Thứ sáu, ngày 22/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Một đời đam mê hội họa (14/11/2017-15:08)
    Gần 60 năm theo đuổi con đường hội họa, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã có hơn 25 cuộc triển lãm cá nhân trong và ngoài nước với số lượng tác phẩm không thể đếm xuể. Ở tuổi 81, bà vẫn đang vẽ và sẽ tiếp tục vẽ cho đến khi nào không còn đủ sức để cầm cọ…
Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm

Xuất phát không quan trọng… tất cả ở quá trình

Theo họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, điều quan trọng nhất của việc vẽ tranh là ở quá trình phấn đấu chứ không phải điểm xuất phát. Bà chia sẻ con đường mình đến với hội họa như là một cơ duyên. Thuở bé, bà yêu thích và mong muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người, nghề nghiệp mơ ước tiếp là ca sĩ.

Và hội họa có thể nói là một lựa chọn thứ ba, khi hai ước mơ trước đó không thể thực hiện được. Năm 19 tuổi, cô Tâm thi đỗ vào trường hội họa. Bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, cùng một ít năng khiếu bẩm sinh, khi tốt nghiệp cô đã xuất sắc giành ngôi vị thủ khoa khóa Sư phạm Hội họa.

Là một họa sĩ kỳ cựu của nền hội họa Việt Nam, với trên 25 cuộc triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, cô Tâm cho rằng: “Không thể nói nền hội họa xứ mình không xứng tầm với hội họa thế giới”.

Về hội họa, mỗi một quốc gia sẽ thể hiện một nét riêng biệt, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chưa nhìn nhận đúng giá trị của những tác phẩm chân chính, cũng như chưa thấy được hết tiềm năng hội họa Việt Nam.

Đây cũng là một vấn đề khiến cô trăn trở: Làm thế nào để nền hội họa nước nhà được bay xa, bay cao?

Có thể thấy, sen là một đề tài phổ biến trong những tác phẩm của cô Tâm. Chia sẻ về lý do tại sao lại dành tình cảm đặc biệt cho loài hoa ấy, cô nói rằng: “Sen tượng trưng cho sự luân hồi: Sinh, lão, bệnh, tử, như chính đời người”.

Tranh sen của cô được vẽ bằng cách tối giản, loại bỏ đi những màu sắc, đường nét rườm rà, không cần thiết và thường được vẽ trên nền lụa trắng.

Hiện tại, ngoài việc đi thực tế vẽ tranh, cô Tâm còn mở lớp dạy vẽ tại nhà riêng. Cô cho biết, mình khá khó tính trong việc lựa chọn học viên, cô chỉ chấp nhận dạy cho những ai thật sự yêu, thật sự muốn sống và gắn bó với hội họa.

Với cô, việc lập ra phương pháp, kế hoạch cụ thể cho từng mục tiêu ở mỗi giai đoạn là điều tiên quyết để dẫn đến sự thành công. Cô đã tự sắp xếp và lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình trong suốt mấy mươi năm qua và luôn dạy các học viên của mình làm như thế.

Đó cũng chính là lời nhắn nhủ mà cô muốn dành cho thế hệ trẻ tương lai: “Hãy luôn đặt mục tiêu và lên kế hoạch cho cuộc đời mình, điểm xuất phát không quan trọng, tất cả nằm ở quá trình”

Ngoài việc truyền thụ kiến thức chuyên môn, cô Tâm còn là người luôn đồng hành gắn bó và chia sẻ với các học viên của mình. Việc nhìn thấy sự thành công của họ chính là niềm vui to lớn không thể diễn tả thành lời.

Nhiều thế hệ học trò của cô hiện tại đã trở thành những cái tên rất đỗi quen thuộc của làng hội họa Việt Nam: Họa sĩ Diệu Thúy, Trần Quốc Định, Đặng Minh Phương, Vũ Hà Nam, Nguyễn Phi Long, Võ Ngọc Phượng…

Vui buồn với nghề vẽ

Gần 60 năm qua, đi và vẽ đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm. Ở đâu có phong cảnh đẹp là ở đó có những chuyến đi đầy ắp kỷ niệm. Dấu chân cô đã in đậm trên mọi nẻo đường quê hương đất nước, từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau.

Tâm sự về những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời nghệ sĩ, cô Tâm bùi ngùi: “Đi nhiều, vẽ nhiều, thấy được tình cảm mọi người dành cho mình mới thật đáng quý”.

Đó là những lần cô đến vẽ tại các vùng quê xa xôi hẻo lánh. Chính tình cảm chân thành, sự chất phác thật thà của những người chân quê đã để lại trong cô những cảm xúc ngọt ngào. Lúc họ mời cô ly nước, cái kẹo, miếng bánh và đôi khi là những bữa cơm dung dị, thân thương từ những người xa lạ.

Còn nhớ, vào một lần tổ chức triển lãm tại Thụy Sỹ, diễn ra trong 10 ngày, cô Tâm không chỉ ra mắt, giới thiệu những bức tranh lụa sẵn có của mình mà còn tiến hành vẽ tranh thủy mặc tại chỗ.

Tất cả những tác phẩm của cô vừa vẽ xong đều được du khách đến mua ngay, cô vẽ bức nào, bán hết bức đấy. Thế mới thấy được giá trị và tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho người nữ họa sĩ tài ba của Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trong một chuyến đi sáng tác

Cả một đời họa sĩ đâu hẳn chỉ niềm vui… Lần ấy, cô Tâm đến vẽ tại chợ cá Cẩm Hòa thuộc thành phố Hội An, trong khi cô đang loay hoay căng lụa, bày màu chuẩn bị vẽ thì những người phụ nữ xung quanh đã xầm xì to nhỏ:

“Coi cái bà đó kìa, đờn bà hổng lo ở nhà chăm chồng, chăm con, ra ngồi quơ quơ, coi giống bà điên”, câu nói ấy dội thẳng vào tai… đến bây giờ khi nhắc lại, dù đã trải qua hai mươi mấy năm cô vẫn cảm thấy đau lòng.

Bởi theo cô, Hội An được xem là nơi có sự am hiểu tương đối nhiều về hội họa, đó cũng là nơi có số lượng du khách tham quan cao. Ấy thế mà, cô buồn lắm, thương và cảm lắm, cùng là phụ nữ với nhau nhưng tầm suy nghĩ của họ quá hạn hẹp.

Đến bao giờ họ mới có thể hiểu được hội họa, đến bao giờ mới có thể hiểu nghệ thuật là gì? Phải chăng đó cũng chính là một trong những nguyên nhân kiềm hãm sự phát triển của hội họa nước nhà?

Không chỉ vẽ tranh với trái tim chân thành, cô Tâm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Không ít lần, cô cùng với những học trò, đồng nghiệp của mình triển lãm bán tranh gây quỹ từ thiện, cứu trợ đồng bào lũ lụt, giúp đỡ trẻ em tàn tật, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học…

Gia đình vừa là động lực, vừa là thách thức

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1936 tại tỉnh Tiền Giang (Mỹ Tho), lớn lên và sinh sống tại Sài Gòn. Năm 1959 cô tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là Trường đại học Mỹ thuật TPHCM).

May mắn sinh ra trong một gia đình công chức và được thừa hưởng năng khiếu hội họa từ cha mình, có thể nói, gia đình vừa là động lực, vừa là thách thức để cô phấn đấu theo đuổi đam mê. Theo cô Tâm, thành công chính là một cách đền đáp tuyệt vời nhất mà cô muốn dành cho đấng sinh thành.

Bên cạnh đó, chồng cô cũng là một họa sĩ. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để cả hai cùng tiến bộ. Vợ chồng cô thường có những cuộc tranh luận về hội họa rất gay gắt, và sau những lần như thế, cả hai đều học hỏi được rất nhiều điều.

Tuy vậy, đặc thù công việc thường xuyên phải đi xa, không có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình cũng chính là một thách thức đáng kể của một người phụ nữ. Hiểu rõ được điều đó, cô Tâm cố gắng thu xếp, vun vén nhà cửa trước mỗi chuyến đi và luôn dành tình yêu thương, bù đắp cho gia đình mỗi khi trở về.

Ngoài ra, kinh tế cũng là một vấn đề nan giải đối với gia đình một họa sĩ. Được biết, trước đó cô Tâm từng dạy vẽ cho các trường trung học ở Mỹ Tho, Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, nhưng thời gian sau cô nghỉ hẳn và dành thời gian toàn tâm toàn ý cho hội họa. Trang trải cho gia đình, nuôi dạy năm người con và phụng dưỡng cha mẹ già… phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền vẽ và bán tranh.

Đến nay, cả năm người con của cô Tâm đều trưởng thành và có được những thành công nhất định trong cuộc sống. Và một điều đáng mừng là hiện có bốn trong số năm người đang nối bước theo con đường hội họa của mẹ.

Một ngày của cô Tâm tất bật từ sáng đến tối, ngoài thời gian vẽ tranh, cô còn phải lo đủ những việc linh tinh, kể cả làm từ thiện, tiếp khách, đưa đoàn họa sĩ đi thực tế… Đối với nhiều thế hệ trẻ thì họa sĩ Nguyễn Thị Tâm là một tấm gương lao động nghệ thuật không hề mệt mỏi. Sức đi, sức vẽ và thái độ làm việc của cô khiến những ai tiếp xúc đều phải nể phục.

Chị Châu Thị Ngọc Thắm, học trò cô Tâm cho biết: “Hiện nay, cô Tâm vẫn đi và vẽ rất khỏe, cô tinh tế trong cách nhìn nhận và hăng say làm việc khiến tôi rất ngưỡng mộ. Trong công việc, cô tương đối nghiêm khắc nhưng sau đó thì rất thương yêu và gần gũi mọi người”

Ở tuổi 81, đáng ra phải được nghỉ ngơi, vui cùng con cháu thì dòng máu nghệ thuật vẫn cuồn cuộn chảy trong tâm khảm nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm. Hiện tại, cô cảm nhận cuộc sống của mình vô cùng thoải mái. Cô Tâm đã vẽ, đang vẽ và sẽ tiếp tục vẽ cho đến khi nào không còn đủ sức để cầm cọ.

Theo Trúc Đào/Báo GD&Đ

 

Các tin khác:
  • Tìm “nơi nương tựa” cho tác phẩm điêu khắc (14/11/2017-15:06)
  • Tranh cãi về lịch sử là lẽ thường thấy trong văn chương (13/11/2017-7:41)
  • 100 cuốn sách hay nhất năm 2017 do Amazon công bố (10/11/2017-14:43)
  • Góp ý hoàn chỉnh cuốn sách “Văn hóa dân gian Mường - Thanh Hóa” (10/11/2017-7:50)
  • Thi nhan sắc như “ao làng”: Cần mạnh tay chấn chỉnh! (09/11/2017-8:34)
  • Tử tế không kể giàu nghèo (08/11/2017-10:42)
  • Chung kết Liên hoan nghệ thuật hát về quê hương Thanh Hóa năm 2017 (06/11/2017-17:00)
  • Hội thảo, giao lưu 5 vùng kinh đô xưa và nay năm 2017 (06/11/2017-10:26)
  • Cần có Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn (06/11/2017-8:35)
  • Cuốn sách cho những giá trị xuyên thời gian (02/11/2017-12:23)