Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quy định đạo đức người làm báo
Báo giới trước cuộc vận động lớn
Xây dựng bộ quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp pháp luật và hoạt động báo chí (21/07/2016-22:18)
    Mỗi người làm báo Việt Nam, trước tiên là một công dân - công dân làm việc trong một nghề đặc biệt - nghề có tiếng và hiệu ứng xã hội cao, do vậy cần phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
 Triển khai Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 và xây dựng Quy định mới về đạo đức người làm
báo Việt Nam góp phần xây dựng đội ngũ người làm báo vừa có tâm lại có tầm
(ảnh chỉ có tính minh họa).
 

Quy địnhh (hoặc quy ước, quy tắc) về đạo đức không phải chỉ riêng nghề làm báo, nhiều nghề cũng phải xây dựng và thực hiện như Y đức chẳng hạn.

Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện Quy định về đạo đức người làm báo được hơn 10 năm. Quy định đó có vai trò quan trọng giúp nhà báo hành xử khi tác nghiệp, giúp cho uy tín nghề nghiệp và sự nghiệp báo chí phát triển mạnh mẽ.

 

Việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp thông qua 9 quy định do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành năm 2005, thực chất là thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

 

Luật Báo chí Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có từ năm 1989, sửa đổi lần 1 vào năm 1999 và năm 2016 là sửa đổi bổ sung lần thứ 2. Luật Báo chí 2016 có 6 chương, 61 điều (trong đó có 32 điều mới và 29 điều bổ sung). Có Thể thấy rõ 9 nhóm vấn đề của Luật Báo chí 2016 là những trọng tâm của Luật, đó là: Quy định rõ hơn, cụ thể hơn về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; Quy định về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; Bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí; Quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin và quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí và cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm; Đưa vào Luật những quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo; Quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; Quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; Bổ sung một số quy định về cải chính và xử lý vi phạm. Pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ…

Thông qua Luật Báo chí 2016, hầu hết các lĩnh vực, những vấn đề liên quan và trực tiếp tác động của báo chí đều đã được đề cập và giải quyết thông qua các điều Luật. Đó là tiến bộ có tính căn bản của Luật, giúp cho việc thực hiện, giám sát và xử lý vi phạm sẽ thuận lợi.

 

Có thể thấy rõ: Luật khẳng định quyền hoạt động báo chí, ngôn luận, tiếp nhận thông tin và cung cấp thông tin của tổ chức và công dân. Cùng với sự cho phép là những điều cấm. Kể cả những hành vi bị cấm, Luật đưa ra cũng phù hợp với lối sống và đạo đức người Việt cũng như Luật pháp quốc tế.

 

Điều 8 của Luật Báo chí 2016 một lần nữa đã xác lập vai trò và vị trí của tổ chức Hội Nhà báo. Theo đó, Luật quy định những quyền hạn của Hội gồm: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển báo chí, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; tham gia thẩm định sản phẩm báo chí khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên; phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí; tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật; tổ chức giải báo chí tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực…

 

Như vậy, thông qua Luật Báo chí 2016, các nhiệm vụ cơ bản của Hội Nhà báo Việt Nam đã được đưa vào Luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Hội tốt hơn.

Và việc Hội Nhà báo Việt Nam phải triển khai thực hiện ngay đó là: Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Như chúng ta đã biết, việc chúng ta đang thực hiện quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam gồm 9 điều:

Điều 1: Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều 2: Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.

Điều 4: Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.

Điều 5: Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.

Điều 7: Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.

Điều 8: Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.

Điều 9: Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác.

Sau 11 năm thực hiện, nhiều nội dung của Quy định đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam không còn phù hợp với hoạt động báo chí và Luật Báo chí 2016 nói riêng và luật pháp hiện hành nói chung, vì vậy cần có sự điều chỉnh và bổ sung.

 

Do tính chất quan trọng, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam đang tổ chức đợt học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và tổ chức góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành.

 

Đây là một hoạt động chính trị, nghiệp vụ quan trọng nhằm có được Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam, mới góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí, chất lượng công tác hội, đặc biệt chú trọng việc trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm túc những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, góp phần thực hiện nghiêm Luật Báo chí 2016.

 

Ở đây có một vấn đề cần nhấn mạnh: Mỗi một con người, khi tham gia vào các hoạt động cộng đồng đều phải vận hành theo chuẩn đạo đức ở nơi mình sống và lao động.

 

Phạm trù đạo đức được quy ước và lượng hóa từ chính cuộc sống, từ truyền thống gia đình, cộng đồng và cả dân tộc. Phạm trù đạo đức không chỉ hình thành bằng học tập mà bằng mọi con đường. Giản đơn nhất của đạo đức là hành xử phải - trái; đúng - sai; nên - không nên. Còn sâu xa hơn là lương tâm, trách nhiệm… không có một quy chuẩn đạo đức cho toàn xã hội, nhưng do tính chất của từng loại công việc mà hình thành quy chuẩn về đạo đức. Nghề nào mà đối tượng phục vụ càng rộng, liên quan đến con người, thì quy chuẩn đạo đức phải đề cao.

 

12 điều y đức của ngành Y tế, 9 điều quy định về đạo đức của người làm báo Việt Nam đang được thực hiện chính bởi vì các lĩnh vực này ngoài những điều đã có trong các bộ luật cần phải có sự chi phối của đạo đức nghề nghiệp để giảm thiểu hành xử thiếu đạo đức trong nghề.

 

Thực hiện Luật Báo chí 2016, ở Điều 8 về Hội Nhà báo Việt Nam có những chi tiết được giao, đặc biệt là: “Ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” và vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở đây cũng là vi phạm Luật báo chí…

 

Để có thể chỉnh sửa, bổ sung, làm mới các quy định hiện hành của Hội Nhà báo Việt Nam về Quy định đạo đức người làm báo phù hợp với pháp luật, nhiệm vụ từ nay đến hết năm của toàn Hội là tập trung học tập Luật, xây dựng quy định.

 

Hoàn thành tốt nhiệm vụ này chắc chắn sẽ góp phần lành mạnh hóa hoạt động báo chí, giúp cho báo chí có đầy đủ hành lang pháp luật để vững tin phát triển, phục vụ tốt cho đất nước giai đoạn mới.


                                        Phan Hữu Minh

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam)

 

Các tin khác: