Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo đi và viết
Những chuyến đi để đời (13/10/2016-16:25)
    (NLBTH) - Người xưa bảo đi một ngày đàng học một sàng khôn quả không sai. Sau mỗi chuyến đi dài, được trải nghiệm, được sống đúng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, tôi thực sự đã trưởng thành sau mỗi chuyến “hành quân”.
Tác giả (bên trái) và đồng nghiệp dùng mì tôm sống để đủ sức tác nghiệp
giữa rừng già Lâm Phú. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Lội sông tìm vàng tặc

Nghe tin ở xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ (Thường Xuân) tình trạng vàng tặc tái diễn chúng tôi không ngần ngại lên đường. Đang tính rủ ai đi cùng thì đồng nghiệp được mệnh danh là “trâu sắt” gọi điện. Chiều hôm ấy chúng tôi tới Thường Xuân bằng chiếc xe Wave cũ, trú chân ở nhà trọ ven đường và lần mò thông tin.

Sáng sớm hôm sau lại lên đường, qua nhiều đoạn đường núi quanh co, có lúc phải dắt bộ vì chiếc xe không thể tải nổi. Con sông nhỏ chảy qua Làng Ác (Xuân Chinh) như muốn bị lật tung, dòng nước đục ngầu đất bùn bởi bàn tay con người. Chúng tôi phải gửi xe ở nhà dân, đi bộ dọc con sông này mới mong tìm ra địa điểm đang khai thác vàng. Đồ nghề chỉ cần điện thoại, máy ảnh bỏ túi để phòng trường hợp bị truy đuổi.

Chúng tôi cứ lầm lũi đi theo dòng sông đục ngầu, những lúc cái bụng “biểu tình” lại định bỏ cuộc. Nhưng dòng sông vẫn cuộn đục ngầu chứng tỏ phía trên kia đang có việc đào đãi. Bấm bụng, chúng tôi lại tiếp tục lần mò. Rồi tiếng máy nổ, tiếng người ngày một rõ hơn khiến đôi chân chúng tôi mạnh mẽ lên. Không chỉ một mà nhiều nhóm người với giàn máy bơm hút, đào đãi đang lật tung từng khu đất, gốc cây để mong thực hiện giấc mơ đổi đời tìm vàng.

Ấn tượng đầu tiên khi xâm nhập vào điểm nóng này là hình ảnh những thanh niên, phụ nữ và cả trẻ em cùng các phương tiện thô sơ, máy móc ngụp lặn dưới các vũng nước, đào xới đất. Nhiều lán trại được dựng xung quanh bãi vàng ở những vị trí hiểm trở, khó phát hiện, có những lán trên núi, ẩn mình trong rừng cây, khe đá.

Khi đã đầy đủ thông tin, hình ảnh, chúng tôi bắt đầu trở ra. Quãng đường quay lại dài như vô tận. Chân mỏi, đau hết người do lâu ngày không vận động nhiều và bụng xẹp lép, réo gào. Khi về tới nhà để nhờ xe thì đã chiều, chủ nhà chỉ còn lại mấy củ sắn, chúng tôi ăn lấy ăn để không sợ say là gì.

Sau đó chúng tôi làm việc với chính quyền địa phương, cung cấp các hình ảnh, đoạn clip đang khai thác vàng trái phép và viết bài phản ánh. Khi báo ra, UBND tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, dẹp bỏ tình trạng khai thác vàng trái phép ở đây, đưa cuộc sống người dân trở lại bình yên sau một thời gian “lồng lộn” tìm vàng.

Kinh hoàng vắt rừng

Bản Nà Đang cách trung tâm xã Lâm Phú (Lang Chánh) chừng 12km, gần biên giới với Lào. Do đời sống quá khó khăn nhiều người nghe lời dụ dỗ đã đi khai thác, vận chuyển gỗ thuê. Khi làm nhà thiếu gỗ cũng vào rừng đốn.

Rút kinh nghiệm lần đói “vàng mắt” trước, vào Nà Đang lần này tôi mang theo lương khô, mỳ tôm và nước suối. Thấy tôi đeo ba lô lỉnh kỉnh, người đồng hành trêu là cứ như đi đánh trận. Tôi cười thầm nghĩ, người làm báo mỗi chuyến đi khác nào lâm trận. Đi mãi lương khô của tôi đã phát huy tác dụng. Trời hửng nắng sau mấy ngày mưa, vắt rừng bò ra lổm ngổm bám lên chân, chui vào ống quần. Vén ống quần lên thì đôi chân đen kịt vắt, người đi cùng nôn thốc nôn tháo. Còn chân tôi thì toàn máu là máu. Quyết tâm đi mãi chúng tôi cũng đến được nhà trưởng bản Vi Thiện Lương ngủ nhờ.

Sáng hôm sau chúng tôi lại lên đường theo sự chỉ dẫn của người dân bản địa. Đi lòng vòng hơn nửa ngày đường rừng chúng tôi tới lô 10 dốc Ông Viện (khu vực rừng phòng hộ Sông Lò trên địa bàn xã Lâm Phú). Tại đây rất nhiều gốc cây gỗ đã bị đốn hạ, lâm tặc xẻ ngay tại chỗ chỉ lấy phần nạc nhất.

Dù đã khá mệt nhưng nhóm tiếp tục hành quân, buổi trưa nghỉ ngay tại rừng vắng và dùng bữa bằng mỳ tôm sống. Để tránh vắt, chúng tôi kiểm tra thật kỹ nơi dừng chân. Nhưng điều chúng tôi không ngờ tới là trên các tán lá, cành khô, vắt cũng “hạ trại”. Khi đang tìm đường tới khu Mè Giàng, Lán Cháy, thì anh bạn đồng hành kêu lên “hình như trên lưng có gì đó, ngứa lắm không chịu được”. Dừng lại kiểm tra thì mới tá hỏa, khoảng 5-6 con vắt to bằng ngón tay cái đang trên lưng anh bạn. Chúng tôi phải dùng bật lửa hơ đi hơ lại chúng mới chịu rơi xuống.

Tại khu vực Lán Cháy loạt gỗ bị chặt phá nhiều nhất là táu, sến, vàng cương, mỡ… Lâm tặc thường lợi dụng vào những hôm trời mưa, buổi tối dùng cưa xăng đốn hạ những cây gỗ quý có đường kính từ 30 - 45cm, sau đó xẻ thành những tấm gỗ nhỏ, dùng xe máy hoặc trâu lôi ra khỏi rừng. Chúng tôi thu thập thông tin trong sự xót xa.

Ra khỏi rừng bình an, ai cũng mệt, nhưng vẫn cố gượng cười. Sau chuyến đi này tôi đã viết nhiều kỳ về sức ép mưu sinh và việc bảo vệ rừng. Cùng với việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng chặt, phá rừng, mặt khác tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân, nên tình trạng khai thác lâm sản trái phép tại đây đã được ngăn chặn.

Chúng tôi lấy đó làm mừng, và cũng vui khi có thêm nhiều trải nghiệm, sự trưởng thành sau những chuyến đi như thế.

Thanh Phương

 


 

Các tin khác: