Tượng nghê - hiện vật Bảo tàng Thanh Hóa
Chiến dịch ấy ra đời ở thời điểm nhiều chuyên gia lên tiếng về việc các công sở, di tích, cơ sở tôn giáo... của Việt Nam đang tùy tiện sử dụng các sản phẩm, biểu tượng ngoại lai, gây ra cái nhìn méo mó về văn hóa bản địa. Trong số đó, những con sư tử đá Trung Quốc (vốn được dùng để canh lăng mộ) là đối tượng được "điểm mặt" nhiều nhất.
Bởi thế, khá dễ hiểu, khi công văn “dẹp” linh vật ngoại của Bộ VH,TT&DL nhận được sự đồng thuận lớn từ dư luận. Và, trong cuộc tọa đàm sau 3 năm thực hiện công văn này (diễn ra trong các ngày 17, 18/10 tại Ninh Bình), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm cho biết: nhiều địa phương đã chủ động "trục xuất" các linh vật ngoại lai này khỏi các điểm di tích.
Cho đến thời điểm này, tại các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra, việc cung tiến sư tử đá vào di tích đã chấm dứt về cơ bản. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận lớn người dân (trong đó có cả cán bộ quản lý) hoàn toàn không có ý thức về xuất xứ, nguồn gốc của các biểu tượng, sản phẩm ngoại lại. Do vậy, việc bày tượng sư sử đá, tì hưu, kỳ lân... tại các công sở hoặc không gian công cộng vẫn khá phố biến.
"Thẳng thắn, nhu cầu tâm linh của cộng đồng, đặc biệt là của nhiều doanh nghiệp và quan chức, là khá cao. Và, khác với các di tích, việc sử dụng linh vật tại nhà riêng hay văn phòng doanh nghiệp lại là vấn đề tế nhị và phần nào thuộc về quyền tự do của từng cá nhân hay công ty" -TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nhận xét - "Ở mảng này, tôi nghĩ ta chỉ có thể tuyên truyền, còn tiếp nhận tới đâu là tùy thuộc vào nhận thức của họ".
***
Thực chất, ngay từ khi "chiến dịch trục xuất sư tử đá" được phát động, nhiều nhà nghiên cứu đã nhắc tới sự cần thiết của những linh vật thuần Việt để đáp ứng nhu cầu có thật từ cộng đồng. Nói cách khác, chỉ khi có sự thay thế ấy, việc đẩy lùi những sản phẩm tâm linh lai căng, mới có thể diễn ra trọn vẹn.
Thế nhưng, dù đã bước đầu được sản xuất tại một số địa phương, những linh vật được lấy cảm hứng từ văn hóa Việt như nghê, rồng, sấu đá...dường như vẫn có chút khó khăn trong việc tiếp cận với người tiêu dùng. Như nhận xét chung, đối tượng mua các linh vật "thuần Việt" này để sử dụng vẫn chủ yếu là những người nghiên cứu văn hóa, một số công sở nhà nước hoặc giới sưu tập.
Đặc biệt, chính những đơn vị chế tác các linh vật thuần Việt này cũng có những lo lắng nhất định. Việc chế tác này không thể "rập khuôn" nguyên bản các linh vật Việt tại đình, chùa, mà cần có sự sáng tạo khá công phu để phù hợp với thẩm mỹ của người dùng - nhất là trong việc tạo hình cho các sản phẩm nhỏ như chặn giấy, vòng, khánh treo trong ô tô... Thế nhưng, với tình trạng xâm phạm bản quyền như hiện nay, việc các các mẫu mã này bị ăn cắp là rất dễ xảy ra.
Để các doanh nghiệp tự tin theo đuổi công việc này, ngành quản lý nên có những cơ chế hỗ trợ phù hợp, mà cụ thể nhất là nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp địa phương được độc quyền bán những linh vật thuần Việt tại các điểm di tích. "Chẳng hạn, chúng tôi được độc quyền bán sản phẩm nghê Việt của mình tại đình vua Đinh ở Ninh Bình. Khi ấy, những thiệt hại do nạn xâm phạm bản quyền sẽ bị hạn chế phần nào" -ông Phạm Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Vạn Bảo Ngọc (Ninh Bình) cho biết.
Rõ ràng sau khi đuổi được “linh vật ngoại” rồi thì phải tìm mọi cách để “linh vật thuần Việt” tiếp quản được khoảng trống để lại.
Theo Sơn Tùng/Báo Thể thao và Văn hóa