Thứ ba, ngày 14/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Phan Hách:
Miệt mài sáng tạo trên “cánh đồng chữ” (12/10/2018-14:17)
    Được biết đến là tác giả của hai bài thơ nổi tiếng: “Làng quan họ”, “Hoa sữa” thế nhưng bên cạnh đó Nguyễn Phan Hách còn là một nhà báo năng nổ, nhiệt huyết, tận tâm với 40 năm tuổi nghề từ chân biên tập viên của Báo Văn Nghệ rồi Giám đốc NXB Hội Nhà văn và giờ đây đang đương chức Tổng Biên tập NXB Dân trí.
Chân dung nhà thơ Nguyễn Phan Hách - (Ảnh: NVCC)

Những ngày đầu tháng mười khi tiết trời đã bắt đầu se se lạnh, khi trên các nẻo đường Thủ đô ngạt ngào hương hoa sữa, tôi được trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Trong không gian ngập tràn văn hóa Hà Nội bên bàn trà dậy hương thơm, với tiếng đàn Piano du dương, với chiếc tủ cũ ngồn ngộn sách, với những bức tranh phố cổ Hà Nội… tại tư gia của ông khiến tôi tin rằng ông là người đích thực yêu Hà Nội theo cách truyền thống.

Nguyễn Phan Hách vốn là người con của xứ Kinh Bắc nhưng đã gắn bó với Thủ đô suốt 50 năm nay. Từng kinh qua nhiều công việc, nhiều vị trí công tác nhưng điều quan trọng ông vẫn giữ được “tâm hồn sáng tác” chính vì vậy mà các cuốn sách của ông cứ được đều đặn xuất bản. Dù không được đào tạo bài bản nhưng năng khiếu văn chương, âm nhạc, báo chí đã sớm hình thành nên một Nguyễn Phan Hách tài hoa, lãng tử, đa tình trong lòng công chúng. Và mặc dù thi sĩ nay đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng giọng nói vẫn sang sảng, tiếng cười vẫn giòn giã và đặc biệt lòng say mê nghề nghiệp vẫn không thôi cháy bỏng.

Vướng víu tình thơ

Riêng về bút danh Nguyễn Phan Hách đã là câu chuyện dài với những kỉ niệm tình yêu đầu đời trong sáng, ngây thơ của tuổi mới lớn. Thực ra ông tên thật là Nguyễn Xuân Hách và vốn theo nghề dạy học ở huyện miền núi Lục Nam (nay thuộc Bắc Giang) nhưng do “cảm nắng” cô học trò xinh đẹp họ Phan nên ông đã ghép họ của cô gái vào bút danh của mình. Ngày đó, ông dạy văn giỏi khắp vùng, thậm chí mỗi dịp hè ông lại được Ty Giáo dục Hà Bắc (cũ) mời viết những bài văn mẫu để làm giáo án cung cấp cho các giáo viên khác. Tuy là thầy giáo làng nhưng Nguyễn Phan Hách lại rất sung sức trong việc viết phóng sự gửi ra các tờ báo Trung ương để phản ánh về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, về phong trào lao động sản xuất vào hợp tác xã của người dân… Sau đó còn được Đài Phát thanh đọc trịnh trọng trong các buổi phát thanh của xã.

Thời ấy, ông rất mê làm thơ và rung lên những khao khát được yêu qua những vần thơ hết sức lãng mạn, tình cảm để tặng cô học trò mà mình thầm thương trộm nhớ. Nhưng ở thời kì mà văn chương phải phục vụ mục đích là chiến đấu và suy nghĩ, quan niệm về tình yêu thầy- trò còn quá khắt khe khiến thầy giáo trẻ phải nhận kỉ luật. Thầy giáo trẻ đã nhận ra nghề làm thầy không phù hợp với mình nên đã quyết tâm chuyển về công tác tại Ty Văn hóa Hà Bắc (cũ) với nhiệm vụ nghiên cứu quan họ, sáng tác thơ ca phục vụ chiến đấu, sản xuất. Để kỉ niệm cho mối tình đầu với bút danh theo mình suốt cuộc đời này, ông đã làm bốn câu thơ: “Tên em cùng với tên anh/ Yêu nhau đem đặt bút danh quen rồi/ Oái oăm biết mấy sự đời/ Tên thì lấy được còn người thì không”.

