Chuyện tưởng đùa, nhưng đó là sự thật 100%. Khi chúng tôi có được trong tay giấy khám sức khỏe do các TYT cấp cho người dân. Trong tờ giấy này, các thông số như: Bộ máy hô hấp, áp lực động mạch, bộ máy tiêu hóa, bộ máy sinh dục, bộ thần kinh, mắt, tai… đều được ghi chỉ số và kết luận rất rõ ràng “Đủ điều kiện sức khỏe để lao động”, kèm theo đó phía dưới là chữ ký và con dấu của TYT. Điều đáng ngạc nhiên hơn là bất kể nhân viên nào trong trạm cũng có thể cấp giấy này.
Theo một tờ giấy khám sức khỏe mà người dân xã Tiến Lộc cung cấp, người kết luận trong tờ giấy này là nhân viên Hoàng Ngọc Tân và con dấu là của TYT xã Tiến Lộc.
Theo nguyên tắc, con dấu chỉ có trạm trưởng mới được phép đóng dấu, trừ trường hợp phân công hay ủy nhiệm. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà con dấu ở TYT xã Tiến Lộc lại được ông Tân cũng như các nhân viên ở đây sử dụng một cách tùy tiện, có thể đóng và ký vào phần kết luận của tờ giấy chứng nhận sức khỏe bất cứ lúc nào.
Y sỹ, cán bộ TYT ai cũng có thể cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tân cho biết, sở dĩ ông đóng dấu và kết luận vào giấy khám sức khỏe cho người dân là do trạm trưởng nhờ, vì thế mà ông hay bất cứ nhân viên nào trong trạm cũng có thể làm được việc này?!.
Cũng như Tiến Lộc, TYT xã Thuần Lộc cũng trong tình cảnh cấp giấy khám sức khỏe tràn lan. Bà Bùi Thị Lan Hương chỉ là cán bộ của trạm, nhưng đã dùng con dấu của TYT xã để chứng nhận cho rất nhiều trường hợp xin giấy nhiều năm nay. Bà Hương cho biết, bà chỉ dùng con dấu đó để chứng nhận cho những trường hợp là người nhà…
Khám sức khỏe qua điện thoại
Thực trạng cấp giấy chứng nhận sức khỏe tràn lan, đến nỗi bản thân các trạm trưởng TYT cũng như một con rô bốt lập trình “cài” đặt sẵn khi có người đến xin giấy và viết vào các chỉ số khám bệnh.
Trong vai là người đã mua được giấy khám sức khỏe có sẵn chữ ký của TYT xã Thuần Lộc, nhưng chưa có phần nội dung. Phóng viên đã trực tiếp gọi điện cho bà Hoàng Thị Loan, Trạm trưởng TYT xã Thuần Lộc. Khi PV gọi, bà Loan bắt máy hỏi ai đó? PV trả lời: chỉ là người được nhờ ghi vào giấy khám sức khỏe để bổ sung vào hồ sơ nộp cho công ty thôi ạ.
Bà Loan đáp: tên gì, ở đâu, bố mẹ là ai? PV trả lời: cháu không biết, thấy nó (người nhờ ghi hộ - PV) nói bảo mới mua được giấy khám sức khỏe ở TYT của cô mà không ghi thông số, cô đọc giúp cháu với ạ. Ngay lập tức bà Loan đọc vanh vách từng chỉ số như:
Áp lực động mạch Cao nhất 120mmhg, thấp nhất 80mmhg; bộ máy tiêu hóa, bộ máy sinh dục, bộ máy cử động xương, bộ thần kinh (bình thường); hàm trên, hàm dưới (đều); mắt trái, mắt phải 10/10; tai trái, tai phải (nghe rõ); bệnh ngoài da (không); các bộ phận khác (bình thường). Kết luận “Đảm bảo sức khỏe để làm việc”.
Bà Loan thừa nhận khám sức khỏe cho phóng viên qua điện thoại.
Phóng viên tiếp tục gọi điện đến số máy của ông Nguyễn Văn Lan, Trạm trưởng TYT xã Hòa Lộc, ông Lan như “lập trình” sẵn khi có người gọi hỏi thông số để ghi vào giấy chứng nhận sức khỏe. Vừa bắt máy, ông bảo ghi nhé:
Tiểu sử bản thân (khỏe mạnh); Áp lực động mạch Cao nhất 120mmhg, thấp nhất 80mmhg; tất cả các chỉ số ghi (bình thường); hai mắt (10/10); tai nói to (5m), nói nhỏ (0,5); các bộ phận khác (không có biểu hiện gì của bệnh lý); kết luận: hiện tại đủ sức khỏe để học tập - lao động. Đọc xong ông Lan tắt máy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả các giấy chứng nhận sức khỏe do TYT xã cấp đều có thông số khám bệnh như nhau, và những thông số này như đã mặc định sẵn cho mỗi người đến xin giấy khám sức khỏe, hoặc gọi điện thoại để hỏi.
(Bài 3): Xx "lộng hành:, Giám đốc trung tâm y tế không hay biết?
Mặc dù việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân ở các TYT xã diễn ra công khai suốt thời gian dài, song khi hỏi về vấn đề này thì Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc và huyện Hoằng Hóa tỏ ra không hề hay biết.
Chỉ khi bị phản ánh mới nắm được
Khi được chúng tôi phản ánh về việc các TYT xã tùy tiện cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân, ông Nguyễn Văn Khoản - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc tỏ ra khá bất ngờ, thậm chí ông khẳng định không có việc đó.
Ông Khoản lý giải: Trước đây (tức khoảng 2 năm về trước) thực trạng các TYT xã khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân là có. Ngay kể cả bản thân trung tâm y tế của huyện cũng khám và cấp cho người dân. Tuy nhiên, sau khi Sở Y tế có văn bản chấn chỉnh thực trạng trên từ năm 2015 thì không còn nữa.
Ông Khoản thừa nhận rằng, các TYT không đủ chức năng, cũng như nhiệm vụ khám để cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân. Từ khi được chấn chỉnh lại thì ông chưa nghe bất cứ thông tin nào từ phía người dân cũng như cơ sở về việc trên.
“Hàng tháng Sở Y tế đều có văn bản đôn đốc, chỉ đạo không để tái diễn vấn nạn khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe trái quy định trên. Trung tâm cũng thường xuyên kiểm tra và báo cáo về vấn đề này. Đến nay trên địa bàn vẫn tốt và không có thực trạng đó xảy ra” - ông Khoản khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Khoản - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc.
Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra bằng chứng của một số xã đang cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân thì ông Khoản mới “té ngửa” và bao biện rằng: các phòng ban chuyên môn của trung tâm vẫn đi kiểm tra thường xuyên, nhưng chỉ kiểm tra được bề nổi tốt chứ không thấy được phần chìm đó.
Còn liên quan tới việc khám sức khỏe qua điện thoại như phản ánh, ông Khoản cho biết chưa nghe việc này bao giờ, nếu đúng như vậy thì không thể chấp nhận được và sẽ cho kiểm tra ngay.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Việc ông thừa nhận không thấy được phần “chìm” đó, chứng tỏ trung tâm cũng đã biết việc này nhưng không xử lý, mà ngược lại còn tiếp tay cho các TYT xã để báo cáo “khống” lên Sở Y tế?. Ông Khoản không giải thích thêm và nói ngắn gọn “chúng tôi sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh lại”?!
Ông Lê Trọng Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoằng Hóa cũng cho biết, chưa nắm bắt được việc này. Sau khi nghe phản ánh của phóng viên sẽ cho kiểm tra lại để có hình thức xử lý, kỷ luật.
Sẽ xử lý nghiêm
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hữu Uyển - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, người phát ngôn Sở Y tế Thanh Hóa khẳng định, việc các TYT xã cấp giấy chứng nhận sức khỏe như phản ánh là sai hoàn toàn, bởi trạm y tế xã không có chức năng khám để cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
“Hàng tháng Sở Y tế vẫn thường xuyên có văn bản gửi xuống các trung tâm y tế để chấn chỉnh việc này, các trung tâm cũng thường xuyên báo cáo lên không có bất cứ trường hợp nào liên quan tới việc TYT xã cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay về vấn đề này và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - ông Uyển cho biết.
Ông Uyển cho biết thêm, theo Thông tư 14/2013/TT-BYT về việc hướng dẫn khám sức khỏe thì việc khám sức khỏe chỉ được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật KBCB và có đủ điều kiện theo quy định của thông tư.
Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có TYT nào có đủ chức năng khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân.
Sẽ xử lý nghiêm các TYT cấp giấy chứng nhận sức khỏe trái quy định.
Việc các TYT khám và cấp “khống” giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân đã vi phạm vào Điều 5 của Thông tư 14/2013/TT-BYT. Người đi khám sức khỏe bắt buộc phải nộp hồ sơ tại cơ sở khám sức khỏe. Sau khi tiếp nhận hồ sơ của người khám, cơ sở khám sức khỏe phải tiến hành đối chiếu ảnh với người đến khám và kiểm tra chứng minh thư nhân dân đối với người khám sau đó thực hiện các bước khám theo quy trình. Hồ sơ của người đến khám sức khỏe sẽ được lưu trong hệ thống sổ theo dõi, máy tính của cơ sở KBCB.
Khánh Linh