Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Làm thầy, đừng vô cảm! (23/05/2020-22:48)
    “Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”- câu hát đã đi vào tâm trí bao người. Nhưng, từ những sự vụ kiểu giăng ảnh học sinh lên Zalo phê bình chỉ vì... đi học sớm, mặc cô bé đứng cổng trường giữa trưa nắng đã khiến phụ huynh có quyền đặt câu hỏi về cái tâm, cái tình của người làm thầy.
Bắt học sinh đứng rồi chụp ảnh rồi đưa lên Zalo như
thế này là sự thiếu tinh tế trong kỹ năng sư phạm.


1. Ngày 21/5, miền Bắc bước vào những ngày cao điểm nắng nóng khi nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C, nhiều nơi nền nhiệt ngoài trời lên đến 45, thậm chí 55 độ C. Cũng chính trong ngày mà sự nóng bức, ngột ngạt, khó chịu lên tới đỉnh điểm này, dư luận càng thêm phần "nóng mắt", bức xúc trước sự việc vừa xảy đến tại một ngôi trường tiểu học tại Hải Phòng.  

Chuyện là, sáng và trưa 21/5, trên các trang mạng xã hội và trang cá nhân và cả trên mặt báo, lan truyền thông tin "Học sinh lớp 1 bị giáo viên phê bình vì... đi học sớm"., "phải đứng ngoài cổng trường giữa trời nắng".

Trước đó, tối 20/5, tài khoản facebook “M.M” đã chia sẻ trên mạng xã hội Facebook bài viết thể hiện sự bức xúc về việc cô con gái chị hiện đang là học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Q.T (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) bị phê bình vì đi học sớm và phải đứng giữa trưa nắng chờ giờ vào trường.

Theo phụ huynh này, trường thông báo những học sinh không bán trú thì 13 giờ 30 mới được có mặt tại trường. Nhưng do nhà chỉ có hai mẹ con, chị phải đi làm sớm nên 13 giờ 15 đã phải đưa con đến trường để kịp giờ làm. 

Cũng theo phụ huynh này, trưa 20/5, chị tiếp tục chở con đi học. Tới trường, chị dặn con ngồi gốc cây đợi, khi nào các bạn ở lớp thức dậy thì vào trường. Đi được một đoạn, không yên tâm, chị quay lại thì thấy con mình đứng ngoài cổng trường do các học sinh sao đỏ không cho cháu đứng trong sân trường trong khi chỉ còn 15 phút là vào lớp.

Phụ huynh này trong bài viết cũng cho biết, trước đó, một ngày, con chị cùng một số học sinh khác đến sớm cũng bị cô giáo phê bình, chụp ảnh gửi lên Zalo nhóm phụ huynh lớp 1A1 của trường. 

Những lời trần tình của chủ tài khoản facebook “M.M” đã ngay lập tức khiến dư luận, đặc biệt là cư dân mạng dậy sóng. "Cô bé lớp 1 bị phê bình vì đi học sớm" trở thành "từ khóa", bài báo thu hút sự tìm kiếm nhiều nhất cũng như nhiều comment nhất ngày hôm qua.

Song song với đó, một cơn mưa, không, đúng hơn là cơn bão bình luận. Cứng nhắc, vô cảm, vô nhân tính, phi giáo dục, loài máu lạnh, không có trái tim, làm nhục học sinh, xâm phạm quyền trẻ em, đề nghị cho giáo viên nghỉ việc... là những bình luận được nhiều cư dân mạng sử dụng nhiều nhất về sự việc này. 

2. Đoạn "tút" trên giờ đây đã bị chủ tài khoản facebook “M.M” gỡ xuống. Nhiều chi tiết đã viết trong "tút", câu chuyện ai chụp ảnh cháu bé đứng bơ vơ bên cổng trường, chuyện "cổng trường lớn luôn mở, không có việc nhà trường không cho các cháu vào lớp giữa trời 40 độ"- như khẳng định của bà Đào Thị Cẩm Ly- hiệu trưởng trường tiểu học Quang Trung... còn cần phải xác định rõ tính thực hư. 

Tuy nhiên, có những chi tiết lại đã trở nên rất rõ ràng, bởi đã được thừa nhận bởi chính Hiệu trưởng Nhà trường cũng như cô giáo chủ nhiệm lớp 1A: có việc học sinh đứng ngoài cổng trường; có chuyện giáo viên đã phê bình học sinh phê bình việc đi học sớm, có chuyện cô giáo phê bình học sinh bằng cách chụp ảnh, đăng trên nhóm zalo của lớp. 

Chỉ từ những thừa nhận trên đã cho thấy, động thái "yêu cầu cô giáo nghiêm túc kiểm điểm", "nhà trường gặp gỡ, trò chuyện và xin lỗi phụ huynh" "nghiêm túc rút kinh nghiệm" có thể kịp thời, nhưng rõ ràng là chưa đủ để có thể làm "hạ hỏa" sự phẫn nộ của dư luận. 

Sự thừa nhận của lãnh đạo nhà trường về sự "quá cứng nhắc" của giáo viên cũng là chưa đủ nếu nhìn lại một cách thấu đáo về sự việc.

Cũng có thể, nhìn ở một góc độ nào đó, cũng có nhiều người cho rằng, những comment của một số cư dân mạng có thể là "hơi quá lời", "quá đà", thậm chí quá khích, chưa đến mức phải đưa giáo viên ra khỏi ngành giáo dục, chưa đến mức gọi là "làm nhục học sinh, vô nhân tính hay loài máu lạnh". 

Nhưng không thể không nhìn nhận, phản ứng ấy của dư luận là dễ hiểu. Bởi trong tất cả chúng ta, khi sinh ra đều mang sẵn trong mình một trái tim. Và khi lớn lên, trưởng thành, đều mang trong mình thiên chức và tấm lòng của một người làm cha, làm mẹ. 