Thế rồi sự nở rộ, chín muồi của tài năng đã đưa Nguyễn Phan Hách đến với Thủ đô - khi công tác tại Báo Văn Nghệ. Và cũng tại đây người thi sĩ đa tình lại vướng vào mối tình với cô sinh viên đang theo học hát quan họ ở độ tuổi mười sáu trăng tròn. Vào mỗi buổi chiều thu, khi nắng đã tắt dần, ngồi trên ghế đá ở hồ Thiền Quang chàng tình tứ đọc thơ cho nàng nghe còn nàng thì dạy chàng hát quan họ. Sẵn đem lòng yêu mến nàng và dành tình yêu lớn cho quan họ nay được nghe nàng hát, trong lòng thi sĩ dâng trào nỗi niềm cảm xúc. Trong tâm trạng rối bời, hỗn độn giữa tình yêu nam nữ cùng với tình yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống Nguyễn Phan Hách “bật ra” được bài thơ “Làng quan họ” như để thổ lộ tình cảm với nàng.

Tuy nhiên khi Nguyễn Phan Hách mang tờ Báo Văn Nghệ có in bài thơ “Làng quan họ” để tặng nàng thì mới vỡ lẽ nàng chỉ coi chàng là bạn. Lại một lần nữa thất bại trong tình yêu vậy nhưng đó là chất liệu đem đến cho ông bài thơ để đời mà sau này nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã khéo léo chắp vào nó giai điệu mượt mà, tha thiết trong ca khúc “Làng quan họ quê tôi”. Đã 40 năm kể từ ngày ra đời, mỗi khi giai điệu của ca khúc ấy vang lên mỗi người trong chúng ta lại thấy cồn cào, nhung nhớ về miền đất quan họ trù phú, đậm nét văn hóa thôn quê. Và cho đến nay “Làng quan họ quê tôi” vẫn được đánh giá là ca khúc hay nhất về miền đất Kinh Bắc.

Thế nhưng bài thơ “Làng quan họ” vẫn là chưa đủ cho những cảm xúc, ký ức dạt dào về mối tình giữa hai “vị khách” Kinh Bắc trên đất Hà thành. Và phải đến bài thơ “Hoa sữa” ra đời sau đó 10 năm (khoảng năm 1980) khi Nguyễn Phan Hách đã về công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn trên phố Nguyễn Du mới chất chứa hết được tấm lòng của chàng với nàng. Những buổi lang thang trên phố Nguyễn Du ngập tràn hương hoa sữa, thi sĩ bỗng nhớ về mối tình với cô nữ sinh khi xưa. Ngày ấy Hà Nội còn rất vắng vẻ, hai người đạp xe trên con phố thơ mộng này để “Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc” và rồi giây phút lãng đãng ấy đã dội lại trong ông những kỉ niệm đẹp đẽ về mối tình dang dở. Ngay sau đó bài thơ mang tên “Hoa sữa” đã ra đời.

Nhưng cũng như giai đoạn trước, thơ ca về tình yêu nam nữ không được phép phổ biến rộng rãi, nên Nguyễn Phan Hách chỉ nghĩ rằng viết ra để vơi đi nỗi nhớ về một mối tình. Rồi chính nữ sĩ Xuân Quỳnh là người đã tuyển chọn nó để in trong tập thơ “Tình bạn, tình yêu”- cuốn sách do Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo xuất bản. Bài thơ đã được biết bao thế hệ học trò chép tay trong những cuốn sổ nhật ký như để lưu giữ kí ức của một thời cắp sách đến trường. Đặc biệt rất nhiều cô gái mới lớn ngưỡng mộ và gửi cho ông những lời đề nghị được quen thân tác giả của bài thơ nổi tiếng ấy. Sau này, nhạc sĩ Thế Duy đã lấy nội dung bài thơ và dùng nguyên văn 3 câu thơ của bài thơ này để phát triển thành ca khúc "Mối tình đầu" rất được bạn trẻ yêu thích. Ngoài ra còn có đến 10 ca khúc phổ nguyên bài thơ này, trong đó nổi tiếng hơn cả là bản nhạc "Hoa sữa tình đầu" của nhạc sĩ Phạm Việt Long.

