Thứ ba, ngày 30/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Kinh tế báo chí nhìn từ đại dịch Covid-19:
Bài 3: "Giải cứu" báo chí từ chính sách (14/04/2020-22:49)
    Công văn Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ báo chí đặt ra vấn đề “giải cứu” báo chí ngay lúc này. Đó có thể chỉ là bước ban đầu nhưng nếu được lưu tâm sẽ là “chiếc phao cứu sinh” cho báo chí trong cơn bĩ cực hiện nay.
Tổng Biên tập báo điện tử Kiến thức Nguyễn Mai Hương

Đề nghị đưa báo chí vào đối tượng được xem xét hỗ trợ

Câu chuyện bắt đầu từ Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/3/2020, ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 mà công văn Hội Nhà báo Việt Nam đã đề cập. Ngày 31/3, Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời kiến nghị Thủ tướng xem xét và cho phép xác định cơ quan báo chí và người làm báo thuộc nhóm đối tượng chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 và xem xét một số vấn đề cần thiết cho báo chí.

Điều đó cũng rất gần với tâm tư, nguyện vọng của những người làm báo thời điểm này. Nhà báo Nguyễn Mai Hương - Tổng Biên tập báo điện tử Kiến thức đưa ra đề xuất: "Được biết, Bộ Tài Chính đang chủ trì hoàn thiện Dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chúng tôi kính đề nghị bổ sung truyền thông quảng cáo, cụ thể là báo chí vào Khoản 2, Điều 1 nội dung dự thảo Nghị định".

Phân  tích về đề xuất đó, nhà báo Mai Hương cho rằng, không chỉ là một trong những đối tượng khó khăn trong thời điểm này mà trên thực tế, trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, với vai trò sứ mệnh của người cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, báo chí luôn luôn ở tuyến đầu trên mặt trận tuyên truyền. Chưa bao giờ mà tinh thần “chống dịch như chống giặc” lại có sức lan tỏa, đồng lòng và quyết tâm đến vậy. Đồng loạt các cơ quan báo chí từ báo in, báo phát thanh, báo hình, báo điện tử... đều như những pháo đài chiến đấu, quay cuồng với guồng quay của tin tức trong đại dịch covid-19. Báo điện tử Kiến thức lượng thông tin về dịch thời gian qua tăng gấp nhiều lần, trung bình mỗi ngày khoảng 40, 50 tin bài về dịch covid -19.

Thậm chí, ngay cả những ngày toàn quốc thực hiện chủ trương Giãn cách xã hội thì Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/04/2020 về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định các cơ quan báo chí thuộc điểm C mục 1 tiếp tục hoạt động dù thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Cũng xung quanh câu chuyện "giải cứu, hỗ trợ" mùa đại dịch, nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cũng đặt vấn đề rằng: "Tại sao các doanh nghiệp, nhiều đối tượng trong xã hội được Chính phủ quan tâm “giải cứu”, “hỗ trợ”, còn báo chí thì không? Báo chí vẫn luôn đi đầu trên mặt trận thông tin tuyên truyền, nhất là trong đại dịch Covid -19. Báo chí đang làm rất tốt, cung cấp thông tin kịp thời, trung thực, dẫn dắt và định hướng dư luận, giúp Chính phủ quản trị tốt xã hội để vượt qua đại dịch. Ai cũng thấy rõ điều đó. Vậy thì, để báo chí có đủ điều kiện làm tốt nhiệm vụ của mình, với những cơ quan báo chí gặp khó khăn về tài chính, cũng cần có một gói “cứu trợ” cho báo chí! Một thực tế hiện nay là, về tài chính, báo chí đang bị hạch toán, thực hiện nghĩa vụ như một doanh nghiệp"...

Báo chí thiết nghĩ cũng là một nhóm đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh covid-19 cần được hỗ trợ (Ảnh minh họa- Nguồn: Internet).
Báo chí thiết nghĩ cũng là một nhóm đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh covid-19 cần được hỗ trợ (Ảnh minh họa- Nguồn: Internet).

Trong khi đó, dẫu khó khăn, dẫu việc tác nghiệp đầy hiểm nguy nhưng người làm báo vẫn tích cực, vẫn lăn xả trong từng điểm nóng. Ở đâu có các y bác sĩ cứu chữa bệnh nhân ở đó có phóng viên. Ở đâu có các lực lượng Biên phòng, các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ... ở đó có nhà báo. Vậy nên, các lực lượng cán bộ y tế, biên phòng, công an... trên tuyến đầu chống “giặc” COVID-19 thì những phóng viên luôn xung kích trên mặt trận tuyên truyền, đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Đâu chỉ có vậy, khi đại dịch xảy ra, tin đồn thất thiệt lan tràn, gây hoang mang dư luận thì những người làm báo lại  tích cực tăng cường thông tin chính xác, khách quan, minh bạch nhất để “đánh bật” tin giả. Từ đó, giúp người dân có niềm tin vào công tác điều hành chống dịch của Chính phủ, chấp hành tốt các quy định đã đề ra, góp phần nhân lên sức mạnh tinh thần Việt Nam, nghị lực Việt Nam, sức mạnh Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh. 

Và sự thật là, nếu như không có sự đam mê, dấn thân và trách nhiệm với nghề, với xã hội thì chắc chắn không thể “vững cây bút” trong thời điểm phức tạp này. Các cơ quan báo chí cũng phải tự vượt qua thử thách khó khăn trăm bề như cộng đồng doanh nghiệp nhưng chưa hề đòi hỏi những ưu tiên hơn bất kỳ tổ chức nào khác. Bởi vậy, thiết nghĩ để hỗ trợ các cơ quan báo chí và người làm báo cả nước vượt qua khó khăn, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trên mặt trận thông tin tuyên truyền theo chủ trương “Chống dịch như chống giặc” thì việc xem xét bổ sung đưa báo chí vào đối tượng của Chỉ thị 11 như một sự động viên khích lệ đúng lúc, đúng thời điểm, âu cũng là thỏa đáng.

Tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội đến tháng 12/2020 là điều tốt nhất

"Dịch bệnh tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội; cơ quan báo chí trong cả nước gặp nhiều khó khăn; doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm từ 40% - 50%; đồng thời, chi phí cho phóng viên vào tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao đột biến, ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động của cơ quan báo chí và đời sống của các nhà báo"- nhận định của Hội Nhà báo Việt Nam trong Công văn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cũng là nỗi trăn trở hiện nay của rất nhiều tòa soạn. 

Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức

Báo chí cần được hỗ trợ nhưng hỗ trợ cho báo chí như thế nào nếu như được xem xét bổ sung vào dự thảo nghị định của Bộ Tài chính cũng là vấn đề cần bàn tới. 

Về vấn đề này, Tổng Biên tập Nguyễn Mai Hương góp ý thêm: "Điều cần thiết, sát sườn nhất trong bài toán kinh tế tại thời điểm này đối với các cơ quan báo chí, nếu được “cứu trước mắt” thì nên tập trung vào giãn thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân. Đây là loại thuế mà hàng tháng, hàng quý các cơ quan báo chí đang phải nộp cho Nhà nước. Từ đó tôi nghĩ rằng, việc giãn thuế VAT, thuế TNCN tới cuối năm cần được áp dụng ngay, để bớt phần nào khó khăn đối với báo chí. Ngoài ra, nếu được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội đến tháng 12/2020 thì sẽ là điều tốt nhất".

Còn Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức thì đầy tâm tư chia sẻ, kể cả dịch Covid-2019 có kết thúc sớm thì năm nay các cơ quan báo chí tự chủ tài chính sẽ rất khó khăn. Nếu không có sự thay đổi, điều chỉnh những bất cập trong cơ chế tài chính đối với các cơ quan báo chí, khó khăn sẽ càng thêm khó khăn. Và như vậy, sẽ không đủ điều kiện để hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và với bạn đọc.

“Chính vì thế, chúng tôi đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT-TT có ý kiến đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan, cần thiết hỗ trợ các cơ quan báo chí một vấn đề sau: Miễn, giảm, giãn các khoản như: thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp viễn thông giảm chi phí thuê hạ tầng công nghệ thông tin cho cơ quan báo chí. Bộ Thông tin Truyền thông cần ban hành sớm quy định về cơ chế đặt hàng cho báo chí. Trước mắt, Chính phủ cần kịp thời hỗ trợ kinh phí thông tin tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-2019. Về dài hạn, tôi mong muốn Chính phủ sớm ban hành Nghị định, quy định cơ chế tài chính đối với các cơ quan báo chí, theo hướng ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng cơ chế đặt hàng, có định mức cụ thể, đảm bảo nguồn kinh phí ổn định cho báo chí hoạt động. Có như vậy, các cơ quan báo chí mới có  điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” -  Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh

Khép lại bài viết, tôi nhớ đến một đồng nghiệp từng nói rằng, khi lao vào "điểm nóng" tác nghiệp, lời căn dặn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiến những người làm nghề vô cùng xúc động: "Phóng viên cũng là những người trong tuyến đầu chống dịch, nhất là những phóng viên chiến trường. Các cơ quan báo chí, cơ quan y tế phải quan tâm tạo điều kiện bảo vệ anh em không bị phơi nhiễm dịch" . Với sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ, thiết nghĩ, những kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, những đóng góp ý kiến về các giải pháp trước mắt mà các thủ lĩnh báo chí đưa ra sẽ sớm được lưu tâm và chấp thuận. 

Theo Hà Vân/Báo Nhà báo và Công luận



 

Các tin khác:
  • Bài 2: Gỡ hướng nào cũng vướng... (14/04/2020-22:43)
  • Bài 1: Khi giọt nước tràn ly... (14/04/2020-22:39)
  • Bài 3:Những "chiến sỹ áo xanh" trên mặt trận truyền thông phòng chống dịch COVID-19 (10/04/2020-19:44)
  • Bài 2: Phóng viên Chu Đức- Kênh VOV Giao thông: Chạy đua cùng... COVID-19 (10/04/2020-19:39)
  • Bài 1: Nhóm phóng viên kênh VTC14: Chúng tôi luôn chuẩn bị tâm lý vững vàng, sẵn sàng đối mặt với rủi ro (10/04/2020-19:33)
  • Báo chí thời đại dịch: Mong manh hai chữ bảo toàn! (09/04/2020-20:31)
  • Bắt đầu từ đỉnh thì mới lập được những đỉnh cao mới (08/04/2020-20:28)
  • Với báo chí, điều quan trọng nhất và trên hết là để tác phẩm lên tiếng (13/03/2020-17:27)
  • Cán bộ, phóng viên yếu khâu gì bồi dưỡng khâu đó... (28/02/2020-14:42)
  • Thông báo về việc thi tuyển Tổng Biên tập báo Đại đoàn kết (28/02/2020-12:29)