Thứ bảy, ngày 04/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Lắng lòng nơi khúc ruột Miền Trung (28/07/2016-8:15)
    (NLBTH) - “Về Miền Trung cát trắng với rừng, vách núi với biển biếc liền nhau/Miền Trung đòn gánh cong hai đầu”… Dằng dặc “khúc ruột” miền Trung oai hùng nhưng cũng lắm thương đau đã được khắc họa như vậy. Đơn giản nhưng đầy đủ, khiến để nghĩ suy và trải lòng.
 Vịnh Lăng Cô. Photo: Liêm
 

“Về Miền Trung cát trắng với rừng, vách núi với biển biếc liền nhau/Miền Trung đòn gánh cong hai đầu”… Dằng dặc “khúc ruột” miền Trung oai hùng nhưng cũng lắm thương đau đã được khắc họa như vậy. Đơn giản nhưng đầy đủ, khiến để nghĩ suy và trải lòng.

Một đêm trên tàu từ Ga Thanh Hóa, khi chào ngày mới đã là... “Cỏ non thành cổ”. Lúc này trong tôi thật nhiều xúc cảm về “đất lửa” Quảng Trị. Đang có sự hồi sinh đáng kể, dù thăm thẳm dưới kia vẫn là bom, là đạn, những hiểm nguy. Và trong nụ cười của người dân Cửa Việt còn thoáng ưu tư bởi cỗi cằn của đất, rập rình từ bão dông phía biển. Mấy năm nay cửa khẩu quốc tế Lao Bảo trên đất này sầm uất hơn, khiến thành phố Đông Hà cũng nhộn nhịp theo. Hàng Lào, hàng Thái Lan theo đường 9 Nam Lào qua Khe Sanh, Tà Cơn, Hướng Hóa, vượt sông Đăkrông về xuôi, biến Quảng Trị thành điểm dừng thương mại lý tưởng trong hành trình xuyên Việt. Một sự bù đắp đáng kể cho mất mát một thời của người dân Vĩnh Mốc, Cam Lộ, Gio Linh… bên kia sông Bến Hải.

Tàu đến vịnh Lăng Cô chầm chậm vào ra hầm mấy bận. Hơn lúc nào chúng tôi cảm nhận đầy đủ nhất những ca từ: “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay/Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi” trong ca khúc “Tàu anh qua núi” của cố nhạc sỹ Phan Lạc Hoa. Hành khách dồn ra các ô kính hướng về Đông, ra mênh mông sóng vỗ, để thấy sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng cho đất này. Chiếc máy ảnh nâng lên rồi lại hạ xuống, bởi tôi biết dung lượng thẻ nhớ của nó không chứa hết được lòng tham của mình. Góc chụp nào cũng là sự phiến diện trước sự hùng vĩ của núi, bao la của biển, vô tư của sóng, hào phóng của gió lang thang và sự lam lũ của cư dân vùng phá Tam Giang. Mở lòng mình ra để thu nhận cả biển, trời vào lòng lúc này là sự khôn ngoan hơn cả. Lăng Cô - đến giờ tôi vẫn không thể quên được mảnh đất nơi phía Bắc Hải Vân đệ nhất hùng quan này.

 Biển, đảo Việt Nam nơi nào cũng đẹp, cũng gợi nhớ đến sự quả cảm khai sơn, trấn hải của cha ông, thêm thôi thúc chúng ta về sự khẳng định chủ quyền. Miên man qua những cung bậc cảm xúc, đoàn tàu đã đưa chúng tôi vào ga Đà Nẵng, một ga văn hóa nhất nước. Tàu đổi đầu máy tiếp tục hành trình vào xứ “Quảng Nôm” - nơi có con đường mang tên Thanh Hóa, để da diết thêm đất Trà My, Tiên Phước, Điện Bàn - những anh em kết nghĩa với Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc xứ Thanh từ thời chống Mỹ.

Trên đất Quảng Nam, Quảng Ngãi tàu ít men bờ biển, mà băng qua những rừng cây lúp xúp trên những nông trường, những làng công nhân còn phần nghèo khó. Hai bên đường sắt, lúa gieo sạ đang độ thu hoạch. Những ruộng lúa thân thấp, cỗi cằn bởi đất, bởi thói quen canh tác. Giữa đồng bằng nhưng mía và sắn rất nhiều. Cho dù có khẳng khiu thì nó vẫn là thứ cây giúp người dân bản địa trụ lại làng quê, bám đất để vươn lên. Với người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi khó khăn đã quen. Miền Trung nghèo khó, nhưng có lẽ cùng với Hà Tĩnh, Quảng Trị, thì Quảng Ngãi, Quảng Nam là những cái tên đại diện hơn cả cho cái nghèo, cho dù ở đây công nghiệp lớn đã định hình ở Chu Lai, Dung Quất.

