Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (19/07/2016-2:03)
    Tác phẩm đoạt giải B giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2015

Bài 1: Phong phú, đa dạng tài nguyên du lịch

Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, Thanh Hóa sở hữu địa hình phong phú, đa dạng cả núi, biển và đồng bằng. Cộng với nguồn vốn văn hóa đặc sắc, vị trí địa lý chiến lược… đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho Thanh Hóa phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với đa dạng các sản phẩm du lịch.

Từ tài nguyên du lịch tự nhiên

Với vị trí cửa ngõ trên trục giao thông nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ và Nam Bộ, cùng hệ thống giao thông đường bộ huyết mạch với đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Việt, quốc lộ 10 chạy qua vùng đồng bằng và ven biển của tỉnh, đường chiến lược 15A xuyên suốt vùng trung du và miền núi, đường 217 nối với nước bạn Lào… Vì vậy, trong tuyến du lịch xuyên Việt, Thanh Hóa được xác định như một điểm dừng khá quan trọng bởi tính chất trung chuyển.

Không chỉ có vị trí địa lý, giao thông thuận tiện, Thanh Hóa còn được đánh giá nổi lên so với các địa phương khác trong cả nước về nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng và rất đặc trưng. Trong đó, điểm nổi bật của Thanh Hóa là địa hình đa dạng từ núi cao qua miền đồng bằng và kéo dài ra biển. Không những vậy, địa hình miền biển đặc biệt thuận lợi cho phát triển du lịch. Với 102 km đường bờ biển, kéo dài từ huyện Nga Sơn đến huyện Tĩnh Gia. Bờ biển tương đối bằng phẳng, những dãy núi dọc bờ biển đã tạo nên các vũng như: Vũng Gầm, Vũng Thủy, Vũng Biện… xen kẽ là các cửa lạch như: Lạch Sung, Lạch Hới, Lạch Bạng và Lạch Ghép đã và đang trở thành những cụm phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của tỉnh.

Đặc biệt, biển còn đem lại cho Thanh Hóa những điểm nghỉ mát nổi tiếng với bãi cát trắng mịn, bờ thoải và rừng phi lao xanh mát như: Sầm Sơn, Quảng Vinh, Quảng Lợi, Hải Tiến, Hải Hòa… Ngoài khơi vùng biển còn có một số đảo nhỏ, đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên như: Hòn Mê, Hòn Nẹ, đảo Nghi Sơn…

Cùng với biển, ở các vùng núi đá vôi xứ Thanh sở hữu nhiều hang động karst đẹp gắn liền với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hóa như động Từ Thức (Nga Sơn); động Long Quang (TP Thanh Hóa); động Hồ Công, Tiên Sơn (Vĩnh Lộc); quần thể hang động huyện Tĩnh Gia; hang Con Moong (Thạch Thành); động Cây Đăng (Cẩm Thủy); Lò Cao kháng chiến Hải Vân (Như Thanh)… là những điểm du lịch kỳ thú đã và đang là điểm đến hấp dẫn du khách.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn được thiên nhiên ban tặng Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh), cách TP Thanh Hóa chừng 40 km về phía Tây Nam. Nơi đây được xếp vào 1 trong 10 VQG Bảo tồn thiên nhiên quý hiếm của Việt Nam. Cùng với đó là các Khu BTTN như: Pù Hu, Pù Luông… hứa hẹn sẽ trở thành những khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

Với tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú đã tạo điều kiện để ngành du lịch Thanh Hóa phát triển những sản phẩm có giá trị và hấp dẫn du khách như: nghỉ dưỡng biển, thể thao nước, leo núi mạo hiểm, đặc biệt là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng ở miền núi, miền biển…

Đến tài nguyên nhân văn đặc sắc

Nếu như nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đã tạo nên những khu, điểm du lịch nổi tiếng cho xứ Thanh thì tài nguyên du lịch nhân văn là một nguồn vốn quan trọng giữ vai trò chính trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, không những có giá trị đặc trưng mà còn đa dạng về thể loại. Với gần 1.600 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có gần 800 di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt, có những cụm di tích có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như nghệ thuật, kiến trúc như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt… và độc đáo hơn cả là di tích lịch sử Thành Nhà Hồ với những giá trị mang tính đặc trưng, nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn có hệ thống văn hóa phi vật thể rất đa dạng và đặc sắc mang sắc thái riêng của các dân tộc anh em. Với 160 lễ hội truyền thống liên quan đến di tích lịch sử, danh thắng được nhà nước công nhận, 50 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa đặc trưng riêng biệt. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa được thể hiện qua những trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ như: hò Sông Mã, hát xẩm xoan, múa đèn Đông Anh, trò diễn Xuân Phả, múa sặp, múa xòe… và các món ăn đặc sản nổi tiếng như: Chè Lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, bưởi Luận Văn, nem chua, dừa Hoằng Hóa, cá Mè sông Mực… đều có giá trị phục vụ du lịch cao.

Cùng với đó là hệ thống các làng nghề truyền thống nổi tiếng của người Kinh, Dao, Thái, Thổ tiêu biểu như: nghề chạm khắc đá ở làng An Hoạch (TP Thanh Hóa), nghề rèn Tất Tác (Hậu Lộc), nghề đúc đồng (Thiệu Hóa), nghề làm chum vại, tiểu sành ở làng Đức Thọ Vạn (TP Thanh Hóa), nghề làm giấy của người Dao (Ngọc Lặc), nghề dệt gai của người Thổ (Như Thanh), nghề dệt vải lanh của người Mông (Quan Sơn), nghề dệt thổ cẩm của người Thái, Mường (Bá Thước, Ngọc Lặc)…

Theo đánh giá của chuyên gia BQL Dự án EU (Tổng Cục Du lịch) - ông Trương Nam Thắng, so với một số địa phương trong vùng, thậm chí trong cả nước, Thanh Hóa là tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú. Vì vậy, Thanh Hóa hoàn toàn có khả năng để khai thác và phát triển đa dạng sản phẩm, loại hình du lịch như: du lịch tham quan, nghỉ dưỡng (biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, suối cá Cẩm Lương, hệ thống các hang động…); du lịch sinh thái (VQG Bến En, Khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên…); du lịch văn hóa - lịch sử (thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng, đền bà Triệu, Lò Cao kháng chiến Hải Vân…); du lịch lễ hội (Mai An Tiêm, Bà Triệu, Lê Hoàn, Lam Kinh…); du lịch thể thao và mạo hiểm (rừng nguyên sinh Pù Hu, Pù Luông, khám phá hang động, leo núi, lướt sóng…); du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo (KKT Nghi Sơn, TP Thanh Hóa…).

Cũng theo chuyên gia, với tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, vì vậy Thanh Hóa luôn được quan tâm, hỗ trợ thông qua các chương trình phát triển du lịch bền vững, hướng tới xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm du lịch của vùng cũng như của cả nước.

Với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển KT - XH, từng bước khẳng định Thanh Hóa là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Thanh Hóa đã và đang tập trung khai thác tối đa nguồn lực sẵn có nhằm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, đồng thời tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, hướng tới xây dựng thương hiệu cho du lịch xứ Thanh, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.

Hoài Anh




 

Bài 2: Những vùng đất giàu tiềm năng chưa được phát huy

Theo báo cáo thống kê, hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên hoặc nhân văn vô cùng phong phú, đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của ngành “công nghiệp không khói”.

Từ lâu, Thanh Hóa được nhắc đến như một thương hiệu của loại hình du lịch biển. Với đường bờ biển kéo dài 102 km, tương đối bằng phẳng, sóng và độ mặn vừa phải, nước trong xanh…

Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch của tỉnh cho thấy, hầu hết du lịch biển mới chỉ tập trung phát triển ở Sầm Sơn. Trong thời gian gần đây phát triển thêm Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia). Trong khi đó, một số bãi biển dọc các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia như: Quảng Lợi, Quảng Vinh (Quảng Xương), Tân Dân (Tĩnh Gia)… được đánh giá là bãi biển đẹp, trữ tình, còn giữ nhiều nét đẹp tự nhiên, với không gian thoáng đãng… thuận lợi cho phát triển du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng. Thế nhưng, cho đến nay, những điểm đến này vẫn còn là cái tên xa lạ với du khách, thậm chí với cả người dân xứ Thanh.

Không chỉ có một số điểm du lịch biển chưa được khai thác, phát huy giá trị. Một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh, du lịch mới manh nha hoặc hoạt động cầm chừng.

Trước hết phải kể đến huyện Thạch Thành. Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, có thể khẳng định rằng, Thạch Thành có đầy đủ điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ tại nhà dân (home stay), du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch khám phá trải nghiệm… Với không ít điểm đến hấp dẫn như: Thác Voi (xã Thành Vân), Thác Mây (xã Thạch Lâm), Hang Con Moong (xã Thành Yên), chiến khu Ngọc Trạo (xã Ngọc Trạo), di tích và danh thắng Phố Cát (xã Thành Vân)… Đồng thời, với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận tiện, nơi đây còn có khả năng để kết nối du lịch với các tỉnh lân cận như: Hòa Bình, Ninh Bình.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ quy hoạch du lịch nào cho địa phương này.

Ông Lưu Thành Vân - Trưởng phòng VHTT huyện Thạch Thành cho biết: trong thời gian qua hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã bước đầu phát triển, nhưng nhìn chung các tài nguyên du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa phát huy hết giá trị và chưa khai thác một cách hiệu quả cho phát triển du lịch. Việc khai thác các tài nguyên tự nhiên, nhân văn phục vụ cho phát triển du lịch mới chỉ tập trung chủ yếu ở: Khu Di tích danh thắng Phố Cát, khu du lịch sinh thái Thác Voi, chiến khu Ngọc Trạo… Do du lịch còn ở dạng tiềm năng nên các sản phẩm dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vì vậy chưa thu hút được nhu cầu mua sắm và lưu trú tại các khu, điểm trên địa bàn huyện. Do đó, hiệu quả từ du lịch còn rất hạn chế.

Không chỉ riêng Thạch Thành, huyện Như Thanh - nơi sở hữu điểm đến Vườn quốc gia Bến En nổi tiếng “bậc nhất” xứ Thanh. Thêm vào đó, mới đây, hang Lò Cao kháng chiến Hải Vân được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia… Thế nhưng trong thời gian “cao điểm” của du lịch Thanh Hóa, lượng khách đến với Như Thanh rất hạn chế, thậm chí có những ngày vắng khách. Các điểm còn lại như: Phủ Na, đền Khe Rồng… lại càng trở nên trống vắng hơn.

Anh Nguyễn Văn Hải, (35 tuổi, xã Hải Vân, huyện Như Thanh) chia sẻ: “Những ngày nắng nóng, hang Lò Cao kháng chiến chủ yếu phục vụ bà con nơi đây vào tránh nắng”.

Đặc biệt hơn cả, với rất nhiều điểm đến cộng thêm vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền núi như: thác Mơ, Bà Đá, lễ hội Đình Thi… nhưng cái tên huyện Như Xuân rất ít khi được nhắc đến trong hành trình du lịch. Thậm chí không có bất kỳ điểm đến nào trên địa bàn huyện được “điểm tên” trong các tài liệu về du lịch của tỉnh.

Có thể nói rằng, Thanh Hóa được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch so với các địa phương khác trong vùng cũng như trong cả nước . Tuy nhiên, thực tế phát triển cho thấy không ít địa phương trên địa bàn tỉnh, vốn tài nguyên du lịch còn ở dạng tiềm năng. Điều đó không chỉ gây lãng phí, thậm chí, nếu không không có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong việc quản lý, rất có thể dẫn đến việc “chảy máu” nguồn tài nguyên du lịch.

 

 

Hoài Anh

 

 



 

 

Bài 3: Thừa tiềm năng, thiếu sản phẩm du lịch

Mặc dù có đầy đủ các yếu tố để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nhưng hiện nay tại Thanh Hóa chủ yếu phát triển loại hình du lịch biển. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến yếu tố mùa vụ.

Thực trạng thừa tiềm năng - thiếu sản phẩm du lịch của xứ Thanh có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo đánh giá của Sở VH, TT & DL, hiện nay hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, mặc dù đã được quan tâm đầu tư phát triển, song so với yêu cầu phát triển vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập. Hơn nữa đầu tư cho phát triển du lịch còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác bảo tồn, phát triển các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao… chưa được đầu tư đúng mức.

Một trong số những nguyên nhân quan trọng nữa, đó là công tác quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên phục vụ du lịch còn nhiều bất cập và chồng chéo. Nhiều cấp, ngành cùng tham gia quản lý và khai thác một điểm tài nguyên. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch, đầu tư tôn tạo và bảo vệ tài nguyên, môi trường chưa được quan tâm thỏa đáng. Thậm chí, nhiều nguồn tài nguyên và môi trường du lịch đang có nguy cơ suy giảm do khai thác, sử dụng thiếu hợp lý và những tác động tiêu cực của con người, thiên tai ngày càng gia tăng.

Không những thế, hiện nay hệ thống cơ chế chính sách, các quy định pháp luật liên quan đến phát triển du lịch còn thiếu, chưa thật thông thoáng so với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Vì vậy, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quản lý và phát triển, đồng thời khó khăn trong công tác thu hút đầu tư du lịch.

