Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Phía sau ‘thành tích’ xã đạt chuẩn Nông thôn mới. (19/07/2016-2:57)
    Tác phẩm đoạt giải A giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2015

Bài 1:

Lấy tiền ngân sách mua BHYT cho dân để... đạt chuẩn

Để hoàn thành tiêu chí đúng thời hạn cho đoàn lên kiểm tra, không ít xã ở Thanh Hóa khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) đã phải dùng đến ngân sách xã “kích cầu”, hỗ trợ mua bảo hiểm cho dân. Chính vì vậy, không ít người ví von rằng việc mua BHYT của dân “tự nguyện ít, thiện nguyện nhiều”.

Bệnh thành tích?

Thời gian qua, PV VietNamNet nhận được thông tin nhiều xã ở Thanh Hóa “chơi sang” bỏ tiền ngân sách ra hỗ trợ mua BHYT cho dân để đạt được tiêu chí y tế (một trong 19 tiêu chí NTM). Việc dùng ngân sách đó lãnh đạo xã nói là “kích cầu”.

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đã tìm về xã Xuân Giang (huyện Thọ Xuân). Tìm hiểu, được biết, Xuân Giang đạt chuẩn NTM từ cuối năm 2013, đường sá giao thông thuận lợi chẳng khác gì thành thị.

Nhận xét về đời sống người dân sau khi xã đạt chuẩn NTM, nhiều người tấm tắc khen ra mặt.

Trong các tiêu chí đó, người dân Xuân Giang kể đến nhiều nhất vẫn là việc xã hỗ trợ mua BHYT cho dân.

Một người dân ở xóm 12 (xin được giấu tên) cho biết, gia đình chị làm nông. Ngoài thời gian nông nhàn, anh chị đi làm thợ hồ kiếm thêm thu nhập. Tiền ăn trong ngày còn phải lo từng bữa nên chưa bao giờ anh chị nghĩ rằng mình mua được cái thẻ BHYT. 

Cũng nhờ có chương trình xây dựng NTM, thôn, xã đến vận động và hỗ trợ 200.000đ/1 thẻ BHYT nên chị mới dám bỏ thêm ít nữa lấy một thẻ cho chồng.

Bà Lê Thị Tạ (trưởng thôn 12) cho biết, thôn có 58 hộ, 258 nhân khẩu. Trước khi xây dựng NTM rất ít người mua BHYT tự nguyện.

Bà Tạ, thẳng thắn chia sẻ về việc xã hỗ trợ dân kích cầu mua BHYT

Cán bộ thôn bị sức ép về tiêu chí nên các đoàn thể phải thay nhau đi vận động được vỏn vẹn 10 người mua trong số 30 người chưa có bảo hiểm.

Bà Tạ nói xong thở phào: "May mà có xã bỏ tiền ra hỗ trợ cho 20 người của thôn mua BHYT, chứ không thì tiêu chí này coi như thôn không thành. Một thẻ bảo hiểm thời điểm đó có giá khoảng 620 nghìn đồng, xã hỗ trợ cho mỗi thẻ BHYT 200 nghìn đồng/ thẻ".

Mang câu chuyện này trao đổi với ông Đỗ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, ban đầu ông Hùng phủ nhận việc xã lấy tiền ngân sách để hỗ trợ dân mua BHYT.

Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra bằng chứng cụ thể, ông Hùng mới thừa nhận xã đã dùng hơn 20 triệu mua bảo hiểm cho dân để đạt tiêu chí khi đoàn về thẩm định hoàn thành NTM.

Xong chuẩn, lại thiếu chỉ tiêu!

Cũng như xã Xuân Giang, xã Quảng Tân (huyện Quảng Xương) cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài, Bí thư xã Quảng Tân, cuối năm 2013, xã hoàn thành xây dựng NTM. Xã đang còn nợ gần 20 tỷ xây dựng công trình cơ bản, song vẫn “chơi sang” chi 50 triệu tiền ngân sách kích cầu hỗ trợ mua BHYT cho dân để hoàn thành tiêu chí.

Bà Hoài phân trần: “Vẫn biết làm như vậy là sai. Song do phải chạy đua với thành tích nên đã được các xã đi trước chia sẻ kinh nghiệm như vậy?!”.

 


Xã Quảng Tân đã rút ngân sách 50 triệu hỗ trợ mua BHYT cho dân để đạt tiêu chí

Xã Quý Lộc, huyện Yên Định nằm trong nhóm 11 xã điểm đầu tiên thực hiện xây dựng NTM. Thời điểm xã được thẩm định công nhận đạt chuẩn (đầu 2013), theo quy định tỷ lệ người dân tham gia BHYT chỉ cần đạt hơn 30%, nên nhiệm vụ này hoàn thành dễ dàng.

Thực tế, theo ông Trịnh Đình Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã, sau khi đạt chuẩn, tỷ lệ người dân mua BHYT chưa bao giờ đạt mức quy định mới của Chính phủ (trên 70%).

Cụ thể, năm 2012 đạt 40%; 2013 được 42%; 2014 đạt 57,8%; năm 2015 tụt xuống 45,41%”.

Còn ông Đỗ Viết Hùng, Chủ tịch xã Xuân Giang thì cho biết, sau khi xã đạt chuẩn NTM tỷ lệ mua BHYT tự nguyện vẫn giữ ở mức trên 70%? Khi phóng viên hỏi con số thống kê cụ thể thì ông Hùng không đưa ra được.

Ông lý giải, năm nay xã không thu BHYT tự nguyện của dân. Bảo hiểm được bán rất nhiều ở các kênh như: đại lý, bưu điện… nên không thể thống kê được, đây cũng là cái khó của xã.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, 'tiêu chí BHYT' để duy trì được đúng sau khi hoàn thành NTM là rất khó.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Xuân Dự, Trưởng phòng thu (BHXH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, tổng số thẻ BHYT phát hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 2,414 triệu thẻ (đạt 69,06%); giảm hơn 29 nghìn thẻ so với năm 2014.

Theo chỉ thị 05 ngày 2/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2015 Thanh Hóa phấn đấu đạt tỷ lệ người tham gia BHYT trên 75%, đến 2020 trên 80%. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu rất khó đạt nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh.

Lê Dương


 

Phía sau ‘thành tích’ xã đạt chuẩn Nông thôn mới

Bài 2:

Tuyệt chiêu giảm nghèo để... đạt nông thôn mới?

Từ việc vận động giảm nghèo để đủ chỉ tiêu, cho đến việc đạt được tiêu chí thu nhập từ 20 – 24 triệu đồng/người/năm sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã ở Thanh Hóa đã dùng ‘tuyệt chiêu’ nào?

Vận động thoát nghèo!

Theo báo cáo của UBND xã Xuân Giang (huyện Thọ Xuân), sau khi đạt chuẩn xã NTM thì tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,9% (năm 2015), trong đó trước khi xây dựng NTM là 9%. Vậy làm thế nào để Xuân Giang thoát nghèo nhanh như vậy?.

Để hiểu rõ hơn về việc thoát nghèo “thần tốc” ở địa phương, chúng tôi đã tìm hiểu tại thôn 13, xã Xuân Giang. Gặp chúng tôi, trưởng thôn Nguyễn Hữu Cư đã kể ngay về thành tích thoát nghèo ở thôn do mình quản lý.


Gia đình ông Đản được vận động ra khỏi hộ nghèo, trong khi gia đình ông rất nghèo

Ông bảo, trước khi xây dựng NTM, thôn 13 có 6 hộ nghèo. Nhưng khi bắt tay vào xây dựng NTM thì đã có hai hộ thoát được nghèo, như vậy cả thôn còn 4 hộ là đủ tiêu chí của xã đề ra.

Chúng tôi tiếp tục đến một hộ khác là gia đình ông Lê Văn Đản (79 tuổi). Vợ chồng ông Đản mới được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn năm nay.


Ngôi nhà của vợ chồng ông Đản

Nói về nghèo, cả thôn 13 chắc chẳng ai bằng hai ông bà. Nhưng vì sao ông bà lại được đưa ra khỏi hộ thoát nghèo?

Ông kể, ông bà đã nhiều năm nay được hưởng chế độ hộ nghèo của nhà nước. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” rồi mà ông bà vẫn phải gắng gượng làm hai sào ruộng kiếm sống.

Làm thì thế, còn ở thì trong ngôi nhà xập xệ bằng vách đất. Không có lương, không có nguồn thu nhập thêm, hàng ngày bữa ăn chỉ có mớ rau, vài củ lạc qua bữa. Chưa nói đến chuyện ông bà thường xuyên ốm đau. Chứng kiến hoàn cảnh này, không ai nghĩ rằng gia đình ông lại được thoát ra khỏi hộ nghèo.

