Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Ngăn chặn tình trạng buôn bán người và lao động tự do sang Trung Quốc (19/07/2016-2:34)
    Tác phẩm đoạt giải B giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2015

Kỳ 1: Góc khuất của giấc mơ đổi đời

Trong căn nhà trống vắng, hình ảnh bà mẹ gầy gò, ốm yếu mỗi ngày đều tựa cửa ngóng ra phía đầu ngõ với mong ước sẽ có một một ngày đứa  sẽ trở về sau bao năm mất tích bên xứ người.

Giấc mơ đổi đời

Trong những năm gần đây, làng quê các xã ven biển Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa bỗng trở nên vắng vẻ đìu hiu là bởi phần đông lao động rủ nhau “đi Tây”, “đi Tàu”. Những tưởng cuộc sống mới nơi đất khách quê người sẽ đem lại cho họ cơ may đổi đời, thì giờ đây họ phải sống trong cảnh mất tự do, hiểm nguy rình rập cũng chỉ bởi ra nước ngoài lao động tự do bằng con đường bất hợp pháp.

Để tìm hiểu về tình hình lao động vượt biên sang Trung Quốc, chúng tôi đã gặp những người đã từng có thời gian lao động tại Trung  quốc. Anh Nguyễn Văn Mạnh (xã Quảng Thạch, Quảng Xương) người đã từng vượt biên trái phép sang Trung Quốc đã kể cho chúng tôi nghe về hành trình vượt biên của mình. Anh kể rằng sau khi thấy nhiều người dân ở quê ồ ạt sang Trung Quốc làm thuê, nghe nói đâu với tiền công rất cao. Tháng Tư âm lịch năm 2014, anh để vợ và 3 con ở nhà, bắt đầu cuộc hành trình mà không biết rằng có lẽ sẽ là những ngày đen tối nhất cuộc đời mình.


 Bà Nguyễn Thị Xuyến hàng ngày vẫn tựa cửa chờ mong con về.

 Từ Cầu Sông Lý thuộc dịa phận huyện Quảng Xương sau khi anh đưa số tiền 5 triệu đồng/ người cho mô giới, anh và 2 người cùng xã đi xe ca ra địa phận Móng Cái (Quảng Ninh), rồi lên xe máy đã có người đợi sẵn để tới nơi tập hợp. Từ đây, tôi cùng 13 người khác lên ô tô đi tiếp. Cả đoàn đến biên giới, vượt biên và người mô giới bàn giao tất cả 14 người cho 2 người Trung Quốc. Sau 3 ngày nghỉ tại khu vực biên giới phía Trung Quốc, sang ngày thứ tư, cả đoàn lên đường vào sâu nội địa Trung Quốc, thêm 3 ngày, 3 đêm, ước tính khoảng 2.000 cây số mới tới nơi và bắt tay ngay vào làm việc. Kể lại chuyến đi đó, anh Mạnh không biết mình vượt biên sang Trung Quốc ở chỗ nào, đi qua những đâu, không biết mặt ông chủ mà chỉ biết “cai” quản lý mình là người tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

14 người được chia làm 2 tốp làm trong nhà máy, làm việc quần quật từ sáng đến tối, công việc nặng nhọc quá, nên chúng tôi đòi bỏ về, nhưng” cai” không cho về, chúng tôi đành phải trốn về và không được trả 3 tháng lương. Không có tiền để về nước, laị lo bị bắt nên chúng tôi đã tìm mọi cách liên lạc với người nhà cho người mang tiền sang ứng cứu.

Trở về từ Trung Quốc được gần 1 tháng nhưng nỗi kinh hoàng từ những ngày làm việc chui và bị bắt giam tại nước này vẫn ám ảnh anh Vũ Văn Quyết (SN 1995, xã Quảng Nham, Quảng Xương). Anh Quyết cho biết lúc đi, những đối tượng trong đường dây lao động chui hứa sẽ có công việc ổn định, lương từ 7-10 triệu đồng/tháng. “Ai ngờ, sang đến nơi phải làm việc vất vả tại một công ty giày da hơn 2 tháng mà chưa có lương, sau đó lại bị cảnh sát bắt, nhốt hơn 2 tháng, phạt mỗi người 5 triệu đồng rồi mới thả về” – anh Quyết kể.

