Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
F0 rồi, nào đã xong! (04/03/2022-15:19)
    Với nhiều người đã từng trải qua những đêm dài mất ngủ, với những cơn sốt rét buốt sống lưng và giờ đây là những cơn ho dai dẳng hay những cơn khó thở ngay cả khi đã về “1 vạch”, thì F0 thực sự không hề là “trải nghiệm cho xong”.

BS. Trần Thanh Linh chỉ đạo công tác chữa trị tại BV Hồi sức COVID-19, TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Thôi, xong sớm nghỉ sớm ông à” - đó là lời chia sẻ rất chân thành của một cậu bạn đồng nghiệp của tôi với một cậu đồng nghiệp vừa thông báo vừa lên “hai vạch”. Nhưng với nhiều người đã từng trải qua những đêm dài mất ngủ, với những cơn sốt rét buốt sống lưng và giờ đây là những cơn ho dai dẳng hay những cơn khó thở ngay cả khi đã về “1 vạch”, thì F0 thực sự không hề là “trải nghiệm cho xong”.

1. “Thằng cu Hoàng nhà chị Hường ấy, chả triệu chứng gì, đến cơ quan test mới biết, giờ khỏi rồi đấy, đi làm rồi đấy, có mỗi 3 hôm, không bằng cảm cúm”; “bà Bích bạn bố, cả nhà bị, khỏi rồi đấy, chả ai bị sao, như bị cảm cúm” - đó là vài chia sẻ của chính người thân tôi trong suốt những ngày Hà Nội luôn vượt mốc, tới cả hơn chục ngàn ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày thời gian qua.

Không biết tự bao giờ, góc nhìn của nhiều người về COVID-19 lại xoay chuyển tới 360 độ đến thế, từ chỗ sợ con virus “đến chết thôi”, “một người bị cả làng bị kỳ thị” thì đến nay F1 “xịn” còn bị “ngó lơ” chứ đừng nói đến F2, F3. Chả mấy ai buồn để ý tới những con số ca nhiễm COVID-19 luôn vượt đỉnh, cũng chẳng buồn để ý tới con số ca bệnh nặng hay tử vong mà chính họ trước kia thường xuýt xoa mỗi ngày…

Thực ra cái tâm lý ấy chẳng sai, thậm chí cũng là hợp nhẽ trong thời buổi được xem là “bình thường mới”, “sống chung với dịch”.

Nhưng như chính người Việt có câu “phàm ở đời cái gì quá cũng không tốt”. Sợ con virus quá mức đến nỗi e ngại, kỳ thị, xa lánh người nhiễm; đến mức bỏ cả đống tiền để chất hàng đống thuốc trị COVID-19, thuốc tăng sức đề kháng trong nhà dù không biết có ngày dùng đến chúng không, rồi chùm chăn xông người tới 3 lần một ngày… đều là những sự quá, đôi khi đến “lợi bất cập hại”.

Đối trọng lại, cái sự xem “COVID-19 cũng nhẹ thôi, cùng lắm như cảm cúm”, “kiểu gì chẳng dính, bị sớm khỏi sớm, đỡ lo âu, thấp thỏm”, “tránh sao được giữa một rừng F0” cũng là một sự chủ quan, “lợi bất cập hại” không kém. Tư tưởng này, theo phản ánh của nhiều tờ báo, thậm chí đã “bùng” lên từ trước Tết Nguyên đán khi nhiều người nuôi ý định “nhiễm COVID-19 để ăn Tết cho… ngon”. Thậm chí, theo chia sẻ của nhiều người “F0 giờ là trend đấy bạn ạ” (?).

Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia, đây thực sự là trend quá nguy hiểm. “Tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Chúng ta thử đặt tình huống dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vaccine, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc COVID-19”, chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Nếu buông xuôi, thả lỏng, nghĩ “ai rồi cũng thành F0” thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt.

2. “Khi người ta không tránh được thì người ta vui vẻ, hài hước vậy, vượt qua cho nhẹ nhàng, có gì đâu mà căng?”; “cũng chẳng ai muốn bị F0 đâu, mọi người suy nghĩ như vậy cho thoải mái còn hơn là suốt ngày nơm nớp lo sợ không dám làm gì. Đã xác định sống chung thì cũng nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đối phó”, “nói lên đấy để động viên người bị nhiễm để có tinh thần tốt nhanh khỏi, cũng là tự động viên mình đỡ lo sợ khi giao tiếp mà thôi”… Đó là vài ba trong rất nhiều comment “đáp trả” trước những phản bác về “trend F0”, “ai rồi cũng dương tính”

Nhưng nói như nhà báo Phạm Gia Hiền, giữa lạc quan và coi thường là hoàn toàn khác nhau. Lạc quan để chúng ta chiến thắng bệnh tật còn chủ quan là chúng ta đang xem thường bệnh tật. Và COVID-19 - theo khẳng định của hết thảy các chuyên gia y tế, thực sự là dịch bệnh không thể nói là không nguy hiểm.

