Thứ tư, ngày 01/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Có những người trẻ đã tràn ra thông tin tiêu cực (10/04/2019-14:26)
    Thử nhớ về thời tuổi trẻ của chúng ta mà xem, chúng ta cũng từng nông nổi, nhiều sai lầm và tiêu những khoảng thời gian cho các việc vô bổ, nhưng phần đông rồi chúng ta cũng trưởng thành và có trách nhiệm với bản thân và xã hội thôi. Chỉ khác là thời của chúng ta không có mạng xã hội, và những chuyện ngớ ngẩn chúng ta từng làm thì ít người biết hơn bây giờ”, nhà báo Hoàng Trọng Hiếu.

PV: Theo quan sát của mình, anh có thấy sự khác biệt nào đáng kể giữa những người trẻ tuổi và những người lớn tuổi trong cách thể hiện của họ ở trên mạng xã hội không? 

Nhà báo Hoàng Trọng Hiếu: Cái này thực sự là rất khó đánh giá. Có những người tôi biết là đã không còn trẻ nữa, nhưng từ những gì họ thể hiện trên mạng xã hội, tôi thấy rất nhiều năng lượng tích cực, nhiều thông tin thú vị, hấp dẫn, nhưng cũng có những người trẻ thì luôn luôn tràn ra những thông tin tiêu cực về cuộc sống xung quanh. Tôi không chắc chắn lắm để đánh giá về sự khác biệt này, có thể tôi đã không may mắn lắm khi ít được kết bạn trên facebook với nhiều người trẻ giỏi giang, tích cực.

Tôi không xếp anh vào lớp người trẻ đâu nhé (cười), theo quan sát của tôi thì trang cá nhân của anh được xếp vào phía đầu tiên anh đề cập, tức là tràn đầy tinh thần lạc quan trước mọi vấn đề. Không vào hùa với đám đông là cảm giác khi đọc những gì anh viết. Tới mức đôi khi, anh trở lên lạc lõng. Có bao giờ anh để ý đến điều này không?

- Nó thuộc về cách sử dụng mạng xã hội của mỗi cá nhân. Với tôi, mạng xã hội là nơi tốt để có được những thông tin thú vị mà rất ít không gian công cộng khác có thể có. Bởi vậy, tôi có ý thức kết nối trên friends list của mình với những mẫu người khác nhau, có những quan điểm khác nhau, có công việc, hoàn cảnh sống khác nhau để từ những bài viết, hình ảnh của họ, mình có được thông tin đa dạng về cuộc sống thực. Nhiều người trong số tôi đã kết nối có lẽ không bao giờ like một bài viết của tôi, hình ảnh của tôi đưa lên, có lẽ vì họ khác tôi ở quan điểm hoặc các mối quan tâm, hoặc vì thuật toán của Facebook không để những thông tin đó xuất hiện trên tường của họ, nhưng tôi vui vì có kết nối với họ. Kết nối với mạng xã hội, nhưng chúng ta cũng nên tìm hiểu một chút về cách nó vận hành, tránh để thuật toán của nó đưa ta đến chỗ chỉ kết nối với người suy nghĩ tương tự như mình. Xung quanh chúng ta mà toàn những người giống nhau về suy nghĩ, cảm xúc thì thật sự là chán. Còn việc có những “tút” của tôi chỉ có chưa đầy chục like do chủ đề khác biệt với xung quanh thì thực ra cũng không có vấn đề gì, nó như là cách tôi ghi chép một số lưu ý trong ngày của mình thôi, không nhận được sự quan tâm của xung quanh cũng là chuyện bình thường.

Có lẽ là anh đồng lứa với nhiều facebooker - nhà báo đang “dẫn dắt” các thông tin trên mạng xã hội. Hơn nữa, trong khi rất nhiều người tìm mọi cách để có lượng like lớn, không ít người viết (trong đó khá nhiều nhà báo) thậm chí sẵn lòng chửi bậy, đón trend, đi ngược đám đông… để trở thành nổi tiếng, rồi viết status quảng cáo, đánh người hay bênh phe kia… để … kiếm tiền. Thì vì sao một nhà báo như anh, kiến thức bề bề, lại có thể bình thản, nhẩn nha viết những dòng trạng thái với một thái độ bình tĩnh đến vậy trước những vấn đề cả xã hội đang sôi lên?

- Là một facebooker viết ra những status có nhiều like, nhiều share thì tốt chứ, chỉ là cá nhân tôi không thành công với việc đó thôi. Để trở thành một KOL thành công trên mạng xã hội cũng cần phải rất nhiều tài năng, và cả duyên may nữa đấy, kiến thức cá nhân chỉ là một yếu tố thôi, mà còn chưa chắc đã là yếu tố cơ bản. Tôi vẫn cho rằng, những người nổi tiếng trên mạng xã hội đều là những người giỏi, theo cách riêng của họ.

Còn nói thêm về chuyện có theo các hot trend hay không thì nó thuộc về quan điểm của mỗi người, cũng không có chuyện đúng sai ở đây. Hào hứng lao vào trung tâm các chủ đề nóng có cái hay của nó, còn đứng ở bên cạnh quan sát cũng có cái thú vị riêng. Chỉ là theo cảm nhận của tôi, mạng xã hội là nơi tốt để thu lượm thông tin, nhưng chưa hẳn đã là không gian phù hợp để giải quyết các vấn đề. Chúng ta có thể chứng kiến những chủ đề xã hội từng rất nóng trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, gây ra những cuộc tranh cãi quyết liệt, xong rồi từ từ chìm xuống, còn vấn đề thì vẫn y nguyên. Tôi ít tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng vì muốn tiết kiệm năng lượng cá nhân của mình thôi, còn với những người khác giàu năng lượng thì họ xả ra theo cách nào là quyền của họ, tôi cũng chẳng thấy có gì không hay cả.

Bây giờ thì tôi muốn đặt ra một câu hỏi, mà ở góc độ của mình, anh có quan sát được điều gì không: Những người trẻ - các bạn ấy đang làm gì trên mạng xã hội hiện nay? Và công cụ này khiến các bạn ấy dễ thành đạt hơn hay đang cuốn các bạn ấy vào những việc vô bổ?

- Về vấn đề này, tôi cho rằng cần phải dựa trên kết quả khảo sát, cần phải có số liệu khách quan để biết được giới trẻ của chúng ta đang làm gì trên mạng xã hội chứ không phải là dựa trên một vài quan sát cá nhân. Những số liệu dạng đó, hẳn là có trong cơ sở dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, chỉ là chúng ta có thể tiếp cận được hay không.

Nhưng thực ra tôi không băn khoăn lắm về chuyện các bạn trẻ dùng mạng xã hội thế nào, và có thành công với phương tiện truyền thông này hay không. Thời nào cũng vậy thôi, số lượng cá nhân thành công luôn là một thiểu số trong xã hội. Những bạn trẻ giỏi thì có hay không có mạng xã hội, họ vẫn có khả năng cao thành công trong cuộc sống. 

Theo anh, một người luôn lạc quan trước mọi vấn đề, thì có gì đáng lo không khi mà cộng đồng mạng, trong đó có không ít người trẻ tuổi, hôm nay đổ xô vào bình phẩm chuyện này, ngày mai chạy theo trend khác, đơn giản, một chiều và sẵn lòng thoá mạ bất cứ ai, bất cứ chuyện gì? Hay mạng xã hội đơn giản chỉ là một sân chơi và nó tất yếu phải như vậy?

- Hiện tượng này nó xuất hiện trên toàn cầu chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam, và ở nhiều quốc gia, cái cách cộng đồng mạng bị dẫn dắt với các chủ đề hot thực ra nó đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng hơn nhiều. Riêng với các bạn trẻ chơi mạng xã hội, tôi cho rằng không tránh được, tuổi trẻ nên nhiều hiếu kỳ, tò mò là bình thường, nhưng vì là người trẻ, họ có thời gian để điều chỉnh. Chị thử nhớ về thời tuổi trẻ của chúng ta mà xem, chúng ta cũng từng nông nổi, nhiều sai lầm và tiêu những khoảng thời gian cho các việc vô bổ, nhưng phần đông rồi chúng ta cũng trưởng thành và có trách nhiệm với bản thân và xã hội thôi. Chỉ khác là thời của chúng ta không có mạng xã hội, và những chuyện ngớ ngẩn chúng ta từng làm thì ít người biết hơn bây giờ.

Vâng, thậm chí nếu cho chúng ta quay lại thời tuổi trẻ, chắc cũng vẫn không tránh khỏi việc tham gia vào những chuyện ngớ ngẩn và vô bổ. Nhưng tôi hơi tò mò một chút, để đặt ra một tình huống ngớ ngẩn thế này: nếu giả sử bây giờ cuộc sống đặt anh trước một áp lực là cần phải kiếm tiền bằng mạng xã hội, anh sẽ chọn cách nào: bán hàng online hay viết status quảng cáo kiếm tiền như một số đồng nghiệp khác?

- Cả hai việc đó tôi cho rằng mình đều khó có khả năng thực hiện hiệu quả. Một người bán hàng online thành công là vì họ có tố chất kinh doanh tốt, không có mạng xã hội thì họ vẫn có khả năng trở thành một người bán hàng giỏi. Còn về việc viết status kiếm tiền thì càng xa vời, muốn làm được việc đó, trước tiên phải đông người follow đã, phải là một người nổi tiếng. Mà tôi thì là một facebooker vô danh, có muốn bán status kiếm tiền thì cũng không có người mua đâu.

Anh có hình dung ra một thế hệ khác lớn lên sẽ dùng mạng xã hội như một công cụ khác với chúng ta không?

- Thay đổi thì chắc chắn là có rồi, công nghệ hiện tại thay đổi càng ngày càng nhanh. Ngày tôi bắt đầu sử dụng internet để viết về mạng xã hội, khi đó là những mạng xã hội khác với tên gọi khác. Giờ đây với cộng đồng mạng Việt Nam, chúng ta đang lặn ngụp trong mạng xã hội Facebook, một phần là Zalo, một phần là Twitter… Nhưng tôi tin là rồi sẽ có những dịch vụ khác mới hơn, khác hơn xuất hiện và thay thế những cái hiện tại.

Xin cảm ơn anh! 

Theo Cẩm Anh/Báo Đại đoàn kết

 

Các tin khác:
  • Làm sao giám sát việc rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên hiệu quả? (09/04/2019-21:42)
  • Nạn bạo lực học đường: Đừng “đẩy” hết trách nhiệm lên thầy cô! (09/04/2019-21:39)
  • Tăng lương, tinh giản biên chế và hiệu quả công việc (08/04/2019-11:15)
  • Khôn ngoan "đá đáp" người ngoài… (08/04/2019-11:13)
  • Thực thi nghiêm pháp luật sẽ hạn chế việc lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi (02/04/2019-11:06)
  • Cảnh giác với những lời lẽ lu loa, tâm địa đen tối (02/04/2019-11:05)
  • Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử (29/03/2019-15:22)
  • Nhà chùa nên đẩy mạnh giảng dạy Phật pháp, không sa đà vào cúng bái (27/03/2019-19:15)
  • Đồng hành cùng trẻ em trên môi trường mạng (27/03/2019-19:13)
  • “Kiên quyết làm trong sạch đội ngũ thì dân càng tin, ủng hộ Đảng” (26/03/2019-7:39)