Nhà báo Nguyễn Thanh Phong (phải) và Nhà văn Nguyễn Một.
Tại buổi ra mắt, các tác giả cho biết, sách có mục đích giúp mọi người cùng nhìn nhận, nhắc nhở nhau sống đúng, đẹp với thái độ xây dựng, bằng tấm lòng quảng đại - sự chân thành, giúp thay đổi những hành vi chưa đúng, chưa đẹp còn tồn tại.
“Người Việt tử tế” nói về điều tử tế và cả những điều chưa tử tế trong cộng đồng, và thông qua đó, rút ra bài học để có thể làm những việc tử tế, từ những việc rất nhỏ.
Nhân dịp này, cả hai tác giả đã có cuộc trao đổi với PV báo Tiền Phong:
Tại sao các anh lại ra mắt cuốn sách vào thời điểm này?
Chúng tôi không có tham vọng gì lớn lao và cũng không tính toán gì thời điểm ra sách. Bản thảo giao cho NXB Phụ nữ kế hoạch in ấn và xuất bản là của họ. Nhưng chúng tôi rất ý thức khi viết những bài viết này. Khi xã hội còn nhiều điều chưa tử tế thì mình cần viết những câu chuyện tử tế, với mong muốn đóng góp một phần nhỏ trong việc làm cho cuộc đời đẹp hơn.
Thế nào là sự tử tế? Ranh giới giữa không và có nhiều khi không xác định rõ được: Có người làm việc tưởng như không tử tế nhưng sau lại hóa ra là rất tử tế?
Sự tử tế mà chúng tôi muốn nói đến không có gì to tát, mà là những việc bình thường trong cuộc sống, những ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Người làm việc tử tế tự mình biết, lòng mình hay, đâu cần phải ai biết, ai phán xét và ai
phân định.
Một người nếu đã từng không tử tế thì có thể trở lại làm người tử tế được không? Ví dụ một người từng tham ô tham nhũng, trộm cắp. Khi hoàn lương, anh ta làm những việc thiện thì có phải là người tử tế không?
Không ai không thể làm người tử tế, cho dù hôm qua họ là ai. Chúng ta không lấy bất cứ quá khứ của ai để phán xét cả cuộc đời họ, không ai có quyền làm điều đó. “Ai trong các ngươi không phạm tội thì hãy ném đá người đàn bà đó đi”, Chúa Jesus đã nói câu đó với những người muốn ném đá người đàn bà ngoại tình và họ đã không ném đá người đàn bà bị cho là “Tội lỗi”
đó nữa.
Trong câu chuyện về Người Việt tử tế, các anh thường nhắc tới cách đối nhân xử thế của người xưa. Phải chăng so sánh với ngày xưa thì sự tử tế đang mất dần đi trong xã hội hiện tại?
Nếu chịu khó tìm hiểu thì sẽ thấy cha ông mình xưa ứng xử rất có văn hóa và giàu tính nhân văn. Nhưng gần như thời đại văn minh lại làm mai một những tình cảm, lối sống chan hòa và nhân ái đó. Chúng tôi không dám giải thích nguyên nhân do đâu, bởi vì để làm việc đó cần có thời gian nghiên cứu, chúng tôi chỉ kể lại chuyện xưa để người ngày nay chiêm nghiệm.
Có triết lý rằng “người tử tế thường nghèo”, có đúng vậy không? Chọn giữa “Nghèo và tử tế” hoặc “Giàu nhưng không tử tế” thì các anh chọn bên nào? Có cách nào để giàu mà vẫn tử tế hay không?
Nếu nói rằng người tử tế thường nghèo thì e quá phiến diện. Chúng tôi biết có nhiều người rất tử tế nhưng họ vẫn giàu, đóng góp có ý nghĩa cho xã hội. Ngược lại, có nhiều người nghèo tử tế, nhưng cũng có những người nghèo làm nhiều điều không tử tế. Việc tử tế hay không không liên quan gì đến giàu nghèo.
Ở Trung Quốc đã từng có một cuốn sách bán rất chạy là “Người Trung Quốc xấu xí” mà theo tác giả thì cuốn sách đó nhằm giúp mọi người nhận ra điều xấu xí của mình để thay đổi. Viết “Người Việt tử tế”, các anh mong muốn điều gì?
Chúng tôi nghĩ mục đích đều như nhau, đó là mong muốn xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, con người cư xử với nhau văn minh hơn, nhưng mỗi bên lựa chọn cách tiếp cận khác nhau. Tác giả Bá Dương viết những thói hư tật xấu của người Trung Quốc để nhắc nhở mọi người trông vào đó mà sửa đổi, điều chỉnh. Chúng tôi viết những câu chuyện tử tế để mọi người suy nghĩ, cảm xúc về những con người có cách sống tích cực, để hướng thượng, thăng hoa. Tuy nhiên, cũng có khi chúng tôi nói về những chuyện không tử tế để cùng nhau sửa đổi.
Theo Trọng Thịnh/Báo Tiền Phong