Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ - một nhân cách rất... xứ Thanh (15/08/2021-21:24)
    Những người cùng thời với Hoàng Tuấn Phổ đã ở cái tuổi U80, U90 cả rồi và hầu hết họ đã đau yếu, hay đã mất. Nhưng những nhà văn cao tuổi còn trí nhớ tốt, người ta nhớ đến nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ với một tình cảm mến phục và kính trọng. Người ta mến phục ông ở tài năng và người ta kính trọng ông ở nhân cách.

 Nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ ký tặng độc giả cuốn sách “Hát nhà trò Văn Trinh”. (ảnh gia đình cung cấp - chụp tháng 12-2020).

Tháng 9-2020, tôi cần tìm một người giỏi Hán Nôm ở xứ Thanh để xin chữ cho việc làm đôi câu đối trong nhà thờ họ Lê Thanh quê tôi ở Nông Cống. Nhà thơ Hữu Ngôn giới thiệu tôi đến họa sĩ Phan Bảo. Ông đã ra Hà Nội ở với con gái là họa sĩ Phan Bạch để nương tựa con chữa bệnh. Hai lần tôi đến họa sĩ Phan Bảo, ông hứa sẽ giúp nhưng chưa làm ngay được vì ông đang ốm. Tôi ám ảnh mãi hình ảnh ông Phan Bảo, khi tôi đến lần thứ ba. Ông ở trong nhà, nhìn thấy tôi ngoài ngõ, ông cúi lom khom, bỏ lên cầu thang tầng 2 thấp bé. Bà vợ ông ra cửa nói với tôi: Ông nhà tôi đi vắng, mà ông ấy ốm không giúp anh được đâu. Tôi buồn quá, lững thững dắt xe ra đường. Lại về Thanh đi tìm thầy, hỏi thăm, người ta bảo xin chữ thì đến Hoàng Tuấn Phổ. Tôi với nhà văn Hoàng Tuấn Phổ là chỗ thân quen cũ với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, nhưng tôi xa ông đã lâu rồi, không biết giờ ông ở đâu. Họa sĩ Phạm Duy Phương, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, hiện là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, nói với tôi: Ông Phổ đã ngoại 80 rồi, không biết ông có giúp được gì cho anh không. Nhưng anh Phương khuyên tôi hãy tìm đến Hoàng Tuấn Công, con trai Hoàng Tuấn Phổ thì biết về ông Phổ. Tôi điện cho Công, nói về ý đồ xin chữ. Công nói khiêm tốn: Cháu viết chữ Nho thì được nhưng nội dung câu đối thì phải nhờ bố cháu. Bố cháu uyên thâm việc này. Tôi ở Hà Nội về quê Tân Khang (Nông Cống), gọi điện thoại cho ông Hoàng Tuấn Phổ. Nghe tôi điện, ông nói oang oang qua tai nghe: Làm sao mà tôi quên được chú Lộc. Tôi đã về đám cưới chú ở làng Nhiển, xã Tân Khang, rồi lại cùng nhà thơ Minh Hiệu, nhà văn Lê Sĩ Oanh đến thăm bố vợ chú là ông Vũ Duy Bằng ở làng Sỏi, xã Tân Phúc (Nông Cống). Thì ra, nghe ông nói chuyện qua điện thoại, rõ ràng minh mẫn, người thường không thể biết ông đã 87 tuổi và giờ là một ông già đau yếu liên tục. Ông hỏi tôi: Xin chữ câu đối à, tôi đã từng cho chữ câu đối nhiều người ở tỉnh này để họ đưa vào nhà thờ. Tôi tin với tài hoa của ông thì ông thừa khả năng để làm việc ấy. Chiều hôm trước về Nhà Xuất bản Thanh Hóa, tôi đã được nghe giám đốc Hoàng Văn Tú nói về bộ sách quý dày cộp: Tinh hoa Văn hóa xứ Thanh, mà Hoàng Tuấn Phổ đã xuất bản, dễ đến gần 1.000 trang. Tôi chưa kịp đọc nhưng xem lướt qua thì thấy, Hoàng Tuấn Phổ đã làm được một việc rất lớn: Nghiên cứu về văn hóa xứ Thanh. Giờ, nghe tôi nói ý định xin chữ, ông nói với tôi qua điện thoại nghe vui vui: Xin chữ tôi à, thì phải có tiền đấy, tôi về hưu rồi, nghèo lắm. Đúng là phong cách Hoàng Tuấn Phổ, hóm hỉnh, chả cần giữ ý tứ gì. Ông lại hỏi: Nhà thờ làm ở đâu, có làm trên nền đất cũ không, hướng nhà đặt về hướng nào, lưng tựa vào đâu, con chú bây giờ thế nào, có con trai không... để tôi còn biết mà vận vào đôi câu đối cho chú. Tự nhiên tôi thấy rất vui vì ông vẫn hồn nhiên như ngày xưa.

Hôm sau, tôi nghe điện của Hoàng Tuấn Công. Công hướng dẫn tôi đường đi về Quảng Xương đơn giản lắm. Cuối cùng tôi quyết định, sáng 20-9-2020, đi Quảng Xương thăm Hoàng Tuấn Phổ.

Với tôi, Hoàng Tuấn Phổ là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Ông đã cùng với tôi biên soạn bộ sách văn hóa du lịch: Núi Nưa và vùng mỏ Cromit Cổ Định Thanh Hóa. Nhưng rồi việc lớn không thành vì lúc đó không xin được tiền. Nhưng cuốn bản thảo đó có rất nhiều tư liệu quý mà bây giờ, tôi vẫn còn lưu giữ được. Năm 2004, hội thảo thơ tôi ở Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa, ông phát biểu: Tôi lâu rồi không gặp Lê Tuấn Lộc, nhưng đọc tập thơ Thân phận thì thấy rằng đây là tập thơ sáng giá nhất của Lê Tuấn Lộc tính đến thời điểm này. Ông đã là một tiến sĩ, một nhà thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Như thế tôi coi là đã thành đạt...

Nghe ông nói trên bục phát biểu, tôi gai gai cả người. Tôi sợ va chạm vì ông nói mạnh quá.

Tôi nhớ mãi câu chuyện lùm xùm năm xưa làm khốn khổ cho nhà văn Hoàng Tuấn Phổ: Cuộc thi xướng họa Năm Tý nói chuyện chuột đã làm Hoàng Tuấn Phổ sống dở chết dở và kết quả là ông bị khai trừ khỏi Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Có người nghi oan cho ông...

Đại hội III Hội Văn nghệ Thanh Hóa, nhà văn Hoàng Tuấn Phổ và nhà văn Phùng Gia Lộc đã được phục hồi hội viên. Rất vui, Hoàng Tuấn Phổ đã nói sang sảng trên loa, phát biểu những điều gai góc. Cái giọng và phong cách Hoàng Tuấn Phổ, như một nhân cách người xứ Thanh, tôi không bao giờ quên: Thẳng thắn, cương trực. Nhiệm kỳ ấy, ông Lê Huy Ngọ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo cho khôi phục Hội tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa cho Hoàng Tuấn Phổ và Phùng Gia Lộc, như một việc làm cởi trói cho văn nghệ sĩ xứ Thanh thời ấy. Trong tôi, đó là một đại hội văn nghệ rất... xứ Thanh.

Nhưng bây giờ, nhìn cuốn sách Tinh hoa Văn hóa xứ Thanh bìa cứng dày cộp, mang tên ông, tôi mừng cho ông. Ông vẫn viết về văn hóa xứ Thanh dưới dạng chuyên luận, về lịch sử xứ Thanh dưới dạng tiểu thuyết, về địa chí xứ Thanh dưới dạng nghiên cứu...

Sáng 20-9-2020, mới 7h30 tôi đã về xã Quảng Hòa. Hỏi thăm đường quá dễ. Ông Hoàng Tuấn Phổ nói với tôi tối hôm qua: Nhà tranh vách đất thôi, chú đến không có chỗ ngủ đâu. Và tôi tin thế. Tôi đến thật bất ngờ thấy một tư gia Hoàng Tuấn Phổ rất... Hoàng Tuấn Phổ. Con rể Hoàng Tuấn Phổ là cháu Hải tiếp tôi. Ông Phổ vẫn chưa dậy vì mới là đầu buổi sáng. Bà vợ Hoàng Tuấn Phổ... đẹp lão. Bà vẫn nhớ tôi và vẫn khuôn mặt phúc hậu thế. Biết tôi đến, ông dậy ngay và nói oang oang chào tôi từ trong phòng ngủ... Rồi ông chậm chạp đi từng bước ra bộ tràng kỷ ở phòng khách tiếp tôi. Ông cứ đứng nói chuyện liền mạch với tôi quên cả mời tôi ngồi xuống. Và uống trà! ông nói về trà vanh vách thế, cứ đứng như là không có chỗ ngồi, dù nói chậm hơn xưa một chút, nhưng giọng nói thì vẫn sang sảng thế. Ông nhắc lại ngày cưới tôi, ông và nhà thơ Minh Hiệu, nhà văn Lê Sĩ Oanh đã đến dự cưới và chụp ảnh kỷ niệm. Tôi còn nhớ tấm ảnh chụp ấy, ngày tôi cưới vợ 20-1-1982. Ông đội mũ lưỡi trai, áo bộ đội bốn túi cũ...

