Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Động lực chiến lược đổi mới, phát triển Việt Nam (17/02/2021-9:10)
    Sau gần 35 năm thực thi công cuộc đổi mới từ toàn diện tới toàn diện và đồng bộ, cấp bách đòi hỏi chúng ta không ngừng đổi mới tư duy phát triển mang tầm chiến lược, chuẩn bị lực lượng chiến lược phát triển và bảo vệ quốc gia: về tầm nhìn, về định vị đất nước, về quyết sách chính trị chiến lược, về chuẩn bị những điều kiện cần và đủ... tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, ngang tầm phát triển của thời đại.
 Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao thưởng cho học sinh đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021 (ngày 21-1-2021).Ảnh: Phong Sắc
Và, thực tiễn đã và đang hối thúc rằng, công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ của chúng ta có nguy cơ không thành công như mong đợi, thậm chí rơi vào trì trệ, nếu thiếu hệ động lực căn bản và chủ yếu.
1. Lợi ích quốc gia tối thượng - bảo vệ nền độc lập, tự chủ, tự cường và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ - nền móng chính trị và động lực căn bản đổi mới ở Việt Nam
Không thể nói về một nền chính trị độc lập nếu quốc gia dân tộc không có quyền tự quyết dân tộc hay không có chủ quyền, dân tộc bị lệ thuộc, Nhân dân bị nô lệ dưới hình thức này hay mức độ kia. Nói trực tiếp, càng không thể kỳ vọng đổi mới đất nước, khi đất nước bị chi phối hay bị lệ thuộc từ bất cứ phía nào về chính trị hay kinh tế... Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Độc lập có nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào. Và, lịch sử cũng cho chúng ta một bài học lớn về giá trị của độc lập không có nghĩa là tự cô lập mình, tự mình khép kín; và kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó. Nhưng, nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Trong “Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” , đăng trên tờ Cứu quốc, số ra ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như thế.
Do vậy, phải luôn cảnh giới giữ nước từ khi nước chưa nguy, phải tự mình trở nên hùng mạnh là phương sách giữ nước tối ưu, phải bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ vô điều kiện quyền lực và lợi ích tối cao của Nhân dân là điều kiện tiên quyết, là nhân tố quyết định, là động lực căn bản, trên nền móng đại đoàn kết toàn dân tộc để đổi mới toàn diện, đồng bộ thành công, hội nhập quốc tế một cách chủ động và tích cực. Điều đó chính là chủ động ngăn chặn giặc ngoại xâm từ bên ngoài. Đó là điều tất yếu.
Đồng thời, đặc biệt coi trọng đẩy lùi quốc nạn tham nhũng và tệ lợi ích nhóm... Nghĩa là cảnh giác chống giặc nội xâm từ bên trong. Đó chính là nhu cầu xây dựng môi trường chính trị - xã hội trên nền móng một xã hội công dân lành mạnh, bảo đảm thành công đổi mới chính trị. Nói khái quát, ở đây, có sáu phương diện chủ yếu cần được chú ý ngang nhau: an ninh chính trị - an ninh kinh tế - an ninh văn hóa - an ninh xã hội - an ninh quốc phòng và an ninh sinh thái, trong công cuộc đổi mới. Độc lập tự chủ, tự lực tự cường, sẵn sàng làm bạn với các nước yêu chuộng hòa bình và công lý, nỗ lực hết sức mình với thiện chí cao nhất để bảo vệ hòa bình và tiến bộ trên thế giới, tiếp tục thật sự phải là lựa chọn chiến lược cho hiện tại và tương lai.
Đó là động lực căn bản, chính là văn hóa!
2. Phát huy Quốc bảo Lòng dân, Sức dân và Lợi ích của Nhân dân làm gốc rễ, không ngừng hoàn thiện xã hội công dân và phát triển toàn vẹn quyền con người trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Đất nước ta đã đi qua và làm thất bại hàng trăm cuộc chiến tranh chống xâm lăng lớn nhỏ. Là lẽ tự nhiên và thuận với đạo lý quốc tế, càng đi qua máu lửa, dân tộc ta càng ngẩng đầu, bất khuất; càng trải qua những thăng trầm có tính chất mất còn, nền độc lập, tự do của Tổ quốc càng trở thành nhu cầu bất diệt; và toàn dân tộc dù hy sinh tất cả, càng quyết tâm giành lại bằng mọi giá có thể và giữ gìn bằng xương máu của mình nền độc lập vô giá ấy. Nền độc lập, tự do của Tổ quốc là bất khả xâm phạm! Một trong những bảo bối giữ nước ấy chính là kinh nghiệm lịch sử vô giá được hun đúc của ông cha: “Chúng chí thành thành” (đại ý là: Ý chí của dân chúng thành bức thành vững chắc nhất).
