Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường Lam Sơn (19/07/2016-2:48)
    Tác phẩm đoạt giải B giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2015

Bài 1: Hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích, sản lượng mía nguyên liệu lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, ngành sản xuất mía đường của tỉnh trong những năm qua gặp không ít khó khăn, thách thức, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, khả năng cạnh tranh thấp. Thực trạng này đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện đối với ngành sản xuất mía đường của tỉnh.

Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển ngành công – nông nghiệp mía đường. Trên thực tế, với 11,3% diện tích và 10,4% sản lượng, Thanh Hóa hiện là tỉnh có diện tích, sản lượng mía nguyên liệu lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh có 4 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất chế biến 19.000 tấn mía cây (TMC)/ngày, trong đó Công ty CP Mía đường Lam Sơn có 2 nhà máy với công suất 10.500 TMC/ngày; Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan 6.000 TMC/ngày; Công ty CP Mía đường Nông Cống 2.500 TMC/ngày. Toàn tỉnh có 17/27 đơn vị cấp huyện trồng mía nguyên liệu với khoảng 51.110 hộ trồng mía. Việc phát triển vùng mía nguyên liệu đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 1 triệu người dân tham gia sản xuất và các khâu dịch vụ của mía đường, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực trung du, miền núi của tỉnh.

Tuy nhiên, ngành sản xuất mía đường của tỉnh những năm qua gặp không ít khó khăn, thách thức. Qua đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích, năng suất, sản lượng mía không ổn định và có xu hướng giảm. Sự không ổn định thể hiện rõ nét qua chỉ tiêu về năng suất: Từ vụ ép 2010 – 2011 đến 2014 – 2015, năng suất mía các vụ từ 52 tấn/ha (vụ 2010 - 2011) tăng lên mức cao nhất là 62 tấn/ha (vụ 2012 - 2013) rồi hạ xuống 56,4 tấn/ha (2014 - 2015). Kèm theo đó, sản lượng mía cũng tăng từ hơn 1,5 triệu tấn (vụ 2010 - 2011) đến mức cao nhất là 2,3 triệu tấn (vụ 2012 - 2013) rồi giảm xuống còn 1,8 triệu tấn (2014 - 2015).

Qua 5 vụ ép, năng suất mía bình quân cả tỉnh mới đạt 58,2 tấn/ha, còn kém xa so với năng suất bình quân của cả nước (64 tấn/ha) và thế giới (70,2 tấn/ha); chữ đường thấp hơn bình quân thế giới từ 2 đến 3 CCS. Trong điều kiện vốn đầu tư bình quân khoảng 32 triệu đồng/ha/vụ (1 mía tơ, 2 vụ mía lưu gốc) với giá thu mua bình quân khoảng 937.000 đồng/tấn, sau khi trừ tiền công thì người nông dân thu về khoảng 717.000 đồng/tấn mía; thu nhập sau khi trừ chi phí sản xuất đạt khoảng 11,2 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, hiệu quả kinh tế của cây mía thấp hơn so với các loại cây trồng khác như ngô, sắn, rau màu... 

Đồng chí Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, nêu rõ: Đến niên vụ 2014 – 2015, cây mía nguyên liệu trên địa bàn huyện giảm cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích giảm gần 600 ha, năng suất giảm 3 tấn/ha và sản lượng giảm hơn 50.000 tấn. Nguyên nhân cơ bản là do giá mía nguyên liệu thấp; cây mía thiếu sự quan tâm đầu tư, chăm sóc đúng mức, thể hiện rõ nhất là tỷ lệ phân hữu cơ bón chỉ đạt 50%  so với cây trồng khác. Lợi ích kinh tế của cây mía so với cây ngô trồng 3 vụ/năm chỉ bằng 1/2, so với cây dược liệu chỉ bằng 1/4.  

