Thứ sáu, ngày 17/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Hành trình khám phá dòng sông Chu trên đất Lào (26/08/2016-10:21)
    (NLBTH) - Ngày đầu tiên của một hành trình dài, đầy thử thách của đoàn làm phim ký sự "Xuôi dòng sông Chu" trên đất bạn Lào và một vùng rừng núi rộng lớn của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An thời tiết khá chiều lòng người, chúng tôi có cảm giác lâng lâng khó tả.

Cuộc đời làm báo đã đưa chúng tôi đi nhiều nơi để khám phá những điều vô cùng tuyệt vời của thiên nhiên, con người, những di sản văn hóa ở khắp mọi vùng, miền trên dải đất hình chữ S thân yêu này.Nhưng cái cảm giác được trải nghiệm hành trình qua những miền đất lạ nơi thượng nguồn dòng sông Chu khá đặc biệt. Hồi hộp, náo nức và có chút lo lắng khi phải tác nghiệp nhiều ngày với những gian nan, thử thách đang đợi chờ phía trước.

                

 Vượt qua cung đường đầu tiên khoảng 200 km từ thành phố Thanh Hóa theo quốc lộ 47 đến ngã Ba Đồng Tâm (huyện Bá Thước) sau đó rẽ sang quốc lộ 217, chúng tôi có mặt ở biên giới Việt - Lào thì trời đã tối.Sau một đêm nghỉ ngơi tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, sáng ngày hôm sau được sự giúp đỡ của cán bộ hải quan và biên phòng Việt Nam và Lào, mọi thủ tục thông quan cho đoàn làm phim ký sự “Xuôi dòng sông Chu” khá nhanh chóng.

Cao nguyên Hủa Phăn bắt đầu mở ra với rừng núi trùng điệp, ngút ngát chạy dài theo cung đường. Với trên 90 % diện tích tự nhiên là rừng núi và cao hơn 1000 m so với mực nước biển nên nhiệt độ ở đây thường thấp hơn vài độ C so với nhiệt độ ở Việt  Nam. Không khí mát mẻ, trong lành lan tỏa thật dễ chịu.

Chặng thử thách đầu tiên của đoàn làm phim ký sự “Xuôi dòng sông Chu” mà người Lào gọi là dòng Nậm Săm là khám phá thượng nguồn dòng sông Chu trên đỉnh núi Phù Ngua, thuộc bản Hua Xiêng, thị xã Sầm Nưa. Đoàn phải đi bộ 12 km, sau đó luồn rừng, lội ngược dòng Nậm Săm hơn 3km. Những con vắt rừng “hiếu khách”  đeo bám chúng tôi khắp mọi nơi, nước suối lạnh và những thác gềnh cao tới hàng chục mét luôn là hiểm họa rình rập. Những người dân bản địa cũng bày tỏ sự khâm phục về lòng dũng cảm, gan dạ của những phóng viên nữ Đài PTTH Thanh Hóa

Trên cao nguyên Hủa Phăn mỗi vùng đất nơi dòng Nậm Săm đi qua đều mang một vẻ  hấp dẫn riêng, khiến chúng tôi luôn cảm thấy háo hức khi bắt đầu khám phá dòng sông trên một hành trình mới. Nơi thượng nguồn này, dòng sông được hình thành từ những vách núi hiểm trở, lòng sông tuy nhỏ nhưng chảy vô cùng dữ dội, dòng nước đỏ ngầu phù sa sau mưa xô mình cuồn cuộn băng qua những ghềnh đá để về xuôi. Cảnh sắc đôi bờ Nậm Săm là bức bích họa tuyệt đẹp của thiên nhiên và con người trên vùng cao nguyên rộng lớn. Những cánh đồng lúa trĩu vàng xen lẫn những ngôi nhà sàn và thấp thoáng những cánh rừng bạt ngàn. Vẻ đẹp hoang sơ và kỹ vĩ của dòng sông Chu nơi thượng nguồn mang lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc


Hoang sơ và đẹp đẽ là vậy, nhưng dòng Nậm Săm cũng là nỗi kinh hoàng của chúng tôi khi di chuyển và tác nghiệp trên dòng sông. Con thuyền độc mộc bé nhỏ, chông chênh trên dòng nước mênh mông khiến chúng tôi lo sợ. Nỗi lo sợ ấy càng tăng khi thuyền bắt đầu chạm vào những ghềnh nước cuồn cuộn. Có những tình huống con thuyền nhỏ bất ngờ đập mạnh vào vách đá bật ra ngoài khiến những người lái thuyền bản địa cũng bất ngờ mà chúng tôi thì thót tim. Nhưng vượt lên mọi thử thách, hiểm nguy chúng tôi đã có những thước phim đẹp và độc đáo về dòng sông Chu nơi đầu nguồn.


Là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, chúng tôi chỉ biết đến tình đoàn kết hữu nghị bền chặt của 2 dân tộc Việt - Lào trong quá khứ qua sách vở, hay những thước phim tài liệu. Nhưng những ngày tác nghiệp tại đây, chúng tôi đã được trải nghiệm và đón nhận tình cảm thiêng liêng này với niềm thương mến vô bờ của những người bạn Lào. Những người bạn Lào đã dành cho chúng tôi tình cảm đặc biệt qua việc tổ chức tục lệ buộc chỉ cổ tay để mang phước lành đến cho chúng tôi. Bên dòng Nậm Săm, bên những nương lúa trĩu hạt, điệu múa Lăm Vông uyển chuyển, nhịp nhàng và quyến rũ của các cô gái Lào như gọi mời, như lôi cuốn. Chúng tôi hòa vào điệu Lăm - vông với tất cả sự nhiệt tình và say mê, những người bạn Lào thân thiện và hiếu khách dẫn dắt chúng tôi qua rất nhiều những bản nhạc khiến cho vòng tròn lăm vông đoàn kết, hữu nghị như nối dài vô tận.

Rồi chúng tội cũng phải chia tay với đất nước hoa Chăm pa mến thương tại cửa khẩu Nậm Táy giáp với xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An để kết thúc hành trình 25 ngày chu du trên đất Lào. Dẫu biết rằng chia tay là để trở về quê hương mà lòng thấy nao nao như đã để lại vùng cao nguyên Hủa Phăn rộng lớn và yên bình một cái gì đó vô hình nhưng thật đáng quý.

Mai Ngọc

 

Các tin khác:
  • Sống động khi đồng hành cùng thính giả (26/08/2016-8:18)
  • Cần nhiều biện pháp bảo vệ an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp (20/08/2016-7:20)
  • Nắm vững Luật Báo chí và pháp luật khi viết báo (20/08/2016-8:18)
  • Trách nhiệm của báo chí đối với chính trị (16/08/2016-9:47)
  • Phóng viên bị chỉ trích vì phỏng vấn người đang gặp nạn (16/08/2016-9:41)
  • Kết nối giữa nhà khoa học và nhà báo (14/08/2016-18:07)
  • Phụ nữ làm báo: Gian truân và cạm bẫy (10/08/2016-16:13)
  • Tôi đã bắt đầu làm báo như thế! (10/08/2016-16:10)
  • Tìm trọng tâm của câu chuyện: Yếu tố quyết định thành công của phóng sự truyền hình (03/08/2016-13:30)
  • Nhà báo cần tự trau dồi, đổi mới để theo kịp xu thế (03/08/2016-7:44)