Càng đi trong thăm thẳm đường dài qua “lưỡng Quảng” càng thêm thương đất, thương người. Thêm một sự đầu tư cho những tỉnh nghèo miền Trung là thêm nghĩa tình. Có lẽ doanh nghiệp vào với đất này phải đặt trách nhiệm, tình nghĩa lên trên lợi nhuận, thì mới gắn bó được dài lâu. Quảng Ngãi nơi có con sông Trà đã thành thơ, thành nhạc, thành nỗi nhớ của người đi xa, nhưng có đến mới thấy được hết gian khó, hiểu được sự lạc quan của người dân ở đây. Họ đưa cuộc sống lam lũ của mình vào thơ, nhạc, cũng chính là mong mỏi về sự đổi thay nay mai...

 Rồi cũng đến xứ Nẫu Bình Định cuối hành trình. Khách sạn Hải Âu 4 sao hướng biển nơi chúng tôi lưu trú với nhiều dịch vụ chăm sóc, quá tuyệt cho việc hồi sức. Biển đêm huyền ảo qua cửa kính với những tàu câu mực tạo cảm giác như đang ngắm sao băng. Bình Định không chỉ nổi tiếng bởi rượu bầu đá, còn là thứ mắm ruột ăn với cà xanh. Quy Nhơn nhiều quán nhậu, và chỉ nhậu mà thôi. Muốn dùng bữa thì đến tiệm cơm gà. Một thứ cơm tẩm phẩm vàng chiên dở lửa kèm chiếc đùi gà. Tôi thử làm thực khách, có phần khó ăn, nhưng ấn tượng bởi cách phục vụ, dù chỉ ở một tiệm cơm ven đường.

Đất Quy Nhơn có quá nhiều điểm đến rất khó cho lựa chọn, nhưng có địa danh không thể không đến - nơi gắn liền với Hàn Mặc Tử và những bệnh nhân phong. Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm chúng tôi đến đồi thi nhân - nơi an nghỉ của Hàn Mặc Tử - một nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh, mà không khỏi xót thương cho kiếp số của Hàn thi sỹ. Làng phong Quy Hòa giờ không còn đáng sợ với những “con hủi” xưa kia, mà thành điểm tham quan hấp dẫn. Nơi đây vẫn còn cây đàn đá độc đáo, phòng lưu niệm - nơi Hàn thi sỹ sống những ngày cuối đời…

***

Ngày về của chúng tôi không còn được trải nghiệm bằng hỏa xa, mà là hành trình với những điểm dừng đường bộ bởi nhờ xe của đồng nghiệp. Tất cả sự tuyệt vời nhất có lẽ phải dành cho thành phố Sông Hàn. Nhưng còn một điểm đến - một thành phố bên bờ biển đáng để dừng chân, để có cảm tình nữa, đó là Đồng Hới. 

Chất giọng Quảng Bình có phần khó nghe, nhưng ấm áp lúc này. Có lẽ người dân bên dòng Nhật Lệ ý thức được sự nghèo khó của đất quê mình, nên họ lấy văn hóa ứng xử làm thứ “đặc sản” đãi khách, mời gọi nhà đầu tư. Phải thế chăng mà thành phố Đồng Hới đã đổi thay nhiều so với lần tôi đến trước. Con đường ven biển thẳng băng, phía cuối là một khu sinh thái giống như Quảng Cư ở Sầm Sơn trước kia, nhưng khoáng đạt, người dân dung dị hơn. Qua cây cầu ra vịnh là một resort kiểu cách, nhiều khách nghỉ, cho thấy đất cằn cát trắng Quảng Bình đã phát huy nội lực tốt đến chừng nào. Đúng là: “Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới/ Rằng: có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi”... như những ca từ có hậu trong ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” mà nhạc sỹ Hoàng Vân dành tặng đất này.

Nhặt nhạnh chút nơi “khúc ruột” miền Trung, lắng lòng cảm xúc, thấy lắm vị ngọt, nhưng cũng còn nhiều đắng đót.

Đi và viết, với tôi như một thứ đam mê, thêm trải nghiệm, và cả suy tư…

“Khúc ruột” Miền Trung - một hành trình đi để nhớ.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • 6 cổ vật thời Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia (21/07/2016-11:15)
  • Nặng trĩu ý tưởng, cảm hứng sáng tác (16/07/2016-12:40)
  • "Tôi yêu biển đảo quê hương" - nặng nghĩa tình (07/07/2016-11:00)
  • Báo Văn nghệ khai mạc trại sáng tác văn học tại Thanh Hóa (06/07/2016-10:00)
  • Hấp dẫn du thuyền trên sông Hoạt (05/07/2016-13:10)
  • Đình làng xuống cấp, địa phương loay hoay chống đỡ (02/07/2016-13:29)
  • Trở về để thấy yêu thương (29/06/2016-15:58)
  • Khánh thành làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam (29/06/2016-14:43)
  • Kỷ niệm tháng 6 (24/06/2016-10:30)