Trên thực tế, các doanh nghiệp mía đường trong tỉnh đã quan tâm có các chính sách hỗ trợ cho người trồng mía nhằm từng bước cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu và hiệu quả kinh tế cho người trồng mía, như: Đầu tư ứng trước vốn, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ giống mới, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất; hỗ trợ vốn thực hiện cơ giới hóa... Tuy nhiên, với diện tích bình quân đất trồng mía ở các vùng nguyên liệu mới đạt 0,52 ha/hộ, trong đó nhiều hộ có đất trồng mía dưới 1.000 m2 thì khó có thể triển khai các giải pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học, đáp ứng được yêu cầu sản xuất công nghiệp. Vì thế, diện tích mía thâm canh toàn tỉnh mới chiếm chưa đầy 16%.

Trong khi đó, việc tích tụ đất đai còn nhiều rào cản, nên dù doanh nghiệp có muốn đầu tư sản xuất tập trung, quy mô lớn cũng khó thực hiện trong thực tiễn. Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn, phân tích: Trong chiến lược phát triển cây mía nguyên liệu hiện nay, khó khăn nhất là khâu tổ chức sản xuất. Đất đai manh mún, trong khi cây mía có thời gian sinh trưởng dài, tới 12 tháng. Trong thời gian này, việc sản xuất phụ thuộc vào sức người quá nhiều dẫn đến chi phí sản xuất tăng kéo theo giá mía nguyên liệu tăng, hiệu quả sản xuất giảm. Nếu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giá mía nguyên liệu sẽ chỉ còn từ 300.000 đến 350.000 đồng/tấn. Riêng khâu thu hoạch, nếu thu hoạch bằng máy sẽ làm tăng 10% sản lượng, thu hoạch bằng tay sẽ giảm từ 18 đến 20% sản lượng mía khiến cả doanh nghiệp và người trồng mía đều chịu thiệt. Như vậy, vấn đề cốt lõi đặt ra là phải có cánh đồng mẫu lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn làm mẫu cánh đồng mẫu lớn với diện tích 500 ha. Nếu làm được bộ sẽ đầu tư cơ giới hóa, tuy nhiên không tìm đâu ra diện tích. Năm 2013, công ty đã thử nghiệm thuê đất của các hộ dân ở xã Vân Sơn (Triệu Sơn), trải qua gần 50 cuộc họp để bàn bạc, thỏa thuận, hoàn chỉnh các thủ tục và ký kết hợp đồng với 499 hộ dân để thuê lại 499 thửa đất nhỏ, lẻ, tuy nhiên diện tích cũng mới đạt khoảng 100 ha và vẫn chia làm 4 khu. Hơn 30 năm xây dựng và phát triển của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, đây vẫn là khâu vướng mắc nhất.

Ngoài đất đai, hạ tầng phục vụ sản xuất ở các vùng nguyên liệu cũng đang là thách thức không nhỏ với ngành mía đường tỉnh ta. Toàn tỉnh mới có 41 công trình thủy lợi phục vụ tưới mía với tổng diện tích mía được tưới chủ động chiếm gần 10% tổng diện tích mía đang trồng; riêng vùng nguyên liệu mía phục vụ Nhà máy Đường Nông Cống còn chưa có công trình tưới. Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thiên nhiên với đặc điểm của loài cây nhiệt đới đòi hỏi độ ẩm cao thì năng suất, chất lượng cây mía nguyên liệu thấp cũng là điều dễ hiểu.

Việt Nam đã gia nhập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Theo cam kết hội nhập, nước ta được áp dụng thuế suất đối với đường là 5% đến năm 2018 và từ sau 2018 thì mức thuế là 0%. Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong khu vực như Thái Lan, Lào và cả Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trong nước đã tạo một khoảng cách khá xa về năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm so với các doanh nghiệp trong tỉnh, đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện ngành mía đường tỉnh nhà từ việc thiết lập các chương trình nghiên cứu đến việc triển khai các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập.

Kỳ sau: Thay đổi tư duy, đổi mới sản xuất.

     Phạm Ngọc 



 

 

Bài 2: Thay đổi tư duy, cải tổ sản xuất

Theo phân tích của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, tới đây, ngành mía đường tỉnh ta cũng đứng trước những thời cơ, thuận lợi không nhỏ. Dự báo, sản lượng đường thế giới sẽ tăng thêm khoảng 30 triệu tấn để đạt mức 210 triệu tấn vào niên vụ 2020 – 2021. Tại nước ta, nhu cầu tiêu thụ đường sẽ tăng do mức tiêu thụ bình quân hiện còn thấp, khoảng 16 kg/người/năm so với 20 kg/người/năm của thế giới. Vấn đề đặt ra, theo Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, là ngành mía đường phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm.

Nắm bắt thời cơ, đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường tỉnh ta là cấp thiết, trong đó doanh nghiệp với vai trò chủ đạo đang cho thấy những tín hiệu tốt. Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn, cho rằng: Vai trò, vị trí của cây mía tỉnh ta trong thời gian tới, cần được định hình rõ. Thanh Hóa có hơn 30.000 ha mía nguyên liệu, mỗi năm sản xuất từ 270 đến 280.000 tấn đường, với giá bán khoảng 700 USD/tấn sẽ mang lại khoảng 210 triệu USD. Thời gian tới, cần thực hiện tái cơ cấu ngành mía đường theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, phấn đấu sản xuất 500.000 tấn đường mỗi năm để mang lại giá trị kinh tế khoảng 300 triệu USD. Bên cạnh đó, phải gắn kết công – nông nghiệp, đưa giá trị kinh tế/ha mía đạt 400, thậm chí 500 triệu đồng/ha. Vấn đề cốt lõi để thực hiện được mục tiêu này, vẫn là xây dựng được cánh đồng mẫu lớn. Nếu các huyện quy hoạch được cánh đồng mẫu lớn quy mô từ 500 ha trở lên, mục tiêu này sẽ đạt được, đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh có thương hiệu mía đường. Còn lại, vấn đề ổn định, phát triển vùng nguyên liệu sau quy hoạch thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp với người nông dân.

Đặt vấn đề như vậy, vì những giải pháp về giống, thâm canh, cơ giới hóa đồng bộ… để phát triển mía nguyên liệu đã được Công ty CP mía đường Lam Sơn ứng dụng trong thực tiễn. Về giống, với Trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, Công ty đã sẵn sàng cung ứng giống tốt, giống chất lượng cao theo công nghệ nuôi cấy mô cho tất cả các vùng nguyên liệu trong tỉnh, thậm chí đã ký hợp đồng cung ứng giống cho một số tỉnh khu vực phía Nam. Năm 2014, công ty đã nhập khẩu 2 máy thu hoạch mía từ Mỹ. Qua thử nghiệm cho thấy ưu thế vượt trội so với thu hoạch thủ công. Chỉ mất 2 tiếng để máy thu hoạch xong 1 ha mía, cắt khúc, đưa lên xe chuyên chở, trong khi cùng diện tích, nếu thu hoạch thủ công phải cần từ 40 đến 50 lao động và làm việc trong 1 ngày. Không chỉ thế, máy còn có khả năng tận thu, thúc đẩy mầm phát triển tốt hơn, sản lượng tăng 10% so với thu hoạch thủ công. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để công ty quy hoạch từ 3.000 đến 5.000 ha mía nguyên liệu thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch.

Đối với vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống, Thạch Thành, các công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đầu tư cho cây mía, như: đầu tư ứng trước cho nông dân trồng mía; cho chủ hợp đồng và hộ trồng mía vay tiền đầu tư khoan giếng, mua máy bơm để mở rộng diện tích tưới chủ động; du nhập giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Về phía các địa phương trong vùng nguyên liệu, cây mía vẫn được xác định là cây trồng chủ lực, do đó tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực. Đồng chí Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch huyện Thọ Xuân, cho biết: Huyện đang tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu với diện tích khoảng 2.500 ha trong bán kính 10 km xung quanh Nhà máy đường Lam Sơn nhằm tạo điều kiện triển khai các giải pháp thâm canh và thuận lợi cho công tác thu hoạch. Huyện cũng thí điểm xây dựng 50 ha mía thực hiện bón phân đúng, đủ ở 50 ha vùng đất bãi. Qua khảo nghiệm cho thấy năng suất mía nguyên liệu tăng từ 50 đến 60%... Tới đây, huyện sẽ xây dựng 3 mô hình thâm canh mía áp dụng các giải pháp đồng bộ như trên, quy mô mỗi mô hình 100 ha để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn toàn huyện, phấn đấu đưa năng suất mía bình quân đạt 90 tấn/ha.

Đối với Như Thanh – một trong những địa phương có năng suất mía nguyên liệu thấp nhất toàn tỉnh (năm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 52 tấn/ha), huyện xác định vai trò lớn nhất của cây mía hiện nay là góp phần ổn định việc làm và đời sống cho khoảng 2.000 hộ. Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho cây mía nguyên liệu, huyện xác định trong năm 2017 sẽ chuyển toàn diện tích mía mía ở độ dốc hơn 20 độ xuống trồng trên đất lúa, màu kém hiệu quả. Đồng thời áp dụng “liền vùng, cùng trà, khác vụ” và có cơ chế thích hợp khuyến khích dồn điền, đổi thửa, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn...

Không thể phủ nhận nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương trong quá trình đổi mới ngành mía đường. Tuy nhiên, những cải tổ đó dường như vẫn chậm chạp so với nhu cầu. Nhất là trong bối cảnh ngành mía đường đang nằm trong thế so sánh với ngành chăn nuôi bò sữa và một số ngành công – nông nghiệp khác. Tỉnh ta đã xác định, đến năm 2020, ổn định diện tích mía ở 25.800 ha; năng suất đạt 90 tấn/ha; sản lượng mía nguyên liệu đạt 2,3 triệu tấn; xây dựng vùng mía thâm canh đạt 20.000 ha. Như vậy diện tích mía sẽ thu hẹp, đồng thời đặt ra yêu cầu cao về năng suất, chất lượng và hiệu quả. Điều này buộc các doanh nghiệp, địa phương vùng nguyên liệu và người trồng mía phải sớm bắt tay vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất mía nguyên liệu; chú trọng đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất; triển khai thực hiện và xây dựng các chính sách phù hợp, nhất là hỗ trợ phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong vùng mía như tổ hợp tác, liên hiệp HTX, HTX... nhằm đưa ngành mía đường có bước phát triển tương xứng.

                                                                             Phạm Ngọc



Bài 3: “Chìa khóa” khoa học - công nghệ

 

 

Cách đây hơn 2 năm, tại Công ty CP mía đường Lam Sơn, khi trình bày ý tưởng về một “xa lộ nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) dọc đường Hồ Chí Minh”, GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: Chúng tôi đã đi khắp đất nước và các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới và nhận thấy tại nước ta, vùng đất nằm dọc đường Hồ Chí Minh, trải dài từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh có điều kiện thuận lợi về mọi mặt để hình thành và phát triển một “xa lộ NNCNC”. Khu vực này là địa bàn trọng điểm về quốc phòng – an ninh của đất nước, do đó kinh tế khu vực này phải phát triển vững mạnh. Muốn vậy, phải dựa vào nền sản xuất lớn, tiên tiến, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, nông nghiệp tinh hoa để xuất khẩu. Làm được điều đó, chúng ta sẽ thu về không chỉ ngoại tệ, mà còn là văn minh nông nghiệp, tri thức nông nghiệp, thiết bị nông nghiệp… kết hợp với sức mạnh nội sinh để tạo nên một vùng sản xuất NNCNC. Trong đó, có một số ngành hàng rất quan trọng và cần phải phát triển thành thế mạnh quốc gia tại khu vực này, trước hết là công nghiệp mía đường, rồi công nghiệp cam – cây có múi, công nghiệp sữa - thịt và các loại rau quả khác. Riêng ngành mía đường phải đổi mới toàn diện. Hiện nay, Công ty CP mía đường Lam Sơn có 17.000 ha mía nguyên liệu, mỗi năm sản sinh ra 300 nghìn tấn bã mía, 50.000 tấn rỉ mật 50.000 tấn bùn bã mía và rất nhiều sản phẩm cần nhiên liệu khác. Đây là lĩnh vực phải đưa khoa học công nghệ vào nhằm khai thác triệt để, nâng cây mía thành cây trồng chiến lược của vùng. Vùng đất Lam Sơn còn hội đủ các yếu tố về con người, đất đai, khí hậu để phát triển NNCNC, vì thế, Công ty CP mía đường Lam Sơn phải là đơn vị tiên phong, là “hạt nhân” xây dựng vùng Lam Sơn trở thành trọng điểm NNCNC.