Hôm nay gặp tôi, ông vừa nói chuyện vừa loay hoay tìm chè, rồi vui miệng ông nói về chè, khoe chè ngon... Thế là việc ăn sáng của ông đến nửa tiếng không bắt đầu được.

Và, thư phòng Hoàng Tuấn Phổ. Tôi bất ngờ vì tôi đến được thư phòng nhà Hoàng Tuấn Phổ. Tủ chè nhỏ bé, thấp và chấn song con tiện... Một bảng chúc thọ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam do Chủ tịch Tô Ngọc Thanh ký, thật trang trọng.

Và sách - một tủ sách lớn đã chật ních. Còn thì, sách ông để bất cứ chỗ nào để được. Sách cũ lỗ chỗ mối ăn và dày cộm. Sách dày đến giơ gang tay đo được như bộ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sách mới như Tinh hoa Văn hóa xứ Thanh dày đến gần 10cm mà tôi đã nhìn thấy từ Nhà Xuất bản Thanh Hóa...

Rồi từ điển. Ông lưu nhiều loại từ điển lắm. Tôi chưa thấy ai có một thư phòng nhiều từ điển cũ vậy. Ông thuộc những nhà văn thế kỷ XX, tra nhiều, đọc nhiều. Ngồi giữa một thư phòng đầy sách cũ và những chữ nho, tôi như sống lại với một nền văn hóa Việt xưa mà rồi tôi sợ rằng nó sẽ bị mài mòn theo năm tháng.

Cuốn Tinh hoa Văn hóa xứ Thanh. Tôi tranh thủ đọc trong lúc ông ăn sáng. Nhưng tôi để ý phát hiện ra, lúc đang ăn sáng, ông vẫn nhìn tôi, để ý xem tôi đọc gì. Bỗng ông hỏi: Chú đọc gì đấy. Tôi bảo: Đang đọc đoạn nói về Lê Thánh tông. Nghe thế là ông bỏ đũa nhẹ nhàng nằm ngang bát, rồi nói về Lê Thánh tông như là ông đang tranh luận ở hội nghị: Người ta ca ngợi Nguyễn Trãi tài hoa, tất nhiên rồi, người ta tôn vinh Nguyễn Trãi ở UNESCO, tất nhiên rồi, nhưng Lê Thánh tông, một nhà văn hóa lớn, một nhà thơ lớn, mình không tôn vinh sao được, người ta nói ông ta là vua chứ không phải nhà văn hóa, không phải nhà thơ. Sai lầm to. Nhiều người chưa đọc thơ ông... Ông nói một thôi một hồi... thế là buổi sáng trôi qua rất nhanh.

Và bàn làm việc của ông. Đèn bàn bé tý. Một cuốn sách của Phan Huy Chú, ông đang đọc dở, mở sẵn: Lịch triều hiến chương loại chí... Tôi thấy ông tìm bút. Ông tặng sách cho bác Lê Huy Ngọ, hiện là Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội. Nét chữ ông viết run run, mãi mới viết xong chữ Lê Huy Ngọ. Thuốc các loại ông để đầy trên bàn. Ông ốm đau liên tục. Rồi ông lấy ra cuốn sách mới: Tinh hoa Văn hóa xứ Thanh, ông tặng tôi. Tay ông di di mãi trên giấy mới viết xong lời đề tặng. Nét chữ ký rất khó đọc. Thế là tôi biết ông đã già yếu thực rồi. Nhưng trí tuệ ông không già.

Ông hứa sẽ viết tặng tôi nội dung hoành phi và đôi câu đối. Một tuần sau, ông điện cho tôi là lời hứa với tôi ông đã làm xong. Ông đọc cho tôi nội dung bức hoành phi qua điện thoại: Na Sơn ngưỡng vọng. Ý ông muốn ca ngợi Na Sơn là vùng đất thiêng, hàng trăm năm nuôi sống con cháu họ Lê chúng tôi. Con cháu đi xa vẫn hướng về núi Nưa, vẫn nhớ về quê cha đất tổ, nơi Bà Triệu luyện binh. Còn đôi câu đối, ông viết như sau: Tổ tiên tích thiện Lê tộc cát/ Lê Vũ lưu danh Lộc gia thi. Đôi câu đối này, tôi không dám nói ra nhưng hơi gờn gợn, ngài ngại. Hay thì hay thật, đối nhau và thâm thúy, nhưng sợ không khiêm tốn. Tôi có nhờ nhà văn dịch giả nổi tiếng Trần Đình Hiến (người từng dịch tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, giải thưởng Nobel: Báu vật của đời) sửa đôi chút trên cơ sở tôn trọng nội dung cũ. Và khi hoàn thành bộ hoành phi câu đối, tôi đã yên tâm hơn. Ông cũng điện thoại cho tôi: Hoành phi câu đối là tôi tặng chú. Tiền tôi không lấy đâu. Ông nói làm tôi cảm động quá.

Thật là may, trời xui cho tôi, bao năm, gặp lại Hoàng Tuấn Phổ, tôi được ông cho chữ để lại hàng trăm năm sau ở nhà thờ họ Lê Thanh quê tôi. Nhưng cái mà tôi rất ấn tượng khi gặp lại ông, phong cách và nhân cách ông vẫn thế, vẫn rất... Hoàng Tuấn Phổ, rất... xứ Thanh: Thẳng thắn và bộc trực, nóng nảy và bốp chát, thân thiện và chân tình với bạn bè. Hoàng Tuấn Phổ! Ông là một nhân cách xứ Thanh đáng kính và chính ông cũng là một Tinh hoa Văn hóa xứ Thanh mà tất cả biểu hiện ở cá tính, phong cách thẳng thắn quyết liệt để bảo vệ chính kiến của mình không thay đổi đến đáng yêu theo thời gian, tất cả biểu hiện ở sự thông thái, sâu sắc trong tác phẩm của ông về xứ Thanh còn lại mãi mãi với mai sau.

***

Chuẩn bị khánh thành nhà thờ họ Lê Thanh, tôi nghĩ đến việc mời một người soạn và đọc Chúc thư. Tôi bàn với nhà văn Lê Xuân Giang, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Anh Lê Xuân Giang nói: Đọc Chúc thư chỉ có NSND Ngọc Quyền là hay. Anh Ngọc Quyền hiện đang là Chánh Văn phòng Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Tôi gặp anh Ngọc Quyền, anh khuyên: Nếu tôi đọc Chúc thư trong lễ khánh thành nhà thờ, anh nên mời ông Hoàng Tuấn Phổ làm Chúc thư. Chúc thư ông Phổ viết hợp với tôi trình diễn mà ông Phổ soạn Chúc thư hay hơn tôi nhiều. Anh Ngọc Quyền còn nói, anh đã từng trình diễn Chúc thư ở Khu Di tích Lam Kinh trong đại lễ hội Lam Kinh. Người soạn Chúc thư đó là nhà văn Hoàng Tuấn Phổ. Tôi thì hơi ngại mời anh Phổ một lần nữa. Nếu nhà văn Hoàng Tuấn Phổ soạn hộ mà mình lại sửa theo ý mình, ngại trái ý anh Phổ. Tính anh Hoàng Tuấn Phổ, tôi lạ gì. Và sau đó, tôi không nghĩ đến chuyện làm Chúc thư nữa, tôi dự định chỉ nói lời cảm ơn khách đến dự thôi.

Cách độ 3 ngày là đến lễ khánh thành nhà thờ, tôi sang nhà NSND Tiến Thọ ở bên quận Long Biên, Hà Nội (anh Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mượn bộ lễ phục để mặc trong ngày khánh thành nhà thờ. Nghe nói anh Thọ có một bộ lễ phục cúng tế rất trang trọng. Anh Thọ hỏi xem ngay chương trình lễ. Tôi đưa chương trình soạn cũ cho anh Thọ xem. Tôi không để ý là trong chương trình đó còn có mục đọc Chúc thư mà tôi quên chưa xóa đi. Anh Lê Tiến Thọ hỏi: Nội dung Chúc thư thế nào. Tôi bảo là không đọc Chúc thư nữa vì chưa làm được. Anh Thọ khuyên tôi: Nên có mục đọc Chúc thư. Anh bảo anh đã từng được thay mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc Chúc thư ở Giỗ tổ Hùng Vương, Phú Thọ. Câu chuyện như nói để làm quà cho vui thôi vì tôi đã chuẩn bị Chúc thư đâu mà đọc. Mà chỉ còn 3 ngày là đến lễ trọng rồi. Tối tôi về nhà riêng ở Linh Đàm. Khoảng 10h đêm, anh Tiến Thọ điện cho tôi, nói: Tôi gửi qua zalo điện thoại cho anh bản Chúc thư do nhà thơ Trần Anh Thái soạn và tôi trình diễn trong lễ khánh thành nhà thờ họ Hoàng ở Hà Tĩnh. Tôi mở điện thoại nghe ngay. Bài Chúc thư của nhà thơ Trần Anh Thái soạn quá hay mà giọng anh Tiến Thọ trình diễn cũng quá hay. Anh Tiến Thọ là NSND cơ mà. Tầm cỡ quốc gia rồi. Tôi thoáng nghĩ: Mẫu Chúc thư thì đã có rồi, tại sao mình không viết được nhỉ. Xem đồng hồ đã 11h đêm, tôi quyết định dậy, bật đèn viết Chúc thư.