Cùng cảnh ngộ với anh Quyết là 7 lao động khác đều quê ở xã Minh Lộc ( Hậu Lộc). Để được sang Trung Quốc làm việc, họ phải đóng cho người mô giới 6 triệu đồng/người nhưng khi đến nơi thì bị cảnh sát bắt giam về tội nhập cư trái phép. “Chúng tôi bị nhốt hơn 60 ngày, nộp phạt 5 triệu đồng/người rồi mới được thả. Lúc mới bị bắt, tôi lo lắm vì nghĩ không bao giờ về quê được.” - anh Nguyễn Bá Nhung (thôn Minh Hợp, xã Minh Lộc) cho biết.

Không chỉ anh Mạnh, anh Quyết, anh Nhung mà hàng trăm lao động ở các xã ven biển của huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia…đang có chung một giấc mơ là được đổi đời, hy vọng có thu nhập cao hơn để cuộc sống bớt khốn khó. Và, trào lưu “đi Tây”, “đi Tàu” bỗng chốc rộ lên và giấc mơ đổi đời của họ vẫn còn đang dang dở.

Mòn mỏi chờ mong con trở về

Bên cạnh những người may mắn được trở về quê hương sau những tháng ngày khổ nhục nơi xứ người, thì còn đó những con người ra đi không có ngày trở về.

Trong căn nhà cấp 4, hình ảnh người mẹ mang trong mình căn bệnh phổi mãn tính, đôi mắt đục ngầu hướng nhìn về một khoảng không vô định như chờ mong một thứ gì đó trong tuyệt vọng cứ ám ảnh mãi trong tôi. Bà Nguyễn Thị Xuyên (60 tuổi, xã Quảng Nham, Quảng Xương) đã 4 năm nay, không một buổi chiều nào bà không ra tựa cửa nhìn ra ngõ với hy vọng mong manh đứa con gái của bà chị Nguyễn Thị An, SN 1990 hiện đang lưu lạc bên Trung Quốc sẽ có một ngày trở về. Sinh ra trong gia đình nghèo, bố mất sớm, nhà có 3 anh em nên khi nghe có người giúp cho sang Trung Quốc làm việc với số lương cao, chị An đã đi theo và từ ngày chị đi đến nay gia đình bà Xuyên không nhận được bất cứ tin tức gì về con gái. “Hỏi thăm những người từ  trong xã  đi làm ăn  từ bên đó về họ đều không hay biết con tôi ở đâu, tôi sợ nó chết ở đâu mất rồi chứ còn sống thì đáng ra nó phải về rồi, hoặc tìm cách liên lạc với tôi chứ, tôi thương con tôi lắm không biết giờ này nó đang ở phương trời nào” – bà Xuyên nghẹn ngào nói.


 Nhiều lao động từ bỏ giấc mơ làm giàu nơi xứ người trở về quê hương mưu sinh.

Từ ngày chị An sang Trung Quốc, 4 năm nay bà đã cạn khô dòng nước mắt, mong con đến từng phút  giây. “Đêm nào mẹ tôi cũng khóc, lúc nào cũng ngồi trước hiên nhà chờ An. Hiểu được lòng mẹ, tôi đã lặn lội sang Trung Quốc tìm em, nhưng sau gần một năm tôi vừa làm để kiếm thêm tiền trang trải cho việc tìm kiếm cũng không có một thông tin gì, tôi đành phải trở về để chăm sóc mẹ”. anh Nguyễn Văn Long, con trai bà Xuyến cho biết.

Rời xã Quảng Nham, chúng tôi đến xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), nơi đây cũng là điểm nóng có số người lao động chui tại Trung Quốc. Gặp gỡ bà Bùi Thị Thơm (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc), có con trai là Triệu Văn Tuấn đi xuất khẩu lao động chui từ năm 2011, đến nay bà chẳng hay tin con mình sống chết thế nào. Bà cho biết: “Con tôi đi từ năm 2011 nhưng đến bây giờ chẳng biết tin tức gì. ở xã tôi cũng đã có nhiều người đi lao động chui rồi bỏ mạng luôn bên đấy. Tôi chỉ cầu trời, khấn Phật cho con sống sót trở về chứ không mong gì đến chuyện được đổi đời, giàu có”.

Chia tay những người mẹ như bà Xuyến, Bà Thơm đang này đêm mòn mỏi chờ những người con lưu lạc nơi xứ người và chúng tôi biết điều ước duy nhất của họ chỉ mong trước khi bản thân nhắm mắt xuôi tay, gia đình được đoàn tụ và những người con lưu lạc nơi xứ người sẽ trở về.

Điều ước nghe tưởng chừng như đơn giản, nhưng đối với họ ước mơ đoàn tụ khi tuổi đã xế chiều lại là điều chưa thể thực hiện được trong 1 sớm 1 chiều.

Hoàng Lan




 

 

Kỳ 2: Lao động “chui” bỏ mạng nơi xứ người

Tin vào lời hứa của các “Cò mồi” đi nhanh, việc nhàn, lương cao ổn định... nhiều thanh niên đã  nhanh chóng đến “miền đất hứa” nhưng giấc mộng đổi đời không thấy mà thay vào đấy nhiều người đã lâm vào cảnh trắng tay, thậm chí bỏ mạng.

Những cái chết đau thương

Với ước mơ đổi đời thoát khỏi cuộc sống nghèo túng, không ít người đã chọn con đường ra nước ngoài lao động kiếm tiền. Nhà nước cũng có những chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động . Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết, vì muốn giảm chi phí mà họ đã trở thành những lao động cư trú bất hợp pháp. Cuộc sống của họ phải chui lủi trốn tránh pháp luật và rất nhiều nguy cơ rình rập, đặc biệt nếu có rủi ro về sức khỏe, tính mạng thì chẳng có ai chịu trách nhiệm.

Về xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, không khí tang thương đang bao trùm lên căn nhà của anh Đặng Văn Dũng ( Thôn Hưng Bắc). Bà con nơi đây, ai ai cũng xót thương cho cậu bé Đặng Mạnh Duy (19 tuổi) là con trai đầu của anh Dũng đã bỏ mạng nơi xứ người khi đang lao động nghề cá trên biển.

Anh Dũng cho biết : Duy là một người con ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn giúp bố mẹ, tháng 8/2014 khi nghe bạn bè đi biển kháo nhau, sang Trung Quốc đánh cá được trả tiền công cao, Duy đã bàn với gia đình đưa tiền cho người môi giới và cuối tháng 8, Duy bắt đầu vượt biên sang lao động trên tàu cá Trung Quốc.

Được biết, đến đầu tháng 11 năm 2014 trong quá trình đánh bắt trên biển, Duy đã bị điện giật và rơi xuống biển, sau nhiều ngày tìm kiếm thi thể của Duy mới được đưa lên bờ. Biết tin con trai bị tai nạn khi lao động, gia đình anh Dũng đã phải trải qua nhiều khó khăn, cản trở mới đưa được thi thể của con về quê an táng.

 Nhìn di ảnh của em Đặng Thị Dung, sinh năm 1996 ( xã Quảng Nham- Quảng Xương), chúng tôi không khỏi đau lòng khi biết được em đã mất trong một lần bị Cảnh sát Trung Quốc tuần tra. Ông Đặng Ngọc Huấn (ông ngoại của Dung) cho biết: “ Do quá hoảng sợ nên trong lúc trốn chạy sự tuần tra, cháu đã bị ngã từ tầng cao của một tòa nhà. Sau một tuần, với sự lỗ lực của gia đình liên hệ sang Trung Quốc, thi hài của cháu mới được mang về quê hương”.


 Di ảnh của em Đặng Thị Dung

Với chị Hoàng Thị Hạnh (xã Hoàng Trường, huyện Hoằng Hóa) vẫn không quên được ngày chồng chị là anh Hoàng Văn Việt bị đột tử ở phòng trọ bên Trung Quốc: sau khi tan ca làm hai vợ chồng chị hạnh trở về phòng trọ. Quá nửa đêm anh Việt trở nên khó thở không nói thành lời rồi lịm đi. Do không biết đường đi và bất đồng ngôn ngữ, nên anh Việt không được đưa đến viện cấp cứu kịp thời.

Nhiều trường hợp lao động bị lừa sang Trung Quốc làm việc nhưng thực chất lấy chồng và làm thân đẻ thuê. Như trường hợp của hai chị em họ là Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thị Phương, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương. Sau khi biết bị lừa Hương và Phương đã cố tìm mọi cách liên lạc về với gia đình và đã được công an tỉnh giải cứu và đưa về địa phương.  Người môi giới Đào Thị Vân đã bị bắt giữ vì có hành vi lôi kéo, tổ chức đưa người lao động sang trung quốc trái phép.

Bất chấp nguy hiểm rình rập vẫn vượt biên

Đến xã Ngư Lộc, chúng tôi được một số người dân mách bảo cho một vài địa chỉ nhà dân có người lao động chuẩn bị sang Trung Quốc lao động “chui”. Tìm đến nhà anh Lê Văn Sáu (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc), ban đầu anh lé tránh không muốn trả lời câu hỏi chúng tôi, sau một hồi thuyết phục anh cũng đã cho chúng tôi biết lý do anh quyết định vượt biên sang lao động tại xứ người.

Biết vượt biên làm thuê là trái phép và có nhiều mối nguy hiểm rình rập, nhưng nghe họ rỉ tai nhau bảo “ngày công lao động hấp dẫn” nên tôi và nhiều lao động khác vẫn bất chấp tất cả, hy vọng mình nằm trong số lao động may mắn kiếm được ít tiền và sống sót trở về”.

Trao đổi với ông Hoàng Văn Quý - Trưởng phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện Hậu Lộc được biết:  Năm 2015, số lao động tự do trái phép tại Trung Quốc trên địa bàn huyện có xu hướng giảm. Lao động chủ yếu tập trung tại các xã ven biển như Ngư Lộc, Minh Lộc, Hòa Lộc... Nhưng khi nhiều lao động trở về do thiếu việc làm, họ lại tiếp tục con đường lao động “chui”. Tại các địa phương có nhiều lao động trái phép sang Trung Quốc thì hầu hết các lao động này đều không khai báo tạm vắng với chính quyền  nên việc quản lý trở nên vô cùng khó khăn.

Không biết, danh sách lao động "chui" thiệt mạng ở nước ngoài còn tăng lên bao nhiêu khi người nhiều  người vẫn bất chấp rủi ro hòng đi nước ngoài để đổi đời, trong khi các tay "cò" thì luôn chờ đợi cơ hội để kiếm tiền từ dịch vụ môi giới, bất chấp pháp luật. Có lẽ, hàng nghìn lao động của tỉnh ta đang làm việc chui tại Trung Quốc và một số không ít lao động này phải bỏ mạng tại xứ người vì tai nạn lao động, vì cuộc sống kham khổ và hàng ngàn lí do khác. Biết rằng lao động "chui" là vi phạm pháp luật, là sẽ trông chờ vào may, rủi nhưng nhiều người vẫn lao vào, tiếp tay cho kẻ khác kiếm tiền bằng con đường vi phạm pháp luật.

Trên thực tế tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc vẫn đang là vấn đề “nóng” đối với nhiều địa phương và vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn. Số phận người lao động sẽ ra sao, khi mà cuộc sống của họ không được sự bảo hộ của pháp luật và sẽ còn bao nhiêu trường hợp người lao động bỏ mạng nơi xứ người, câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngõ.

Hoàng Lan



 

 

 

Kỳ 3: Những người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc: Chuỗi ngày sống trong nước mắt

Sau những cuộc chạy trốn ê chề, thoát mạng trở về với mẹ cha, những người phụ nữ ấy ai ai cũng mừng đến rơi nước mắt khi ước mơ có ngày được trở về quê hương thành hiện thực.

Tiếp xúc với nhiều chị em bị lừa bán sang bên kia biên giới và tìm được đường trở về, chúng tôi cảm thấy số phận của mỗi người phụ nữ vì nhẹ dạ cả tin để  bị lừa bán sang Trung Quốc thật éo le.


Chị Nguyễn Thị M ( xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia) hàng ngày vẫn vá lưới thuê
để trang trải cuộc sống hiện tại.

Mồ côi bố mẹ từ lúc 10 tuổi, chị Nguyễn Thị M ( xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia) lớn lên trong sự thiếu thốn, cơ cực đủ đường. Nhà có ba chị em đều không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa, chị sớm phải lặn lội làm đủ thứ việc, ai thuê gì chị làm nấy kiếm tiền nuôi sống bản thân. Nhắc lại những ngày mới bị bạn lừa đem bán chị M kể lại: Năm 2005, lúc đấy tôi vừa tròn 24 tuổi, một chị bạn ở làng bên rủ chị đi vùng biên giới đi buôn hàngmặt hàng quần áo về bán, thế là tôi theo đi, cô bạn đưa tôi ra quốc lộ 1A rồi bắt xe đi, cùng đi với tôi chuyến đó còn một cô nữa. Đến biên giới, ba chúng tôi men theo đường rừng sang đất Trung Quốc. Sau gần một ngày đi ô tô mệt mỏi, chúng tôi dừng chân ở một ngôi làng. Đến một ngôi nhà, chị bạn bảo tôi ngồi chờ ngoài cửa, chị vào nhà nói chuyện với người đàn ông. Một lúc sau đi ra, chị bảo tôi ngồi chờ. Chờ mãi, không thấy hai người quay lại, tôi đã linh tính sự chẳng lành. Một lúc sau, người đàn ông trong nhà cầm trên tay một sấp tiền chỉ trỏ ra ngoài đường rồi kéo tôi vào nhà. Lúc đó tôi lờ mờ hiểu rằng mình đã được người ta mua về làm vợ.

Ở nhà vốn đã không biết chữ, sang đây lại không biết tiếng, nên chị M đành cam chịu làm thân tôi đòi cho nhà họ. Những ngày đầu, chị bị nhốt vào phòng kín, đến bữa cơm được người đàn ông bưng đến tận buồng như một người tù.

Sau đấy, ngày nào tôi cũng phải dậy từ 3h sáng nấu cơm ăn, rồi đi trồng mía, trưa về cơm nước rồi lại đi làm, nhiều lần tôi đã có ý định bỏ trốn nhưng đều thất bại và hậu quả là là những trận đòn của người chồng vũ phu. Cũng may trong một dịp tôi được nhà chồng cho đi ra chợ, gặp được một người phụ nữ quê Hải Phòng, hiểu được hoàn cảnh của tôi, chị đã giúp đỡ nhiệt tình cho để tôi được có ngày trở về quê hương. Chị M ngậm ngùi kể lại. Hiện nay, trở về quê nhà chị M cũng ngày ngày đi vá lưới thuê để trang trải cuộc sống hàng ngày, dù cuộc sống vẫn còn vất vả nhưng trên khuôn mặt chị đã nở những nụ cười và niềm tin vào tương lai.

Kể từ ngày được về đoàn tụ với gia đình, nhưng nhìn khuôn mặt tiều tụy, hốc hác ghi nét những ngày tháng gian truân nơi xứ người của chị Trần Thị H (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) khiến chúng tôi không khỏi xót xa, chạnh lòng.  Sau 15 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, chị cũng đã trốn thoát và trở về với người thân. Thế nhưng, những chuỗi ngày bị ép phải “tiếp khách” do chống cự lại nên chị đã bị các đối tượng mua bán chị hành hạ, đó những kí ức buồn mà chị H không bao giờ có thể quên.

Sau lần bị bán để làm vợ, chị H sinh cho người đàn ông Trung Quốc hai người con, nhưng chị cũng luôn sống trong cảnh bị bạo hành , cho tới khi bị chồng đuổi đi khỏi nhà, không có đồng tiền nào trong tay chị đi lang thang  khắp nơi rồi được một người tốt bụng cho ở nhờ trong căn nhà cũ. “Sau đó, tôi xin việc ở một xưởng công nghiệp để có kiếm tiền trang trải cuộc sống và tìm mọi cách liên lạc về với gia đình. Mười năm năm sống tủi nhục ở xứ người, chưa bao giờ ý định trở về chấm dứt trong tôi. Tôi biết ở quê nhà người thân hàng ngày luôn mong đợi tôi trở về, tất cả đã thôi thúc để tôi có nghị lực trở về như ngày hôm nay", chị H tâm sự.

Được biết, vào tháng 10/2014, chị Hà Thị Dựa (25 tuổi, trú huyện Tĩnh Gia) cùng chị Lục Thị Xinh (16 tuổi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã bị hai đối tượng Lê Thị Yên (trú huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và Lục Thị Oanh (47 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) dụ dỗ lừa sang Trung Quốc với hình thức để đi du lịch, du học. Nhưng thực chất hai đối tượng lừa đảo trên đưa Dựa và Xinh bán sang Trung Quốc cho các bối tượng buôn bán người. Trong quá trình Yên bắt xe khách đưa Dựa, Xinh ra TP Móng Cái (Quảng Ninh), đang xuống thuyền vượt biên sangTrung Quốc  thì bị bộ đội biên phòng cửa khẩu Móng Cái phát hiện bắt giữ. Đối tượng Yên đã khai nhận bán một người sẽ được 20 triệu đồng và các đối tương chia cho nhau.

