Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: Lê Dung
Nói đến xứ Thanh là nói đến “nơi có thiên nhiên đẹp nhất, cũng như giàu kỷ niệm lịch sử hay truyền thuyết nhất Đông Dương”. Đó là nhận định của H. Le Breton khi mở đầu cuốn sách của mình, song cũng không phải điều gì mới mẻ, bởi trước đó vài thế kỷ, sử gia Phan Huy Chú đã từng múa bút mà họa nên cảnh “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh (...). Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa họp tụ lại nảy ra nhiều văn nho...”. Thế nhưng, khi viết về lịch sử mảnh đất đầu Trung kỳ này, tác giả của “Thanh Hóa đẹp tươi” lại có một câu đúc kết vô cùng sắc sảo và giàu tính biểu tượng: “Thanh Hóa, nơi diễn ra các bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử nước An Nam”! Đương nhiên, đó không phải là một “lời có cánh” dành ngợi ca xứ này, càng không phải một cách tác giả khoe tài liên tưởng của bản thân. Bởi một lẽ giản đơn, ông đang nói đúng sự thật mà thôi.
Vinh dự và tự hào khi trên hành trình ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa đã ghi những dấu ấn đặc biệt đậm nét. Mảnh đất này đã sớm bước lên vũ đài chính trị, với những tên tuổi vô cùng nổi bật, từ Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi đến Nguyễn Hoàng, Trịnh Kiểm; với những triều đại quân chủ vang danh lịch sử, từ Tiền Lê, Hậu Lê đến Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn; với những địa danh mà mỗi lần nhắc đến đều gắn với hai chữ tự hào là Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Gia Miêu, Yên Trường; với những cuộc khởi nghĩa đã thấm máu biết bao tên người, từ khởi nghĩa Bà Triệu vùng Ngàn Nưa khiến “toàn Giao Châu náo động”, đến khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài suốt 10 năm ròng để “mở nền thái bình muôn thuở”... Sự sôi động của các sự kiện và nhân vật lịch sử trải ra trên mảnh đất này qua nhiều giai đoạn đã khiến người ta phải thốt lên “không có một ngã ba đường nào (ở Thanh Hóa - PV) mà không còn như lưu lại những vang vọng của giáo gươm xô sát”...
Cũng là một học giả người Pháp và cũng có công trình nghiên cứu, điền dã công phu về Thanh Hóa, C. Robequain trong tác phẩm “Tỉnh Thanh Hóa” lại nhận định, Thanh Hóa “không phải chỉ là một đơn vị hành chính mà cả một xứ, một tập hợp hài hòa, quanh vùng đất châu thổ các quả đồi cao dần lên thành núi, một đơn vị thật sống động, đa dạng, qua đó phát hiện ra hơn là hiệu quả của ngẫu nhiên, sự biểu hiện của những quy luật sâu xa”. Nên lý giải thế nào về câu nói này để làm nổi bật lên ý nghĩa và giá trị được đúc kết nguyên vẹn trong một từ “xứ” ấy? Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” không chỉ bởi không gian địa lý hay các kỳ quan thiên nhiên, mà với sự hòa quyện giữa hai nét tính cách lịch lãm, tế nhị của xứ Bắc và chất phác, mộc mạc của miền Trung, Thanh Hóa được biết đến là mảnh đất của sự chân thực mà đầy huyền bí, nhờ bởi sự đa dạng và khá nguyên sơ của văn hóa bản địa. Và đáng tự hào hơn cả khi là nơi phát tích của nhiều nền văn minh, mà nổi tiếng nhất là Núi Đọ và Đông Sơn (TP Thanh Hóa), bên cạnh những Mái Đá Điều (Bá Thước) hay hang Con Moong (Thạch Thành).
Mảnh đất của những thiên sử thi cổ kim và truyền thống văn hiến đã hun đúc nên những phẩm chất đặc biệt cho con người xứ Thanh, như nhận định của nhiều học giả, đó là bản tính “phóng khóang”, “cương nghị” và “trọng điều nghĩa”. Để rồi, cùng với hành trình “mang gươm đi mở cõi” của chúa Nguyễn Hoàng, người Thanh Hóa đã “gieo” cái bản tính tốt đẹp ấy trên những vùng đất mình đặt chân đến và định cư lâu dài. Đó là chưa kể, trong quá khứ, người Thanh Hóa đã có mặt ở khắp mọi vùng lãnh thổ quốc gia. Đó được xem như những cuộc di cư của người dân xứ này, mà giá trị nó mang lại, như PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế trong bài viết “Góp phần trả lời câu hỏi “Thanh Hóa có từ bao giờ?”, đã nhận định: “Người Thanh Hóa hay nhân tố Thanh Hóa là hết sức đặc biệt, đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong quá trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Nhân tố này đã góp phần đặc biệt tạo thành Việt Nam như đã và đang có”!
Suốt mấy nghìn năm, vó ngựa của những đấng minh quân, những bậc hào kiệt đã thả dọc theo vạn lý giang sơn mà định nên lãnh thổ, cương vực quốc gia dân tộc. Và, cũng chừng ấy thời gian, vô số cuộc biến thiên đã diễn ra trên mảnh đất này. Song, dẫu bánh xe lịch sử có chênh chao, gập ghềnh đến mấy thì xứ Thanh vẫn luôn là đất “thang mộc”, là “phên dậu” Tổ quốc. Chẳng thế mà, những cái tên Hàm Rồng – Nam Ngạn, Phà Ghép, Đò Lèn, Lạch Trường đã trở thành biểu tượng của chiến thắng trong thời đại Hồ Chí Minh; chẳng thế mà Bác Hồ lúc sinh thời luôn dành nhiều quan tâm và đã 4 lần về thăm Thanh Hóa... Đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, cùng muôn vàn khó khăn giai đoạn “tiền đổi mới”, Thanh Hóa ngày nay đang nắm bắt những vận hội mới để không ngừng vươn dậy và tạo nên những sự đổi thay chưa từng có. Với các điều kiện cơ bản về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, các giải pháp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và sự vận hành của nền hành chính công ngày càng linh hoạt, nhanh gọn và hiệu quả... đã tạo điều kiện để Thanh Hóa đạt được những thành tựu mới trong phát triển. Điển hình là từ đầu năm 2017 đến nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước đạt 7,32%; năng suất lúa vụ chiêm xuân ước đạt 65 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay; du lịch tăng gần 11% so với cùng kỳ, với việc đón khoảng 4,3 triệu lượt khách; tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 6,3 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay... Đó là những “cái nhất” đáng kể cũng là những chỉ số tăng trưởng, phát triển có khả năng phản ánh bức tranh kinh tế tương đối sáng sủa của Thanh Hóa hiện nay.
Trên nền chung ấy, diện mạo và kết cấu hạ tầng đô thị, với điểm nhấn là TP Thanh Hóa – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và TP Sầm Sơn – trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, là những nét mới dễ thấy nhất của Thanh Hóa những năm gần đây. Cùng với đó là nhiều đô thị như thị xã Bỉm Sơn, thị trấn Ngọc Lặc... sẽ được nâng cấp trong thời gian tới để có thể làm tốt vai trò trung tâm của một vùng kinh tế. Trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế thì sự hoàn thiện của kết cấu hạ tầng giao thông có thể tạo ra “chất xúc tác” quan trọng, không chỉ giúp kinh tế lưu thông, mà còn phản ánh quy mô và tốc độ phát triển của bản thân nền kinh tế ấy. Với khoảng 23.900 km đường bộ và đứng tốp đầu cả nước về chiều dài quốc lộ đi qua địa bàn, khi có tới 1.300 km, gồm nhiều tuyến đường quan trọng như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh; cùng với đó là 120 km đường sắt, hệ thống đường thủy nội địa với 30 tuyến sông và 1.889 km kênh và Cảng hàng không Thọ Xuân được đánh giá là một trong những sân bay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước... Có thể nói, với hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, trong tương lai gần, đây sẽ là nhân tố tích cực góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn...
Lan man một hồi để quay lại với câu hỏi: Rốt cuộc thì cái “quy luật sâu xa” nào vẫn tồn tại và vận động trên mảnh đất này, suốt hàng chục thế kỷ qua? Liệu phải chăng, bởi xứ này luôn “là một thánh đường bảo tồn mọi kỳ vọng của chủng tộc” hay “miền đất đã được chọn” - như nhận định thú vị của một học giả phương Tây?! Gần một nghìn năm cho sự xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa, thế nhưng sự tồn tại của mảnh đất này đã gắn chặt với tiến trình địa lý và lịch sử của quốc gia dân tộc, kể từ buổi Hùng Vương dựng nước. Để rồi ngày nay, trong sự phát triển của mình, Thanh Hóa đang tịnh tiến dần đến cái hàm nghĩa tốt đẹp của chính danh xưng ấy, đó là “Cái đức của người dân hóa thành thanh cao, trong sáng” - như lý giải của PGS.TS Nguyễn Minh Tường trong bài viết “Về bối cảnh và sự ra đời Danh xưng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc”.
Theo Khôi Nguyên/Báo Thanh Hóa điện tử