Ảnh minh họa
Song vừa qua, người đại diện cao nhất của Trung tâm bất ngờ tuyên bố việc thu phí tác quyền trên sẽ được tiếp tục, dự kiến triển khai trong tháng 10 tới. Tuyên bố này một lần nữa lại dấy lên nhiều quan ngại mới.
Đúng luật nhưng khó chứng minh
Trao đổi với báo giới, nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, Trung tâm được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho phép tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn từ ngày 19/8.
Mức phí áp dụng không thay đổi 25.000 đồng mỗi tivi/năm. Đây là con số được tham khảo từ mức thu ở nhiều nước trên thế giới do Liên minh quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhạc sỹ (CISAC) cung cấp.
Ngoài ra, Trung tâm cũng căn cứ điều kiện thực tế tại Việt Nam, tham khảo ý kiến các nhạc sỹ, tác giả, Bộ Tài chính và các cơ sở kinh doanh.
Trung tâm sẽ không truy thu các đơn vị chưa đóng tiền bản quyền trong thời gian dừng thu phí từ ngày 26/5-18/8. Dự kiến đầu tháng 10, Trung tâm sẽ tiến hành thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi trong các khách sạn.
Cùng với việc ấn định mức thu, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng đã đưa ra những phân tích về cơ sở pháp lý và lộ trình triển khai thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại phòng lưu trú khách sạn.
Về cơ sở tính tiền tác quyền, bên cạnh những căn cứ pháp lý, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam căn cứ vào hình thức cùng tần suất sử dụng tác phẩm để tính mức nhuận bút trọn gói 25.000 đồng/phòng/năm cho việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với toàn bộ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế của thành viên của Trung tâm trong các chương trình truyền hình trên các kênh truyền hình được phát thông qua thiết bị truyền tải tivi tại phòng lưu trú của khách sạn. Điều này là có cơ sở pháp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trước thực tế, rất khó để kiểm đếm số lượng tivi của các phòng khách sạn, ông Phương cho rằng, Trung tâm chỉ thu tiền tác quyền từ các cơ sở sử dụng tivi tăng khả năng thu lợi nhuận. Các cơ sở này phải có nghĩa vụ chia sẻ lợi nhuận cho các tác giả.
Nếu đơn vị nào khẳng định được tivi đó không sử dụng nhạc từ quảng cáo, xem phim hay bất kỳ phương diện thể hiện khác thì sẽ không phải đóng tác quyền âm nhạc trên tivi.
Hơn nữa Trung tâm cũng để các đơn vị kinh doanh chủ động kê khai số lượng tivi của mình, chứ không tổ chức một lực lượng kiểm đếm.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng thừa nhận chưa có đủ năng lực về tài chính để đầu tư kỹ thuật, thiết bị hiện đại nhằm “đo đếm” chính xác tác phẩm được sử dụng trên các kênh truyền hình.
Việc phân phối, chi trả tiền sử dụng quyền “biểu diễn tác phẩm trước công chúng” thu được từ hình thức sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được dựa vào danh sách tác phẩm tổng hợp từ các Đài, các kênh truyền hình kê khai, cung cấp (mỗi năm 1 lần).
Số tiền thu được, Trung tâm thực hiện phân phối vào quý 4 mỗi năm. Đây là phương án phân phối tối ưu nhất mà Trung tâm đã tham khảo các tổ chức thành viên quốc tế đối với hình thức cấp phép và thu tiền sử dụng các tác phẩm âm nhạc thông qua thiết bị truyền tải tivi tại các phòng lưu trú của khách sạn.
Đánh giá về việc thu tiền tác quyền từ các cơ sở sử dụng tivi của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, luật sư Trần Anh Dũng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng trước hết phải khẳng định việc thu tác quyền tác phẩm âm nhạc đối với đơn vị kinh doanh là cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của tác giả.
Đối với trường hợp thu tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn cần có phương pháp hay thuật toán nào đó để tính toán mức độ sử dụng tác phẩm âm nhạc Việt Nam của một tivi.
Bởi việc sử dụng tác phẩm âm nhạc của mỗi tivi hay mỗi khách sạn sẽ rất khác nhau.
Chưa kể có những địa phương kinh doanh du lịch theo mùa thì những mùa khác gần như không có khách và không sử dụng tivi. Vì vậy, tác giả và người sử dụng cần có thỏa thuận để tính toán một mức hợp lý chứ không thể tùy tiện áp đặt một mức không có cơ sở rõ ràng.
Luật sư Dũng cho biết thêm, nếu phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đưa ra mức thu không có cơ sở rõ ràng, người sử dụng có thể không tuân thủ vì đây là giao dịch dân sự giữa hai bên, thuận mua vừa bán.
Trung tâm muốn đòi bồi thường tiền tác quyền cần chứng minh mức độ, tần suất sử dụng tác phẩm của khách sạn.
Cần lộ trình cụ thể
Trước tuyên bố của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng cho rằng đây chỉ là một hình thức truyền thông.
Thực tế còn rất nhiều việc phải làm. Chỉ tính riêng về truyền thông, Trung tâm cũng cần có một lộ trình, trong đó tập trung vào các đối tượng chuẩn bị thu, công khai với thành viên của mình…
Còn tới đây, Trung tâm có nhận được sự đồng thuận với tổ chức/cá nhân sử dụng âm nhạc hay không hoặc nếu các bên không thống nhất được mức thù lao thì vẫn còn phải bàn, thậm chí phải đưa ra tòa giải quyết.
Theo ông Hùng, Cục Bản quyền tác giả trước đó đã yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam dừng thu phí tác quyền tại các phòng lưu trú khách sạn có sử dụng tivi là để làm rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của các cá nhân có trách nhiệm dân sự liên quan.
Việc làm này sẽ thực hiện cho đến khi Trung tâm xác định tác giả thành viên uỷ quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán thỏa thuận với tổ chức/cá nhân khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Làm rõ được các vấn đề đó thì việc thu phí mới được tiếp tục.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho rằng việc thực hiện bảo vệ quyền tác giả tác phẩm âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đúng với quy định luật pháp hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, để việc làm này thực hiện có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, Cục Bản quyền tác giả đề nghị Trung tâm phải thực hiện đúng quy trình, có lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác, sử dụng tác phẩm.
Dễ dàng nhận thấy, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiến hành thu tiền tác quyền đối với việc sử dụng tivi trong các khách sạn là học tập ở một số nước có những quy định về bản quyền rõ ràng, những công cụ “đo đếm” chính xác, được tiến hành minh bạch. Đây là những điều kiện chưa hội tụ đủ ở Việt Nam.
Trong khi mọi thứ còn chưa rõ ràng, chưa tạo được sự đồng thuận giữa các bên liên quan thì việc làm của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tất sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là đối với chủ trương phát triển du lịch của đất nước.
Và câu chuyện về thu phí tác quyền qua tivi tại các khách sạn sẽ vẫn chưa có hồi kết.
Theo TTXVN