Những câu chuyện, những mảnh đời éo le của số phận người phụ nữ là nạn nhân của các đối tượng buôn bán người, khi may mắn được trở về quê hương và nghe chúng tôi có ý định tìm hiểu về số phận những phụ nữ từng trở thành món hàng của các đối tượng buôn bán người, các chị đã đồng ý chia sẻ câu chuyện đời mình, những kí ức các chị muốn chôn chặt nhất. Với mong muốn sẽ không còn cô gái nào nhẹ dạ, cả tin để rồi rơi vào nanh vuốt quỷ dữ như trường hợp của họ.

                                                                           Hoàng Lan



Kỳ 4: Lời giải cho bài toán lao động “chui”

Thực tế hiện nay cho thấy,, chưa có đơn vị nào trực tiếp quản lý số lao động tự do nên ở nhiều địa phương, người dân vẫn lén lút vượt biên lao động chui… Từ thực trạng trên đặt ra những vấn đề cấp bách phải thực hiện nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng xuất cảnh lao động trái phép.

Có “cầu” ắt sinh “cung”

Ban đầu chỉ một số nhóm người tự phát cùng nhau vượt biên đi làm chui theo kiểu người đi trước giới thiệu, bảo lãnh người đi sau; về sau xuất hiện nhiều “cò” dụ dỗ, lôi kéo người nhà, người thân quen tổ chức thành đường dây đưa người vượt biên trái phép kiếm lời. Đội ngũ môi giới ngày một đông, chủ yếu là các đối tượng giáp biên móc nối với chủ người Trung Quốc hoặc phụ nữ lấy chồng Trung Quốc về nước lùng sục dắt mối. Do nhận thức kém, ít va chạm, lại cả tin, trong khi các đối tượng dùng bẫy “kinh tế” thổi phồng quá mức, hứa hẹn bố trí việc làm hấp dẫn, có mức lương ổn định, nhàn hạ, chi phí thấp... cho nên nhiều người dễ dàng bị lôi kéo, rủ rê mà không lường được hậu quả, tác hại.


Lực lượng Biên phòng tỉnh tuyên truyền cho ngư dân vùng biển về
tình trạng lao động chui tại Trung Quốc.

Việc lao động “chui” luôn tiềm ẩn những rủi do không thể lường trước nếu bị phát hiện bắt giữ thì coi như công sức lao động bỏ ra bao nhiêu tháng trời sẽ trở thành công cốc. Thực tế cho thấy, vẫn có những người may mắn có được một món tiền trở về quê hương sau khi đi lao động tại Trung Quốc, để có được số tiền đó họ phải làm việc 12 tiếng/ngày, cả tháng không có ngày nghỉ.  Đấy còn chưa kể đến vấn nạn trộm cướp, trấn lột, tai nạn lao động luôn thường trực. Đối với chị em phụ nữ dễ trở thành mục tiêu cho bọn buôn người nhòm ngó, đưa vào các ổ chứa mại dâm, nhiều thanh thiếu niên sau khi lao động tại Trung Quốc vướng vào các tệ nạn xã hội.

Những con số báo động

Qua thống kê của Công an tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh  có hơn 9.000 lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Trong đó, “điểm nóng” là các huyện Quảng Xương (1.216 người), Hoằng Hóa (1.180 người), Hậu Lộc (1.090 người), Hà Trung (873 người)... Từ năm 2014 đến nay, đã có gần 800 trường hợp bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và trả về Việt Nam, nhiều lao động bỏ mạng nơi xứ người.

Với đặc thù là xã bãi ngang đất chật, người đông, lao động dư thừa, việc làm không có, là địa phương “ điểm nóng” có số lao động tự do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Trưởng công an xã Phạm Hồng Thái cho biết:” Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng từ mùng 4 tết Ất Mùi đến nay số lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc gần 1000 người, phần lớn lao động sang Trung Quốc làm việc ở các lĩnh vực: khai thác hầm mỏ, đánh bắt cá, sản xuất gỗ, đồ nhựa… Điều đáng lo ngại là trong số những lao động “chui” trên có rất nhiều lao động trẻ em. Có những gia đình cả vợ chồng đều xuất ngoại, bỏ lại con cái cho ông bà. Cũng có những gia đình đến 3-4 người đi. Họ bất chấp nguy hiểm, rủi ro chỉ cốt để kiếm tiền”.