Tôi vừa viết vừa nghe văng vẳng giọng trình diễn... của NSND Tiến Thọ và tiếng nhạc đệm, tiếng chiêng trống vang lên tạo cảm hứng cho mình. Đến gần sáng là có một Chúc thư về họ Lê Thanh rất riêng. Tôi quyết định sẽ tự đọc hôm khánh thành nhà thờ.

Tôi rất vui là lễ đọc Chúc thư đã thành công ngoài mong đợi. Hôm ấy tôi rất vinh dự có nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cố vấn Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đến dự. Tỉnh Thanh Hóa có nhà văn Lê Xuân Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam và anh Lê Trung Sơn, Ủy viên Ban thường vụ Hội đồng họ Lê Thanh Hóa đến dự. Nhà thơ Hữu Thỉnh khen bài Chúc thư hay và nói Lê Tuấn Lộc mời được nhà văn Hoàng Tuấn Phổ và nhà văn Trần Đình Hiến cho câu đối là tốt lắm. Hoành phi và câu đối cũng hay. Tôi nhớ trong Chúc thư có đoạn cảm ơn nhà văn Hoàng Tuấn Phổ: Thâm thúy thay! Cảm ơn nhà văn Hoàng Tuấn Phổ, danh gia văn hóa xứ Thanh, cho câu đối hay. Trong đại lễ khánh thành nhà thờ, tôi đã nói được lời cảm ơn nhà văn Hoàng Tuấn Phổ trước tất cả họ hàng, làng xã. Nếu biết được điều này, chắc là nhà văn cũng vui lắm. Nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, ông anh của tôi, người bạn vong niên kính yêu của tôi!

Nhưng... bài tôi viết từ sau Tết Tân Sửu 2021, định dùng cho Tết năm Nhâm Dần 2022, còn để trên bàn thì Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa Phạm Văn Báu điện cho tôi: Nhà văn Hoàng Tuấn Phố mất rồi. Tôi điện hỏi Hoàng Tuấn Công, con trai, thì biết ông mất ngày 7 tháng 8 năm 2021, giờ Thìn. Ông đã ra đi mà tôi không biết. Nhưng nếu biết, dịch COVID-19 thế này cũng không về được. Cầu mong cho ông siêu thoát. Tôi tin rằng, ông ra đi thanh thản vì ông đã làm được nhiều việc trước khi ra đi. Ông đã sống một cuộc đời trong sáng, khảng khái và đóng góp nhiều cho nghiên cứu văn hóa xứ Thanh, nhất là văn hóa dân gian.

Hồ Linh Đàm, Hà Nội, 13-8-2021.

Theo Lê Tuấn Lộc/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nha-van-nha-nghien-cuu-hoang-tuan-pho-mot-nhan-cach-rat-xu-thanh/142003.htm   

 

Các tin khác:
  • Vận động viên Italy trở thành vua tốc độ mới của điền kinh thế giới (02/08/2021-8:55)
  • Thanh Hoá: Xếp thứ 3 cả nước về số điểm 10 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (27/07/2021-11:53)
  • Kỷ lục đầu tiên bị phá tại Thế vận hội Olympic Tokyo (23/07/2021-16:16)
  • Thanh Hóa và giấc mơ của 1 “chú ngài” “vũ hóa” thành công (24/06/2021-10:42)
  • VĐV Quách Thị Lan của Thanh Hóa chính thức có tên tham dự Olympic Tokyo 2020 (24/06/2021-8:01)
  • Thanh Hoá lần đầu tiên có đội bóng tham dự Giải bóng đá U9 toàn quốc (18/06/2021-14:31)
  • Chuyến bay đặc biệt của Bamboo Airways đón những “chiến binh sao vàng” của Đội tuyển Việt Nam về nước (18/06/2021-14:27)
  • Tuyển Việt Nam viết nên trang sử mới tại vòng loại World Cup 2022 (16/06/2021-14:59)
  • Đánh bại Malaysia 2-1, đội tuyển Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa lịch sử World Cup 2022 (12/06/2021-10:02)
  • Nhiều quốc gia mở cửa với du khách đã tiêm vaccine COVID-19 (09/06/2021-14:58)