Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Đời sống văn hóa - văn nghệ nông thôn:
Thành tích giết chết văn hóa làng (28/05/2017-8:37)
    (NLBTH) - Hồi còn ở quê, mỗi lần ra sân kho hợp tác xã xem đội văn nghệ của làng tập chúng tôi đều rất say sưa. Khi đội văn nghệ của làng đoạt giải dân làng xúm lại thưởng bằng những gì mình có. Chân thành, mộc mạc, và hơn thế, nó thể hiện một sự nuôi dưỡng phong trào theo kiểu bền từ gốc.
Văn hóa làng - hãy để nó sống mãi với thời gian, với cư dân
(ảnh chỉ có tính minh họa)

Thời cuộc, lối sống, những tính toán thực dụng với căn bệnh thành tích cứ ngày một len vào cánh cổng làng. Đằng sau tiếng hát í a, là những thứ không còn mộc mạc của hương đồng, gió làng... 

Còn nhớ cứ mỗi lần xã có hội diễn là lũ trẻ trong làng đuổi trâu về rất sớm chờ cơm để còn đi xem hát. Toàn người làng mình hát nhưng vẫn thích, bởi có sự chân chất, ấm áp tiếng lòng. Đội văn nghệ làng đoạt giải là lũ trẻ chạy khắp làng. Câu chuyện còn râm ran theo ấm chè xanh, tiếng rít điều cày của người lớn. Một phong trào văn nghệ sinh ra từ làng, nuôi dưỡng bởi người làng, cứ thế lớn lên, nhưng không già đi, gắn kết với đời sống thường nhật, nâng đỡ cuộc sống, làm phong phú thêm những giá trị của cuộc sống. Những đứa trẻ trong làng tôi, lớn lên, đi xa, vẫn không nguôi nhớ. 

Cuộc sống thay đổi, nhạc cụ, trang phục biểu diễn sẵn hơn, dân làng tôi thuê về để thi thố với làng khác, và rồi lại đoạt giải. Chiếc "sân khấu làng" bị thương mại hóa, còn lũ trẻ thì thờ ơ. Trách sao được, khi đã no người ta thường hướng tới cái đẹp. Tôi cứ bị ám ảnh mãi câu chuyện trong lần đi dự một hội diễn văn nghệ quần chúng cấp ngành, thấy diễn viên rất chuyên nghiệp, gặng hỏi vị chủ tịch công đoàn mới biết những diễn viên của đơn vị anh đều "nhập khẩu" theo dạng ký hợp đồng ngắn hạn, xong hội diễn, đem huy chương về phòng truyền thống là thanh lý hợp đồng! 

Chuyện ấy bây giờ sẵn lắm, nhiều đội văn nghệ quần chúng cố bằng được để có sự tham gia của diễn viên chuyên nghiệp nhằm “giật” huy chương. Nhiều sân khấu quần chúng đang trở thành nơi để những nghệ sỹ chuyên nghiệp thi thố.

Một vị chủ tịch UBND phường đã rất tự hào khoe khoản tiền chi cho đạo diễn và dàn diễn viên, đạo cụ phục vụ hội diễn của phường lớn hơn con số 50 triệu đồng. Ngay ở quê tôi, một vùng chiêm trũng, trong lần về làng dự lễ đón nhận danh hiệu làng văn hóa cách đây đã lâu, sau bữa cơm ở nhà văn hóa, bác trưởng làng đem ra cuốn sổ thông báo danh mục chi, nghe có cả khoản mấy triệu đồng thuê diễn viên về biểu diễn.

Văn hóa sinh ra từ làng, phong trào văn nghệ "cây nhà, lá vườn" chính là chất liệu để làng tôi trở thành làng văn hóa. Đón nhận cái vinh dự quần chúng ấy người làng tôi lại phải cần đến một sự chuyên nghiệp. Họ không còn thừa nhận họ.  Một làng quê ở vùng chiêm trũng nhưng sự "chơi" thì chẳng trũng chút nào.

Chuyên nghiệp hóa phong trào đang trở thành mốt. Hay nhưng đã tốt chưa?

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Thêm 12 di sản phi vật thể quốc gia mới (12/05/2017-15:16)
  • Những kỷ vật báo chí của nhà báo Huỳnh Hùng Lý (12/05/2017-15:11)
  • Trao giải cuộc thi ảnh: “Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp 2016” (05/05/2017-15:52)
  • Góp phần tôn vinh văn hóa đọc ở xứ Thanh (18/04/2017-15:21)
  • Những cuốn sách quý giá của gia đình nhà báo Huỳnh Hùng Lý (13/04/2017-12:01)
  • Hạnh Loan - Ẩn số thú vị của làng văn Hà Tĩnh (06/04/2017-10:21)
  • Sẽ thu phí bản quyền âm nhạc tại các cơ sở karaoke từ tháng 7 (30/03/2017-17:50)
  • Khu danh thắng cấp Quốc gia Kim Sơn - Tiên Sơn đang bị ‘bào mòn’ nghiêm trọng (28/03/2017-21:32)
  • Ồn ào... theo phong trào! (24/03/2017-7:33)
  • Nhớ khói (24/03/2017-7:31)