Thứ năm, ngày 02/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Giáo dục xưa và nay, hai góc nhìn (19/11/2018-15:02)
    (NLBTH) - Chúng tôi học phổ thông chừng hơn 30 năm trước. Đó là thời kỳ bao cấp đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng bù lại có môi trường giáo dục rất thân thiện.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Mỗi ngày chúng tôi chỉ học một buổi, khi gần thi đại học nhà trường đề nghị dạy tăng tiết không thu tiền. Chúng tôi cơ bản chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa, họa hoằn thầy giáo mới tìm được cuốn sách tham khảo cả lớp cùng đọc, chuyền thay nhau đến nhầu nát, sau đó cuốn sách tiếp tục được thầy “gia cố” để phục vụ học sinh lớp sau.

Ở nhà chúng tôi tự làm bài hoặc học nhóm để cùng thảo luận những bài tập khó, chứ không phải cứ khó là lên mạng tra cách giải như bây giờ. Ai tìm ra cách giải thường được “thưởng” một củ khoai ăn luôn tại bàn. Chỉ thế, nhưng nhiều người đậu đại học với số điểm cao, sau này đều thành đạt. Một môi trường giáo dục khó khăn nhưng “sạch” đúng nghĩa, có sự hỗ trợ đúng cách của gia đình.

Ngoài học chúng tôi đều có trách nhiệm với trường, nhưng không phải là cách nộp tiền xây dựng cơ sở vật chất như bây giờ. Đó chỉ là những buổi lao động tập thể học sinh cùng đào ao cá Bác Hồ, trồng rau, xây tường rào bị hỏng… Những buổi lao động đầy ắp tiếng cười, học sinh cả trường biết nhau. Buổi chiều chúng tôi đạp xe đến thăm nhà nhau có khi cách xa gần chục cây số. Nhà trường quản lý học sinh bằng hình thức tự quản là chính, không có đội cờ đỏ, ít áp dụng kỷ luật, nhưng nền nếp luôn được giữ nghiêm. Ai vi phạm người nhà phải lên gặp giáo viên chủ nhiệm để cam kết mới được vào lớp, bằng không phải đứng ở cửa, và đó là sự xấu hổ tột cùng. Trò giữ mình, thầy có thời gian chuyên tâm vào chuyên môn hơn.

Có một kỷ niệm đến giờ tôi còn nhớ, khi chuẩn bị thi đại học thầy giáo dạy môn Lịch sử đặt vấn đề đến nhà thầy học thêm không thu tiền. Biết thầy nghiện thuốc lá chúng tôi gom tiền mua bao thuốc Thu Bồn, là loại thuốc sang lúc đó để biếu thầy, nhưng thầy không hút. Chúng tôi cố để lại thì hôm sau thầy đưa cho chúng tôi số tiền bằng giá mua bao thuốc lá. Thầy không nhận quà, chỉ là nhờ chúng tôi mua thuốc. Chúng tôi nhìn thầy, một đứa chạy lại ôm thầy, những đứa khác cũng chạy đến nức nở. Khi tôi đang học đại học nghe tin thầy được chuyển công tác lên Sở Giáo dục Thanh Hóa, về thăm thầy tôi mua bao thuốc lá Lotus biếu thầy, nhưng vẫn phong cách ấy, thầy nhất mực từ chối bảo: “Thầy hút bao thuốc này là em mất mấy bữa cơm”. Đúng là để có bao thuốc ấy tôi phải cắt mấy phiếu ăn cơm nhà bếp. Tôi không nói, thầy cũng không nói thêm, nhưng đều biết chỉ một sự vụ lợi dù nhỏ thôi là tình cảm thầy trò sẽ không còn vẹn nguyên.

Sau khi ra trường, dù có vị trí xã hội hay không nhưng gần như không ai là không nhớ đến người thầy của mình, nhớ trường xưa, và đều thể hiện bằng những cách riêng, không ồn ào. Một thứ tình cảm rất tự nhiên, không giống những gì mà học sinh bây giờ đang trải qua. Đúng là điều gì chân thành thì có muốn chối bỏ cũng khó. Còn những thứ thiếu trong sáng, có cố ép đến mấy cũng chỉ là sự khiên cưỡng, như nước chảy qua lá, ướt rồi lại khô.

Đề cập điều này không có ý tôn vinh người thầy xưa, chê trách người thầy giáo hôm nay. Ngành Giáo dục và Đào tạo vẫn còn rất nhiều người thầy khả kính, đức độ và dám hy sinh. Nhưng môi trường giáo dục với căn bệnh thành tích, sự đảy đưa từ lối sống thực dụng xô tới, học sinh và gia đình tạo ra, đang khiến cho có những giáo viên không làm chủ được mình. Một nền giáo dục mà chúng ta đang thấy có rất nhiều cải cách, nhiều phong trào được phát động, nhưng thường đi vào ngỏ cụt, bị dư luận phản đối.

Một nền giáo dục hiệu quả và thuyết phục phải là giáo dục kết hợp hài hòa giữa ba thành tố: Gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng khi mà cuộc sống trở nên khá giả và có phần gấp gáp hơn, thì nhiều gia đình có điều kiện lại gần như phó thác con em mình cho nhà trường.

Vụ việc một nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, thành phố Thanh Hóa dùng tài khoản facebook xúc phạm nhân phẩm giáo viên, uy tín nhà trường mới đây được xem như giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly đạo đức. Một sự thật đau lòng nhưng cũng khó để quy hết trách nhiệm cho những học sinh mới 15 tuổi. Đằng sau chúng còn có gia đình, còn xã hội, đáng nói hơn là nhà trường đã không nắm bắt kịp thời diễn biến đời sống học sinh để có những điều chỉnh phù hợp.

Nhà trường đau lòng, phụ huynh học sinh đau lòng và cả xã hội đau lòng khi mà bạo lực học đường gia tăng đến mức chóng mặt, đạo đức học sinh xuống cấp đến mức không phanh. Nhưng chắc chắn đó là một sự đau lòng không bỗng dưng mà đến. Các cơ quan chức năng, chuyên gia giáo dục và báo chí đã chỉ ra và cảnh báo gay gắt về điều đó, nhưng sự ứng phó, phối hợp của nhiều nhà trường là rất chậm chạp. Cả Ngành Giáo dục và Đào tạo đang lao vào cuộc đua đổi mới, nhưng căn bệnh thành tích thì dường như lại đang xô họ ngày một xa hơn điều đó.

Một khi căn bệnh thành tích còn thì sẽ còn nảy sinh những bất cập. Và khi mà ba thành tố: gia đình, nhà trường và xã hội chưa kết tạo thành một thể để cộng sinh trách nhiệm, thì tương lai giáo dục vẫn là sự lo lắng.

Cứ nhìn những con đường đi học đêm đêm, cứ nhìn những gương mặt thiếu ngủ của học sinh sẽ thấy việc học đang khó khăn, vất vả như thế nào? Khi mà việc dạy thêm bị cơ quan quản lý giáo dục cấm thì nhà nhiều giáo viên vẫn sáng đèn, phụ huynh đưa đón con đông như đi hội. Khi các khoản thu trái quy định trong trường học bị cấm, thì nó lại biến tướng dưới nhiều hình thức khác. Kỷ cương học đường xáo trộn, và niềm tin cũng sẽ bị xáo trộn.

Một khi giáo viên vẫn dạy thêm bất chấp quy định cấm, người đứng đầu nhà trường vẫn yêu cầu thu các khoản thu ngoài quy định một cách bất chấp, thì liệu họ có còn nhận được sự tôn trọng? Một khi hiệu trưởng làm sai thì rất khó để chấn chỉnh giáo viên làm sai…

Giáo dục mỗi thời kỳ một khác nhưng tựu chung đều vì sự nghiệp “trồng người”. Giáo dục hôm nay đang bị tác động trái chiều từ cuộc sống khiến tạo ra những thay đổi nhất định có phần bất lợi, vấn đề đặt ra cho những người làm công tác quản lý giáo dục và cả xã hội là cần phải có sự ứng xử phù hợp để giáo dục không đi ngược lại lợi ích “trồng người”.

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Đến lúc tuyên chiến cả với những “nốt ghẻ ruồi” (16/11/2018-22:02)
  • Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G (15/11/2018-10:30)
  • Lương mới áp dụng từ 2021 bắt buộc gắn với tinh giản biên chế (15/11/2018-10:27)
  • Văn hóa tham gia giao thông: Chỉ văn hóa khi phải "trả giá"! (14/11/2018-9:26)
  • Tổ chức thi tuyển, lấy phiếu tín nhiệm để tránh tệ “mua quan bán chức”! (13/11/2018-7:52)
  • Từ chức - khuyến khích tự nguyện hay cần luật hóa (07/11/2018-8:50)
  • Bảo đảm an ninh mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, quyền con người (08/11/2018-8:46)
  • Đừng ngộ nhận việc bảo đảm an ninh mạng với tôn trọng quyền con người (07/11/2018-7:50)
  • Mức đóng, hưởng BHYT theo qui định mới (06/11/2018-8:04)
  • Ra văn bản phi lý - Không chỉ riêng Bộ Giáo dục & Đào tạo! (31/10/2018-17:52)