Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Lớp học trên đỉnh Sài Khao (18/07/2016-9:19)
    Tác phẩm đoạt giải C giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2015
Cách thành phố gần 300 km, Sài Khao là địa bàn khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa. Cuộc sống của người Mông nơi đây còn rất thiếu thốn khiến con đường đến trường của trẻ em cũng gặp nhiều trở ngại.

Cuộc sống của đồng bào Mông ở Sài Khao còn khó khăn, chủ yếu mang tính tự cung tự cấp và phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước. Trước đây, người dân không chú trọng đến chuyện học hành của con cái nhưng ít năm gần đây, được chính quyền địa phương và giáo viên vận động nên tất cả gia đình đều đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi.

 

Khu lẻ Sài Khao là một điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của Trường Tiểu học Tây Tiến (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Khu nhà dạy học hai gian được người dân địa phương dựng tạm bợ dưới chân một ngọn đồi giữa bản.

 

Do chưa có đường ôtô vào trung tâm bản nên việc vận chuyển vật liệu kiên cố là rất khó khăn. Trưởng bản Vàng A Sú cho biết, hưởng ứng phong trào toàn dân đưa trẻ đến trường, cách đây ít năm, bà con người Mông cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng trường lớp với các vật liệu tại chỗ như tranh tre nứa lá và các loại gỗ rừng. Nền nhà được san đắp bằng đất đồi, các bức tường được thưng bằng ván xẻ hay nẹp tre trống tuềnh trống toàng. Mùa hè, khu trường khá thoáng mát, tuy nhiên vào mùa đông, gió lùa lạnh buốt da thịt...

 

Hàng rào bao quanh điểm trường được dựng tạm bằng những tấm ván bìa không đều nhau. Qua thời gian, mưa bão đã làm nhiều tấm hư nát, nhưng chưa được sửa chữa.

 

Theo các giáo viên, vào mùa mưa, mái nhà bị dột nhiều chỗ, trong lớp học nước đọng thành từng vũng lớn nhưng thầy trò vẫn khắc phục để buổi học không bị gián đoạn.

 

Điểm trường khu lẻ Sài Khao có tổng cộng 66 học sinh từ khối 1 đến khối 5. Toàn bộ học sinh đều là con em đồng bào Mông. Thầy Hà Minh Tuốt (30 tuổi) là người cắm bản có thâm niên ở Sài Khao. Quê ở huyện Quan Hóa, cách trường hơn trăm cây số, nhưng đường đi toàn đèo dốc nên thường cả tháng thầy Tuốt mới về quê thăm vợ con một lần. Mỗi lần về xuôi, giáo viên thường tranh thủ đèo thêm cá khô, mắm muối, gạo thóc hay thuốc men để dùng cho quãng thời gian dài cắm bản.

 

Thầy Tuốt cho hay, khó khăn lớn nhất của giáo viên cắm bản Sài Khao là giao tiếp với bà con và đám học trò. "Phải lên lớp 2, lớp 3 học trò mới biết nói bập bẹ tiếng phổ thông, còn khối lớp một, các thầy phải dùng ký hiệu hay hình vẽ, dụng cụ trực quan tự chế để giảng bài cho học trò", thầy Tuốt nói. Trong ảnh là cô bé Vàng Thị Sơ (học sinh lớp 1) đang tập đánh vần bài giảng của thầy trong buổi lên lớp chiều cuối đông.

 

Nằm trên khu vực núi đồi hiểm trở, ở độ cao hơn nghìn mét so với mực nước biển nên mùa đông ở Sài Khao thường rất lạnh và kéo dài. Tuy nhiên, nhiều trẻ nhỏ ở đây phải đi chân trần đến lớp hoặc phong phanh vài manh áo mỏng không lành lặn.

 

Một bé gái đưa em đến lớp và đứng ngoài bậu cửa canh chừng vì sợ cậu em mải chơi bỏ lớp giữa chừng...

 

Thầy Vi Văn Tụy là giáo viên trẻ mới vào khu lẻ Sài Khao nhận nhiệm vụ. Nam giáo viên cho hay, để bám trường lớp, các thầy cô phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách đặc biệt là ngôn ngữ. Chỉ có những người quyết tâm và tình yêu nghề mới gắn bó được ở đây lâu năm.

 

Khu nhà ở của giáo viên cũng là nhà công vụ dù được xây bằng vật liệu kiên cố nhưng còn rất chật chội, nhiều mảng tường ám đen bong tróc do ngấm nước mưa. Dưới nền nhà là la liệt quần áo, đồ dùng sinh hoạt và dụng cụ dạy học...

 

Khu đất trống đầu hồi điểm trường được dùng làm sân thể dục và khu vui chơi cho lũ trò nghèo. Không có đồ chơi nên chúng rủ nhau chơi trò trốn tìm, hay nhảy lò cò... 

 

Lê Hoàng

 

Các tin khác:
  • Người đảng viên tiên phong ở vùng đồng bào dân tộc (18/07/2016-9:14)
  • Thực hiện Luật BHYT sửa đổi: hơn 100 nghìn dân bãi ngang Thanh Hóa chưa được hưởng chính sách (18/07/2016-8:40)
  • Thành công từ bản sắc văn hóa (08/07/2016-13:21)
  • Nhìn lại Đề án 600: (08/07/2016-13:15)