Theo thống kê của Đồn biên phòng Đa Lộc (Hậu Lộc) trong 8 xã ven biển như: Hòa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, Nga Tân, Nga Sơn từ những năm 90 cho đến thời điểm hiện tại có 343 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Kết quả của những cuộc hôn nhân ấy là 20 người con lai đang sinh sống trên địa bàn. Còn tại 5 xã ven biển của huyện Hoằng Hóa như Hoằng Phụ, Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Trường, Hoằng Hải, theo thống kê của Đồn biên phòng Hoằng Trường thì có tổng 85 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc.

Giải pháp nào ngăn chặn tình trang lao động “chui”?

Với sự nỗ lực vào cuộc của các ban, ngành cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phần nào “hạ nhiệt”, ngăn chặn thực trạng người dân xuất cảnh lao động bất hợp pháp.

Ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở LĐTB&XH, cho biết: Trong nhiều năm qua, tình trạng lao động xuất cảnh trái phép diễn ra trên địa bàn tỉnh ta khá phức tạp. Và nhất là gần đây, tập trung ở các huyện ven biển. Sở LĐTB&XH đã có công văn chỉ đạo tới huyện và các xã liên quan có sô lao động chiu tại Trung Quốc. Đồng thời, đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các địa phương cần tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm những quy định của luật “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Không đi lao động tự do, trái phép và tăng cường công tác quản lý chặt chẽ về lực lượng lao động tại địa bàn từng xã. Vận động những gia đình có con em, những lao động đi nước ngoài bất hợp pháp về nước và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện mới phát sinh ngay từng địa phương, từng khu dân cư.  Đối với những lao động tự do đi theo kênh môi giới cần có biện pháp ngăn chặn, quản lý hộ tịch, hộ khẩu”.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, vừa qua, Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị, mời đại diện công an các huyện, chính quyền một số xã “điểm nóng”  để bàn bạc, triển khai các giải pháp ngăn chặn. Công an tỉnh cũng đã điều tra ra 5 vụ, bắt giữ 8 đối tượng chuyên môi giới, tổ chức đưa người trái phép sang Trung Quốc. Điển hình như năm 2014, Công an huyện Lang Chánh đã phát hiện, điều tra, khởi tố, bắt giữ 3 đối tượng tổ chức đưa người đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Ngày 11-3-2015, Tòa án Nhân dân huyện Lang Chánh đã xét xử và tuyên phạt 8 năm tù giam đối với bị cáo Lê Thị Hoàng, sinh năm 1976, ở xã Trí Nang (Lang Chánh) phạm tội tổ chức đưa người vượt biên trái phép. Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tập trung, rà soát, phát hiện các đối tượng có hành vi lôi kéo, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê bất hợp pháp để xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả đối với những công dân nhập cảnh, cư trú trái phép tại các nước.

Để hạn chế tình trạng lao động tự do sang Trung Quốc theo con đường bất hợp pháp, Trung tá Cao Hùng Tâm, Đồn trưởng Đồn BP Hoằng Trường cho biết: "Trước tình hình người dân địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, đơn vị đã tăng cường công tác bám, nắm địa bàn, kịp thời phát hiện các hoạt động lôi kéo đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, nhất là các hiện tượng nghi vấn liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị còn tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn để không bị kẻ xấu lợi dụng nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa tình trạng trên".

Tuy nhiên, có thể thấy câu chuyện vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động "chui" ở vùng ven biển đang là một bài toán chưa có lời giải. Hy vọng rằng với những giải pháp trên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương sẽ sớm hạn chế được tình trạng đi lao động tự do trái phép ở nước ngoài.

Hoàng Lan

 

Các tin khác:
  • Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (19/07/2016-2:03)
  • Mạo danh T.Ư Hội Nông dân để huy động tiền trái phép (19/07/2016-1:47)
  • Tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”: Nhiều người dân xã Thiệu Long “khóc dở, mếu dở” (18/07/2016-9:22)
  • Lớp học trên đỉnh Sài Khao (18/07/2016-9:19)
  • Người đảng viên tiên phong ở vùng đồng bào dân tộc (18/07/2016-9:14)
  • Thực hiện Luật BHYT sửa đổi: hơn 100 nghìn dân bãi ngang Thanh Hóa chưa được hưởng chính sách (18/07/2016-8:40)
  • Thành công từ bản sắc văn hóa (08/07/2016-13:21)
  • Nhìn lại Đề án 600: (08/07/2016-13:15)