Thứ năm, ngày 02/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Người yêu nghề và có độ “lỳ” rất cao (16/04/2019-10:08)
    Làng báo từng đồn thổi: “Ai mà được Trần Hoàng Thiên Kim chọn phỏng vấn thì dù có đang nằm dưới mồ cũng phải… bật nắp ván thiên dậy để trả lời”. Nói đến chuyện này, chị Kim chỉ mỉm cười và tự nhận mình là người yêu nghề và có độ “lỳ” rất cao.
Nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim tại Lễ trao giải Báo chí Quốc gia năm 2013
(Ảnh: NVCC)

1. Đọc nhiều bài viết của chị trên chuyên đề An ninh Thế giới của Báo Công an Nhân dân nhưng khi được gặp và trò chuyện cùng chị, tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Đằng sau con chữ già dặn, nghiêm ngắn ấy là một Trần Hoàng Thiên Kim trẻ trung, vui tính, thân thiện, dễ gần và đặc biệt trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười.

Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Đại học Văn hóa) và được giữ lại làm cán bộ tại trường những tưởng đây sẽ là môi trường lý tưởng để chị phát huy sở trường của mình, tập trung vào công việc giảng dạy, sáng tác văn chương. Nhưng rồi với bản tính thích ngao du, tìm tòi, khám phá, thích được tự do bay nhảy, chị đã “ngoại tình” báo chí và mong muốn được làm việc chính thức tại một tòa soạn thay vì chỉ là cộng tác viên. Những bài báo đầu tiên của chị và cũng là chủ đề mãi sau này chị vẫn tập trung khai thác, đó là đi sâu vào đời sống văn hóa xã hội, đời sống của giới văn nghệ sĩ. Bởi, được học tập và may mắn được công tác tại ngôi trường được coi là “cái nôi” của văn chương, đã giúp chị có nhiều mối quan hệ và được học hỏi nhiều điều từ các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Hơn nữa, được tiếp xúc, làm việc cùng họ, chị đã phần nào hiểu và có cái nhìn đa chiều về họ để rồi sau này họ đều là nhân vật trong những bài viết của chị.

Chị vẫn luôn quan niệm, bài chân dung không đơn thuần chỉ là những bài viết giới thiệu chung chung về con người, lý lịch và sự nghiệp của nhân vật mà phải là những bài viết sâu sắc, có cái nhìn thấu đáo, toàn diện trong một tổng thể thống nhất xuất phát từ cái tâm, cái tầm của người cầm bút. Để nhân vật bật lên được điểm mạnh, điểm yếu, để người đọc thấy rằng nhân vật họ hay như nào, dở ra sao. Theo chị từ một góc độ nào đó, người cầm bút phải hiểu nhân vật từ sự bền bỉ, nỗ lực, cố gắng trong cuộc sống đời thường và trong sáng tác thì mới cho ra đời những bài chân dung đi vào lòng người đọc.

Chị cũng là một trong những phóng viên trẻ nổi tiếng về sự kiên trì, đeo bám nhân vật. Nhiều lần liên hệ với nhân vật để phỏng vấn, chị bị từ chối thẳng thừng. Vì những nhân vật ấy đã được khẳng định tên tuổi của mình rồi, có hay không có bài báo của chị thì họ cũng đã là những người được cả một thế hệ thừa nhận. Người cẩn thận hơn ngại tiếp đón phóng viên vì họ không tin tưởng, sợ sự sơ sẩy câu chữ có thể đổ xuống sông xuống bể cả một đời cống hiến. Một số phóng viên trẻ thấy vậy thường nản chí và từ bỏ đề tài, nhưng chị thì không. Trước khi phỏng vấn, chị tìm hiểu rất kỹ về họ để có một cách nhìn mới, từ đó chị kiên trì thuyết phục nhân vật. “Hoặc là do khả năng thuyết phục hoặc một sự chia sẻ nào đó nên hầu hết nhân vật tôi gặp, sau đó đã dốc bầu tâm sự chân thành và thay vì sự từ chối ban đầu, cuộc phỏng vấn của tôi kéo dài dăm ba tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Tôi nghĩ rằng, làm việc gì cũng phải tận tâm, tận lực, kể cả đó đơn giản chỉ là một bài báo”, nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim tâm sự.

2. Tính đến nay, chị đã in 3 đầu sách ký chân dung, đó là những tập sách tập hợp những bài viết chân dung ký sự trong nhiều năm qua. Đặc biệt, trong tập sách mới nhất do NXB Kim Đồng ấn hành mang tên “Đi tìm những giấc mơ” đã gây được tiếng vang lớn trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và công chúng. Hầu hết các nhân vật của chị là những nhà văn, nhà thơ, các giáo sư, các nghệ sĩ lớn tuổi, họ đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc bằng những tác phẩm văn chương xuất sắc, nhưng đáng buồn thay, giờ đây không phải ai cũng biết về họ và sức sống của một thời để nhớ, nhất là giới trẻ.

Nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim - (Ảnh: NVCC)

Với “Đi tìm những giấc mơ”, Trần Hoàng Thiên Kim mở ra nhiều chiều không gian về cuộc sống và khát vọng sáng tạo của những bậc tài hoa như: Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Xuân Quỳnh… những tác giả đương đại nổi tiếng như: Nguyễn Xuân Khánh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm… và những nhà văn trẻ tài năng mới như: Nguyễn Ngọc Tư… Qua “Đi tìm những giấc mơ”, những chuyện hậu trường của làng văn, những tư liệu đời tư nhà văn, những kỉ niệm của các văn nhân hiện lên đầy sinh động trong mỗi trang viết. Nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim chia sẻ: “Cuộc đời của những nhân vật trong cuốn sách là những trải nghiệm đầy thú vị, đầy cảm xúc, đầy dư ba cho thế hệ hậu sinh chúng tôi nhìn vào như một tấm gương phản chiếu thế hệ. Họ đã sống, làm việc, cống hiến, va đập với rất nhiều trạng huống trong cuộc sống để viết nên những tác phẩm để đời”.

Khi mà xu hướng của một bộ phận không nhỏ giới trẻ tò mò, thích thú vào những nhân vật “khác người” với những văn hóa lệch chuẩn thì chị mong muốn bài viết của mình sẽ hướng độc giả đến với giá trị nhân văn hơn, sống tốt hơn, ý nghĩa hơn. Dẫu biết rằng, báo chí chuyên sâu về mảng văn hóa xã hội, về những nhân vật văn nghệ sĩ rất khó kiếm độc giả, nhưng ở một góc cạnh nào đó, độc giả nào đó thì đó là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Bởi, “Văn học là nhân học”, phản ảnh đời sống con người một cách thấu đáo và chân thực nhất, hướng con người tới giá trị chuẩn mực của “chân”, “thiện”, ‘mỹ”. Không có thứ văn học chung chung. Vậy, nếu người cầm bút sáng tác văn chương hay truyền thông báo chí mà chỉ mà chăm chăm khai thác về những nhân vật như: Lệ “rơi”, Khá “bảnh” thì cuộc sống giới trẻ sẽ đi về đâu?

3. Được biết, sắp tới chị sẽ xuất bản cuốn sách tập hợp những bài viết về những người có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, những người có số phận bất hạnh nhưng đang từng ngày, từng giờ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đây là những bài viết mà chị rất tâm huyết, mày mò, kỳ công, tỉ mỉ viết bằng tất cả tấm lòng. Theo chị báo chí phải khai thác sâu hơn, kỹ hơn, tốt hơn về nhân vật ấy để tạo niềm tin, động lực cho xã hội trước đầy rẫy những bất cập mà xã hội đang tồn đọng. Sau khi bài báo được đăng, chị vẫn thường xuyên liên lạc với họ và thấy rằng họ vẫn tiếp tục sống và vô hình trung chị là người theo sát, người đồng hành cùng họ trong cuộc sống.

“Sau khi viết về họ tôi thành bạn của họ. Đôi khi tôi nhận được ở họ cảm hứng sống, cảm hứng viết. Vì có nhiều nhân vật mà cuộc đời họ, nó không chỉ vỏn vẹn nằm trong một bài báo, là một trang sách không có hồi kết. Quan điểm của tôi là không bao giờ bỏ rơi nhân vật. Sau đó tôi gặp họ, có thể ngồi nhâm nhi một ly cà phê tán chuyện, có thể nói chuyện qua mạng internet để thấu hiểu và quan tâm đến những gì họ đang tiếp tục phía trước. Nhiều nhân vật họ nói với tôi sau khi bài báo được đăng cuộc đời họ đã sang một trang mới, có những tin nhắn lớn lao hơn, họ bảo tôi là người cứu rỗi cuộc đời họ... Tôi cho rằng, những lời nhắn đó là một sự động viên, khích lệ tôi. Đó đôi khi cũng là niềm vui mà bổn phận và trách nhiệm của nghề báo đem lại cho tôi trong đời sống thực sự quá nhiều thứ xô bồ này”- nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim trải lòng./.

Đại úy, Tiến sĩ, nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim, sinh năm 1981 tại Nghệ An. Chị hiện là phóng viên chuyên đề An ninh Thế giới của Báo Công an Nhân dân. Chị từng đoạt Giải C - Giải Báo chí Quốc gia năm 2013 với tác phẩm “Những nạn nhân của khuynh hướng báo chí “lá cải”

Theo Thiên An/Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

Các tin khác:
  • Báo chí có tác dụng rất lớn trong việc định hướng thông tin về những hiện tượng “lạ” trong xã hội (16/04/2019-3:06)
  • Sự thật chính là tôn chỉ, mục đích cuối cùng của báo chí (31/03/2019-20:36)
  • Báo HàNộimới Cuối tuần - “đọc chậm”, thấm sâu, đậm “chất” Hà Nội (31/03/2019-19:59)
  • Tác nghiệp nơi “đầu sóng” để thấy Trường Sa thật gần (29/03/2019-15:20)
  • Trường Sa - thổi bùng ngọn lửa yêu nước và gắn kết những trái tim vì biển đảo (29/03/2019-15:16)
  • Khẳng định sức trẻ tại các sân chơi lớn của nghề báo (27/03/2019-19:11)
  • Công chúng kỳ vọng vào sự sáng tạo, trách nhiệm của những người làm báo (19/03/2019-12:29)
  • Nhà báo trẻ làm gì để thành công trong thời đại 4.0? (17/03/2019-20:02)
  • Báo chí sát cánh cùng doanh nghiệp hội nhập thành công (17/03/2019-19:36)
  • Cuộc hội tụ ấn tượng và lắng đọng dấu ấn nghề nghiệp (17/03/2019-19:21)