Gần đây, sau đúng 50 năm xa cách nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã được gặp lại “nàng thơ” trong bài thơ “Hoa sữa” của mình. Và chàng đã biết nguyên nhân nàng từ chối là do sợ yêu đương sớm sẽ bị đuổi học. Sống ở Sài Gòn mỗi khi nhớ Hà Nội nàng lại mang bài thơ “Hoa sữa” ra đọc. Như vậy có thể nói rằng bài thơ đã không chỉ bày tỏ tình yêu đôi lứa mà còn lưu giữ nét riêng, độc đáo mà mỗi người đi xa vẫn thường tìm lại Hà Nội của chính mình trong ấy.

Bìa cuốn sách tiểu thuyết nổi tiếng “Cuồng phong” - (Ảnh: NVCC)

Người nghệ sĩ đa tài

Xuất bản - công việc mà Nguyễn Phan Hách gắn bó suốt cả cuộc đời, luôn đầy rẫy những khó khăn, thử thách và không với một bản lĩnh kiên cường, một sự thông tuệ thì khó có thể đảm đương. Nhất là xuất bản thời cơ chế thị trường vô cùng phức tạp. Nên in cuốn nào, số lượng in bao nhiêu, in thời điểm nào? Ông luôn đưa ra ý kiến tiên quyết. Nói theo ngôn ngữ cánh xuất bản, phải biết “ngửi” thấy cuốn nào hay, cuốn nào có lãi. Nhất là, phải biết “ngửi” tinh, để loại ra những cuốn có vấn đề nhạy cảm, kẻo nhà xuất bản bị đóng cửa tức thì. Nhờ có con mắt tinh tường này, mà khi hết nhiệm kì Giám đốc NXB Hội Nhà văn, ông lại được mời làm Tổng Biên tập NXB Dân trí - Cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam từ năm 2008.

Trong quá trình thường trực tổ sáng tác văn xuôi ở NXB Hội Nhà văn, Nguyễn Phan Hách đã góp công để ba cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh), “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường), “Bến không chồng” (Dương Hướng) ra đời. Ba cuốn tiểu thuyết này (trước nữa là cuốn “Thời xa vắng” của Lê Lựu), đến nay, vẫn được đánh giá là những cuốn sách tiêu biểu của văn học thời kỳ Đổi mới, góp phần làm nên thương hiệu của NXB Hội Nhà văn.

Bên cạnh công việc biên tập, xuất bản, thờ kì làm Báo Văn Nghệ Nguyễn Phan Hách còn được cử ra làm phóng viên mỗi khi đất nước có sự kiện trọng đại. Và ông vẫn còn nhớ những năm Đại hội Đảng, ông được tin tưởng giao đi phỏng vấn một số nhân vật tên tuổi cũng như ghi chép cảm xúc của người dân Hà Nội. Những bài bút kí ăm ắp sự kiện, nỗi niềm của ông đã được tòa soạn cũng như đông đảo quần chúng đánh giá cao. Đặc biệt trước dịp khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng 1 ngày, ông được tòa soạn cử đi tìm hiểu, ghi chép về công tác chuẩn bị lễ Khánh thành Lăng. Đó cũng là cơ duyên cho bài thơ “Lăng Bác” nổi tiếng của ông ra đời. Bài thơ như đã nói đúng, nói trúng tâm trạng của toàn thể dân tộc Việt Nam trong không khí nô nức, hồ hởi đón chờ ngày Lăng Chủ tịch  Hồ Chí Minh mở cửa đón khách vì vậy mà ngay ngày hôm sau nó đã vượt qua hàng ngàn bài thơ khác để đăng vào số đặc biệt của Báo Nhân Dân và được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trang trọng trong sự kiện lịch sử đáng nhớ ấy. Sau này bài thơ còn được tuyển chọn đưa vào sách giáo khoa lớp 1, tập 2 những năm 80 của thế kỉ trước. Bên cạnh bài thơ Lăng Bác, Nguyễn Phan Hách còn có đến 3 bài tản văn như: “Đường đi Sa Pa”, “Kì diệu rừng xanh”, “Cá hồi vượt thác” và truyện ngắn “Hương ổi” được đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông.

