Chủ nhật, ngày 05/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Với biển, tôi đã đi, và vẫn muốn đi (05/07/2016-13:20)
    (NLBTH) - Được sống cùng ngư dân, trải qua những khó khăn nơi đầu sóng, có lẽ là những chuyến đi mang lại cho phóng viên nhiều trải nghiệm. Hơn cả, đó còn là niềm tự hào, hãnh diện, giúp những người làm báo vượt lên chính mình, phản ánh kịp thời, sinh động về biển, đảo quê hương.
Tác giả trong lần tác nghiệp tại xưởng đóng tàu.

Đề tài biển, đảo luôn thu hút sự quan tâm của phóng viên. Dù nhiều sự kiện, sự việc xảy ra trên biển, trong khi phương tiện liên lạc, đi lại khó khăn, nhưng người làm báo vẫn luôn có mặt kịp thời để ghi lại những hình ảnh, thông tin mới nhất về ngư dân để đưa đến công chúng.

Đặc biệt, khi tàu thuyền của ngư dân không may gặp nạn, thì phóng viên là người đồng hành để vận động, kêu gọi những đơn vị, cá nhân hảo tâm cùng chung tay tiếp sức, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Để có những tác phẩm nhanh, đúng, trúng và hay viết về ngư dân, người làm báo cũng bám tàu, bám biển, làm bạn với ngư dân để tìm hiểu, chia sẽ những khó khăn cùng họ. 

Tôi từng có dịp được ra khơi cùng ngư dân. Cũng không phải ngẫu nhiên mà một người làm báo nữ như tôi lại quyết tâm muốn có những trải nghiệm thực tế công việc đánh bắt của ngư dân.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê biển Quảng Nham (Quảng Xương), hàng ngày chứng kiến những công việc, những khó khăn, vất vả của ngư dân, có cả niềm vui và những giọt mồ hôi chát mặn vị biển, nhưng trên hết tôi biết những con người của biển. Với họ, biển là một phần máu thịt. Từ trước đến nay cũng chỉ có phóng viên nam được ngư dân cho đi đánh bắt cùng. Với nữ giới họ ngại, bởi lẽ theo quan niệm của ngư dân con gái mà đi theo thuyền đánh bắt ra khơi sẽ không may mắn. Rồi sợ việc say sóng, sức khỏe không đảm bảo làm lỡ chuyến ra khơi của họ. Nhưng, với quyết tâm của mình tôi đã thuyết phục được ngư dân là những người địa phương quen biết để được cùng họ ra khơi. Dù chỉ là chuyến đi lộng (đánh bắt gần bờ) và thời gian đi chỉ 2 ngày trên biển, nhưng đó là những trải nghiệm mà tôi không bao giờ quên. Có lẽ chẳng gì có thể chống lại được say sóng nếu như không phải là những người thường xuyên đi biển, nhất là khi gặp những cơn sóng to… Và đúng là không có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ khi say sóng. Hai ngày trên biển với ngư dân tôi không ăn, chỉ cầm cự bằng mấy ngụm nước. Nằm cũng say, ngồi cũng say, những gì có trong người nôn ra hết, mặt xanh, tay chân gần như vô dụng. Nhưng không để bỏ lỡ chuyến đi quan trọng này, tôi vẫn cố gắng đứng dậy cầm máy ảnh ghi lại những hình ảnh ngư dân đánh bắt trên biển; vẫn cố gắng quan sát để có cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống của ngư dân.

Rồi những lần được đi ra Đảo Mê cùng các đoàn công tác trong những ngày giáp tết nguyên đán, được cùng chiến sỹ ở đây chuẩn bị đón tết với những món quà từ đất liền gửi tặng. Nhiều chiến sỹ trẻ lần đầu tiên đón tết xa nhà tâm sự, khi đứng trên chòi gác nhìn quầng sáng từ các điểm bắn pháo hoa ở đất liền khiến họ nhớ bố mẹ, gia đình và bạn bè vô cùng. Nhưng không vì thế mà họ quên đi nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Họ luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Mỗi cán bộ, chiến sỹ đều yêu quý, gắn bó với mảnh đất nơi mình đóng quân, đồng chí, đồng đội đã trở thành gia đình thứ hai của mỗi chiến sỹ.

Những lần đi biển dù vất vả bội lần nhưng đôi chân vẫn muốn đi, đôi tay vẫn muốn viết và cảm nhận một cách chân thực nhất cuộc sống của ngư dân, của những người lính đảo, của những thợ đóng tàu và cả những người phụ nữ vùng quê biển vẫn ngày ngày dõi theo chồng, con sau những chuyến ra khơi.

Tôi đã đi, và vẫn muốn đi để được hòa mình với biển, đảo quê hương.

Hoàng Lan

 

Các tin khác: