Thứ bảy, ngày 18/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhìn vào một quyết định mạnh để thiết lập kỷ cương (07/11/2016-7:56)
    (NLBTH) - Quy định về cấm sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc; cấm hoạt động tập thể tự phát gây ảnh hưởng đến việc lao động, học tập đã được nhiều cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, do kỷ luật không nghiêm, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, khiến tình trạng này vẫn diễn ra, thậm chí là rầm rộ, công khai ở không ít cơ quan, đơn vị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả lao động, kết quả học tập, kỷ luật, kỷ cương, nếp sống văn hóa công sở.
Các hoạt động tập thể tự phát nên có sự đồng ý của đơn vị quản lý để đảm
bảo kế hoạch, sự an toàn (ảnh chỉ có tính minh họa)

Vụ việc đáng tiếc khi có tới 13 học viên cao cấp lý luận chính trị vừa tử nạn do hỏa hoạn trong một quán karaoke tại Quận Cầu Giấy, Hà Nội vào giờ hành chính, đã chính thức gióng lên hồi chuông khẩn thiết về việc tự phát tổ chức các hoạt động tập thể trong giờ làm việc.

Ngay sau sự việc, Học viện Chính trị khu vực 1 đã có Thông báo số 435/TB-HVCTKV1 cấm tổ chức các hoạt động, tham gia các hoạt động tập thể khi chưa có kế hoạch được Giám đốc Học viện phê duyệt kể cả trong ngày nghỉ, giờ nghỉ; cấm học viên đánh bạc dưới mọi hình thức, uống rượu bia, say rượu bia trong giờ học, kể cả giờ tự học và buổi trưa các ngày làm việc. Học viện đã đưa ra kỷ luật cao nhất cho việc này là đuổi học học viên vi phạm.

Một quyết định theo kiểu mất bò mới lo làm chuồng, nhưng dù sao vẫn hơn là không có, và phải khẳng định đó là một quyết định rất mạnh, có sức răn đe, phòng ngừa mà rất nhiều cơ quan chưa mạnh dạn để ban hành. Quyết định đang được cộng đồng mạng ủng hộ và chia sẻ.

Các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần phải nhìn vào đó để làm theo nếu không muốn để xảy ra hậu quả tương tự.

Biết rằng xử lý cán bộ là việc không dễ xét ở nhiều góc độ; và sau khi xử lý chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, thái độ, chất lượng công việc của người bị xử lý, nhưng bù lại cơ quan, đơn vị sẽ thiết lập được kỷ luật, kỷ cương, tạo ra tiền lệ để giải quyết triệt để tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm nếp sống văn hóa công sở hiện đang là vấn nạn hiện nay. Một việc làm cần thiết thay cho sự vận động, góp ý và phê bình kém hiệu quả như thường thấy lâu nay.

Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Việc quyết liệt đấu tranh, kiên quyết loại bỏ những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, trường học bằng những quyết định mạnh chính là góp phần ngăn chặn hiệu quả sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để xây dựng Đảng ta ngày một mạnh hơn.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Chọn việc cấp bách để làm (04/11/2016-7:55)
  • Để không còn “vùng cấm” (31/10/2016-8:29)
  • Thay đổi tư duy về “của công” (28/10/2016-10:18)
  • Báo chí cách mạng không thể là công cụ cho nhóm lợi ích (24/10/2016-7:51)
  • Cấp phó cho người năng lực (21/10/2016-7:44)
  • Nhìn vào thứ quyền lực núp bóng (17/10/2016-12:05)
  • Cần nhận diện tồn tại, hạn chế để có hướng khắc phục hiệu quả (14/10/2016-15:42)
  • Để ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí (10/10/2016-9:14)
  • Sẽ chấm dứt tình trạng mượn danh, núp danh (07/10/2016-8:26)
  • Lưng chừng trách nhiệm (05/10/2016-21:59)