Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Thanh Hóa quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển sớm trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước (30/04/2023-6:25)
    Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là một trong những cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, oanh liệt nhất và chiến thắng vẻ vang, trọn vẹn nhất. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là bước phát triển ở quy mô cao nhất trong toàn bộ tiến trình cách mạng ở miền Nam. Là thành quả của lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết và tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” của toàn dân tộc.

 Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: Tư Liệu

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi trong những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc; chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của Nhân dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc. Non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện đường lối chiến tranh Nhân dân và quốc phòng toàn dân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, chấp nhận mọi khó khăn, thử thách, nêu cao khẩu hiệu hành động: “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Tổ quốc cần người có người, cần của có của”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”... Thanh Hóa vừa là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng của cả nước, vừa là chiến trường nóng bỏng chôn vùi quân xâm lược. Lớp cha trước, lớp con sau, người trước ngã, người sau tiến lên, nhiều thế hệ con em Thanh Hóa đã xung phong ra mặt trận, có mặt trên khắp các chiến trường gay go, ác liệt nhất, lập nên những chiến công oanh liệt, hào hùng.

Góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, Thanh Hóa đã tiễn đưa hàng chục vạn con em của mình ra mặt trận, trong đó, hàng vạn người đã anh dũng hy sinh ở khắp các chiến trường. Ở hậu phương, với tinh thần vừa tích cực sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, quân và dân tỉnh ta đã lập nên những chiến công oanh liệt làm nức lòng bè bạn. Trong cuộc đọ sức ấy, nhiều địa danh, như: Hàm Rồng, Đò Lèn, Phú Lệ, Đảo Mê, Phà Ghép; những đơn vị, như: trung đội lão dân quân Hoằng Trường, trung đội dân quân gái Hoa Lộc... và còn rất nhiều tên người, tên đất, tên sông xứ Thanh đã đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Những đóng góp to lớn của tỉnh Thanh Hóa đã góp phần xứng đáng để Tổ quốc “Khai hoa độc lập - kết quả tự do”.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Lực lượng vũ trang tỉnh ta được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; đã có 4.603 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 219 tập thể, 98 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động. Những phần thưởng cao quý và niềm vinh quang lớn lao đó mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn lực tinh thần to lớn cổ vũ Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh ta bước vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, đẩy lùi sự bao vây cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch, chi viện cho các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam, phía Bắc Tổ quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; lao động sáng tạo xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất, đời sống, đặt nền tảng cho sự phát triển của tỉnh nhà. Những công trình thủy lợi, như: sông Hoàng, sông Lý, hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ; các nhà máy: Xi măng Bỉm Sơn, Đường Lam Sơn, Cơ khí Thanh Hóa, Cơ khí Sông Chu... được đầu tư xây dựng bằng sức lao động và sự đóng góp của Nhân dân trong tỉnh. Nhiều phong trào thi đua, như: Thủy lợi hóa, khai hoang, phục hóa, trồng cây lương thực, hoa màu,... diễn ra sôi nổi, góp phần tạo nên diện mạo mới trên quê hương Thanh Hóa thân yêu.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Từ một địa phương thường xuyên thiếu lương thực, nhiều năm qua, Thanh Hóa không những đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mà còn có một phần lương thực hàng hóa; các vùng sản xuất cây nguyên liệu phát triển ổn định; cơ giới hóa trong nông nghiệp được đẩy mạnh; một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiều trang trại chăn nuôi tập trung được hình thành. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng xi măng, mía đường và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Các khu công nghiệp, Khu Kinh tế Nghi Sơn được thành lập và phát triển, một số ngành công nghiệp then chốt của tỉnh, như: sản xuất vật liệu, nhiệt điện, lọc hóa dầu,... được hình thành và ngày càng phát triển. Các ngành dịch vụ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều dự án lớn, các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện... có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được triển khai thực hiện; trong đó, lớn nhất là Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đã đi vào vận hành ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các hoạt động văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 3-2-2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 13-11-2021 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; ngày 27-2-2023, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định 153/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045... đã tạo thêm thời cơ, vận hội mới để hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, thịnh vượng, tiếp tục xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ tỉnh, Thanh Hóa đã bứt phá trên tất cả các lĩnh vực. Trong quý I năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần đoàn kết, chủ động, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh vẫn giữ vững ổn định và đạt kết quả tích cực. Kinh tế tiếp tục phát triển; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,21%; sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng đạt 3,22%; sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 5,66%; các lĩnh vực thuộc ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi và phát triển, một số lĩnh vực phát triển mạnh, đặc biệt là du lịch và vận tải; tốc độ tăng trưởng đạt 10,91%. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 32.526 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 10.382 tỷ đồng, bằng 29% dự toán năm. Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát, tạo môi trường ổn định cho kinh tế - xã hội phát triển. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống của Nhân dân ổn định. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực. Một số vướng mắc về thể chế thuộc thẩm quyền của tỉnh đã được tháo gỡ, giải quyết. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm thực hiện, có 12 đơn vị cấp huyện, 352 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 317 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh... Những kết quả trên tiếp tục khẳng định vị thế chiến lược của tỉnh ở khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Đây là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành Trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực cố gắng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà.

Để tiếp tục củng cố niềm tin và hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, với tinh thần: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.

Từ hiện tại, nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai, dẫu phía trước còn có vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng với nền tảng là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng được hun đúc qua nhiều thế hệ, Thanh Hóa hôm nay đang chủ động nắm bắt thời cơ, khơi dậy mọi nguồn lực để hiện thực hóa ý chí và khát vọng vươn lên. Toàn Đảng bộ, mỗi cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân xứ Thanh tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, học tập và noi theo những tấm gương kiên trung, bất khuất của các bậc tiền nhân, gương anh dũng, ý chí quyết tâm, lòng quả cảm của các thế hệ cha anh; phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ qua 93 năm xây dựng và trưởng thành, viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng, phát huy tinh thần của Đại thắng mùa Xuân 1975, quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đào Xuân Yên

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hoá

Theo Báo Thanh Hoá Điện tử

https://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/phat-huy-tinh-than-dai-thang-mua-xuan-nam-1975-thanh-hoa-quyet-tam-hien-thuc-hoa-nbsp-khat-vong-phat-trien-som-tro-thanh-cuc-tang-truong-moi-cua-dat-nuoc/184142.htm

 

Các tin khác:
  • Hào khí 30-4 và khát vọng thịnh vượng (30/04/2023-6:19)
  • Thông tin hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (29/04/2023-17:01)
  • Báo chí Argentina đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (27/04/2023-16:36)
  • Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (22/04/2023-19:10)
  • Chính phủ công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại (21/04/2023-14:20)
  • Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông (21/04/2023-14:16)
  • Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc (20/04/2023-8:20)
  • Làm tốt công tác cán bộ, không để tiếp tay, móc nối, bảo kê cho buôn lậu (18/04/2023-18:22)
  • Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức Cuba, Argentina và Đông Uruguay (18/04/2023-16:49)
  • Thủ tướng chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác hải sản bất hợp pháp (18/04/2023-16:42)