Cũng chỉ vì xã xây dựng NTM mà tiêu chí hộ nghèo phải giảm xuống dưới 4%. Để thôn, xã đạt được tiêu chí đó, họ đến vận động nhà ông.

Ông Đản chia sẻ: "Thời điểm thôn đến vận động gia đình thoát nghèo để đạt chỉ tiêu xây dựng NTM cũng là lúc tôi đang làm Hội trưởng hội người cao tuổi của thôn. Tôi nghĩ mình phải gương mẫu trong phong trào! Hơn nữa việc tôi quyết định thoát nghèo vì bà nhà tôi (vợ ông) đã đủ 80 tuổi nên hai vợ chồng được hưởng trợ cấp của nhà nước".

Bài toán nâng cao thu nhập

Trong 19 tiêu chí đạt chuẩn NTM có tiêu chí thu nhập bình quân đầu người. Theo báo cáo của các xã đã đạt chuẩn NTM như: Quảng Tân (huyện Quảng Xương), Quý Lộc (Yên Định), Xuân Giang (Thọ Xuân), Nga An (Nga Sơn)… thì hầu hết tiêu chí về thu nhập đều rất tốt, đạt từ 20 – 24 triệu đồng/người/năm, so với trước khi xây dựng NTM vượt hơn một nửa.

Là xã thuần nông, Xuân Giang (huyện Thọ Xuân) có 1.155 hộ, 4.489 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,9% (năm 2015), diện tích đất lúa 281ha, đất màu 17ha, thu nhập bình quân đầu người 21 triệu đồng/người/năm, trong đó trước khi xây dựng NTM chỉ có 9 triệu đồng/người/năm.

 


Ông Cư cho biết, thu nhập thôn ông chẳng có gì thay đổi ngoài đồng ruộng và những người đi làm ăn xa

Theo tìm hiểu của phóng viên tại thôn 13, ông Nguyễn Hữu Cư (trưởng thôn) cho biết, thôn ông có 115 hộ, 455 nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp là 30,5ha. Đây được coi là thôn có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất xã. Thu nhập bình quân đầu người của thôn là 18 triệu đồng/người/năm, trong đó trước khi xây dựng NTM, thôn 13 chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm.

Ông Cư lý giải, diện tích, năng xuất, cây trồng không thay đổi. Tuy nhiên để có được thu nhập bình quân đầu người cao như vậy là do con em đi làm ăn xa gửi tiền về?. Số đi làm ăn xa trong độ tuổi lao động ở thôn chiếm tới 45% dân số.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết, sau khi xã đạt chuẩn NTM đã bố trí lại việc sản xuất nông nghiệp. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, ngô giống và ớt xuất khẩu. Theo đó, diện tích trồng ngô giống là 20ha, lúa 30ha và 2ha ớt xuất khẩu.

Theo ông Hùng, sở dĩ thu nhập bình quân đầu người của xã cao hơn so với trước khi xây dựng NTM là vì xã đã áp dụng lại việc sản xuất nông nghiệp thu lại lợi nhuận cao.

Đơn cử: 1 sào ngô thương phẩm trung bình được 2,2 tạ nhân với giá 600.000đ/tạ, vị chi một năm thu nhập được khoảng 1.500.000đ. Trong khi trồng ngô giống, cũng diện tích như vậy cho năng suất khoảng 2,7 tạ nhân giá 950.000đ, vị chi một năm sẽ thu về 3.000.000đ.

Tương tự, một sào lúa thương phẩm được 3 tạ nhân với giá 550.000đ vị chi được khoảng 1.800.000đ/vụ. Trong khi trồng lúa giống cũng một nấy sản lượng nhân với giá 900.000đ/sào, vị chi một vụ đạt 2.700.000đ. Ngoài ra, ớt xuất khẩu 1 sào trung bình đạt 15 triệu đồng. Chưa kể đến việc xã có 2 trang trại lớn và 6 gia trại nhỏ.

Chỉ dựa vào thay đổi cơ cấu cây trồng như vậy, có là cá biệt trong thu nhập của xã?. Ông Hùng cho biết, đó mới chỉ là bước đầu thực hiện. Định hướng của xã sẽ mở rộng diện tích hơn nữa.

Để chứng minh cho tiêu chí thu nhập của địa phương đạt con số 21 triệu đồng/người/năm, ông Hùng lý giải ngoài việc áp dụng sản xuất nông nghiệp, xã Xuân Giang còn có 40 người đi lao động nước ngoài; 7 đến 8 trăm người đi làm xây dựng là lao động thường xuyên.

