Thứ năm, ngày 21/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Loạt bài: "Ma trận" thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng (22/08/2017-9:03)
    Tác phẩm Đoạt Giải C Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2016

(Kỳ 1): Bún, giò chả "ngậm" phụ gia hóa chất

Thời gian gần đây, việc cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại thực phẩm sử dụng phụ gia có chứa chất cấm đã gióng lên hồi chuông báo động cho người tiêu dùng về các căn bệnh nguy hiểm như tim mạch, ung thư...

"Tắm" trong hóa chất

Bún, giò chả là mặt hàng thực phẩm được sử dụng hàng ngày, là bữa ăn chính vào mỗi buổi sáng của nhiều gia đình. Thế nhưng, các cơ sở sản xuất bún, giò chả tư nhân hiện nay chế biến bằng nguyên liệu gì, phụ gia hóa chất nào thì chỉ có người trong cuộc mới biết được...

Chị Lê Thị T, là người có nhiều năm làm bún tại phường Đông Hương cho biết: "Bún được làm bằng gạo nguyên chất sẽ có màu trắng đục, sợi bún rất dễ bị gãy. Nhưng trên thị trường hiện nay, sợi bún rất trắng, giòn, dai và trong, rất bắt mắt. Để tạo ra sợi bún như vậy, trước đây người ta thường cho hóa chất "giẻo dai" có màu như màu đồng". (PV- là hóa chất Tinopal, bún dùng chất này khi để trong tối bún sẽ phát sáng như huỳnh quang, có khả năng gây ung thư cao).

"Việc thêm hóa chất này cũng giúp bún để lâu khó thiu, không bị khô cứng. Nhưng dạo này nhiều nơi đồn tai nhau là chất đó dễ nhận biết lắm, bây giờ có loại bột màu trắng cũng giúp cho bún, giò chả... giữ được độ ẩm lâu, không bết dính, bún thì khó thiu hơn mà lại có mùi thơm tự nhiên nữa" - Chị T cho biết thêm.

 1.jpg
Những tủ bán giò chả di động có mặt ở khắp các đường phố.

Còn thực hư chuyện giò chả ngày càng “dẻo dai”, mịn như thế nào, trong vai người đi đặt giò cung cấp cho các đám cưới, chúng tôi đã dành nhiều thời gian lân la ở các chợ như: Chợ đầu mối, Nam Thành, Quảng Thắng... Phần lớn các chủ cửa hàng giò chả đều một mực chất lượng là hàng đầu, uy tín và đặc biệt nói không với hóa chất. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề kinh tế, thêm lợi nhuận vì chúng tôi đi buôn cần lấy lời thì rất nhiều ông, bà chủ khẳng định sẽ theo yêu cầu.

“Em cứ yên tâm, em thích mịn có mịn, dẻo thơm, nói chung chị làm theo yêu cầu của em”.  Chị Lý, người bán giò chả tại chợ Đông Thành đồng thời là chủ cơ sở giò chả tư nhân (một cơ sở không nhãn mác, không thương hiệu) trên đường Hàm Nghi, phường Đông Hương khẳng định nhiều lần như vậy với chúng tôi.

Còn với cô Phương, người gắn với nghề làm giò gần 20 năm tại chợ Quảng Thắng, phường Quảng Thắng cho biết: Giờ giò làm nhiều nơi mịn quá, dẻo quá nhưng có ai biết đấy lại là dùng thuốc đâu, như cô ở đây làm chủ yếu cung cấp cho người làng, làm từ thịt nguyên chất không pha hóa chất gì nên miếng giò cắt ra vẫn thấy nhiều lỗ xuất hiện chứ đâu có được mịn màng như các loại giò khác.

Hóa chất mua không khó

Từ nguồn thông tin có được chúng tôi đã tìm ra đầu mối cung cấp loại hóa chất mà các chủ cơ sở bún, giò chả mệnh danh là chất “dẻo dai”. Có mặt tại đường Đinh Lễ, phường Lam Sơn, cạnh chợ Vườn Hoa là một dãy tạp hóa lagim (tạp hóa bán đồ khô, bột...). Nhớ lời dặn của một người bạn trước lúc đi là khi tới cửa hàng nếu có người đang mua hàng thì đừng nói gì, giả vờ xem hàng đợi khách đi hết rồi mới hỏi nhỏ chủ cửa hàng, và cần lưu ý là đừng hỏi có hay không mà cần đi thẳng vào vấn đề luôn: “bán cho em ít bột dẻo dai, loại làm bún, giò chả ý”.

Khi chúng tôi hỏi như vậy, chủ quán ngừng ánh mắt lại có chút thăm dò. Sau đó tiến sát lại nói nhỏ: “100.000đ em, bán ít nhất 1kg em nhé, không bán lẻ, lấy thì chị qua kho mang qua”. Nói xong bà chủ này không tỏ ra nài khách mua mà lờ đi chỗ khác. Sau ít phút chúng tôi làm quen, dò hỏi và đã quyết định mua 1kg với giá 100.000đ.

Vì chúng tôi nói mới thử dùng loại này nên cần biết cái tên cụ thể và cách dùng thế nào cho hợp lý, chủ hàng cho biết: “Nó là BenZoate. Bún, giò, chả dùng nó rất tốt, chị ở đây bán nhiều rồi có người mỗi lần lấy cả 10kg, chủ yếu là người quen. Cách dùng thì em cho tỷ lệ sau; 1 thìa cà phê nếu là giò thì 1 cân, bún thì 5 cân gạo, cứ theo cách đó mà làm”.

 2.JPG
Hóa chất Sodium BenZoate, được nhiều cơ sở tư nhân tạo giẻo dai cho
giò chả, chống lên men nhanh cho bún vẫn được bán tại các cửa hàng.

Vòng qua các khu chợ khác trên địa bàn tỉnh phần lớn các chủ buôn đều giới thiệu cho chúng tôi.

BenZoate?

Theo tìm hiểu, BenZoate là hóa chất Sodium BenZoate hay còn gọi là Natri benzoat (E211) là một chất bảo quản được sử dụng trong thực phẩm. Liều lượng tối đa cho phép chỉ là 155 ml/kg thực phẩm. Đặc điểm chung của nhiều nghiên cứu về tác dụng phụ của Sodium BenZoate cho thấy chất này gây ra nôn mửa, tăng đường huyết, hạ kali máu, co giật, và suy giảm tâm thần.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), một trong những tác dụng phụ của Sodium BenZoate là gây ra cảm giác buồn nôn và nôn. Sự tồn đọng sodium benzoate trong cơ thể còn gây nên tình trạng rối loạn chức năng gan, thận dẫn đến suy gan, thận nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nó còn gây ra đau cơ, khó thở, thậm chí bị co giật. Trong một số trường hợp hiếm gặp, Sodium Benzoate còn gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như đau tim, đau ngực, tim đập chậm.

Tác dụng nguy hiểm nhất của chất này đối với hệ thần kinh là suy giảm tinh thần, phù não, hôn mê.

Cho đến nay, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã cấm sử dụng hóa chất này. (Kỳ 2): Men Trung Quốc Tràn ngập các lò rượu




(Kỳ 2): Men Trung Quốc Tràn ngập các lò rượu

Trong vai người đi buôn rượu chúng tôi đã tiếp cận với vô vàn loại men, rượu rởm. Men Trung Quốc thường có giá thành rẻ cộng thêm tỷ lệ thu hồi rượu cao, điều này khiến nhiều lò nấu rượu lựa chọn. Tuy nhiên, loại men này lại chứa rất nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe.

Ma trận men Trung Quốc

Chị Dương Thị Tư, xã Minh Lộc (Hậu Lộc), là người nấu rượu có tiếng lâu năm bật mí: Ủ rượu giờ có mấy ai dùng bằng men gạo đâu em, đa phần dùng men Trung Quốc mới được rượu. Trước đây chúng tôi phải nhờ người lên TP Thanh Hóa lấy, nhưng giờ thì không phải đi xa nữa, nhiều người bán họ về tận các vùng quê nhập cho các cửa hàng gạo.

