Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Phí tác quyền âm nhạc:
Dù 2.000 đồng cũng phải hợp lý (16/09/2017-14:43)
    Mặc dù tháng 10/2017, việc thu tác quyền âm nhạc tính theo đầu ti vi trong khách sạn sẽ được Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) VN tiếp tục thực hiện trên phạm vi cả nước nhưng đến nay sự việc này vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa có hồi kết.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC: Khách xem tivi hay không, khách
sạn vẫn phải trả tiền tác quyền

Sau những ồn ào khi Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc VN thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam thực hiện thu phí tác quyền âm nhạc khi mở ti vi tại các khách sạn ở Đà Nẵng với mức giá 25.000 đồng mỗi phòng một năm, cuối tháng 5/2017, Cục Bản quyền Tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với VCPMC. 
Cục bản quyền cho rằng việc thu phí của VCPMC đúng với luật lệ Việt Nam và quốc tế nhưng Trung tâm cần nghiên cứu lộ trình thu phí mới chặt chẽ, phù hợp và đề nghị tạm dừng việc thu phí tác quyền này. Tại buổi làm việc này, ông Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC - cho biết sẽ chấp hành ý kiến chỉ đạo của Cục và tập trung nghiên cứu, hoàn thiện quy định thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi.

Gần đây, ngày 11/9/2017, trong buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết đơn vị của ông được Cục Bản quyền Tác giả cho phép tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn từ ngày 19/8/2017. Mức phí áp dụng không thay đổi 25.000 đồng mỗi tivi một năm (khoảng 2.000 đồng/tivi/tháng). Trung tâm sẽ không truy thu các đơn vị chưa đóng tiền bản quyền trong thời gian dừng thu phí - từ ngày 26/5/2017 đến 18/8/2017.

Theo báo cáo của VCPMC, mức phí 25.000 đồng được tham khảo từ mức thu ở nhiều nước trên thế giới do Liên minh quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhạc sĩ (CISAC) cung cấp. Ngoài ra, VCPMC cũng căn cứ điều kiện thực tế tại Việt Nam, đồng thời tham khảo ý kiến các nhạc sĩ, tác giả, Bộ Tài chính và các cơ sở kinh doanh. Theo VCPMC, mức thu gần như không thay đổi trong 10 năm qua. Còn việc chi tiền tác quyền, VCPMC sẽ quyết toán 4 kỳ 1 năm (cuối mỗi quý). Sau khi trừ chi phí hành chính, tiền tác quyền thu về được sẽ chia đều cho các nhạc sĩ trong danh sách các bài hát đã được ủy quyền.

Tuy nhiên, khi VCPMC đưa ra mức phí cũng như cách chi trả này thì đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhất là phản hồi từ các khách sạn là đối tượng phải nộp phí.

Ông John La, CEO của little hoian group, TPHCM, cho rằng, chuỗi khách sạn little hoian của ông hàng năm sử dụng khoảng 78% công suất với khoảng 80% khách Mỹ, châu Âu, 10% khách châu Á, chỉ có khoảng 10% là nội địa. Với số lượng khách nước ngoài chiếm đến 90% như thế thì họ không bao giờ mở tivi để nghe nhạc Việt vì họ có hiểu gì đâu, chưa kể khách sạn phải mua gói cước truyền hình quốc tế và phải trả phí dịch vụ truyền hình hàng tháng.

Đại diện một khách sạn lớn ở Hà Nội, cho biết, khách sạn đã nhận được công văn về việc thu tác quyền âm nhạc. Khách sạn luôn ủng hộ việc sở hữu quyền sở hữu tác phẩm theo Luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên cách tính cũng như giá cả đề ra phải đúng. Vấn đề đặt ra là khách sạn đã trả tiền dịch vụ cho truyền hình cáp thì truyền hình cáp phải là đối tượng mua bản quyền và các bên phải thỏa thuận với nhau chứ tại sao khách sạn lại phải trả phí bản quyền. Hơn nữa, muốn thực hiện việc thu bản quyền phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh việc ủy quyền của các tập thể, cá nhân có tác phẩm và việc chi trả cho các tác phẩm đã ủy quyền đó như thế nào, theo hình thức nào? Dù phải trả nhiều hay ít thì đều cần sự rõ ràng. Dù chỉ 2.000 đồng mỗi tivi một năm cũng phải hợp lý.

Một đại diện khác của một khách sạn 5 sao cạnh Hồ Tây, Hà Nội, cho rằng việc thu tác quyền trên tivi là vô lý và buồn cười vì nếu muốn khách hàng trả tiền dịch vụ thì phải chứng minh được khách hàng đã sử dụng dịch vụ đó. Không thể cứ tính trên đầu tivi rồi nhân ra số tiền phí phải nộp. Bởi khi một tác phẩm được phép sử dụng và tuyên truyền rộng rãi đến công chúng trên sóng truyền hình thì đương nhiên tác phẩm đó phải được cho phép rồi. Còn người nghe có bật tivi hay không là quyền của họ. Việc cố tình áp đặt thu phí theo kiểu nếu khách sạn không chứng minh được là khách sạn không sử dụng tác phẩm âm nhạc đó trên tivi thì vẫn phải nộp phí chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mà thôi. Hãy cùng chờ xem.

Theo Lan Hương - Hiền Nam/Báo Phụ nữ VN

 

 

Các tin khác:
  • Thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi ở khách sạn: Vẫn chưa có hồi kết (16/09/2017-14:39)
  • Những điểm du lịch nhất định không thể bỏ qua trong tháng 9 (08/09/2017-14:16)
  • Những bộ phim Việt về nghề làm báo (07/09/2017-8:17)
  • Bảo tàng nghìn tỷ, “Bội thực” sao vẫn muốn xây mới? (06/09/2017-7:56)
  • “Thanh Hóa đẹp tươi” (05/09/2017-16:27)
  • Ra mắt cuốn tự truyện đi tìm công lý cho nạn nhân da cam (31/08/2017-16:18)
  • Chương trình nghệ thuật “Tự hào Tổ quốc Việt Nam” lần thứ 2 (31/08/2017-12:22)
  • Giá trị - tiêu chí cao nhất để tôn vinh (30/08/2017-22:07)
  • Rạp chiếu phim mới ra mắt trở thành điểm vui chơi thu hút giới trẻ (30/08/2017-15:08)
  • Quá khứ trước mặt ta (24/08/2017-8:51)