Và rõ ràng, hành động yêu cầu "gom" cả nhóm mấy em đứng lên bục giảng, chụp ảnh, đăng lên zalo phê bình chuyện đi học sớm, chuyện để một em học sinh ở hệ lớp nhỏ tuổi nhất trường đứng chơ vơ ngoài cổng trrường (rất nắng không có mái che) không thể chỉ xem đó đơn thuần là sự cứng nhắc nữa.

Đó còn là sự thiếu tinh tế, thiếu kỹ năng sư phạm của một cô giáo. 

Đó là sự vô cảm của những người đứng trong ngôi trường khi nhìn thấy cô học sinh bé nhỏ đứng bơ vơ giữa trưa nắng.

Đồng ý với viêc phải bảo đảm sự yên bình cho giấc ngủ trưa của các cơn. Đồng ý nhà trường phải có những nội quy nhất định.

Nhưng tất cả những nội quy, luật lệ, đôi khi buộc phải nhường bước cho cái gọi là sự nhân văn, là sự an nguy của một con người. Không nhà trường nào được phép để dù chỉ một em học sinh đứng bên ngoài cổng trường, khi không ai đảm bảo được sự an toàn cho các em, nhất là khi nhà trường đã được phụ huynh gửi gắm con em họ. 

3. Nhiều giáo viên có thể cho rằng dư luận, xã hội quá xét nét, quá khắt khe đối với  ngành giáo dục, với mỗi hành vi, ứng xử của người thầy. Điều này có thể đúng nhưng có căn nguyên của nó.

Là bởi không phải đến bây giờ, những sự vụ "cứng nhắc" đến vô cảm và "rất có vấn đề" trong kỹ năng sư phạm cũng như ứng xử của những người làm nghề giáo như thế này mới xuất hiện. Trước đó, đã có những dòng tít "gây bão" xuất hiện trên mặt báo đại loại "Hé lộ những tình tiết bất ngờ vụ giáo viên phạt học sinh quỳ ở Hà Nội", "Thái Nguyên: giáo viên bị tố phạt học sinh tự tát 50 cái vào mặt", "Khởi tố cô giáo phạt học sinh 231 cái tát đến nhập viện".... 

Là bởi, nghề giáo được xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, thậm chí còn được ví von là “kỹ sư tâm hồn”.

Vậy rõ ràng để công việc "tạo nên những tâm hồn đẹp", nói cách khác là góp phần đào tạo nên nhân cách con người, nên việc đòi hỏi các "kỹ sư tâm hồn"  những yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn những ngành nghề khác âu cũng là điều dễ hiểu và đương nhiên.

Trong Bài nói chuyện tại Lớp học Chính trị của giáo viên, tháng 8/1959, Bác Hồ từng dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”.

Usinxki từng có câu danh ngôn thấm thía: Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác. 

Trong những đúc kết về "nghiệp vụ nghề giáo" đã có lời nhấn mạnh: Hãy kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng.

Trong rất nhiều bài phỏng vấn, chia sẻ, chính nhiều thầy cô giáo đã phải thừa nhận: Làm thầy, phải giữ cho mình lòng yêu nghề, yêu trẻ. Không có tâm đừng chọn nghề làm thầy. Thậm chí, có người từng nói: Yêu nghề mà không yêu trẻ thì để làm gì!

Tất cả nhận định, châm ngôn đều đi đến một điểm chung nhất, làm "kỹ sư tâm hồn", nhất định phải có đức, có nhân cách và đặc biệt là có tình yêu trẻ.

Chính tình yêu đó sẽ dẫn đường, chỉ lối cho những người "làm thấy" cần phải hành động như thế nào cho đúng nhất, đúng tính chất sư phạm nhất trong những tình huống đôi khi không có hoặc chừng có những bất kì bài học nào trên giảng đường nhà trường sư phạm. 

Thế nên, lại phải nói lại một điều, không hề mới, làm thầy, phải yêu trẻ!

Còn làm thế nào, để mỗi người làm thầy đều gìn giữ được tình yêu đó bên mình, thì đó là câu hỏi dành cho chính ngành giáo dục, cho chính bản thân những người đã chọn nghề làm thầy.

 

Theo Hồng Sâm/Báo Nhà báo và Công luận

 

 

 

 

Các tin khác:
  • Nhà bào Huỳnh Dũng Nhân- Những bạn đọc thông minh sẽ biết cách sàng lọc thông tin trên mạng xã hội (23/05/2020-15:41)
  • Tiền lương của công chức sẽ có thay đổi lớn từ 2021 (21/05/2020-9:37)
  • Câu chuyện xúc động về bức tượng Bác Hồ của chiến sỹ Nhà tù Côn Đảo (15/05/2020-15:05)
  • Việt Nam đứng thứ hai thế giới về mức độ hài lòng của người dân trong phòng, chống COVID-19 (15/05/2020-15:04)
  • Từ 15-5, ra quân tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc (15/05/2020-15:01)
  • Cảnh giác với chiêu thức lừa đảo bằng "nhận bưu phẩm" (15/05/2020-14:49)
  • Nói không đi đôi với làm - “bệnh trọng” cần giải nguy, chữa gấp (15/05/2020-8:03)
  • Đi tìm thuốc giải cho “cơn mê sảng” về tôn giáo (12/05/2020-22:29)
  • Họp trực tuyến qua ứng dụng Zoom: Cảnh báo nguy cơ về bảo mật! (07/04/2020-12:43)
  • Phát huy vai trò gia đình và cộng đồng (07/04/2020-13:41)