Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Thành công từ bản sắc văn hóa (08/07/2016-13:21)
    Tác phẩm đoạt giải C giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2015

Đang lạnh se se, bất chợt lóe lên chút nắng. Nắng hanh vàng, mềm mại như lụa, óng như tơ… Cái nắng tháng mười khiến hai bên đường làng Quan Nội, làng Nhữ Xá rực lên ánh ngũ sắc của tường nhà cao tầng, của mái vòm, mái nhọn, ban công… lô nhô đủ kiểu. Màu sắc của sự sung túc chăng?

Hoằng Anh là xã ven đô. Xã có hai làng: Quan Nội và Nhữ xá. Làng Quan Nội xưa giờ được phiên thành 6 thôn: Quan Nội 1, Quan Nội 2 cho đến Quan Nội 6. Tổng cộng là 7 thôn. Hoằng Anh vốn thuộc huyện Hoằng, mới đầu quân về thành phố hồi tháng 6-2012. Một tân binh, nghĩa là anh lính mới toanh của thành phố tỉnh lỵ mới lên cấp một.

Một xã ven đô, đồng nghĩa với sự đan xen của một chút ồn ào, xô bồ thành thị với cái êm đềm, sâu lắng của làng quê… sự tiếp biến đương nhiên của vùng ven. Sự tiếp biến ấy có hệ quả tất yếu là sự phức tạp của an ninh, trật tự, của các tệ nạn xã hội, như nghiện hút, cờ bạc và đặc biệt là sự hư hỏng của không ít thanh thiếu niên… Nhưng ở Hoằng Anh, có lẽ… đã nằm ngoài quy luật.

Bước qua cổng chào với dòng chữ “Làng văn hóa Quan Nội”, tôi vào thăm ông giáo già Nguyễn Hữu Dinh, người thầy của rất nhiều thế hệ học trò thành đạt. Học trò của ông nhiều người là giáo sư, tiến sỹ, có người lên đến cấp tướng, phó giám đốc học viện, có người là phó bí thư tỉnh ủy, giám đốc sở, tổng giám đốc, văn nghệ sỹ, v.v… Ông Dinh tâm sự: Quan Nội là làng hiếu học, làng có tới cả chục tiến sỹ. Bản thân ông là một trong 50 cử nhân sư phạm lý đầu tiên của nền giáo dục Dân chủ cộng hòa. Cả ba người con trai của ông đều là tiến sỹ.

Năm học vừa qua, cả xã Hoằng Anh có 33 cháu đỗ đại học và cao đẳng.

Tìm hiểu về tình hình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Chiến cho biết: Từ năm 2011, khi Hoằng Anh còn đang thuộc huyện Hoằng Hóa, xã đã đăng ký vào tốp các đơn vị điểm về xây dựng Nông thôn mới. Được huyện chấp nhận, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư đảng ủy làm trưởng ban và Ban Quản lý do chủ tịch UBND làm trưởng ban, bí thư chi bộ và các trưởng thôn làm trưởng, phó các tiểu ban. Liền đó, xã tiến hành xây dựng đề án và việc đầu tiên là bắt tay vào cải tạo cơ sở vật chất hạ tầng đối với những tiêu chí sẵn có và thực hiện một số tiêu chí mới như xây dựng và củng cố hệ thống điện; xây chợ, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa; xây dựng quy hoạch ruộng đất,v.v… Đồng thời rà soát đưa vào kế hoạch những tiêu chí ưu tiên thực hiện hàng năm. Đề án xác định rõ, phấn đấu đến năm 2015 Hoằng Anh hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Để đề án có sức sống thực tiễn, việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng của cấp trên và của xã về Xây dựng Nông thôn mới được triển khai đồng bộ từ xã xuống đến cơ sở thông qua các tổ chức chính trị mà trung tâm là Mặt trận tổ quốc và các thôn, làng văn hóa. Hình thức là giao cho mỗi đoàn thể đảm nhiệm một phần việc cụ thể. Ví như Đoàn thanh niên thì xung kích trong phong trào “Tích cực học tập để lập thân lập nghiệp” và phối hợp với Hội Cựu chiến binh và Ban Chỉ huy quân sự tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Hội Liên hiệp phụ nữ phát động phong trào “Giỏi việc nước đảm việc nhà”, phong trào “Chủ động sáng tạo giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”. Hội Cựu chiến binh phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Hội Nông dân phát động hội viên và nhân dân tích cực lao động sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh mùa vụ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp năng suất cao vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa có giá trị hàng hóa cao, từng bước nâng mức thu nhập của người nông dân. Hội Người cao tuổi thì đề cao tinh thần “Tuổi cao chí càng cao”, tích cực tham mưu, góp ý kiến cho lãnh đạo địa phương về biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Về phía các thôn, làng văn hóa thì tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra”,v.v… Mặt khác, xã cũng thực hiện chủ trương xã hội hóa, kêu gọi nhân dân đồng lòng, chung sức trong việc xây dựng, củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất.

- Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, xã đã có biện pháp gì, việc làm cụ thể gì…? Tôi hỏi chủ tịch Lê Văn Chiến.

- Trước hết là phải phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, anh ạ. Dân giàu thì xã mới mạnh được.

Và anh tâm sự. Muốn vậy, trước hết là phải chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, đưa đơn vị từ xã nông nghiệp thuần túy trở thành xã có nền kinh tế đa ngành nghề. Trong đó tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phải vượt lên vị trí chủ đạo. Từ nhận thức đó, trong những năm qua, Hoằng Anh đã mạnh dạn làm được nhiều việc có tính đột phá. Việc đầu tiên là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ lệ nhóm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp-xây dựng cơ bản, dịch vụ thương mại. Giảm tỷ lệ nông nghiệp xuống mức phù hợp. Thực hiện đổi điền dồn thửa, khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình thành lập trang trại, gia trại, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đổi mới phương thức quản lý của Hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác với doanh nghiệp đưa cơ giới vào đồng ruộng, thực hiện cánh đồng mẫu lớn, giảm chi phí đầu tư, giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Nhận tập tài liệu từ tay Chủ tịch Lê Văn Chiến, tôi lướt nhanh. Anh Chiến nói đúng, làm gì thì làm, trước hết cũng phải nâng cao mức sống cho người dân. Dân nghèo, dân đói thì nói gì cũng vô nghĩa. Có hô hào mấy thì cũng chỉ là khẩu hiệu suông mà thôi.

Có lẽ, từ những cố gắng trong việc triển khai xây dựng Nông thôn mới mà trong mấy năm qua, ở Hoằng Anh kinh tế phát triển theo hướng đi lên, giá trị thu nhập trong xã tăng lên rõ rệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 19,6% năm 2010 lên 22% năm 2014. Thu nhập bình quân năm 2010 là 10,6 triệu đồng/người thì đến năm 2013 là 19,66 triệu đồng/người và khả năng năm 2014 sẽ đạt 24,3 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 xuống còn 4,2% và năm 2014 là 3,6%. Các công trình phúc lợi và công trình tập thể đều được chú trọng đầu tư nâng cấp, như: Xây dựng nhà hiệu bộ và phòng học hai tầng cho trường tiểu học; Lắp đặt hai trạm biến áp 180 KVA và 250 KVA. Đầu tư xây mới trạm y tế, trang thiết bị thiết yếu cho khám chữa bệnh, phấn đấu đạt chuẩn về y tế mức độ hai. Xây mới trường mầm non gồm nhà hai tầng 8 phòng học, nhà hiệu bộ hai tầng có hội trường, hai phòng chức năng, bốn phòng làm việc dành cho Ban giám hiệu, bếp ăn bán trú và cũng phấn đấu đạt chuẩn mức độ hai trong năm 2014 này.

Từ đầu năm 2011 đến nay, Hoằng Anh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống dân sinh và hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới với tổng vốn đầu tư 145 tỷ đồng. Xã có 27 ki lô mét đường giao thông nông thôn và nội đồng thì 100% đã được nhựa hóa và bê tông hóa; Kiên cố hóa được 10 ki lô mét kênh mương với tổng vốn đầu tư là 5 tỷ đồng. Trong những năm qua, đặc biệt từ khi bước vào thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, trong xã đã có 120 ngôi nhà được xây mới đạt mức kiến trúc kiên cố, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Tổng đầu tư xây dựng nhà trong dân cư trong 3 năm lại đây khoảng trên 50 tỷ đồng. Nâng tổng số hộ có nhà đạt chuẩn theo tiêu chuẩn lên 1062/1100 hộ, bằng 96,5%. 100% người dân trong xã được sử dụng nước sạch sinh hoạt do Công ty cấp thoát nước miền Bắc cung ứng. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 75%. Hiện trong xã có bảy thôn, thì cả bảy thôn đều đã có nhà văn hóa đạt chuẩn. Bảy thôn cùng với 3 trường và trạm y tế đều đạt chuẩn cơ quan văn hóa, thôn văn hóa. Xã được công nhận xã văn hóa năm 2011.

