sử, văn hóa. Trong ảnh: Lễ hội Văn

hóa-Du lịch Bàn Bù (Ngọc Lặc). Ảnh: Lê Hợi  

 

Đồng chí Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Không nên biến tổ tự quản thôn, tổ dân phố thành “cấp hành chính thứ 5”

 

Một điều tôi cho là đang bị lợi dụng ở không ít cấp xã, phường, thị trấn là biến tổ tự quản thôn, tổ dân phố thành “cấp hành chính thứ 5”. Nhiều việc lẽ ra thuộc cấp hành chính (cấp xã) nhưng đều yêu cầu người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nắm, báo cáo tình hình và triển khai công việc... 

 

Nên để người hoạt động không chuyên trách  làm đúng công việc của họ tại tổ tự quản, chứ không nên yêu cầu họ làm nhiệm vụ của người hoạt động chuyên trách, công chức, nhưng lại trả thù lao theo kiểu hỗ trợ, động viên. Điều này là không công bằng. Tôi đề nghị các địa phương phải rà soát và khắc phục nếu có tình trạng nêu trên.

 

Cùng với việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, các cấp ủy, chính quyền các địa phương phải kịp thời đào tạo, bồi dưỡng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nhân tố cốt cán cấp ủy đảng, trưởng thôn, trưởng khu phố, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các đoàn thể cũng như các chức danh khác ở thôn, tổ dân phố.

 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn thống nhất, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xử lý hồ sơ, thủ tục khi tên thôn, tổ dân phố có sự thay đổi sau khi sáp nhập. 

 

Mặt khác, hiện nay, nhiều nhà văn hóa thôn là nơi thờ Thành hoàng làng, hoạt động tín ngưỡng dân gian. Do vậy, các cấp chính quyền cần động viên, tạo điều kiện để người dân tiếp tục thực hiện tín ngưỡng, truyền thống của đồng bào; cần thận trọng điều chỉnh những vấn đề phát sinh sau sáp nhập theo nguyên tắc thật sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân và để người dân quyết định việc của dân theo đúng pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

 

Đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Sáp nhập thôn, tổ dân phố không nên chạy theo thành tích

Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú; nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

 

Tên thôn, làng, tổ dân phố thường gắn liền với nguồn gốc  văn hóa lịch sử, niềm tự hào của người dân.

 

Do vậy, nếu thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố một cách cơ học mà không lưu ý tới các yếu tố phong tục tập quán, truyền thống văn hóa lịch sử, rất dễ tạo ra những tác động tiêu cực từ khu dân cư, gây khó khăn trong việc quản lý, hoạt động của tổ tự quản. Hay nói cách khác, nếu việc sáp nhập thôn chạy theo thành tích có thể gây ra sự tác động không tích cực đến đời sống, sinh hoạt thôn, tổ dân phố. 

 

Do đó, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố bên cạnh mục tiêu giảm đầu mối, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, thì phải gắn liền với mục đích ổn định chính trị, an ninh trật tự, tại khu dân cư.

 

Đồng chí Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội: Cần lưu ý tới nhân tố con người trong quá trình sáp nhập thôn, tổ dân phố

 

Sáp nhập thôn, tổ dân phố sẽ dẫn tới việc phải tinh giản một số lượng rất lớn người hoạt động không chuyên trách. Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách trong diện “tinh giản” sau khi thực hiện sáp nhập, cần quan tâm tới việc lựa chọn người để điều hành hoạt động của tổ tự quản. 

 

Đây là những người cùng ở, cùng làm, cùng sinh hoạt với người dân nên phải chọn người thật sự tâm huyết, uy tín mới làm cho dân nể phục, từ đó từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của khu dân cư có tính chất tự quản.

 

Theo tôi, không nên đòi hỏi người đứng đầu tổ tự quản và các chức danh hoạt động không chuyên trách khác ở thôn, tổ dân phố phải có bằng cấp như cán bộ, công chức. Quan trọng nhất, những người đó phải được nhân dân tín nhiệm, có uy tín trong cộng đồng dân cư. 

 

Để chọn được người gánh vác việc thôn, tổ dân phố tốt, có tâm huyết, trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố, việc lựa chọn phải làm thận trọng, khách quan, cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch, tránh làm xáo trộn hoạt động, đời sống tại khu dân cư.

 

Theo Xuân Quang - Văn Định/Báo Thanh Hóa điện tử

 

Các tin khác:
  • Nâng tầm Giải báo chí về xây dựng Đảng trên địa bàn Thanh Hóa (04/03/2018-21:16)