Thứ bảy, ngày 04/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Truyền thông quốc tế: “Phép màu” chiến thắng đại dịch Covid-19 (11/07/2020-9:21)
    Trăm ánh nhìn cùng một lời ca ngợi từ truyền thông quốc tế trong thời gian qua đã khẳng định những bước đi đúng đắn của việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đó là nền tảng vững chắc, nâng tầm vị thế của đất nước, tiếp bước phát triển trong tương lai.
Truyền thông thế giới đánh giá cao công tác truyền thông cũng như kiểm
soát dịch Covid-19 của Việt Nam
 

“Chao đảo” vì Covid-19

Đã 6 tháng kể từ khi cuộc chiến với dịch viêm phổi cấp do Virus Corona chủng mới (Covid-19) diễn ra trên toàn cầu, kinh tế thế giới đã bị “chao đảo”. Nhân loại đang đối mặt trước cuộc chiến trường kỳ với cùng một kẻ thù.

Mỗi nhà lãnh đạo đã lựa chọn nhiều cách phản ứng khác nhau, được cho là phù hợp với đặc điểm tự nhiên, hệ thống y tế, quan điểm khoa học cũng như văn hóa xã hội ở địa phương. Nhưng con số bệnh nhân - kết quả cuối cùng - mới là minh chứng cho thấy thành công hay thất bại của các biện pháp.

Thời gian qua, truyền thông thế giới thường xuyên điểm qua những hình mẫu ấn tượng như Úc, Hàn Quốc, New Zealand... trong việc thực hiện các biện pháp hiệu quả cũng như khả năng chống dịch dứt khoát. Và Việt Nam, một cách khiêm nhường, lại đặc biệt thu hút hàng trăm ánh nhìn của truyền thông quốc tế về thành công trong chiến dịch ngăn chặn và đầy lùi đại dịch.

Kỳ tích vô tiền khoáng hậu

Hàng chục tờ báo có tiếng trên thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... đã dành lời ca ngợi đội ngũ y bác sĩ và các nhà lãnh đạo Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Hầu hết các nhà báo và nhà phân tích đều bất ngờ trước việc Việt Nam dù phải đối diện với nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh khi trang thiết bị và hệ thống cơ sở vật chất của ngành y tế không đồng bộ, mà vẫn có thể mang đến nhiều “câu chuyện thành công ngoại lệ”.

Trên tờ Liberation của Pháp, trong bài viết “Covid-19: Phép màu ở Việt Nam?”, nhà nghiên cứu Gilles Fumey về lĩnh vực địa lý và văn hóa nhận định, Việt Nam đã vượt qua đại dịch và không có trường hợp tử vong. Đây là một kỷ lục vô cùng đặc biệt trên thế giới, đã được Đại học John Hopkins (Mỹ) ghi nhận là đáng tin cậy. Tờ báo cũng dẫn lời nhà địa lý Michaël Bruckert, có mặt ở Việt Nam: “Đó là một cách chống dịch rất linh hoạt với sự tham gia của chính quyền từ Trung ương tới địa phương và sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy các cấp”.

Cũng từ nước Pháp, tờ báo Ouest-France đặt câu hỏi: “Không có trường hợp tử vong do Virus Corona: Làm thế nào để giải thích bí quyết Việt Nam?”. Tác giả cũng lý giải thành công của Việt Nam với ba nguyên nhân: Chiến lược chống dịch quyết liệt, nhanh; Dập dịch có mục tiêu và khả năng tăng cường biện pháp bất cứ lúc nào.

Nhà báo Piere Le Bris dẫn lời nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet (Viện Pasteur) cho rằng: “Không có cơ sở nào để nghi ngờ về kết quả tốt như vậy, vì Việt Nam đã thực hiện chiến lược “nắm đấm sắt” để dập dịch. Chính phủ không che giấu tình hình và mạng xã hội được sử dụng rộng rãi để cập nhật thông tin”.

Theo tờ Times of India (Ấn Độ), chìa khóa thành công của Việt Nam đến từ việc huy động lòng yêu nước của nhân dân để chiến đấu với dịch bệnh, “Là một quốc gia trong quá khứ đã đánh bại hai đế quốc hùng mạnh, Chính phủ Việt Nam có thể tin tưởng vào người dân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này”.

Gần đây nhất, Ðài truyền hình NHK (Nhật Bản) đã phát chương trình ca ngợi sự hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Đài NHK dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đã nhấn mạnh Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Thủ tướng cho rằng, kiểm soát dịch bệnh sớm là tiền đề để khách du lịch quốc tế và các nhà đầu tư quốc tế trở lại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cam kết tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Những lời ngợi ca

Ngoài ra, các tờ báo và trang tin của các nước Anh, Mỹ... liên tục có nhiều bài viết cập nhật cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam với nhiều dòng tít: “Việt Nam làm cách nào để giữ số người chết chỉ bằng không?”; “Việt Nam mang đến nhiều bài học cứng rắn về virus Corona cho Mỹ”; “Việt Nam quyết tâm cứu sống phi công người Anh”;...

Thậm chí, các tờ báo của Tây Ban Nha và Argentina còn thể hiện sự bất ngờ khi Việt Nam nằm sát tâm dịch vẫn tổ chức Cúp quốc gia với sân đầy khán giả.

Có thể thấy, các tờ báo, tạp chí thế giới đều thể hiện sự khâm phục trước thành tích mà Việt Nam đạt được trong cuộc chiến chống dịch. Họ cũng tự phân tích và rút ra bài học về tiến trình chống dịch cho các quốc gia khác.

Gần đây nhất, Hãng Reuters (Anh), liên tục cập nhật tình hình của bệnh nhân số 91 tại Việt Nam là nam phi công người Anh, và những nỗ lực về tài chính cũng như sức lực mà một đất nước Đông Nam Á dành ra để cứu sống ông dù tình trạng không khả quan.

Trăm ánh nhìn và lời ca ngợi “đồng thanh” của báo chí quốc tế dành cho Việt Nam đã đánh tan những luận điệu và nghi ngờ mà trước đó nhiều thế lực thù địch từng đặt ra, cho rằng chính quyền “cực đoan” với nhiều “phản ứng thái quá”. Nhiều người dân, hộ kinh doanh từng gặp khó khăn về kinh tế trong thời kỳ hạn chế đi lại vẫn đồng tình và ủng hộ nhà nước, để nay đón nhận môi trường an toàn phát triển kinh tế song song với cuộc chiến chống dịch.

Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong việc chống dịch hiệu quả đã chứng minh bằng những con số xác thực. Có được điều đó là nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt và quyết liệt của các cấp chính quyền, tạo nên “cú đấm sắt” mạnh mẽ, giảm mức tối đa số ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngoài ra, sự minh bạch thông tin giữa chính phủ và người dân đã góp phần tạo dựng lòng tin và sự đồng thuận xã hội. Báo chí, truyền thông là những kênh thông tin uy tín, tạo nên mạng lưới thông tin cập nhật và đa dạng cùng với các chiến lược truyền thông hiệu quả đã tạo nên những “kỳ tích vô tiền khoáng hậu”.

Theo Khánh Trinh/Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Đến với Ngôi nhà Di sản Bảo tàng Báo chí Việt Nam (11/07/2020-9:18)
  • Hướng dẫn cấp giấy phép hoạt động cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình báo chí (11/07/2020-9:14)
  • Làm báo "một thời chiến tranh", "một thời hòa bình" (06/07/2020-23:23)
  • Sự trỗi dậy của tạp chí... (06/07/2020-23:17)
  • Văn Hiền - Người viết chân dung các nhà báo liệt sĩ (06/07/2020-23:09)
  • Nhà báo Chu Minh Khôi: Tâm huyết cùng phong trào nông thôn mới (02/07/2020-21:54)
  • Báo chí chính là động lực truyền thông trong bảo đảm ATGT (28/06/2020-7:32)
  • Chàng phóng viên viết báo bằng âm thanh (28/06/2020-7:27)
  • Nhà báo phát thanh lão làng kể chuyện nghề (28/06/2020-7:21)
  • Nhà báo Hoàng Long - Báo Lao Động: “Làm nghề là phải dấn thân và yêu nghề” (24/06/2020-18:13)