Và, hiện nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, từ giữa thế kỷ XX, kể từ ngày Quốc khánh 2-9-1945, là một nước Việt Nam độc lập, tự do, xã hội chủ nghĩa của đồng bào Việt Nam ta. Gần 35 năm đổi mới vừa qua, một trong những bài học lớn của mọi thành công là: “Lấy dân làm gốc”. Đó là đỉnh cao của sự hội tụ, kết tinh và phát huy khí phách, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, vấn đề cốt tử của nền chính trị Việt Nam hiện đại được nâng tầm từ nền tảng lịch sử dựng nước và giữ nước trải mấy ngàn năm! Niềm tin chính trị của Nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng, với Nhà nước được xây nên và bảo đảm bằng mồ hôi, bằng máu, không gì thay đổi được. Và, không ai được làm tổn thương niềm tin ấy của Nhân dân. Không có niềm tin thì không thể nắm tay nhau và đại đoàn kết. Mất niềm tin của Nhân dân, chế độ chúng ta có nguy cơ sụp đổ. Ông cha ta dạy: Ai lấy được lòng dân người đó lấy được thiên hạ, cũng bởi chưng là vậy. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ nói chung, và cuộc đổi mới chính trị hiện nay, thành hay bại nói riêng, phụ thuộc vào chính sự hành xử đối với điều đó.
Vì thế, lợi ích chân chính của Nhân dân là vô giá, gắn liền với lợi ích của quốc gia dân tộc thành một thể thống nhất, làm nên vị thế, sức mạnh và uy tín đất nước! Không “khoan thư sức dân” thì không thể nói tới việc “bền rễ sâu gốc” của nền độc lập tự do, không thể tính “thượng sách giữ nước”, càng không thể nói tới nền móng xã hội chính trị vững chãi để đổi mới chính trị hiện nay! Vì, “dân là gốc nước”, vì “dân là dân nước, nước là nước dân”, “sức dân mạnh như nước”, như ông cha ta từng răn dạy! Không “lấy dân làm gốc” thì không thể nói tới việc nền độc lập dân tộc và “chế độ được đứng vững”, càng không thể nói dân tộc Việt Nam giữ vị trí chính trị vững chắc và đóng góp xứng đáng trong nền chính trị quốc tế! Và vì, “Đảng ta là đứa con nòi của giai cấp lao động”, nên “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo”. Rằng, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức Nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của Nhân dân”, “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”, “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ đi”. Và rằng: “Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ”, “... Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”..., như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhủ, suy cho cùng, là những vấn đề trọng yếu và cụ thể của việc đổi mới toàn diện, đồng bộ, chứ không viễn vông, không thể đặt trách nhiệm đó ngoài mục tiêu chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao và toàn diện của Nhân dân.
Từ trong trầm tích lịch sử nước nhà và nhu cầu phát triển hiện nay, càng đòi hỏi Đảng ta, Nhà nước ta: Sống và cống hiến trong lòng Nhân dân; buồn vui, sướng khổ cùng Nhân dân; nguyện sống chết vì Nhân dân... là riềng mối làm nên đồng thuận toàn dân, đồng thuận toàn xã hội xây dựng một xã hội công dân, làm động lực chủ yếu đổi mới chính trị hiện nay! Đến lượt mình, coi pháp luật thượng tôn, Nhân dân ta nỗ lực toàn diện tự nâng mình lên một cách toàn diện, xứng đáng là người chủ đất nước, xây dựng một xã hội công dân bảo vệ chính mình. Đó là thước đo sự trưởng thành về chính trị và đạo lý của chính mình. Đó chính là một chỉ báo tối thiểu về tầm viễn kiến chính trị, về hành động chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ trọng trách đối với số phận Nhân dân, vị thế quốc gia dân tộc, với bản chất của thể chế chính trị, triển vọng phát triển tất yếu của nền chính trị hiện đại nước ta.
Đó chính là động lực chủ yếu hiện nay, cũng chính là văn hóa!
3. Tôn vinh và phát triển vị thế, sức mạnh, uy tín quốc gia hội nhập quốc tế, lấy hòa mục năm châu bốn bể làm phương lược hành xử, vì nền hòa bình thế giới
Trong lịch sử mấy ngàn năm, dân tộc ta đã đối mặt và chiến thắng trong nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Có lẽ hiếm có quốc gia, dân tộc nào trên hoàn cầu thương đau chất chồng và nặng nề như thế! Vì thế, suốt lịch sử của mình, toàn thể dân tộc chúng ta nâng niu vô điều kiện giá trị của hòa bình, của độc lập tự do, và nối đời xây đắp mối hữu nghị lân bang và bảo vệ bằng mọi giá tình hòa hiếu với các dân tộc khắp bốn bể năm châu. Nhưng chúng ta quyết không mơ hồ hay càng không ảo tưởng mà lơi lỏng quyền bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng, càng không run sợ trước bất cứ sức ép hay sự đe dọa nào của bất cứ ai, khi dù chỉ nửa tấc đất ông cha truyền lại bị xâm phạm!
Dân tộc ta vốn yêu chuộng hòa bình, chỉ muốn “tắt muôn đời chiến tranh”. Mà nếu buộc phải chiến tranh chống xâm lăng và khi kết thúc, thì không gì cao quý hơn đại sự “bách niên thụ nhân” (trăm năm trồng người), bởi “Ta lấy toàn quân là hơn để Nhân dân nghỉ sức”, như Nguyễn Trãi từng nghĩ!; vì, “Còn non, còn nước, còn người...”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò! Tất cả các bậc tiên hiền, suốt mấy nghìn năm cho tới hôm nay, đều lấy hòa hiếu lân bang, bốn bể làm trọng, đều vì nền độc tự do của đất nước làm lý tưởng, lấy “Non sông ngàn thuở vững âu vàng” làm trọng sự, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì nền hòa bình khu vực và trên toàn thế giới làm mục tiêu hành động không thay đổi! Chúng ta sẵn sàng làm bạn với các nước, nhất là hợp tác chặt chẽ song phương, đa phương với các đối tác chiến lược... cũng vì lẽ đó. Chúng ta cũng chủ động cùng với các quốc gia dân tộc yêu chuộng hòa bình tháo gỡ những mối bất hòa, tranh chấp quốc tế, ngăn chặn những ai gây hấn đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng vũ lực chi phối các nước khác, thông qua ngoại giao trên nền tảng thông lệ và pháp lý quốc tế... cũng vì lẽ tự nhiên đó. Tất cả góp phần xây dựng và phát triển đời sống chính trị quốc tế thật sự nồng ấm và tin cậy lẫn nhau. Đó là niềm tin chính trị chiến lược với bè bạn quốc tế và các quốc gia dân tộc trên toàn thế giới.
Chúng ta yêu hòa bình và vì thế, dân tộc Việt Nam không ngần ngại buộc phải tự vệ bằng tất cả những gì có thể làm, dù tới người Việt Nam cuối cùng, quyết bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, nền hòa bình, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, vì sự trường tồn của dân tộc, góp phần bảo vệ nền hòa bình của thế giới. Vì đó là quyền tự vệ chính đáng Việt Nam, suy rộng ra là quyền của bất cứ quốc gia, dân tộc nào khát khao độc lập tự do và yêu mến hòa bình! Vì dân tộc chúng ta, một phần hữu cơ của nhân loại tiến bộ! Vì, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”!, vì sự tôn vinh và bảo vệ những quyền cơ bản thiêng liêng của đất nước, của con người, mà các quốc gia, dân tộc dù ở châu lục nào trên địa cầu cũng vươn tới: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!
Đó là khát vọng, là lẽ sống của đồng bào nước Việt, cũng là khát vọng của nhân loại về một thế giới hòa bình, thống nhất, văn minh và tiến bộ!
Đó chính là động lực quan trọng, cũng chính là văn hóa!
4. Phát triển chiến lược nhân tài để nắm lấy và dẫn dắt xung lực phát triển đất nước từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Sự bùng nổ của cách mạng thông tin - truyền thông và cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi diện mạo và tốc độ phát triển toàn cầu. Đây là cơ hội mới cho Việt Nam, mà vì nhiều lý do, trước đây, chúng ta đã không tận dụng tốt được cuộc cách mạng công nghiệp. Có thể nói, cơ hội này hoặc là hôm nay hoặc là không biết khi nào, đối với chúng ta. Nếu xem thời cơ là lực lượng thì với cuộc cách mạng công nghiệp mới này, với những đột phá về công nghệ, chúng ta phải chủ động nắm lấy và tận dụng nó.
Với sự nỗ lực phi thường, những nền tảng ban đầu rất quan trọng được kiến tạo, để chúng ta chủ động nắm lấy nó. Điều rõ ràng là, cơ hội trăm năm của hàng chục triệu người Việt Nam kết nối, bước ra toàn cầu chia sẻ, mở rộng tầm nhìn, khám phá kiến thức... đang thật sự là động lực đột phá to lớn để phát triển. Cố nhiên, cũng là thách thức không kém phần to lớn, nếu chúng ta không tiên lượng và có được những cải cách tương ứng và kịp thời.
Lịch sử đã chứng minh rằng, không một quốc gia nào có thể làm nên kỳ tích phát triển nếu khư khư với tầm nhìn ngắn hạn, nếu không trọng đãi hiền tài. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ rõ rằng, nếu toàn xã hội và đến lượt mỗi người không đồng tâm vun đắp xây dựng một nền văn hóa cao cả về tầm nhìn, cao quý về nhân văn, uyên bác về trí tuệ, cao thượng về nhân cách, và luôn khắc sâu trong tâm khảm mình tình yêu thương đồng bào và trách nhiệm với Tổ quốc, thì không hy vọng có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao như kỳ vọng, đội ngũ nhân tài đủ sức dẫn dắt và làm chủ vận mệnh quốc gia.
Do đó, chúng ta phải chủ động lựa chọn, ưu tiên và quyết liệt thực thi chiến lược phát triển nhân tài quốc gia. Nói cách khác, phải nắm lấy và thực thi một cách quyết liệt, với những đột phá, tạo những “cú nhảy” bứt phá trên con đường phát triển, nếu không muốn đứng ngoài thế giới hoặc tụt hậu vô phương cứu vãn.
Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, hơn lúc nào hết, đó phải là việc cấp bách, thậm chí nóng bỏng hiện nay. Do vậy, phải đổi mới tầm nhìn mang tầm dài hạn nhằm kiến tạo cho kỳ được nền móng bảo đảm cho sự phát triển mới: huy động nguồn nhân lực và đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước mà Việt Nam phải là nơi hội tụ được tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài quốc gia và từ thế giới. Vì thế, cần chiêu mộ tài năng từ mọi nơi, không kể nguồn gốc và điều kiện xuất thân, ở trong nước hay ở nước ngoài; phải trân trọng sử dụng tinh hoa nhân tài quốc tế hướng tới Việt Nam. Và, điều cần khắc sâu là, cả xã hội dành cho những người gánh vác sứ mệnh dẫn dắt dân tộc ngẩng đầu, với sự trân trọng, sự ủng hộ nhiệt thành với tình yêu thương vô hạn và cả sự vị tha, chỉnh đốn thành tâm và sự bảo vệ nghiêm ngặt. Đó chính là sự phát triển mới của truyền thống trọng đãi hiền tài của Việt Nam ta!
 
Đó chính là động lực mang tầm đột phá chiến lược phát triển Việt Nam!

Đất nước chỉ có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững, khi có một hệ động lực căn bản, chủ yếu và quan trọng. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng và phát huy hệ động lực đó. Trước thềm Xuân Tân Sửu nhìn tới năm 2030, 2045, khát vọng Việt Nam hùng cường, trên con đường xã hội chủ nghĩa, nhất định thành công!

Theo TS. Nhị Lê/Báo Thanh Hóa điện tử

 

Các tin khác:
  • Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh gặp mặt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và báo chí, xuất bản (05/02/2021-17:10)
  • Chạy đua với thời gian để người dân đón Tết an toàn (04/02/2021-17:34)
  • Việt Nam sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” (04/02/2021-17:29)
  • Đảng ta đó, hân hoan một niềm tin! (03/02/2021-17:10)
  • Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh thông báo nhanh kết quả Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (03/02/2021-17:05)
  • Việt Nam đóng vai trò quốc tế quan trọng tại các diễn đàn toàn cầu” (01/02/2021-18:57)
  • Thanh Hóa: Học sinh bắt đầu nghỉ học từ ngày 2-2-2021 (01/02/2021-18:49)
  • Bức tranh kinh tế Việt Nam qua lăng kính các tổ chức quốc tế (28/01/2021-13:18)
  • Đại hội XIII của Đảng: Dấu mốc định hình tương lai đất nước (28/01/2021-13:08)
  • Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tại Đại hội XIII của Đảng (27/01/2021-13:58)