Nếu như tháng 6 năm 2012, UBND huyện Hoằng Hóa đã công nhận Hoằng Anh là đơn vị đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới, thì sau khi về thành phố, Hoằng Anh đã đạt 18/19 tiêu chí. Đáng chú ý là, sau khi sáp nhập về thành phố, Hoằng Anh tiếp tục được tỉnh và thành phố chỉ định là đơn vị điểm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới. Một năm sau, Hoằng Anh đã hoàn thành thêm 3 tiêu chí: Cơ cấu lao động, Môi trường và An ninh trật tự. Với một xã ven đô, 3 tiêu chí này thật sự là một thách thức lớn.

Như trên đã nói, sự giao thoa nông thôn - thành thị, sự đan xen cũ - mới rất dễ tạo nên sự pha trộn không giống ai, kệch cỡm, đua đòi, bắt chước và đương nhiên sẽ kéo theo hệ quả là những tệ nạn xã hội, từ đó sẽ nảy sinh một bộ phận thanh thiếu niên chơi bời, lêu lổng, thất học, không việc làm, không chịu lao động… những thách thức của cả ba nội dung: Cơ cấu lao động, Môi trường và An ninh trật tự của một cộng đồng dân cư. Nhưng không, Hoằng Anh đã đạt một cách xuất sắc.

Tôi thấm thía từ Hoằng Anh, chung quy, vẫn là cái gốc Văn hóa. Một môi trường văn hóa cao, trong đó sự học được coi trọng, các giá trị văn hóa truyền thống được coi trọng thì sự đô thị hóa cũng được tiếp thu có chọn lọc bằng lăng kính của văn hóa. Có lẽ đó chính là mã nguồn thành công của Hoằng Anh.

*

Trong khi chờ Chủ tịch UBND xã Lê Văn Chiến sang dự và phát biểu bên hội nghị Mặt trận, tôi lang thang ra đường làng. Phía trước công sở xã Hoằng Anh là Trung tâm văn hóa xã. Đến cuối quý III năm 2014, Hoằng Anh còn một tiêu chí nữa, đó là Cơ sở vật chất văn hóa. Tranh thủ sự lãnh đạo của thành phố, trên cơ sở Nghị quyết của Ban Chấp hành đảng bộ, Ban chỉ đạo đã quyết tâm thực hiện bằng được tiêu chí cuối cùng trong quý IV năm 2014. Chí đã quyết, tâm đã đồng, lòng dân đã thuận. Được sự ủng hộ của toàn dân, tháng 9 năm con ngựa 2014, công trình xây dựng Trung tâm văn hóa xã được khởi công. Công trình có diện tích 3.500 mét vuông, tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng, gồm các hạng mục đạt quy chuẩn quốc gia: Hội trường có sức chứa 350 chỗ ngồi; sân khấu, nhà hóa trang với diện tích 700 mét vuông; Nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn rộng 500 mét vuông; Sân vận động rộng 7000 mét vuông, có thiết kế sân bóng đá chuẩn 11 người, có khán đài rộng 180 mét vuông phục vụ các hoạt động nghi lễ, khánh tiết lớn… và các công trình phụ trợ đảm bảo cấp thoát nước, vệ sinh, cây xanh cảnh quan,v.v…

Đang giữa mùa khô, công trường xây dựng Trung tâm văn hóa nhộn nhịp, sôi động. Ruột đất đỏ au bắt ánh nắng hanh vàng, cùng với chùm thép bê tông tua tủa vươn cao như điểm xuyết cho bức tranh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng quê thêm lãng mạn.

Tôi hỏi một người dân đi ngang qua:

- Bác thấy công trình này thế nào ạ?

- Chắc là “hoành tráng” đấy anh ạ… Từ nay bọn trẻ tha hồ mà đá bóng nhé.

Tôi đùa:

- “Thủ đô” của xã mà lỵ, phải hoành tráng, hiện đại chứ.

*Vậy là, Hoằng Anh đã về đích trong cuộc phấn đấu trở thành xã Nông thôn mới, sớm hơn một năm, so với mức phấn đấu ban đầu.

Những nỗ lực, những cố gắng, những kết quả của một chặng đường, của sự đồng thuận, đồng tâm, của lòng dân, biết khơi dậy sức dân. Có lẽ đây là bài học muôn thuở, bài học của mọi người, của mọi nơi…

Hoằng Anh, xã ven đô, một sự hội nhập thành công và vươn lên thành công. Thành công từ bản lĩnh và từ bản sắc văn hóa đậm nét.

 

Các tin khác:
  • Nhìn lại Đề án 600: (08/07/2016-13:15)