Thứ sáu, ngày 22/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Tranh cãi về lịch sử là lẽ thường thấy trong văn chương (13/11/2017-7:41)
    Trong hơn chục năm qua, liên tục 3 cuốn tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh giành được những giải thưởng văn học lớn. Đặc biệt, cuốn “Hồ Quý Ly” được trao 3 giải thưởng văn học từ năm 2000-2002.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Trong một lần trao đổi với tôi về nghề viết, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho rằng, các nhà văn ở nước ta khó có thể sống được bằng nghề, cứ như ông, hơn ba mươi năm viết được 5 cuốn tiểu thuyết, trung bình cứ 6 năm mới viết xong một cuốn, mỗi cuốn được vài chục triệu đồng nhuận bút thì sống bằng văn chương sao nổi.

“Là nhà văn, cứ thấy thích, thấy tâm đắc thì viết thôi! Vì cái nghiệp văn chương của mình, sống để viết thì mình cứ phải viết, được đồng nào hay đồng ấy, không nên đặt kỳ vọng tiền nong gì vào chuyện văn chương cả. Dứt khoát ngay từ lúc mới cầm bút, tôi đã đặt vấn đề như thế rồi. Do vậy, khi bị tai nạn nghề nghiệp, tôi xác định phải chọn một nghề lao động bằng chân tay để kiếm sống. Còn viết thì mình vẫn độc lập, và phải độc lập, phải hoàn toàn tự do, không bị lệ thuộc vào cái gì cả thì mới viết hay được.

Theo tôi, người viết văn ở nước mình phải sống bằng một nghề khác thì mới “nuôi văn” được, chứ còn nếu viết để sống thì chắc cũng không sống nổi và có viết mà phải chiều theo người khác, chiều theo thị hiếu, thị trường thì khó mà viết hay được!”, ông nhận định.

Có một điều ít người biết, trong cuộc đời cầm bút của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ông đã có một khoảng thời gian trắng mênh mông đến hơn hai mươi hai năm không hề in ấn một thứ gì hết. Nhưng rồi sau quãng thời gian im ắng lạ thường này, ông trở lại với hàng ngàn trang tiểu thuyết và lập nên những kỳ tích chói sáng trong văn chương.

Trong thời gian suốt mấy chục năm không thể sống được bằng ngòi bút của mình, ông đã phải làm đủ thứ nghề trên đời. Từ việc đi làm gác đêm cho một xí nghiệp, rồi lang thang hành nghề thợ chữa khóa, đến làm thợ may suốt ngày cặm cụi gò lưng may hàng cho khách. Giai đoạn khó khăn ấy, Nguyễn Xuân Khánh quyết chí đi học nghề thợ may rồi về mở một tiệm may trong cái xóm nhỏ ven đê Trần Khát Chân. Ông may quần áo cho khách và làm hàng may sẵn mang ra bán ở khu chợ trời phố Huế.

Kể lại quá trình viết văn của mình, Nguyễn Xuân Khánh cho biết, từ năm 1958 ông đã bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết “Làng nghèo” trong một đợt đi dự trại sáng tác của Quân đội cùng với các nhà văn: Hoàng Văn Bổn, Phù Thăng, Xuân Sách, Xuân Thiều, Mai Vui, Trúc Hà, Nam Hà… Cuốn tiểu thuyết đầu tay này bắt đầu từ ý tưởng viết về một cái làng kháng chiến, sau này cốt truyện ấy đã được nhà văn phát triển thành cuốn tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011. Sau gần ba chục năm lặng lẽ, năm 1990, Nguyễn Xuân Khánh trở lại văn đàn với cuốn tiểu thuyết “Miền hoang tưởng” (viết từ năm 1970, đến năm 1990 mới được in) và sau đấy là một loạt các tiểu thuyết khác.

Đáng chú ý, với tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” (được trao 3 giải thưởng trong vòng hai năm), Nguyễn Xuân Khánh cho biết, ông đã phải viết đi viết lại trong nhiều năm. Bản thảo đầu tiên ông viết từ năm 1979 là một vở kịch, sau đó viết lại thành tiểu thuyết vào năm 1985, rồi đến năm 1995, sau nhiều suy nghĩ trước sự thay da đổi thịt của công cuộc đổi mới đất nước, ông viết lại cuốn tiểu thuyết này lần thứ ba, mỗi lần viết lại như vậy là một lần nhà văn đào sâu thêm.

Qua cuốn truyện này, nhà văn cũng muốn chuyển tải vấn đề hệ trọng của đổi mới trong lịch sử đất nước đã được các triều đại phong kiến tiến bộ đề cập tới từ nhiều thế kỷ trước. Và hiện tượng Hồ Quý Ly như một bài học lịch sử mà cho đến hôm nay chúng ta vẫn cần phải suy ngẫm. Ông cho biết, ngay trong thời điểm cuốn tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” ra mắt bạn đọc, cũng đã có một số ý kiến muốn phủ định vì cho rằng, Hồ Quý Ly là một nhân vật không chính thống. Người ta không muốn công nhận Hồ Quý Ly ở khía cạnh là một con người muốn “Thay sông đổi núi” vì sự cường thịnh của đất nước mà chỉ muốn thấy vị vua này ở khía cạnh chiếm ngôi báu của nhà Trần trước đó đã có nhiều công lao với đất nước trong ba lần đại phá quân Nguyên-Mông.

Thời gian qua, có nhiều tranh luận trái chiều nhau về việc hư cấu các nhân vật lịch sử của các nhà văn khi viết tiểu thuyết lịch sử. Trao đổi với tôi về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho rằng, có thể chia thành ba loại nhân vật được đề cập đến trong các tiểu thuyết lịch sử: Thứ nhất là các danh nhân có tiếng tăm và là nhân vật chính danh trong lịch sử.

Với loại nhân vật này thì người viết chỉ nên hư cấu trong một chừng mực hạn chế và nên dè dặt, không nên đi quá xa so với chính sử. Thứ hai là loại nhân vật phụ, ít có tiếng tăm trong lịch sử hoặc chỉ được nhắc đến một vài chữ trong lịch sử thì người viết có thể hư cấu nhiều hơn. Thứ ba là loại nhân vật hoàn toàn do người viết hư cấu, không có trong lịch sử nhưng cần có mặt trong tiểu thuyết để góp một cách nhìn, làm rõ những vấn đề còn chưa sáng rõ trong lịch sử.

Nhà văn cũng cho biết, những người viết tiểu thuyết lịch sử hôm nay, ít người khai thác theo kiểu minh họa lịch sử như ngày xưa nữa mà theo khuynh hướng hiện đại, họ thường thông qua lịch sử để đặt những vấn đề mới mà con người hôm nay đang quan tâm.

Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thường nói, ông viết văn từ sự chiêm nghiệm và quan sát lâu dài, bền bỉ của bản thân. Theo ông: “Người ta có 2 cách viết, cách thứ nhất là viết vềmột mảng sống nào đó của đời mình, còn cách thứ hai là viết từ sự tổng hợp những vốn sống mình thu nhận được”.

“Với Hồ Quý Ly thì quan điểm phong kiến cho đấy là nhân vật phản diện, nhưng trong tiểu thuyết của tôi, với cách nhìn mới thì đấy lại là nhân vật tích cực, có đóng góp cho đất nước. Còn đối với những nhân vật chính diện trong lịch sử đã trở thành danh nhân rồi thì việc hư cấu của nhà văn phải rất cẩn trọng. Đối với nhân vật Hồ Quý Ly, tôi đặt ra trong tiểu thuyết của tôi nhiều góc nhìn của các nhân vật lịch sử khác về nhân vật này. Lúc thì dưới cái nhìn của ông Trần Khát Chân, lúc thì dưới góc nhìn của ông Hồ Nguyên Trừng, khi thì nhìn với góc độ của những người thuộc phe Hồ Quý Ly, khi lại nhìn dưới góc độ của những người thuộc phe đối lập, nghĩa là có người khen thì có người chê, có người tán thành lại có người phản biện. Và tôi đưa ra nhiều góc nhìn như vậy để cho độc giả tự đánh giá và đưa ra kết luận chứ tác giả không nên áp đặt chủ kiến của mình, vì nhân vật Hồ Quý Ly có nhiều cái hay và cũng có nhiều cái dở, nếu chỉ đưa một chiều chắc sẽ gặp sự phản ứng gay gắt của dư luận”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho biết.

Bàn về sáng tạo trong tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho rằng: “Viết về nhân vật hay sự diễn biến lịch sử có thật cũng có cái khó. Đó là nếu tác giả non tay, sẽ rơi vào minh họa lịch sử. Cuốn sách sẽ giống như một quyển sử, không có sức hấp dẫn. Vì vậy tác giả phải là người dày công sưu tầm, dày công suy nghĩ, lại phải có trí tưởng tượng phong phú, phát hiện được những điều mới trong cái tưởng như cũ. Ta đã gặp một số quyển sách như thế. Điều này càng làm cho chúng ta thấy vai trò của hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử.

Một vấn đề vô cùng quan trọng trong sáng tác tiểu thuyết lịch sử là vấn đề đánh giá lịch sử. Lịch sử diễn ra với các sự kiện và nhân vật nhất định. Nó diễn ra chỉ một lần và không lặp lại. Ta cứ tưởng như nó hoàn toàn cố định, song không phải. Dưới con mắt của nhiều người khác nhau và những cái nhìn ở những thời đại khác nhau, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau.

Tôi nghĩ tính dễ nhạy cảm, dễ gây tranh cãi cũng là tính hấp dẫn của đề tài lịch sử. Nếu như có tranh cãi, có sự không đồng thuận cũng là lẽ thường và lành mạnh trong một nền văn học dân chủ tiến bộ. Nhà văn viết về đề tài lịch sử chúng tôi trước khi viết đã phải đánh giá lịch sử sao cho công bằng, khách quan khoa học, tránh chủ quan làm sai lệch vấn đề. Nhà văn chịu trách nhiệm về những trang viết của mình. Còn những nhà phê bình, nhà quản lý thì cũng nên bình tĩnh khách quan, tránh thành kiến, đao to búa lớn”.

Theo nhà phê bình văn học Lã Nguyên: “Một trong những cách tân nghệ thuật quan trọng của Nguyễn Xuân Khánh là đổi mới nguyên tắc truyện kể, biến tiểu thuyết thực sự trở thành câu chuyện của mình và về mình, mang đậm dấu ấn của một cá tính sáng tạo. Ông sử dụng kết cấu như một ngôn ngữ nghệ thuật đầy sức mạnh. Tiểu thuyết của ông mở rộng “khung” văn bản, tạo ra một không gian lịch sử có chiều sâu, chứa đựng nhiều lớp văn hoá truyện kể còn lưu giữ trong kí ức nhân loại, mang lại cho chúng những nét nghĩa mới mẻ. Văn hoá xử thế và cặp đối lập “âm – dương” là mã tạo nghĩa truyện kể trong ba cuốn tiểu thuyết gần đây của Nguyễn Xuân Khánh. Dựa vào bộ mã nghệ thuật này, ông đã biến một chủ đề trung tâm liên quan liên quan tới vận mệnh dân tộc trong suốt hàng ngàn năm lịch sử thành ba khúc biến tấu mang tên “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”. Từ “Làng nghèo”, “Miền hoang tưởng”, “Trư cuồng” chuyển qua những khúc biến tấu này, Nguyễn Xuân Khánh chuyển từ tiểu thuyết vạch trần thực tại sang tiểu thuyết luận đề lịch sử.

Tiểu thuyết luận đề lịch sử biến nhân vật thành một hệ thống điểm nhìn phát ngôn cho tư tưởng tác giả, cản trở nhà văn trong việc sử dụng khẩu ngữ và lớp ngôn từ đậm chất văn xuôi. Vì thế, dẫu có nhiều cách tân nghệ thuật thế nào,“Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa” vẫn không vượt ra ngoài khuôn khổ của “lối viết cổ điển”.

Theo Nguyễn Việt Chiến/Báo Công an nhân dân

 

Các tin khác:
  • 100 cuốn sách hay nhất năm 2017 do Amazon công bố (10/11/2017-14:43)
  • Góp ý hoàn chỉnh cuốn sách “Văn hóa dân gian Mường - Thanh Hóa” (10/11/2017-7:50)
  • Thi nhan sắc như “ao làng”: Cần mạnh tay chấn chỉnh! (09/11/2017-8:34)
  • Tử tế không kể giàu nghèo (08/11/2017-10:42)
  • Chung kết Liên hoan nghệ thuật hát về quê hương Thanh Hóa năm 2017 (06/11/2017-17:00)
  • Hội thảo, giao lưu 5 vùng kinh đô xưa và nay năm 2017 (06/11/2017-10:26)
  • Cần có Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn (06/11/2017-8:35)
  • Cuốn sách cho những giá trị xuyên thời gian (02/11/2017-12:23)
  • Khai mạc triển lãm ảnh “Thắm tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga” (02/11/2017-12:21)
  • Thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài (24/10/2017-7:58)