Khu vực chợ Vườn Hoa, Cầu Bố (TP Thanh Hóa) có đủ các loại men bột Trung Quốc; giá rẻ và điều quan trọng loại men gì cũng có. Muốn rượu nhiều nước: có, muốn ủ ít ngày: có, chị Thu, người bán men gạo tại chợ Vườn Hoa (cũ) cho hay.

Có mặt tại một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở vùng quê ven biển xã Minh Lộc (Hậu Lộc), khi hỏi mua men về ủ rượu, chủ quán không chút băn khoăn trả lời; lấy mấy chục cái, vừa nói tay vừa chỉ vào rổ men đang để kế bên. Thấy tôi có vẻ không mấy thiện cảm với loại men gạo cổ xưa này, chủ quán biết ý bèn hỏi: “Hay loại men bột kia? Loại đó thì 17.000 đồng 1 gói, 1 gói có 6 gói con bên trong, mỗi gói con như vậy nấu được khoảng 10 cân gạo, không lo mất nước. Nhưng nếu là nấu uống thì em nên dùng men viên kia kìa, chứ men này độc lắm, chỉ để bán thôi”.

Mặc dù túi men trên tay chưa được cắt nhưng đã thấy mùi hăng hắc khó chịu của hương liệu bay ra. Và theo tìm hiểu thì loại này được giới nấu rượu gọi là "men ngâm". Cách dùng loại "men ngâm" này cũng không mấy phức tạp; chỉ cần nấu cơm lên đảo lộn với men rồi cho nước vào, cứ thế ngâm vài ba ngày là cho vào nồi trưng cất ra rượu. Dùng men này thì đỡ được một nửa thời gian, sẽ không mất công ủ kín trước mới cho nước vào như trước kia.

 2.JPG
Một trong những địa chỉ cung cấp loại men chỉ cần ngâm không phải
nấu cơm rượu theo cách truyền thống.

Theo tìm hiểu, được biết trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tồn tại loại men Trung Quốc cực mạnh có khả năng kỳ diệu là biến gạo sống thành rượu.

Có được thông tin, chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán men nấu rượu nằm trên đường Trần Phú, phường Đông Vệ, kề bên Cầu Bố. Chủ cửa hàng không ngần ngại giới thiệu về các loại men đang bán. Khi chúng tôi ngỏ ý cần loại men có thể rút ngắn được thời gian nấu. Bà chủ cửa hàng này có vẻ hoài nghi, đi tới lui rồi ghé sát người tôi nói: “Có. Nhưng loại này mạnh lắm, độc hại lắm, giết người như chơi, chủ yếu bán lên khu vực miền núi thôi”. Và khi chúng tôi tỏ vẻ hài lòng với loại men này thì bà chủ cửa hàng nói tiếp: “loại men này không bán lẻ nhé em, 1 bao lớn là 40 cân, giá là 350 nghìn”.

Cũng theo bà chủ này, sở dĩ các chủ nấu rượu đều thích sử dụng men Trung Quốc do loại men này có công dụng cực mạnh. Người nấu rượu không cần ủ cơm mà chỉ cần trộn men trực tiếp với gạo sống, sau đó đổ nước vào ngâm qua hai ngày thì gạo sẽ lên men. Người nấu rượu được “ăn bớt” công đoạn nấu cơm rượu. Đặc biệt, trước kia nấu men gạo phải mất 4kg mới được 1 lít rượu thì nay ủ bằng men Trung Quốc có thể được 2 - 3 lít...

Kẻ “giết” người thầm lặng

Anh Hạnh ở Hậu Lộc là nạn nhân của rượu gạo, thuộc vào hàng “rượu đứng”, có nghĩa là anh ta được xếp vào tốp đầu của chứng nghiện rượu. Nhà anh cũng là nhà nấu rượu lâu năm, mỗi khi thiếu rượu thì tay chân run lẩy bẩy, không thể làm được việc. Anh Hạnh nói: Tau uống rượu vào là người khỏe khoắn, yêu đời! Bữa ăn nào không được vài tợp thì người thiếu thiếu cái chi đó!