Khi phóng viên hỏi, đây là lao động đã làm từ trước khi xây dựng NTM tới nay, vậy con số này và thu nhập chẳng có gì thay đổi sau khi hoàn thành xã NTM?. Ông Hùng chỉ im lặng.

Lê Dương


 

 

Phía sau ‘thành tích’ xã đạt chuẩn Nông thôn mới

Bài 3:

Xã nghèo nợ cả chục tỷ sau khi đạt 'nông thôn mới'

Để đạt được xã chuẩn nông thôn mới (NTM), nhiều xã của Thanh Hóa đã cố gắng hoàn thành chỉ tiêu sớm để cán đích trước thời hạn. Tuy nhiên, sau khi đã đạt chuẩn NTM các xã này lại phải gánh một khoản nợ “khổng lồ” lên tới cả chục tỷ đồng.

Nợ đầm đìa

Những địa phương mà PV VietNamNet đã nêu trong 2 bài trước, đều thừa nhận rằng xây dựng NTM là một 'cuộc cách mạng'. Người người, nhà nhà cùng tham gia và đã đạt được kết quả rất tốt. Người dân có đường bê tông đi, kênh mương nội đồng thuận lợi, điện, đường, trường, trạm khang trang… đó là những gì mà người dân được trực tiêp hưởng lợi.

Tuy nhiên, song song với việc đó, các xã cán đích NTM lại đang nợ đọng rất nhiều. Theo tìm hiểu của VietNamNet, xã Nga An (huyện Nga Sơn) đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ tháng 12/2013, đến nay xã này đang còn nợ gần 20 tỷ đồng tiền xây dựng công trình cơ bản.

Trong đó, tiền xây dựng trụ sở UBND xã hơn 4 tỷ, khuôn viên cũng ngót nghét 1 tỷ; nhà truyền thống, bia tưởng niệm hơn 4 tỷ; đường giao thông nội đồng hơn 6 tỷ…


Công sở xã Nga An rất hoành tráng, nhưng đường sau đó là khoản nợ khổng lồ

Không chỉ nợ nhà thầu, xã Nga An còn nợ cả tiền xây dựng nhà văn hóa thôn. Ông Mai Văn Phương (trưởng thôn 7) cho biết, để đạt được xã chuẩn NTM, các thôn ở xã Nga An huy động sức dân, đóng góp để xây dựng nhà văn hóa thôn.

Như thôn của ông xây nhà văn hóa hết hơn 1 tỷ đồng. Cả thôn có 146 hộ dân, 586 nhân khẩu, đóng góp theo đầu người. Theo đó, xã kích cầu cho thôn 130 triệu đồng. Tuy nhiên đến khi xây xong nhà văn hóa, đến nay xã vẫn đang còn nợ thôn 50 triệu đồng để trả cho nhà thầu.

Cũng như xã Nga An, xã QuýLộc (huyện Yên Định) cán đích vượt chỉ tiêu trước năm 2013, đến nay xã này cũng đang nợ xây dựng cơ bản gần 20 tỷ đồng như: nợ công sở hơn 5 tỷ; trường tiểu học và THCS gần 7 tỷ; trường mầm non 5 tỷ…

Điều đáng nói, từ khi hoàn thành xã NTM đến nay, ông Trịnh Đình Thịnh, Bí thư xã Quý Lộc liên tục bị nhà thầu gọi điện đòi tiền, ông cũng chỉ biết chia sẻ với nhà thầu rằng “thông cảm cho xã”.

Ông Thịnh phân trần, để kích cầu cho việc nhanh chóng hoàn thành xã đạt chuẩn NTM, huyện có cơ chế chính sách cho xã cứ đạt được 13 tiêu chí huyện hỗ trợ 1 tỷ; 16 tiêu chí thêm 1 tỷ và 19 tiêu chí thêm 1 tỷ nữa. Tuy nhiên, đến nay khi hoàn thành 19 tiêu chí thì huyện lại nợ xã 1 tỷ.

10 năm chưa trả hết nợ

Khi hỏi về việc sẽ hoàn trả số nợ trên như thế nào, hầu hết lãnh đạo các xã đạt chuẩn NTM đều tỏ ra ngán ngẩm, vì họ bảo 'lỡ chạy đua theo phong trào giờ nai lưng trả nợ mới thấy khổ'.

Ông Mai Văn Yên, Phó chủ tịch xã Nga An nói sẽ phấn đấu trả hết nợ trong vòng 2 năm tới. Bài toán mà Nga An trả nợ là hoàn toàn phụ thuộc vào việc...  bán đất.

Theo tính toán, xã này tận dụng vào việc trong năm 2015 xã vẫn còn cơ chế được hưởng 100% cấp quyền sử dụng đất nên tranh thủ quy hoạch “tận thu”.

 


Ông Thịnh (Bí thư xã Quý Lộc) phân trần

Còn xã Quý Lộc xem ra bài toán bán đất vẫn là vấn đề nan giải. Ông Trịnh Đình Thịnh, Bí thư đảng ủy xã Quý Lộc cho biết, nếu năm 2015 – 2016 cấp trên phê duyệt cho bán 60 lô đất thì xã cũng sẽ trả nợ được khoảng 5 tỷ đồng.

Ông Thịnh phân trần, đó là phương án được cấp quyền sử dụng đất 100%. Nếu như năm nay không còn được hưởng chính sách đó (cấp quyền sử dụng đất 100%) nữa thì xã chỉ được trích lại 30% theo luật, thì với số % trên trừ mọi chi phí như: giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đường điện, cống rãnh… cũng chẳng còn được là bao.

Với giá bán hiện nay một lô đất ở địa phương được khoảng 60 triệu/lô/120m2. Đồng nghĩa với việc xã hưởng 20 triệu/lô, trừ mọi chi phí may lắm còn dư chưa đầy 10 triệu đồng/lô.

Như vậy, theo tính toán của ông Thịnh, xã có bán cả 1.000 lô đất cũng chưa đủ tiền trả nợ. Chưa nói đến quỹ đất có đủ để bán hay không, quy hoạch rồi có ai mua hay không?. Và với bài toán này xã Quý Lộc mất cả chục năm trời vẫn chưa trả hết nợ.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết, nợ ở các xã đạt chuẩn NTM như hiện nay đang để lại hệ lụy, phức tạp cho chính địa phương.

Trong số 45 xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Thanh Hóa thì chỉ có 6 xã không nợ đồng nào, hoặc nợ một vài trăm triệu.

Nhưng bình quân mỗi xã cũng nợ từ 5 - 6 tỷ đồng, cá biệt một số xã hiện đang nợ rất nhiều như: xã Quý Lộc, Định Tân (Yên Định) nợ gần 20 tỷ đồng/xã; Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) gần 20 tỷ; Nga An (Nga Sơn) gần 20 tỷ; Định Hòa (Yên Định) 13 tỷ; Đông Văn (Đông Sơn) hơn 10 tỷ…

Lê Dương


 

 

 

 

Phía sau thành tích đạt chuẩn NTM ở Thanh Hóa

Bài 4:

Không khuyến khích 'đạt nông thôn mới' rồi nợ đầm đìa!

Vừa qua, báo VietNamNet có loạt bài phản ánh về thực trạng sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) ở Thanh Hóa, từ việc dùng tiền ngân sách xã mua BHYT cho dân cho đến việc nợ cả chục tỷ đồng sau khi đạt chuẩn NTM. PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Quyền, PCT tỉnh, Phó Ban chỉ đạo chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM Thanh Hóa.

PV. Thưa ông, báo điện tử VietNamNet có loạt bài phản ánh về thực trạng xây dựng NTM ở địa phương, ông có đọc loạt bài đó không và có suy nghĩ gì về việc này?

Tôi đã đọc loạt bài trên báo VietNamNet, những bài báo phản ánh vừa rồi chỉ là một kênh thông tin của một việc cụ thể.


Ông Nguyễn Đức Quyền, PCT tỉnh, Phó Ban chỉ đạo chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM

Sắp tới chúng tôi đang cho kiểm tra lại để thông tin trong hội nghị tổng kết toàn tỉnh, nhất là giải quyết vấn đề nợ đầu tư xây dựng NTM.

PV. Để đạt được tiêu chí BHYT (1 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM), nhiều xã đã dùng tiền ngân sách để kích cầu mua BHYT cho dân, ông có biết và nghĩ sao về việc này?

Điều đầu tiên tôi khẳng định không có ai báo cáo việc xã hỗ trợ tiền cho dân mua BHYT. Bây giờ tiêu chí NTM, các ngành, huyện thẩm tra báo cáo lên mà đạt được tiêu chí thì công nhận thôi.

Thông qua báo chí, việc các xã dùng tiền ngân sách hỗ trợ mua BHYT cho dân, vấn đề đó đã rõ. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, rà soát lại. Nếu đúng như thế, sau khi xây dựng NTM mà không đảm bảo được tiêu chí thì sẽ xem xét lại.

Qua đó, sắp tới tỉnh sẽ tổng hợp, đánh giá lại để làm rõ trong hội nghị tổng kết xây dựng NTM toàn tỉnh.

PV. Một số xã sau khi đạt chuẩn NTM nợ gần 20 tỷ tiền xây dựng công trình cơ bản, ông nghĩ sao về con số này?

Đúng thực tế là có! Tỉnh không khuyến khích làm bằng mọi giá như vậy. Sau khi đọc loạt bài trên báo tôi thấy rất nhiều đơn vị báo cáo không đúng. Qua đó tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư kiểm tra, rà soát lại và báo cáo với tỉnh.  

Hiện nay thực trạng đầu tư công của ta hầu hết là nợ. Việc xây dựng NTM, tỉnh chỉ hỗ trợ đầu tư một công sở vùng trên tối đa 4,5 tỷ; vùng thấp 4 tỷ và đồng bằng 3,5 tỷ. Phải chăng họ xây dựng có vượt hơn một tí, hoặc làm quá nhiều hướng, mỗi thứ một ít nên mới đội lên như vậy.

Bên cạnh đó, xây dựng nhà văn hóa, có những xã người ta chỉ trông chờ vào tiền bán đất, nhưng giờ chưa bán được nên dẫn đến vẫn đang còn nợ nần. Thực tế là thế.

PV. Việc cấp quyền sử dụng đất sau khi đạt chuẩn NTM ở các xã như thế nào thưa ông?

Huyện phải làm việc cụ thể với các xã. Toàn bộ tiền đất hiện nay tỉnh không thu nữa và đã giao hết cho huyện, vì vậy huyện có quyền điều tiết bao nhiêu % cho xã là quyền của huyện.

Đơn cử, huyện thấy xã đó cần thiết được hưởng chính sách để trang trải thì huyện sẽ quyết định. Còn nếu thấy đã hoàn thành rồi thì điều tiết cho các xã khác. Tinh thần của tỉnh rất hưởng ứng việc này.


Công sở đạt chuẩn xây dựng NTM

PV. Có hay không việc xã báo cáo số nợ ảo để xin hỗ trợ ngân sách thưa ông?

Vấn đề xây dựng NTM việc hỗ trợ cho các địa phương đã được công khai rõ ràng. Như hỗ trợ tiền đất theo quy định của chương trình NTM, toàn bộ tiền sử dụng đất sẽ được điều tiết lại, điều tiết mấy năm là do huyện quyết định.

Còn tiền hỗ trợ của nhà nước chủ yếu là vốn trái phiếu chính phủ cũng đã công bố rõ ràng. Cụ thể xã thuộc đối tượng 1 cao nhất là 2,5 tỷ; đối tượng 2 là 1,8 tỷ và đối tượng 3 là 1,1 tỷ và đã được công bố toàn tỉnh, do đó các địa phương phải tự cân đối, chứ không có kiểu làm rồi lại đề nghị nhà nước cấp đâu.

Vấn đề báo cáo ảo, báo cáo khống đang được kiểm tra lại và có báo cáo cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

Lê Dương (thực hiện)

 

Các tin khác:
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường Lam Sơn (19/07/2016-2:48)
  • Ngăn chặn tình trạng buôn bán người và lao động tự do sang Trung Quốc (19/07/2016-2:34)
  • Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (19/07/2016-2:03)
  • Mạo danh T.Ư Hội Nông dân để huy động tiền trái phép (19/07/2016-1:47)
  • Tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”: Nhiều người dân xã Thiệu Long “khóc dở, mếu dở” (18/07/2016-9:22)
  • Lớp học trên đỉnh Sài Khao (18/07/2016-9:19)
  • Người đảng viên tiên phong ở vùng đồng bào dân tộc (18/07/2016-9:14)
  • Thực hiện Luật BHYT sửa đổi: hơn 100 nghìn dân bãi ngang Thanh Hóa chưa được hưởng chính sách (18/07/2016-8:40)
  • Thành công từ bản sắc văn hóa (08/07/2016-13:21)
  • Nhìn lại Đề án 600: (08/07/2016-13:15)