Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Nhìn lại Đề án 600: (08/07/2016-13:15)
    Tác phẩm đoạt giải C giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2015

Nếu như các Chương trình 134, 135 và 30a… của Chính phủ được ví như chiếc “cần câu” giúp các huyện miền núi khó khăn vươn lên xóa đói, giảm nghèo thì Đề án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trên địa bàn cả nước (gọi tắt là Đề án 600) lại tăng cường nguồn nhân lực giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai, thực hiện các biện pháp nhằm phát triển KT - XH, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Kì 1:  “Thử lửa”… trên vùng đất khó

Tốt nghiệp cử nhân ngành Nông - Lâm nghiệp, Nguyễn Văn Tưởng, huyện Thiệu Hóa được phân công về xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh với chức danh Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội. Bằng tuổi trẻ và trí tuệ của mình Nguyễn Văn Tưởng đã có nhiều việc làm mới, được đông đảo bà con đồng tình, hưởng ứng...

Để nhanh chóng hòa nhập và vào cuộc, phương châm của anh Tưởng là phải thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Phương châm ấy, không những giúp cho anh hiểu biết được các phong tục, tập quán, ngôn ngữ và nét văn hóa của từng dân tộc đang sinh sống trên địa bàn mà còn tạo được tình cảm, niềm tin yêu của bà con dân bản đối với khả năng lãnh đạo của “cán bộ dự án”. Vì vậy, các đợt tuyên truyền, vận động bà con loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin do anh khởi xướng luôn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo bà con. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa cũng đạt được kết quả ghi nhận với 100% các làng đều đạt làng văn hóa cấp huyện. Xã đang phấn đấu, cuối năm nay sẽ xây dựng xã văn hóa.

Cầm tấm bằng cử nhân ngành Nông- Lâm nghiệp, Lê Đình Huấn, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân được phân công về làm Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế ngay tại chính quê hương mình. Phụ trách lĩnh vực đúng với chuyên ngành đã được đào tạo và được “trổ tài” ngay tại nơi mình đã sinh ra, lớn lên với Huấn đó là may mắn lớn.

Là xã thuần nông nhưng kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, sâu bệnh xảy ra nhiều, bà con lại không biết cách phòng trừ nên năng suất các loại cây trồng rất thấp. Vì thế tỷ lệ hộ nghèo của xã lên đến 53% (năm 2012). Làm gì để người dân bớt nghèo?, Huấn đã đề xuất với xã mạnh dạn chuyển đổi đưa một số cây trồng có năng suất, giá trị hiệu quả cao như lúa lai, mía…vào trồng với diện tích lớn. Tận dụng hàng chục ha đất bỏ hoang lâu năm, Huấn đã đến từng nhà vận động bà con đưa cây sắn, cây keo vào trồng vừa có tác dụng phủ đất trống, đồi trọc, vừa nâng cao thu nhập cho bà con. Khôi phục đàn gia súc bị sụt giảm do đồng cỏ bị thu hẹp, Huấn đã tuyên truyền, vận động bà con thu gom rơm, rạ, cây ngô, bẹ ngô, lá mía lại, phơi khô dành làm thức ăn dự trữ quanh năm, nhất là mùa khô. Bằng cách làm này, đàn trâu bò của Hóa Quỳ không những được khôi phục mà phát triển về số lượng và chất lượng…

Tuy là "bóng hồng” nhưng đội viên Nguyễn Thị Huyền, hiện làm Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân đang khiến nhiều người… nể phục. Thành tích của Huyền không chỉ thúc đẩy các hoạt động văn hóa- xã hội của địa phương này phát triển mà còn mở hướng để Xuân Cẩm  khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch phụ trách văn xã vào dịp Tết Trung thu đang cận kề, vì vậy trong suy nghĩ của cựu sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là cần làm cái gì đó có ý nghĩa cho trẻ em trong dịp này. Và ý tưởng tổ chức đêm rằm Trung Thu lồng ghép với việc trao thưởng cho học sinh nghèo có thành tích tốt trong học tập được Huyền mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương. Được ủng hộ, đêm hội trung thu đầu tiên được tổ chức đã trở thành sân chơi bổ ích thu hút được đông đảo trẻ em và người dân trên địa bàn.