Về nguyên nhân khách quan, trong đó vấn đề lớn nhất đó là nhận thức xã hội về ngành kinh tế du lịch của toàn dân vẫn còn hạn chế. Việc khuyến khích và hỗ trợ cho cộng đồng dân cư (nơi có tài nguyên du lịch) tham gia vào các hoạt động trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, chưa khuyến khích được cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Vì vậy, sản phẩm du lịch không chỉ thiếu, mà còn khó khăn trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Cản trở tiến trình xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh.

Trước thực trạng phát triển du lịch hiện nay, Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Bảo đã chỉ ra rằng: xứ Thanh hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Tuy nhiên, hầu hết các điểm đến văn hóa có giá trị chưa được đầu tư “hợp lý” để trở thành những “danh lam thắng cảnh” theo đúng nghĩa. Có những điểm đến rất thơ mộng như: Đền Hàn, Đền Cô Bơ (Hà Trung), Đền Sòng (Bỉm Sơn)… chủ yếu phục vụ nhân dân thập phương trong lĩnh vực tín ngưỡng tâm linh. Và ngay như Khu Du lịch văn hóa Hàm Rồng, được coi là đứng đầu về cảnh quan “sơn thủy hữu tình” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhưng hiện nay vẫn chưa thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Có thể nói, một trong những yếu tố tác động đến thực trạng này đó là đầu tư xây dựng chưa thực sự hợp lý, làm che lấp đi vẻ đẹp vốn có của Hàm Rồng. Hay như Sầm Sơn, điểm đến với 7 km đường bờ biển, hơn hẳn so với các địa phương khác trong cả nước, xét về mọi mặt. Nhưng thực tế du khách về Sầm Sơn chỉ để “tắm”, yếu tố du lịch rất ít. Bởi một số điểm văn hóa như đền Cô Tiên, hòn Trống Mái… không ít du khách chưa từng đặt chân đến. Vì thế, thời gian lưu trú tại Sầm Sơn của khách du lịch thường không cao. Mặc dù hiện nay, có những dự án như Quần thể khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC đầu tư, nhưng không phải ai cũng có thể tham gia, do một số yếu tố, trong đó điều kiện kinh tế là yếu tố quan trọng nhất.

Có thể nói, đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa vào nguồn tài nguyên của địa phương, cần phát triển theo hướng trở thành sản phẩm đặc trưng. Do đó, du khách phải được hưởng thụ giá trị điểm đến, chứng kiến cảnh đẹp và cuộc sống “truyền thống” của cư dân bản địa. Hơn nữa, cộng đồng dân cư chưa nhận thức đầy đủ trong việc xây dựng thương hiệu du lịch và giữ gìn giá trị du lịch vốn có. Vì thế, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa phản ánh đầy đủ sắc thái cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương. Các sản phẩm lưu niệm chưa chú trọng đến vấn đề phục vụ cuộc sống, lưu giữ bền lâu và mang yếu tố đặc trưng của vùng đất. Đặc biệt, các giá trị truyền thống ngày càng mất đi giá trị ban đầu bởi các sản phẩm lưu niệm xa xỉ thường không đẹp.

Cũng theo các chuyên gia về du lịch, chợ du lịch - một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng thương hiệu du lịch. Tuy nhiên, hiện tại ở các khu, điểm du lịch của tỉnh lại rất ít sản phẩm gắn liền với địa danh và bị pha trộn với các loại hàng hóa tiêu dùng khác. Hơn nữa, chưa có điểm bày bán, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của các vùng miền trên địa bàn tỉnh tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm ẩm thực. Trong khi đó, đây là yếu tố thu hút sự quan tâm của du khách nhất, bởi nếu phát triển du lịch một cách pha trộn, không tạo nên cái riêng thì không thể xây dựng được thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng. Hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Từ đó có thể khẳng định sản phẩm du lịch Thanh Hóa “Có mà chưa có”. Đây cũng là gợi ý cho bài toán: thừa tiềm năng - thiếu sản phẩm du lịch xứ Thanh.

Hoài Anh




 

 

 

Bài 4: Hướng đi mới, kỳ vọng mới

Ngoài đóng góp về mặt thu nhập cho nền kinh tế địa phương, du lịch cộng đồng đã và đang mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người dân. Góp phần xóa đói giảm nghèo, hiện đang là hướng đi nhiều triển vọng của ngành du lịch xứ Thanh.

Hướng đi mới nhiều triển vọng

Thực tế một vài năm trở lại đây, khu vực miền núi Thanh Hóa đã hình thành một số điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng như: Khu BTTN Pù Luông, Pù Hu; suối cá Cẩm Lương; vườn quốc gia Bến En; khu du lịch cộng đồng xã Trí Nang… thông qua các mô hình hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng, đã thu hút được hàng trăm người dân địa phương trực tiếp và gián tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch. Các sản phẩm, dịch vụ và giá trị tiềm năng văn hóa bản địa đã và đang được cung cấp cho du khách.

Việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng đã giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Cụ thể như tại Cổ Lũng (Bá Thước), hiện nay cuộc sống của những gia đình làm dịch vụ du lịch cũng ngày càng khá lên. Theo số liệu thống kê, mỗi tháng, mỗi gia đình có dịch vụ lưu trú đón 50 khách, từ đó cho thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, họ còn có thể kinh doanh thêm dịch vụ ăn uống, bán quà lưu niệm cho du khách để có thêm thu nhập.

Theo thống kê của BQL Khu BTTN Pù Luông, trong những năm gần đây khách đến Pù Luông ngày càng gia tăng mạnh, trung bình hàng năm đón trên 1.000 lượt khách, chủ yếu là khách du lịch đến từ các nước Châu Âu, đi từ tour du lịch Mai Châu - Hòa Bình, Cúc Phương - Ninh Bình rồi qua Pù Luông nghỉ ngơi tại đây. Nhờ có hoạt động du lịch, đời sống của nhân dân ở khu vực này đã được cải thiện đáng kể. Năm 2014 nhiều hộ có thu nhập từ du lịch trên 100 triệu đồng/năm.

Hay như Cẩm Lương, đời sống của người dân nơi đây ngày càng thay đổi một cách rõ nét. Các hoạt động trong làng như: nghỉ trọ, vận chuyển, dẫn khách và các hoạt động khác đều có mục đích là phục vụ du lịch. Khoản thu từ du lịch đã giúp bổ sung vào nguồn tài chính dành cho các địa phương trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và an ninh xã hội. Thực tế cho thấy, trong một vài năm vừa qua, cơ sở hạ tầng của Cẩm Lương đã thay đổi rất nhiều nhờ vào nguồn vốn ngân sách từ trung ương, của tỉnh và cả chính quyền địa phương, mà trong đó du lịch đóng góp một phần đáng kể. Ví dụ như dự án cầu treo bắc qua sông Mã, nối lền cung đường vào điểm tham quan suối cá thần Cẩm Lương, cùng với đó là con đường dải nhựa vào tận điểm tham quan, tạo cho du khách sự thoải mái khi tiếp cận điểm du lịch.

Trước những lợi ích thực tế từ loại hình du lịch cộng đồng mang lại, một hướng đi mới, tương lai mới đang mở ra cho ngành du lịch xứ Thanh nói chung, đặc biệt là sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho cộng đồng nói riêng.

Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững

Bên cạnh các giải pháp về thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, để loại hình này ngày càng có điều kiện phát triển trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực miền núi nói riêng, theo một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, yếu tố tiên quyết để du lịch cộng đồng có thể thu hút du khách, thu hút đầu tư cũng như hướng tới phát triển bền vững đó là gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như tài nguyên du lịch tự nhiên. Bởi đây chính là tính hấp dẫn, đặc trưng nhất của loại hình này.

Để làm được điều này, trước hết cần coi trọng công tác tuyên truyền, quảng bá để người dân ý thức được giá trị tài nguyên và trách nhiệm của mình. Đồng thời, cần quy hoạch và tổ chức quản lý phát triển du lịch. Bởi loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng chỉ có thể phát triển bền vững khi có quy hoạch đúng đắn và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, và được tổ chức, quản lý một cách chặt chẽ, đồng bộ.

Cùng với đó, thực tế hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng diễn ra theo quy luật cung - cầu. Vì vậy cần quan tâm hơn nữa trong việc nghiên cứu các nhu cầu thị hiếu của thị trường khách du lịch, xúc tiến phát triển du lịch để tạo ra và cung ứng những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn du khách, mang lại hiệu quả cao về mọi mặt. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các doanh nghiệp lữ hành trợ giúp cho cộng đồng trong việc bảo tồn, tôn tạo tài nguyên môi trường du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Ngoài ra, vấn đề xúc tiến du lịch cũng cần được tăng cường, bởi với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng cũng như kinh tế - xã hội không thuận lợi. Do vậy, du khách thường khó biết các thông tin về khu vực này. Du lịch dựa vào cộng đồng chỉ có thể phát triển, đạt diệu quả cao khi hoạt động xúc tiến phát triển du lịch được đầu tư và triển khai đúng đắn, theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm thu hút các nguồn lực và tạo ra môi trường thuận lợi để loại hình du lịch cộng đồng ngày càng phát triển.

Với việc đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, theo hướng bền vững, các cấp, ngành, chính quyền và người dân địa phương đã và đang kỳ vọng, trong tương lai không xa du lịch sẽ giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và trở thành ngành có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện miền núi phía Tây.

Hoài Anh





 

 

 

Bài cuối: Nghị quyết 92 của Chính phủ, cơ hội lớn cho Du lịch xứ Thanh

Phấn đấu đến năm 2020 du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh đã đề ra. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, Nghị quyết 92 của Chính phủ đã và đang mở ra cho du lịch Thanh Hóa những cơ hội mới.

Tháng 12 năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 92/NQ-CP, về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Với một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể như: nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch; tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch. Theo đó, ưu tiên đầu tư để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi; tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch và tăng cường công tác quản lý Nhà nước.

Có thể nói, sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ qua những nội dung mà Nghị quyết 92 nêu ra, đã tạo hành lang pháp lý hết sức thuận lợi cho các địa phương trong việc triển khai các chính sách phát triển du lịch. Cụ thể, Nghị quyết không chỉ hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước như Bộ VH, TT & DL, Tổng cục Du lịch mà còn hỗ trợ các cơ quan quản lý du lịch địa phương. Theo nội dung của Nghị quyết, UBND các cấp có trách nhiệm bảo đảm môi trường thuận lợi, chủ động bố trí ngân sách, quỹ đất và triển khai các giải pháp phát triển du lịch; đề xuất áp dụng các cơ chế đặc thù về đất đai, nguồn vốn đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để phát triển du lịch phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Đây chính là những căn cứ để tỉnh Thanh Hóa xây dựng, đề xuất những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Bởi cho đến nay, các chính sách của tỉnh vẫn dựa theo quy định chung, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

Bà Vương Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL cho biết: Nghị quyết 92 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương, bởi bản chất du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Và chúng tôi mong rằng những nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành phải được triển khai đồng bộ và nhanh chóng hiện thực hóa trong thực tế bằng những chính sách cụ thể.

Cũng theo bà, Thanh Hóa có lợi thế tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, nhưng nếu không có những chính sách để khai thác và phát huy, không huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư trở thành những sản phẩm du lịch chất lượng, đặc trưng riêng, thì du lịch Thanh Hóa chỉ vẫn ở dạng tiềm năng. Có thể nói việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 92 là cơ sở, nền tảng và điều kiện để thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và của người dân về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng những nội dung Nghị Quyết ra sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cho ngành Du lịch Thanh Hóa phát triển bền vững; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu để Thanh Hóa sớm trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.

Cùng với đó, ngành Du lịch càng có thêm nhiều thuận lợi, cơ hội hơn để có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khi, dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, du lịch được đưa vào 1 trong 5 chương trình trọng tâm. Theo đó, sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Huy động tối đa nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải và hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác. Tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động, nâng cao văn hóa, văn minh du lịch. Đồng thời, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, gắn với phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương, đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; ưu tiên phát triển các sản phẩm dịch vụ cao cấp và các sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu Thanh Hóa.

Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư để phát triển thị xã Sầm Sơn thành đô thị du lịch quốc gia. Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh/thành, các công ty du lịch lữ hành để hình thành các tour du lịch. Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh.

 

                                                                                                           Hoài Anh

 

 

 

Các tin khác:
  • Mạo danh T.Ư Hội Nông dân để huy động tiền trái phép (19/07/2016-1:47)
  • Tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”: Nhiều người dân xã Thiệu Long “khóc dở, mếu dở” (18/07/2016-9:22)
  • Lớp học trên đỉnh Sài Khao (18/07/2016-9:19)
  • Người đảng viên tiên phong ở vùng đồng bào dân tộc (18/07/2016-9:14)
  • Thực hiện Luật BHYT sửa đổi: hơn 100 nghìn dân bãi ngang Thanh Hóa chưa được hưởng chính sách (18/07/2016-8:40)
  • Thành công từ bản sắc văn hóa (08/07/2016-13:21)
  • Nhìn lại Đề án 600: (08/07/2016-13:15)