Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Đối tượng xuyên tạc thông tin về biến chủng Omicron sẽ bị xử lý như thế nào? (31/12/2021-19:34)
    Trước tin giả về biến chủng Omicron xuất hiện tại TP.HCM gây lo lắng trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch, cần lên án và xử lý kịp thời – đó là nhận định của Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

 Thông tin giả mạo lan truyền trên mạng.

Lợi dụng mạng xã hội, xuyên tạc thông tin về dịch bệnh

Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình ứng phó với đại dịch, rất nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ, cùng với diễn biến phức tạp của các biến chủng mới có khả năng lây lan rất nhanh… vậy nhưng lại xuất hiện những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.

Điển hình như việc mạng xã hội vừa qua lan truyền tin đồn về 1 trường hợp người dân ở TP.HCM bị nhiễm COVID-19 biến chủng Omicron sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện FV.

Về việc này, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, giấy xác nhận ca bệnh dương tính với biến chủng Omicron là hoàn toàn giả mạo, sai sự thật.

Muốn biết ca bệnh thuộc biến chủng gì, cần phải trải qua quy trình giải mã tự gen, không thể chỉ với xét nghiệm RT-PCR mà có thể xác định được loại biến chủng. Hiện nay ở khu vực phía Nam, chỉ có Viện Pasteur thực hiện quy trình giải mã tự gen đối với mẫu bệnh phẩm COVID-19.

Đại diện Công ty TNHH Y tế Viễn Đông (Bệnh viện FV) khẳng định, không cấp “Giấy xác nhận dương tính với COVID-19 bằng kĩ thuật PCR”, mà chỉ cấp “Giấy xác nhận âm tính với COVID-19” bằng kĩ thuật nói trên. Hiện tại, bệnh viện cũng chưa có sinh phẩm xét nghiệm để tìm biến chủng Omicron như thông tin lan truyền trên mạng những ngày vừa qua.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương, thuộc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), cho rằng, đây là hành vi gây hoang mang, lo sợ trong dư luận, rất đáng lên án. Việc tạo dựng tài liệu giả và lan truyền chúng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng, chống dịch của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Người dân cả nước, đặc biệt là “cư dân” trên cộng đồng mạng cần hết sức cảnh giác, cập nhật, nắm bắt thông tin từ những nguồn tin chính thống, không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận.

Cần xử lý kịp thời

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương phân tích, căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Đồng thời, căn cứ Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020 thì tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung thông tin sai sự thật lên mạng xã hội (facebook, zalo,…) về tình hình dịch bệnh Covid-19 nói chung, về biến chủng Omicron nói riêng sẽ bị xử phạt như sau: Đối với tổ chức vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng; đối với cá nhân vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.

 

doi tuong xuyen tac thong tin ve bien chung omicron se bi xu ly nhu the nao hinh 2

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương.

 

Cũng theo vị chuyên gia pháp lý, đối với cá nhân vi phạm, ngoài việc bị xử phạt hành chính còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh mà mình đã đăng tải. Tùy từng trường hợp có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

“Trong bối cảnh chúng ta đã chuyển sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đồng nghĩa với những nhiệm vụ, thách thức mới được đặt ra. Việc xuất hiện những cá nhân xuyên tạc thông tin về dịch bệnh, đăng tin sai sự thật, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân là điều không thể chấp nhận được, rất đáng lên án”, vị chuyên gia pháp lý cho hay.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương nhấn mạnh: Người dân nên đề cao cảnh giác trước các thông tin lan truyền trên không gian mạng, tránh chia sẻ những nguồn tin không được kiểm chứng, “fake news”, vô tình tiếp tay cho những đối tượng chống phá, xuyên tạc, gây bất an dư luận. Đó cũng chính là một trong những hành động thiết thực nhằm chung tay góp phần giữ gìn, bảo vệ thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị và của nhân dân ta.

Theo Nguyễn Hường - Ngọc Mai/Báo NB&CL

https://congluan.vn/doi-tuong-xuyen-tac-thong-tin-ve-bien-chung-omicron-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-post174728.html

 

Các tin khác:
  • Công bố và trao các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác cán bộ (29/12/2021-7:36)
  • 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của năm 2021 (28/12/2021-10:41)
  • Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao, tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19 (26/12/2021-18:58)
  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh (25/12/2021-11:46)
  • Đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước (25/12/2021-11:33)
  • Tăng cường các biện pháp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các dịp lễ, tết năm 2022 (22/12/2021-13:40)
  • WHO: Thế giới phải cùng nhau chấm dứt đại dịch vào năm 2022 (21/12/2021-11:26)
  • Bắt giữ đối tượng dùng nhiều tài khoản mạng xã hội đăng các bài viết sai sự thật, kêu gọi từ thiện (19/12/2021-8:32)
  • Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hóa về việc tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 (18/12/2021-7:43)
  • Ngoại giao chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển (17/12/2021-8:46)