Một dẫn chứng rất cụ thể, số liệu được Bộ Y tế đưa ra ngày 1/3/2022 vừa qua: So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới tăng 93,4%, số tử vong tăng 27,9%, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 15,1%, số ca nặng, nguy kịch tăng 9,3%. Còn thực tế, như chính thừa nhận của nhiều bệnh nhân COVID-19: “Mắc COVID-19 là một trong những trải nghiệm cực mệt mỏi và tồi tệ”. “Tiêm mũi 3 vaccine, nhưng vẫn sốt 40 độ, ho ra máu, tiêu chảy, phát ban, tức ngực, khó thở...”.

3. “Tôi trải qua gần một tháng “hậu COVID-19” với triệu chứng bốc hỏa, hơi thở ngắn, không ngủ được và đau nhức mình?”. Đó chắc chắn không phải là trải nghiệm của riêng một bệnh nhân COVID-19 nào.

Không phải bỗng dưng, cụm từ “triệu chứng, di chứng hậu COVID-19” được các chuyên gia y tế trong và ngoài nước nhấn mạnh nhiều đến vậy. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 200 triệu chứng được báo cáo ở bệnh nhân hậu COVID-19. Các triệu chứng khác bệnh nhân có thể gặp phải, bao gồm: đau ngực, khó giao tiếp, cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm, đau cơ, sốt, mất khứu giác, mất vị giác..., trong đó khoảng 10-15% trường hợp tiến triển thành bệnh nặng, và khoảng 5% bệnh trở nên nghiêm trọng. Tình trạng triệu chứng hậu COVID kéo dài có thể gặp ở một số người, thường là sau khi hết bệnh 3 tháng, và kéo dài ít nhất 2 tháng.

 

f0 roi nao da xong hinh 2

 

Tại Việt Nam, các bệnh viện trên cả nước đều ghi nhận tình trạng F0 đi khám hậu COVID-19 ngày càng tăng. Thống kê cho thấy từ tháng 12/2021 đến đầu năm 2022, bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám hậu COVID-19, trong đó, hơn một nửa bệnh nhân hậu COVID-19 gặp vấn đề hô hấp. “Ở đây cũng can thiệp nhiều trường hợp tổn thương nặng sau COVID-19. Có những tình huống như là viêm phổi. Viêm phổi tổ chức hóa rồi xơ phổi, một số trường hợp giãn phế quản” - TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết.

Nếu nhiễm COVID-19, có thể trong quá trình điều trị dương tính, F0 không triệu chứng, cảm thấy bình thường, nhưng vẫn có thể chịu những di chứng hậu COVID-19. Vấn đề nữa là tái nhiễm, bởi không phải một người đã nhiễm rồi thì mãi mãi không bị nữa - chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Rõ ràng, hội chứng hậu COVID-19 đã không hề là sự hiếm gặp. Thậm chí, nó hoàn toàn là nguy cơ mà bất cứ bệnh nhân COVID-19 nào, nếu không cẩn trọng trong chăm sóc sức khỏe thời gian điều trị bệnh, đặc biệt là với những đối tượng như TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Nhóm những người có nguy cơ cao như người đã từng nằm viện, người thuộc nhóm có bệnh nền như béo phì, tiểu đường. Lớn tuổi hoặc trong thời gian nằm viện, người ta phải can thiệp thở máy, phải can thiệp ECMO”.

Thế nên, đừng ai hãy vội nói F0 cho xong. Với nhiều người, rõ ràng muốn xong mà “nào đã xong cho được”. Thế nên, lạc quan, bình thường hóa là tốt, nhưng từng xem thường dịch bệnh lại là câu chuyện hoàn toàn không tốt. Đất nước có thực sự bình thường hóa được hay không, có thực sự vượt qua được dịch bệnh và phục hồi được hay không, đôi khi, lại bắt đầu từ chính tâm thế tưởng rất cá nhân của mỗi người.

Theo Hồng Hà/Báo NB&CL

https://congluan.vn/f0-roi-nao-da-xong-post183722.html

 

 

Các tin khác:
  • Xây dựng Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cơ hội quý để kiến tạo không gian phát triển quốc gia (04/03/2022-15:08)
  • Lễ hội an toàn trong đại dịch (19/02/2022-8:46)
  • Mở cửa, mở cơ hội mới (15/02/2022-14:40)
  • An toàn đón học sinh trở lại trường (07/02/2022-8:38)
  • Không 'gây khó' người dân về quê ăn Tết (26/01/2022-11:40)
  • Không 'gây khó' người dân về quê ăn Tết (26/01/2022-11:33)
  • Để một mùa Tết thực sự là “bình thường mới”! (21/01/2022-9:44)
  • Quét sạch 'biến thể virus' tiêu cực (13/01/2022-16:17)
  • Thay đổi để thích ứng (05/01/2022-14:50)
  • Để bệnh nhân F0 yên tâm điều trị tại nhà (20/12/2021-10:31)