Như vậy, đổi mới và phát triển ngành mía đường không tách rời khỏi chiến lược phát triển NNCNC, và “chìa khóa” để mở cánh cửa đến thế giới của NNCNC đó chính là khoa học – công nghệ. Đòi hỏi của thực tiễn, tầm nhìn chiến lược của nhà khoa học kết hợp với cái tâm, nhiệt huyết của doanh nhân – Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn, kèm theo tiềm lực 35 năm phát triển của Công ty cùng sự đồng hành các nhà khoa học, cán bộ, kỹ sư, đã mở đường cho vùng mía Lam Sơn bước vào thế giới của NNCNC. Tháng 12-2014, Trung tâm nghiên cứu phát triển NNCNC Lam Sơn ra đời. Trên diện tích 200 ha, Trung tâm đã được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà kính, nhà lưới, nhà nuôi cấy mô… theo công nghệ tiên tiến để tiến hành nhân giống, trồng, khảo nghiệm các giống mía mới, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và các loại hoa chất lượng cao.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng mía giống được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô, Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn Lê Văn Tam hào hứng giới thiệu từng giống mía mà ông thuộc lòng như những đứa con của mình. Tại cánh đồng mía gốc mang mã số 25, ông hồ hởi khoe: Chúng tôi mang 1 đốt mía này từ nước ngoài về, thông qua công nghệ nuôi cấy mô đã nhân ra được hơn 100 ha. Đây là giống mía chất lượng cao, có chữ đường từ 15 đến 15 CCS.

Có tới hàng chục giống mía đang được khảo nghiệm tại đây, có loại đã được gắn tên, có loại mang mã số, có loại vừa xuống giống, có loại đã cho thu hoạch. Mỗi giống mía có ưu điểm khác nhau, nhưng đều thể hiện tính ưu việt về năng suất và chất lượng. Bên một ruộng mía đã cao qua đầu người, ông Lê Văn Tam, hào hứng cho biết: Mía nuôi cấy mô thể hiện sức sống rất mạnh mẽ, trong vòng 6 tháng, ruộng mía giống này đã cho thu hoạch với năng suất đạt 73 tấn/ha. Hiện tại, từ công nghệ nuôi cấy mô, mỗi năm Trung tâm nghiên cứu phát triển NNCNC đã sản xuất được 2 triệu tấn giống có khả năng cho năng suất từ 100 tấn/ha trở lên, chữ đường từ 10 đến 12ccs, thậm chí 15 đến 15 CCS… Nhờ công nghệ nuôi cấy mô, hiện nay, toàn bộ vùng mía Lam Sơn đã được trồng giống mới, trong khi tỷ lệ này đối với cả nước mới chỉ đạt khoảng 30%. Vì thế, có thể khẳng định cây mía Thanh Hóa nói riêng và cây mía Việt Nam đã sẵn sàng vững vàng cạnh tranh với cây mía các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cây mía được xác định là cây trồng chủ lực, nhưng để “xa lộ nông nghiệp công nghệ cao thành hình” nhất thiết phải đa dạng hóa các sản phẩm NNCNC. Đây cũng là một trong những mũi đột phá, khẳng định lợi thế so sánh của sản phẩm NNCNC mà Công ty CP mía đường Lam Sơn đang sản xuất so với sản phẩm nông nghiệp vận hành bởi nền “nông nghiệp chiếu manh” truyền thống. Hiện nay, tại Trung tâm nghiên cứu phát triển NNCNC Lam Sơn có 5ha nhà lưới, nhà kính và hết năm 2015 sẽ mở rộng lên 15 ha. Nhờ áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến của Ixrael, quy trình VietGap… nên sản phẩm NNCNC sản xuất tại đây có chất lượng cao, bảo đảm “sạch” từ khâu giống đến khi thu hoạch; giá trị gia tăng thì lên tới 1,5 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Con số này thoáng nghe sẽ khiến nhiều người giật mình, nhưng cứ theo cán bộ ở Trung tâm tính nhẩm, thì thấy vẫn còn khiêm tốn. Điển hình như cứ 1 ha dưa vàng Kim Hoàng Hậu trồng được 3 vụ/năm, năng suất đạt 100 tấn/vụ, với giá bán 35.000 đồng/kg đã cho giá trị 1 tỷ đồng. 3 vụ dưa kéo dài 225 ngày, thời gian còn lại sẽ trồng xen các loại rau, củ và hoa chất lượng cao cho thu nhập thêm khoảng 500 triệu đồng.

Từ Trung tâm nghiên cứu phát triển NNCNC Lam Sơn, Công ty CP mía đường Lam Sơn đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng 10 mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu, diện tích 1.000 m2/mô hình tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, mỗi mô hình cho thu nhập 180 triệu đồng. Như vậy, nếu triển khai trên quy mô lớn, thu nhập có thể đạt tới 1,8 tỷ đồng/ha/năm. Từ hiệu quả của những mô hình này, dự kiến đến năm 2020, Công ty sẽ đầu tư cho khoảng 100 hộ gia đình thực hiện các mô hình NNCNC, phấn đấu đến đến 2030 vùng Lam Sơn trở thành vùng NNCNC.

Xuất phát từ yêu cầu mới, khách quan và nội tại, hướng đi mới cho vùng mía Lam Sơn nói riêng và ngành mía đường tỉnh ta đã tượng hình. Sau bước chân tiên phong, Công ty CP mía đường Lam Sơn đã có những người đồng hành đáng quý. Ngày 22-8 vừa qua, một biên bản hợp tác giữa Công ty với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã được ký kết. Theo đó, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sẽ giúp đỡ Công ty CP mía đường Lam Sơn hoàn thiện hệ thống nhân giống cho mía; nhân giống cây có múi sạch bệnh; đầu tư nhà lưới theo công nghệ Ixrael với chi phí phù hợp nhằm phục vụ lộ trình phát triển Lam Sơn thành vùng NNCNC. Không quên nhắc đến những doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư NNCNC tại Thanh Hóa. Đó là Vinamilk với Tổ hợp trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao đã khởi công xây dựng và tới đây với các dự án của các Tập đoàn TH True Mil, FLC, VinGroup…

Cũng bởi sự phù hợp và là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp của một tỉnh có 2,4 triệu dân sống ở khu vực nông thôn, nên đồng hành với Công ty còn là sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tại lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Thanh Hóa đã xác định các mũi đột phá, trong đó có đột phá về khoa học – công nghệ. Chính vì thế, chiến lược hình thành một “xa lộ nông nghiệp công nghệ cao dọc đường Hồ Chí Minh” sẽ được triển khai thực hiện. 

 

 

Phạm ngọc

 

Các tin khác:
  • Ngăn chặn tình trạng buôn bán người và lao động tự do sang Trung Quốc (19/07/2016-2:34)
  • Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (19/07/2016-2:03)
  • Mạo danh T.Ư Hội Nông dân để huy động tiền trái phép (19/07/2016-1:47)
  • Tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”: Nhiều người dân xã Thiệu Long “khóc dở, mếu dở” (18/07/2016-9:22)
  • Lớp học trên đỉnh Sài Khao (18/07/2016-9:19)
  • Người đảng viên tiên phong ở vùng đồng bào dân tộc (18/07/2016-9:14)
  • Thực hiện Luật BHYT sửa đổi: hơn 100 nghìn dân bãi ngang Thanh Hóa chưa được hưởng chính sách (18/07/2016-8:40)
  • Thành công từ bản sắc văn hóa (08/07/2016-13:21)
  • Nhìn lại Đề án 600: (08/07/2016-13:15)