Một người tên Oanh (cũng ở Hậu Lộc), chồng chị là dân rượu đã than thở: Buồn bực, ức chế nhưng con cái lớn cả rồi, muốn giữ hạnh phúc gia đình nên không nỡ nói xấu chồng. Nhậu nhiều quá đâm ra bỏ bê công việc, mà người say rượu thì biết rồi, về cằn nhằn, xử lý sự việc không được minh mẫn”.

Chị Oanh nói thêm rằng trước đây chồng chị siêng năng, chỉn chu với con cái và chỉ biết lo làm ăn, thế rồi chẳng bao lâu sau đó, ông ấy đâm ra nghiện rượu, mà nguyên nhân nghiện rượu này nghe ra rất buồn cười. Đó là do giá rượu rẻ, là lúc rượu nấu từ men Trung Quốc lên ngôi.

Hiện tại, chồng chị Oanh không thể nào làm việc nếu như thiếu rượu. Nhưng khi đã có rượu rồi, sức khỏe của anh này cũng chẳng cải thiện hơn, chỉ bớt run tay run chân nhưng không thể làm bất cứ việc gì nặng. Nhiều lần chị Oanh nghĩ đến chuyện đâm đơn ly hôn cho thoát khổ. Nhưng nghĩ lại con cái đã lớn rồi, làng xóm cười cho, rồi chị đành cam chịu mọi nỗi khổ, cắn răng mà sống chung với người chồng thiếu rượu thì run, có rượu thì mạnh miệng chửi vợ mắng con.

Do lợi nhuận lớn của việc kinh doanh rượu, nên hiện nay nhiều người đã bất chấp sức khỏe người tiêu dùng và đạo đức kinh doanh, họ vẫn tiếp tục tuồn các sản phẩm men lậu, rượu kém chất lượng ra thị trường. Họ đâu biết chính họ là những người đi gieo rắc mầm mống tội ác cho nhiều gia đình, cộng đồng, xã hội. Rượu có thể biến một người chồng, người cha hiền lành trở thành kẻ vũ phu đánh vợ, đánh con, hạnh phúc gia đình trở nên mong manh và nguy cơ đổ vỡ có thể nổ ra bất kỳ lúc nào...



(Kỳ 3): Ăn thịt trâu trả tiền thịt bò?

Với giá bán khá “mềm” từ 68.000 - 85.000 đồng/kg, “thịt bò “ đông lạnh đang được nhiều quán ăn, thậm chí cả đám cưới, nhà hàng cao cấp đua nhau sử dụng.

Người dân đang ăn thịt “bò lạ”?

Theo mách bảo của một số chủ hàng từng lấy thịt bò đông lạnh (giới kinh doanh thường gọi là bò thùng), chúng tôi tìm đến cơ sở kinh doanh hàng thực phẩm đông lạnh Hoàng Hà, tại địa chỉ lô 76 nằm trên đường Trần Hưng Đạo (phường Nam Ngạn), nơi được xem là đầu mối lớn của tiểu thương, quán ăn, nhà hàng. Nhìn bề ngoài, rất khó để nhận ra đây là kho đông lạnh lớn nhất nhì thành phố, vì nó được che khuất bởi một bên là tấm bạt của quán nước, bên là dãy ô tô của một công ty. Bên trong cơ sở này phía trước đơn giản chỉ có 2 cái bàn giao dịch nhỏ.

Tại đây, sau khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn đặt mua thường xuyên khoảng 500 đến 800 kg/tháng để phục vụ tiệc cưới, người phụ nữ tên Phương này cho rằng số lượng đó vẫn quá ít so với các mối mà cơ sở đang phân phối.

Người phụ nữ này khẳng định: “Sản phẩm hiện được tiêu thụ rất mạnh vì rẻ, em  lấy cả tấn cũng có, đủ các loại. Hiện nay rất nhiều người ở thành phố đang ăn loại thịt này, 99% nhà hàng và phần lớn các đám cưới đều có sử dụng. Các bà “hàng xeo” cũng đều lấy loại thịt này đem bán ngoài chợ, em lấy cả tấn còn có chứ nói gì mấy chục cân”.

“Không bao giờ được ngâm nước rã đông, chỉ bóc túi bóng, rã đông tự nhiên, lấy giẻ thấm khô, lấy tiết bôi vào cho đẹp thịt. Ở chợ họ vẫn làm vậy, đều lấy ở đây và làm theo cách đó” - một nhân viên nam hướng dẫn.

 trau gia bo.jpg
Thịt trâu đông lạnh giả thịt bò này không ai biết nguồn gốc từ đâu đang hằng
ngày lừa dối, đầu độc người dân.

Yêu cầu xem hàng trước khi mua của chúng tôi được đáp ứng, người phụ nữ tên Phương cho nhân viên lấy hàng mẫu từ tủ đông nhỏ ở góc nhà. Và để chứng minh tiềm năng cung cấp của mình, bà Phương không ngần ngại cho nhân viên mở cửa kho đông lạnh cho chúng tôi được thấy. Một ô cửa nhỏ được kéo ra, nhìn vào bên trong là hàng ngàn thùng giấy, hộp xốp ngổn ngang. “Thịt bò” được đóng trong những thùng giấy, phía ngoài bọc ni lông kính, mỗi thùng có trọng lượng trung bình từ 18 đến 20 kg, mỗi túi nhỏ bên trong có loại 1 kg, loại 8 lạng. Không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chỉ biết một vài thông tin chung chung là sản phẩm từ Ấn Độ (produce of India).

Chúng tôi thử mua 1 kg thịt về chế biến trước, khi nấu lên quả thật bằng mắt thường không thể nào nói đấy không phải là thịt bò. Tuy nhiên, trên thớ thịt có máu bầm tụ, một số chỗ thịt đổi màu sậm có dấu hiệu bị hư. Chúng tôi đã gọi điện lại cho phía cơ sở và được người phụ nữ tên Phương ấy xác nhận loại chúng tôi mua không phải là thịt bò.

“Đấy vốn là thịt trâu đông lạnh Ấn Độ nhưng nhiều người gọi là thịt bò Ấn Độ vì loại thịt này được rất nhiều quán cơm, phở mua về để chế biến. Thế nên bọn chị cũng gọi luôn là thịt bò Ấn Độ. Và nếu làm đám em cứ lấy về, chỉ cần sơ chế và ướp, thịt sẽ có hương vị như thịt bò và chắc chắn không bị đen sau khi chế biến” - bà Phương khẳng định.

Tẩm máu bò để biến thịt trâu thành thịt bò

Theo anh Giang Hải, một thương lái người Việt gốc Malaysia thì loại thịt bò giá rẻ thường được gọi là thịt bò Ấn Độ này thực tế không phải vậy. Ấn Độ là quốc gia không ăn thịt bò vì phần lớn cư dân họ thờ bò, nước này cũng cấm xuất khẩu bò vì vậy rất khó có chuyện Ấn Độ chế biến thịt bò xuất khẩu sang Việt Nam, và nếu có thì cũng không thể rẻ đến vậy.

Anh Hải khẳng định về nguồn thịt giá rẻ đang được chào bán là "thịt bò" đó là thịt trâu nhập từ Ấn Độ. Ấn Độ có số lượng đàn trâu khổng lồ, việc giết mổ, xuất khẩu sang Việt Nam đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Còn chuyện buôn bán, giá cả và hàng hết hạn hay biến tấu thành thịt bò đấy là do lương tâm của những người bán.

Còn với anh Phạm Văn Thiều, nhà có lò mổ bò ở phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa cho biết, hiện thịt trâu nhập vào Việt Nam rất nhiều, chủ yếu từ Ấn Độ. Giá nhập trung bình khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg, thậm chí có loại thấp hơn chỉ hơn 30.000 đồng/kg.

“Thế nhưng khi thịt trâu “hóa phép” thành thịt bò tươi thì giá hơn 200.000 đồng/kg. Với mức chênh lệch gấp đôi, người tiêu dùng bị “móc túi” khoản tiền không nhỏ” - anh Thiều nói.

Ngoài ra, theo tìm hiểu ở nhiều lò mổ khác đều cho biết thịt trâu và thịt bò giả khó có thể phân biệt vì các thớ thịt giống nhau. Có người còn ngâm thịt trâu trong máu bò để bò giả có mùi giống như bò thật, dễ đánh lừa người tiêu dùng.

Trên thực tế dù là bò hay trâu, những thùng hàng đông lạnh này có được sử dụng đúng thời hạn hay không thì chưa ai kiểm chứng. Cũng như những thông tin chúng tôi thâm nhập tìm hiểu được, thì thịt trâu đông lạnh được tiêu thụ bằng cách chế biến thành những món ăn như phở, lẩu, đặc biệt là phục vụ cho khối lượng đám cưới khổng lồ trên địa bàn toàn tỉnh. Mùi vị lại khá giống nhau nên rất khó để phân biệt được đâu là thịt bò thật, đâu là giả.

Người dân đang bị lừa một cách trắng trợn, bị che mắt bởi một bộ phận tiểu thương tham tiền mà bỏ qua quyền lợi của khách hàng.


 


(Kỳ 4): Trái cây tẩm hóa chất?

Để đạt lợi nhuận trước mắt, nhiều thương lái tìm đến lọ thuốc lạ có xuất xứ Trung Quốc để kích thích quả nhanh chín và rất bắt mắt.

Quả chín sau 12 giờ tắm thuốc?

Có mặt lúc 4 giờ 30 phút tại khu vực chợ rau quả, đó cũng là lúc những chuyến hàng khắp mọi miền đổ về đây, trong đó phần lớn có xuất xứ từ các tỉnh phía Nam.

Thấy chúng tôi đang xem các mặt hàng hoa quả, một phụ nữ bán các loại quả hỏi: “Em muốn nhập hàng hay sao?” Thấy chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn vì quả còn hơi xanh chị chủ hàng cười tươi rói, chèo kéo: “Tưởng em chê gì chứ cái đó quá đơn giản. Bây giờ người ta còn chuộng quả xanh, thậm chí quả non ấy chứ. Quả ở đây đều được xử lý thuốc bảo quản, đảm bảo đẹp lâu, bền màu mà cũng lâu hỏng. Trông thì xanh thế nhưng em mang về đến nhà là quả đã lên màu chín đẹp rồi, thích nữa thì chị nói cách để cho nó chín cấp tốc là được chứ gì”.

“Là cách ủ bằng đất đèn à chị?” - chúng tôi hỏi. Chị chủ quầy đỡ lời nhanh: Bây giờ có thuốc rồi, hơi đâu mà dùng hương, đất đèn, lá xoan, chấm vôi vào cuống quả như trước kia nữa em, mất thời gian. Em cứ mua hàng đi chị hướng dẫn và mách chỗ mua cho. Nó rẻ mà hiệu quả, chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/lọ, chấm vào cuống quả là chín sau 12 tiếng đối với quả lớn như đu đủ, mít, bưởi… còn với các loại quả nhỏ như ổi, lê, chuối hay cam thì chỉ cần vài giọt cho vào chậu nước, nhúng quả vào đấy, cả tấn còn được rồi vớt ra sau 12 tiếng là chín đẹp, mà lại còn ít bị thối, đẹp màu.

 1.JPG
Loại thuốc được nhiều người mua để ủ quả chín nhanh.

Anh Hùng, một người nhiều năm làm công nhân kéo xe hàng trong chợ cho hay: "Bọn mình cái gì ở đây chả biết, họ thường dùng 2 loại thuốc kích thích quả mau chín. Một loại nước có màu đục đục, loại màu trắng, cả hai đều to bằng ngón tay. Họ dùng xong vứt đầy vỏ ra đấy. Mà thường thì những xe chở hàng trong Nam ra đây họ chưa nhúng, khi hoa quả đến các chủ sạp hay những người bán hàng rong mới bị dùng thuốc để nhúng. Nhưng giờ nhiều người tinh vi rồi, họ cho thuốc vào những chiếc bình tưới cây, tiện lúc nào họ xịt lúc đó, quả chỉ cần tiếp xúc với nước có thuốc là chín sau vài ngày. Như vậy thì họ bán tới đâu xịt tới đó hay hơn và cũng chả ai để ý mà phát hiện".

Tò mò hỏi thêm về loại thuốc ấy, anh Hùng vô tư chỉ dẫn chúng tôi đến những cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hỏi mua loại thuốc kích thích hoa quả. Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đến khu vực bán hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật trên đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa tìm mua. Tuy nhiên khi ngỏ lời mua loại thuốc để kích thích quả, nhiều chủ cửa hàng đã dò xét và từ chối thẳng thừng.

Để tiếp tục, chúng tôi có mặt tại một cửa hàng bán những thứ nói trên nằm đối diện 69 đường Lê Hoàn, chị chủ cửa hàng cảnh giác dò la: “Em ở đâu, mua làm gì? Nó độc hại vậy đừng mua, biết cách sử dụng bao giờ chưa”, “Sẽ bị bắt khi phát hiện bán vì nó là thuốc cấm, thuốc Trung Quốc”... Sau màn “thẩm tra” bà chủ vào trong nhà lấy ra một hộp thuốc, bên trong gồm 10 tuýp nhỏ giá 100.000 đồng/ hộp.

Hóa chất độc hại

Loại thuốc chúng tôi mua được có ghi chữ màu xanh của Công ty Hóa chất Phùng Xuân Quảng Tây. Thuốc không có màu, mùi ngây ngây dạng cồn. Bên trong hộp thuốc có 10 tuýp nhựa nhỏ. Đằng sau hộp thuốc hướng dẫn chi tiết cách sử dụng bằng tiếng Việt: Pha tuýp thuốc với nước loãng và nhúng quả vào đợi 2 ngày sẽ chuyển màu cho quả. Có thể xem đây là bằng chứng loại thuốc này được sản xuất cho thị trường Việt Nam.

Và trong danh mục 1.643 hoạt chất hóa học với 3.902 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BNN ngày 27/3/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, không có tên loại thuốc này.

 2.JPG
Hoa quả bán trên thị trường có nguy cơ bị nhiễm độc.

Cũng theo như thông tin mà chúng tôi có được thì, các loại thuốc ép quả chín nhanh thường có thành phần là ethrel, hoạt chất này cũng có trong đất đèn. Đây là loại hóa chất rất độc, hàm lượng cho phép sử dụng rất nhỏ. Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu hoa quả bị phun hoặc nhúng loại chất này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, ethrel tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat - một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3- trong khi người chấm thuốc thì chỉ cốt cho quả chín mà không hề biết đến hàm lượng này.

Đối với những người bán hàng vô lương tâm thì họ không ngần ngại ngâm quả vào loại hóa chất chết người này để màu sắc tươi ngon và quan trọng hơn hết là bảo quản được rất lâu. Rõ ràng hành vi này là đi ngược với đạo đức và pháp luật, cần phải được xử lý thật nghiêm minh, bởi đầu độc người tiêu dùng bằng hóa chất đồng nghĩa với việc gián tiếp cướp đi mạng sống con người.



(Kỳ cuối): Ai bảo vệ người tiêu dùng?

Sau hàng loạt vụ thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất độc hại tràn lan trên thị trường được các cơ quan thông tin đại chúng trong nước “chỉ mặt đặt tên” khiến dư luận không khỏi lo lắng! Và câu hỏi như một thách thức: ai sẽ bảo vệ cho người tiêu dùng?

Việc sử dụng hóa chất trong nuôi, trồng, chế biến thực phẩm; thông tin bún, giò chả ngậm phụ gia hóa chất; men Trung Quốc ngập các lò rượu; bán thịt trâu lạ treo thịt bò, đến phát hiện hoa quả ép chín bằng thuốc cấm Trung Quốc đã dấy lên nhiều lo ngại cho người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này lực lượng chức năng đã ngăn chặn được nhiều vụ vi phạm, như Đội Cảnh sát Môi trường Công an TP Thanh Hóa đã bắt giữ xe khách chạy tuyến Nam Định - Thanh Hóa vận chuyển hơn 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã bốc mùi hôi thối; 4.800 quả trứng gà nhập...

 Anh_01.jpg
Công an TP Thanh Hóa và Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh phát hiện bắt giữ,
tiêu hủy 4.800 quả trứng gà nhập lậu từ Trung Quốc ngày 29/8.

Kinh tế ngày càng phát triển, những năm gần đây, trên địa bàn TP. Thanh Hóa xuất hiện ngày càng nhiều nhà hàng, quán ăn, đặc sản vùng, miền hầu như chẳng thiếu thứ gì. Phía thực khách thì vô tư ăn uống nhưng mấy ai dám chắc có được bao nhiêu phần trăm thực phẩm trong số đó là bảo đảm vệ sinh an toàn(!) Đây quả là câu hỏi khó không chỉ với bản thân người tiêu dùng mà ngay cả với cơ quan quản lý.

Rõ ràng tình trạng phụ gia, gia vị thực phẩm được bày bán công khai mà  phần lớn chưa được kiểm soát về chất lượng đang là vấn đề nhức nhối. Việc kiểm tra, kiểm soát hầu như chỉ được thực hiện tại các đại lý, hộ kinh doanh cố định, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại chứ gần như vắng bóng tại các chợ truyền thống. Chính vì vậy nên tại các chợ, việc bày bán gia vị, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc diễn ra càng “vô tư” hơn...

Trên thực tế, việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng gia vị, phụ gia thực phẩm thuộc về trách nhiệm của ngành Công thương và Y tế, nhưng do một số quy định còn chồng chéo nên rất khó phân định được trách nhiệm quản lý cụ thể của từng ngành.

Ông Đỗ Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Sở Y tế) cho biết, hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm đang được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo và đã có những văn bản quan trọng như NQ 04 ngày 18/8/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh, kế hoạch hành động ban hành theo QĐ 3517 của UBND tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trong đó có Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục xây dựng các chính sách, cơ chế, kế hoạch nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của nghị quyết và KH hành động.

Tuy nhiên, nhiệm vụ quản lý được phân công cho 3 ngành chính: Y tế, Nông nghiệp và Công thương, trong mỗi ngành lại có phân công cho các cơ quan, đơn vị khác nhau; ngoài phân công còn có phân cấp từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện nên dẫn đến thiếu đồng bộ.

Như vậy, Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm không có thẩm quyền kiểm tra. Riêng tại các chợ, hầu hết tiểu thương đều kinh doanh tổng hợp nhiều mặt hàng nên chỉ có QLTT mới có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát. Còn theo Chi cục QLTT tỉnh, về nguyên tắc, gia vị, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ không được phép lưu thông trên thị trường nên nếu ai kinh doanh buôn bán là vi phạm. Nhưng phía cơ quan QLTT chỉ kiểm tra về nhãn mác, hóa đơn chứng từ cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh, chứ việc kiểm định về thành phần, chất lượng của những sản phẩm trên là việc làm không dễ.

Tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nhưng hiệu quả từ việc thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng vẫn còn nhiều hạn chế. Phải chăng do hoạt động quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, hoặc các ngành liên quan chưa phối hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ (nếu không muốn nói là khá lỏng lẻo!). Do đó, rất cần một giải pháp đủ mạnh để sớm dẹp được vấn nạn trên.

Doãn Tài

 

 

Các tin khác:
  • Loạt bài: Loạn cấp giấy chứng nhận sức khỏe (22/08/2017-8:27)