Thành công từ đêm hội trung thu đã giúp Huyền tạo được dấu ấn, niềm tin của người dân trên địa bàn về khả năng lãnh đạo của “cô Phó Chủ tịch xã”. Vì vậy, khi tuyên truyền, vận động bà con giữ vệ sinh môi trường, không chăn thả gia súc gia cầm dưới gầm sàn; loại bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu trong đám hiếu, đám hỷ; vận động trẻ em bỏ học đến trường… đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa cũng đạt được kết quả ghi nhận. Hiện Xuân Cẩm đã khai trương được 5/6 làng và 3 cơ quan văn hóa. Đặc biệt, với con mắt của người học du lịch và đã từng làm du lịch, Huyền nhận thấy thôn Thanh Xuân có tới 100% dân là người Thái còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống là 70% nhà sàn và có nhiều sản vật như dệt thổ cẩm, cam, bưởi, lợn cỏ, gà ri… và người dân Thanh Xuân chân thật, mến khách - là điều kiện tốt để phát triển du lịch cộng đồng. Hơn nữa, nếu phát triển du lịch cộng đồng ở thôn Thanh Xuân sẽ kết nối và hình thành tuyến du lịch lòng hồ Cửa Đạt, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Trên đây chỉ là 3 trong số 60 đội viên mà tôi đã có dịp được tiếp xúc. Các đội viên, mỗi người, mỗi vẻ nhưng tựu chung họ đều là những thanh niên ưu tú. Khát khao của họ là được đem trí thức và nhiệt huyết của tuổi trẻ đến những vùng khó khăn với mong muốn cùng chính quyền nơi đây thay đổi diện mạo vùng quê còn nhiều gian khó này.

Minh Lý


 

 

Nhìn lại Đề án 600:

Kỳ 2:  Góp sức làm đổi thay vùng quê nghèo

..Hơn 3 năm “thử lửa” trên vùng đất khó, 60 trí thức trẻ được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND 60 xã khó khăn thuộc 7 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh đang hàng ngày đem trí thức và nhiệt huyết của tuổi trẻ góp sức cùng chính quyền địa phương làm đổi thay diện mạo những vùng quê còn nhiều gian khó.

Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân - ông Lê Hữu Giới cho biết: Nhờ  Đề án 600, Hóa Quỳ được tăng cường Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực kinh tế. Từ khi có thêm Phó Chủ tịch mới đã giúp cho xã xây dựng các chủ trương, nghị quyết trong phát triển kinh tế sát và phù hợp với điều kiện của địa phương. Vì vậy, kinh tế xã Hóa Quỳ mấy năm trở lại đây đã có nhiều khởi sắc, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 53% (năm 2012), xuống còn 26,7%.

Hóa Qùy là xã thuần nông, tập quán canh tác còn lạc hậu nên năng suất các loại cây trồng rất thấp. Đó là nguyên nhân khiến cho nhiều diện tích đất ở Hóa Quỳ bị bỏ hoang và tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao. Vì vậy, để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cần thay đổi cách sản xuất truyền thống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, thay vào đó là áp dụng và đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Muốn vậy, ngoài tuyên truyền, vận động bà con đưa các loại cây, con có năng suất chất lượng, hiệu quả cao, cần tăng cường mở các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách nuôi trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Bằng cách làm này, đến nay, nhiều diện tích đất bỏ hoang đã được bà con tận dụng đưa cây sắn, keo vào  trồng. Với việc đưa 60 - 70% diện tích lúa lai vào gieo cấy, kết hợp với kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời đã nâng năng suất lúa bình quân của Hóa Quỳ đạt 62 tạ/ha. Các loại cây trồng khác như mía, sắn, cao su… cũng cho năng suất, giá trị thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước. Khôi phục đàn gia súc bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh và đồng cỏ bị thu hẹp, ngoài tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng dịch, phòng bệnh, chính quyền xã còn vận động bà con thu gom các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch  (rơm, rạ, cây ngô, bẹ ngô, lá mía) dành làm thức ăn dự trữ quanh năm. Bằng cách làm này, đàn trâu bò của Hóa Quỳ mỗi năm phát triển thêm hàng chục con giúp nhiều gia đình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống và mức thu nhập.

Xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh có đến 99% dân số trên địa bàn xã là bà con các dân tộc thiểu số. Vì vậy, ngoài còn lưu giữ được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, các hủ tục lạc hậu trong đám hiếu, đám hỷ vẫn còn vừa kéo dài và gây tốn kém. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn ở mức trên 50% .

Từ khi xã thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trọng tâm xây dựng làng văn hóa và được tăng cường thêm Phó Chủ tịch phụ trách văn xã, bộ mặt thôn bản đã có nhiều khởi sắc. Hiện các đám hiếu, đám hỷ của bà con các dân tộc đã thực hiện theo nếp sống mới nên mỗi đám cũng tiết kiếm được vài triệu đồng. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được người dân quan tâm, không còn tình trạng chăn thả gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn, vứt rác bừa bãi ra đường như trước kia… Đặc biệt, với việc hoàn thành khai trương xây dựng các làng, bản văn hóa và 100% các làng đều đạt làng văn hóa cấp huyện đã tạo điều kiện cho Đồng Lương khôi phục, phát triển các trò chơi, trò diễn và các lễ hội truyền thống như lễ hội Pôồn pôông, hát xường của người Mường…, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Khi đời sống tinh thần được nâng cao đã tạo điều kiện cho Đồng Lương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Thông qua các chương trình, dự án của huyện, tỉnh hỗ trợ và sự nỗ lực vượt khó của chính quyền địa phương, người dân, nhiều hộ gia đình vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 29,68%.

Nhờ được tăng cường trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã, những năm gần đây xã Xuân Cẩm (Thường Xuân) đã có nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng làng văn hóa. Đến nay Xuân Cẩm đã có 5/6 làng và 3 cơ quan khai trương xây dựng làng văn hóa.

Văn hóa phát triển đã tạo điều kiện cho Xuân Cẩm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hiện Xuân Cẩm chỉ còn 15,3% hộ nghèo, xã đang phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nếu đề án phát triển khu du lịch sinh thái cộng đồng tại thôn Thanh Xuân được khởi động sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập không chỉ cho người dân thôn Thanh Xuân mà cả người dân trên địa bàn, từ đó sẽ đóng góp đáng kể vào thành tích trong trong xóa đói, giảm nghèo của xã.

Hơn 3 năm tăng cường về làm Phó Chủ tịch các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh, 60 đội viên trong đó có 13 đội viên phụ trách lĩnh vực kinh tế, 47 đội viên phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội. Các đội viên này, dù phụ trách ở lĩnh vực nào, họ cũng đều nỗ lực vượt mọi khó khăn, cố gắng hết mình đem trí thức và sức trẻ cùng chính quyền địa phương triển khai, thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát triển KT-XH, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Những đóng góp của họ đang làm cho vùng quê vốn còn nhiều gian khó đang được thay da, đổi thịt từng ngày.

Minh Lý



 

 

Nhìn lại Đề án 600:

Kì cuối:  Hết dự án… trí thức trẻ về đâu?

Không thể phủ nhận những đóng góp của trí thức trẻ khi được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã khó khăn thuộc các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để bố trí, sử dụng những đội viên này sau khi Đề án kết thúc, đa số lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, họ không có nhu cầu. Thực tế trên đang khiến nhiều đội viên băn khoăn, lo lắng cho tương lai của mình… sẽ đi đâu, làm gì khi thời hạn 5 năm của đề án kết thúc?.

