Thứ bảy, ngày 18/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Nguyễn Thanh Cải: Viết như vội trả nợ một thời làm báo (12/12/2016-17:16)
    Hơn 30 năm làm báo, có hơn hai mươi năm làm lãnh đạo quản lý và điều hành báo in, phát thanh và truyền hình với nhiều phóng sự, chuyên đề, chuyên mục để lại dấu ấn trong làng báo - nhà báo Nguyễn Thanh Cải, nguyên Giám đốc Đài PTTH, Chủ tịch HNB Hải Dương chưa bao giờ ngơi nghỉ.
Vào rừng miệt mài viết mà nhà báo Nguyễn Thanh Cải vẫn dành thời gian trao đổi với phóng viên, bạn viết.
(Ảnh: Thi Nguyên).

Cứ hai ba năm ông lại cho in một tập sách. Sau bốn năm nghỉ hưu ông vẫn viết và hoàn thiện năm tập sách trong đó có hai tập tiểu thuyết. Ông miệt mài viết và gấp rút cho in cứ như vội trả nợ cho một thời làm báo…

Tôi biết Nguyễn Thanh Cải từ khi làm kỹ thuật tìm kiếm thăm dò mỏ địa chất, rồi ông đi học nghề báo, thỉnh thoảng lại có truyện ngắn in báo Nhân Dân, báo Văn nghệ… Mấy chục năm qua cộng tác với ông, tôi thấy ông là nhà báo có ấn tượng, không những tác phẩm báo chí đạt giải cao như: Ý thức trước lòng đất viết khi còn là cộng tác viên Báo Tiền Phong năm 1974; Đám tang người thợ cày – Giải A báo chí Hải Hưng năm 1990; Xơ mướp hóa – Giải Vàng Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 1996; Có một làng nhân ái ở Chí Linh- Giải Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1994; Nữ hoàng thuốc nhuộm – Giải B giải Báo chí Nguyễn Lương Bằng (2005 – 2010)…

Khi ở cương vị quản lý, ông luôn tổ chức cùng phóng viên làm các chuyên đề, chuyên mục có ấn tượng, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của tờ báo, của chương trình phát thanh, truyền hình mà ông trực tiếp quản lý và chỉ đạo. Ngoài công việc của nghề báo và chức năng quản lý báo chí ông còn viết văn, cứ một hai năm ông lại cho in một tập sách. Đến nay ông đã cho in 13 đầu sách trong đó có những cuốn như Ma Làng (tặng thưởng Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật toàn quốc, năm 1996), Nơi đất trời gặp nhau, Góc khuất. Tiểu thuyết Cổng Làng đều đạt giải thưởng Văn học Côn Sơn. Khi tâm sự ông chia sẻ với anh em đồng nghiệp: “Nhờ có những năm làm báo được đi nhiều, gặp nhiều, biết nhiều, vậy mà tôi đã làm được văn học. Văn học là sự lắng đọng của quá trình hoạt động báo chí!”. Vậy mà bạn đồng nghiệp nói vui: Cứ qua một hai năm tác nghiệp báo chí là ông đã “đẻ” ra được một “đứa con” tinh thần trong văn học.

Ông về hưu đúng năm, đúng tháng theo chế độ Nhà nước đã quy định (tháng 3/2012). Đồng nghiệp thường đến thăm ông. Ông thường nhắc đến vùng đất mình đã qua, người mình đã gặp. Ông kỵ nhất là những chuyện chê bai, chỉ trích kẻ nọ người kia… Bẵng đi một thời gian, bạn bè đến nhà không gặp ông, chỉ gặp ông qua một số tác phẩm văn học in báo và in sách. Thì ra ông đã vào rừng để viết văn. Nói là vào rừng, chứ thực ra ông có ngôi nhà nhỏ nơi khuất nẻo ở Chí Linh. Ông cho chúng tôi xem cuốn tiểu thuyết Cổng làng gần 400 trang vừa được giải thưởng văn học Côn Sơn, tập Người đẹp làng tôi; Thành hoàng phiêu bạt và biên soạn lại tuyển tập truyện ngắn của ông dày 400 trang. Ông bảo: “Ở đây tĩnh tâm, mà chẳng cô đơn. Những nơi mình đã qua, những người mình đã gặp từ những năm làm báo, cứ nghĩ đến là họ đã hiển hiện. Muốn kiểm chứng sự thể bây giờ ra sao là bấm điện thoại hỏi. Xem thời sự trên truyền hình là mắt thấy tai nghe. Lãng mạn một chút là tâm hồn hòa nhập là có cảm xúc để viết”.

Tôi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết “Rừng xanh đá đỏ” do NXB Văn học vừa ấn hành, dày gần 500 trang của ông tặng. Ông bảo: “Thế là món nợ với đất rừng mình đã trả xong, nhẹ cả người!”. Tôi bảo ông nợ khi nào mà nói trả. Ông bảo: “Mười một năm đầu học tập và công tác tìm kiếm thăm dò mỏ. Món nợ này lớn lắm nhà báo ạ ! Những người địa chất với những tuyến lộ trình xuyên rừng lội suối thầm lặng tìm kiếm tài nguyên bí ẩn trong lòng đất. Gian nan cực khổ ấy chỉ có đất và rừng biết thôi. Sự nghiệp thì lớn, số  phận thì ngặt nghèo, chả mấy người cuộc đời suôn sẻ như mình đâu. Chẳng biết trả ơn đồng đội bằng cách nào. Xưa làm khoa học tìm mỏ, nay nghề báo đã xong, nghiệp văn thì dai dẳng, đeo đuổi. Còn nhạy cảm, còn xúc động trước sự đời thì còn viết được. Cứ coi đó là món nợ trả cho đời!”.

5

Tôi hỏi ông: Nghề địa chất thì ông trả nợ đã xong, còn nghề báo thì thế nào, nợ nần ra sao?. Ông lim dim đôi mắt, nghĩ ngợi, rồi hào hứng: “Từ ngày được nghỉ hưu, mình bắt tay vào viết cuốn Cổng làng, đó là món nợ trả cho người nông dân. Chả là ngày ấy mình trong tốp các nhà báo, nhà lý luận từ Trung ương về cơ sở nông nghiệp Hải Phòng phản ánh về chuyện khoán 10 mà xã Đoàn Xá ( Đồ Sơn – Hải Phòng) bung ra. Bà con nông dân chăm bón lúa trên thửa ruộng nhận khoán kéo áo hỏi các nhà báo, nhà lý luận trong đoàn công tác: “Các ông Trung ương ơi, sau cơ chế giao ruộng khoán cho nông dân là cơ chế gì ?”. Chúng mình nhìn nhau, chẳng ai trả lời được, chỉ biết xoa dịu: “Cơ chế nào mà lúa tốt, dân no là được!”. Trả lời như thế thôi, còn trọng tâm của bà con nông dân hỏi thì chúng tôi còn nợ. Cho đến nay đã ba bốn chục năm rồi, bà con nông dân vật vã trên đồng từ bờ vùng, bờ thửa chia ra thành từng ô thửa nhỏ, nay dồn thành ô thửa lớn, để công nghiệp hóa nông thôn. Tôi viết tiểu thuyết Cổng làng là phản ánh quá trình chuyển động gần bốn mươi năm nông nghiệp ở nông thôn để tiến tới một cơ cấu kinh tế công nghiệp trong nông thôn hiện đại”.

Biết ông hào hứng, tôi hỏi tiếp: Ông có ấn tượng gì nhất trong những vùng đất ông đã qua?. Như chạm vào mạch nhạy cảm của nhà báo viết văn, ông hào hứng:“Nhất là những vùng rừng núi hoang vắng, mà người địa chất đặt dấu chân đầu tiên cho đến nay là khu công nghiệp khai khoáng sôi động, nhưng cũng đau lòng nhìn thấy khu mỏ hoang tàng do “quặng tặc” tàn phá. Tôi viết “Rừng xanh đá đỏ” cũng từ cảm xúc đó, để bảo vệ tài nguyên, cứu lấy môi trường. Xung quanh tôi ở đây là đất rừng cũng thế. Bà con cũng gian nan vất vả, từ khai hoang đất đồi trồng cây. Cây tốt, nhiều quả lại không nơi tiêu thụ. Rồi lại trồng, lại chặt. Bạch đàn, vải, na, ổi… Cái điệp khúc nhà nông: trồng – chặt – trồng – chặt… Người nhà nông cứ như làm xiếc trên đồng. Buồn nhất là được mùa lại rớt giá, nông sản không có nơi tiêu thụ”.

Tôi nhìn chồng bản thảo, nhìn những đầu sách mới in. Thế là đã bốn năm kể từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu, ông đã viết và hoàn chỉnh cho in thêm 5 đầu sách. Cuốn nào ông cũng nói là tâm đắc lắm, cũng cho đó là trả nợ cho một thời làm báo, cho những nơi mình đã qua, người mình đã gặp. Đúng là nghề báo, nghiệp văn chẳng bao giờ nghỉ ngơi, khi tinh thần còn cảm xúc, bút còn mực còn viết được.

Theo Quang Minh/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • “Canh tác thông minh”, chương trình truyền hình nhiều ý nghĩa thiết thực (01/12/2016-15:46)
  • Chụp ảnh báo chí: tưởng dễ mà khó! (30/11/2016-8:31)
  • Làm phim dưới... lòng đất (30/11/2016-7:23)
  • Kinh tế báo chí và những giới hạn (29/11/2016-6:52)
  • Khi gặp một đề tài hay, tôi bị ám ảnh suốt một thời gian dài (17/11/2016-15:50)
  • Tôi thích những cây bút có “giọng” riêng (10/11/2016-14:23)
  • Hiến kế “cứu” tiếng Việt (07/11/2016-8:03)
  • Gã “tửng” sống chết với môi trường (03/11/2016-10:21)
  • Phía trước là tình huống (01/11/2016-7:33)
  • Trách nhiệm mới của báo chí (26/10/2016-22:00)