Có những bài thơ đi vào lòng người là vậy thể nhưng ông lại nói: “Tiểu thuyết mới là sự nghiệp của mình”. Tính đến nay, ông đã sở hữu 4 cuốn tiểu thuyết như: “Tan mây”, “Mê cung”, “Người đàn bà buồn” và đặc biệt là “Cuồng phong”. Cuốn tiểu thuyết “Cuồng phong” dài 800 trang có bối cảnh hoành tráng về lịch sử đất nước ở thế kỷ 20 được ông hoàn thành trong 10 năm và ra mắt độc giả lần đầu vào năm 2008. Có thể nói, với tiểu thuyết  “Cuồng phong” độc giả đã thấy một Nguyễn Phan Hách không chỉ đa tình, lãng mạn mà còn rất hiện thực, sâu sắc và đau đáu với thời cuộc.

Gần đây như ông nói đã “cạn nguồn” văn thơ thì lại thấy ông sáng tác ca khúc và còn tự in đĩa để tặng bạn bè. Cầm đĩa nhạc ông tặng, liếc qua thì thấy toàn những giọng ca tên tuổi như: NSƯT Minh Quang, NSƯT Việt Hoàn. Như vậy có thể nói những ca khúc của người nhạc sĩ tay ngang này không hề nghiệp dư mà nó được ông đầu tư bài bản, và công phu. Có thể kể đến một số ca khúc nổi bật của ông như: “Chút tình thơ dại”, “Hoa phù dung”, “Mùa thu”, “Tình khúc mùa xuân”… Nhưng tôi lại bất ngờ khi ông nói đã biết sáng tác và cảm thụ âm nhạc từ bé nhưng do cuộc sống mưu sinh nên đành gác lại niềm đam mê này.

Và dẫu không muốn nhưng vẫn phải nói lời chia tay ông trong bóng chiều hoàng hôn khi mùi hoa sữa lan tỏa khắp con đường, trong đầu tôi bỗng vang vọng lên những câu thơ quen thuộc:“Chỉ mùa thu vẹn tròn nhớ thương/Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ/Hương của mối tình đầu nhắc nhở/Có hai người xưa đã yêu nhau”. Với những gì được nghe nhà thơ, nhà báo Nguyễn Phan Hách chia sẻ đã khiến tôi tin và hi vọng rằng ông sẽ còn tiếp tục thăng hoa và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp lao động nghệ thuật./.

Theo Đoàn Mai/Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

Các tin khác:
  • TP Hải Phòng: Tập huấn kỹ năng phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí (12/10/2018-14:14)
  • Đa năng, linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng (12/10/2018-9:44)
  • Một cây bút chuyên "lội ngược dòng" (11/10/2018-14:04)
  • Cây bút nữ biệt tài về đề tài miền núi (06/10/2018-17:34)
  • Câu chuyện đề tài (04/10/2018-13:26)
  • “Kỹ năng kể chuyện qua phóng sự ảnh” (05/10/2018-8:29)
  • Tác nghiệp nơi đầu sóng (03/10/2018-17:07)
  • Vùng cao "níu chân" người làm báo (03/10/2018-17:03)
  • Chuyến “ngược ngàn” đáng nhớ (27/09/2018-12:43)
  • Chuyện bây giờ mới kể (26/09/2018-11:36)