Nỗi niềm trí thức

Đội viên Lê Đình Huấn, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân trải lòng: Ước mong được đem kiến thức giúp bà con xóa đói, giảm nghèo là điều tôi hằng ấp ủ. Đề án 600 đã tạo cơ hội cho tôi được đem kiến thức và sức trẻ thực hiện ước mơ này. Và tôi thật sự may mắn so với những đội viên khác là được trở về ngay tại nơi mình đã sinh ra, phụ trách lĩnh vực đúng với ngành nghề đã được đào tạo. Hơn 3 năm đảm nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực kinh tế, tôi đã cùng chính quyền địa phương làm thay đổi được tư duy  “dễ… làm, khó… bỏ” và cách sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên của bà con trong xã. Người dân Hóa Quỳ bây giờ đã biết áp dụng, đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi… nên năng suất cây trồng, vật nuôi nâng lên rõ rệt, góp phần làm cho đời sống người dân bớt khó khăn hơn. Đề án chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc, trong khi đó Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, tôi không có trong danh sách cấp ủy, hoặc ban chấp hành nên cũng băn khoăn, không biết mình sẽ đi đâu, làm gì? Và nếu đúng như “hết đề án… là hết trí thức” sẽ có nhiều đội viên tìm kiếm việc làm rất khó khăn. Riêng tôi… nếu đề án không cần đến nữa, tôi sẽ mở quầy thuốc bảo vệ thực vật phục vụ bà con trên địa bàn xã, vì dù sao, tôi đã có kinh nghiệm hơn 5 năm làm việc tại Công ty thuốc Bảo vệ thực vật ở tỉnh Bình Dương.

Đội viên Nguyễn Thị Huyền, tỉnh Hòa Bình- chủ nhân của Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân   lo lắng cho tương lai của đề án này có được xã, huyện quan tâm? Theo Huyền, xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Thanh Xuân là tâm huyết, mong muốn không chỉ người dân thôn Thanh Xuân mà cả người dân xã Xuân Cẩm vì có thể khai thác lợi thế sẵn có của địa phương, phát triển du lịch, nâng cao đời sống, thu nhập. Tuy nhiên, do Đề án còn thiếu kinh phí nên đến nay vẫn nằm trên giấy. Nếu như hết thời hạn 5 năm của Đề án 600, tôi không được xã, huyện bố trí, sử dụng vào bộ máy chính quyền thì mong muốn thôn Thanh Xuân trở thành điểm du lịch cộng đồng, khó thành hiện thực?.

Dù không tin… hết đề án là hết trí thức, song tôi vẫn đọc được trong ánh mắt của đội viên Nguyễn Văn Tưởng, huyện Thiệu Hóa những băn khoăn, trăn trở. Theo đội viên này, tuy đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Đồng Lương (Bá Thước) đã được nâng lên, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, song nếu so với các xã miền xuôi… còn thua xa nhiều lắm. Vì vậy, mong muốn của tôi, Đề án nên kéo dài thêm nữa, có như vậy, ước mong “Miền núi tiến kịp miền xuôi” mới trở thành hiện thực.

Hy vọng…  một kết thúc có hậu

Trong tổng số 60 đội viên, chỉ có 5 đội viên được bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 đó là thực tế trong Đại hội Đảng bộ cấp xã vừa qua. Đa số đội viên không được vào cấp ủy, không phải họ không có năng lực lãnh đạo ở lĩnh vực mà mình đảm nhiệm. Ngược lại, tất cả các đội viên đều được lãnh đạo địa phương đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí có đến 30- 40% đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, để bố trí, sử dụng những đội viên sau khi Đề án 600 kết thúc, đa số các địa phương đều “từ chối” với lý do đã đủ biên chế trong bộ máy chính quyền cấp xã, cấp huyện.

Lý giải thực trạng trên, đại diện Sở Nội vụ cho biết: Về nguyên tắc thì sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các đội viên được xã, huyện bố trí công việc phù hợp với trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị của từng đội viên. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất của các huyện là không có biên chế để tiếp nhận các Phó Chủ tịch xã vào hệ thống cơ quan của địa phương vì khi triển khai Đề án đây là biên chế tăng cường thêm chứ không nằm trong biên chế cấp xã. Vì vậy, hiện tỉnh cũng chưa đưa ra hướng giải quyết mà đang chờ theo hướng giải quyết từ phía Trung ương.

Khát khao cống hiến, mong muốn có một đầu ra vững chắc là mục tiêu chung của các trí thức trẻ được tăng cường làm phó chủ tịch ở 7 huyện nghèo trên địa bàn Thanh Hóa. Nguyện vọng chính đáng của các đội viên, hy vọng sẽ được Đảng, Nhà nước sớm có giải pháp để những trí thức trẻ hôm nay tiếp tục được cống hiến, thực hiện hoài bão, ước mơ góp vào sự phát triển chung của các huyện nghèo. Có như vậy, Đề án 600 mới kết thúc có hậu.

Minh Lý

 

Các tin khác: