Nhiều chuyên gia cho rằng, Quảng Nam có vô địch cũng chịu vết gợn tai tiếng.
(Ảnh: Q.Liêm)
Người mừng, kẻ đau
V.League 2017 khiến người ta nhớ đến mặt tích cực chính là ở cuộc đua vô địch. 3 đội bóng Quảng Nam, Hà Nội và FLC. Thanh Hoá quyết ganh đua tới những phút cuối cùng và đoạn kết có hậu thuộc về đội chủ sân Tam Kỳ. Quảng Nam vô địch là cái kết khiến CĐV lạc quan nhất cũng bất ngờ vì trước mùa giải họ vượt mặt rất nhiều đại gia sừng sỏ được đầu tư rất tốn kém và thừa khát khao. Đau nhất trong cuộc chơi này là FLC.Thanh Hoá, khi họ dẫn đầu 2/3 mùa bóng nhưng vẫn khóc hận cuối mùa như nhiều năm qua.
FLC.Thanh Hoá chỉ nên tự trách mình khi họ năm lần bảy lượt bỏ qua cơ hội định đoạt số phận của mình. Từ mùa giải tới, có tin nhà tài trợ khát khao danh hiệu cùng CLB này sẽ không còn mặn mà. Và gần nhất, HLV lão làng Petrovic cũng chính thức chào tạm biệt bóng đá Việt Nam. Trước mắt đội bóng xứ Thanh đang ngổn ngang.
Chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh: Các đội phải lên tiếng để đòi thêm suất... ngoại binh
Cầu thủ ngoại bị hạn chế suất chơi, đồng thời cơ chế tài chính không cho phép khiến nhiều đội bóng chỉ có được chữ ký của “hàng dạt”, làm chất lượng đội hình đi xuống. Nó kéo theo chất lượng chuyên môn của các trận đấu và giải đấu cũng xuống theo. Các CLB sẽ phải lên tiếng, đấu tranh đòi lại quyền đăng ký các suất ngoại binh. Về mặt “đối ngoại”, nó còn giúp các CLB đại diện Việt Nam có thể chơi sòng phẳng với các đối thủ ở AFC Cup và AFC Champions League.
|
Trở lại chức vô địch của Quảng Nam, dù lần đầu làm nên lịch sử nhưng giới chuyên môn cũng không đánh giá cao thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc. Bởi trong một mùa giải gián đoạn liên tục, cuộc chơi đã ít nhiều mất đi tính hấp dẫn. Quảng Nam biết tận dụng thời cơ khi các ông lớn không thể duy trì sự tập trung để lên ngôi. HLV lão làng Lê Thụy Hải không đánh giá cao đội bóng xứ Quảng vì đơn giản ông cho rằng việc Quảng Nam là CLB do bầu Hiển tài trợ và ông bầu này cùng lúc làm chủ nhiều CLB khác khiến giải đấu không thể lành mạnh dù người trong cuộc có khẳng định mình trong sạch. Theo ông Lê Thụy Hải, Quảng Nam có vô địch cũng chịu vết gợn tai tiếng được những người anh em giúp sức tạo ra cuộc chơi không công bằng và nạn nhân như đã biết, đau đớn nhất vẫn là FLC.Thanh Hoá.
|
"Tuổi 17" vẫn như thuở hồng hoang
V.League 2017 khép lại cũng để lại tai tiếng về vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ. Đầu mùa, hậu vệ Sầm Ngọc Đức của Hà Nội có tai tiếng với pha song phi vào chân hậu vệ Anh Hùng (Hải Phòng) khiến dư luận bức xúc thì đến cuối mùa, người đồng đội của hậu vệ gốc Nghệ An là Văn Quyết đang chờ án phạt nguội từ BTC vì hành vi đánh nguội Nghiêm Xuân Tú ở lượt cuối. Đội trưởng ĐTQG đang để mất hình ảnh của mình một cách trầm trọng và có thể Văn Quyết còn mất cả chì lẫn chài. Ngoài không bảo vệ được chức vô địch với đội bóng thủ đô, Văn Quyết còn đối diện án phạt cấm thi đấu mùa tới và chưa kể danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2017 mà Quyết khao khát cũng cónguy cơ rơi nốt. Một kết cục buồn cho Văn Quyết nhưng cũng báo động cho tình trạng bóng đá bạo lực chưa bao giờ hết đất tồn tại trên sân cỏ Việt.
Kế đến vấn đề bức xúc khác là trọng tài. Những sai lầm trên cơ sở năng lực kém cỏi của các ông “Vua áo đen” khiến người ta phải lo ngại cho cả tương lai nền bóng đá. Sau V.League, đã có một Hội thảo bóng đá Việt Nam vừa diễn ra tại TP.HCM để nói về những thực trạng của bóng đá quốc nội. Cựu Còi vàng Việt Nam Dương Mạnh Hùng đã thẳng thắn nói lên nguyên nhân trọng tài trở thành tội đồ của bóng đá nội. Lý do không phải vì năng lực kém, mà họ như con tốt trên bàn cờ thế để phục vụ cho lợi ích nhóm. Trong mùa giải, HLV Lê Huỳnh Đức đã phát biểu suy nghĩ đó. Ông Hùng chỉ trích Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi nhận chức từ mùa bóng 2005 và hứa sẽ tạo ra đội ngũ trọng tài tốt cho bóng đá Việt Nam trong vài năm. Nhưng vấn đề không khó như ông Mùi phát biểu đã trở nên bất khả thi sau hơn chục mùa giải tính từ tuyên bố kia.
V.League "tuổi 17" vẫn như thuở hồng hoang và riêng vấn nạn trọng tài hứa hẹn sẽ còn chưa có hồi kết khi mới đây, VFF đã thông báo có thể từ mùa giải tới không đủ trọng tài có năng lực cung cấp cho V.League. Chuyện phải “nhắm mắt cầu may” thuê trọng tài ngoại điều hành giải đấu như nhiều mùa giải qua ở các vòng đấu cuối cho thấy sự bất lực của cả hệ thống. Sự cố trọng tài Thái Lan vừa được cử sang bắt V.League thì bị xộ khám vì dính líu mua bán độ ở Thai. League thực sự dở khóc dở cười và đau cho cả nền bóng đá.
V.League tự làm mình mất giá vì không có định hướng như nhiều chuyên gia và gần nhất là đúc kết của quyền Chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh sau một năm thử sức trên cương vị mới ngay khi nghỉ thi đấu. Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, bóng đá Việt Nam rất cần những thay đổi theo hướng thực chất thay vì chạy theo phong trào, hô hào khẩu hiệu. Còn khá nhiều thời gian để thay đổi nếu không muốn tụt hậu. Nên nhớ giới chuyên môn có lý do để lo ngại thực trạng đi xuống của bóng đá Việt, đơn giản chỉ cần nhìn 2 đội tuyển được kỳ vọng nhất và là bộ mặt nền bóng đá U23 Việt Nam cùng ĐTQG từ năm 2009 đến nay đã không thể một lần lọt vào các trận chung kết giải khu vực. Còn nếu AFC không thay đổi thể thức tăng đội tuyển tham dự từ 16 lên 24, bóng đá Việt Nam cũng khó mơ quay lại VCK Asian Cup kể từ năm 2007.
Chuyên gia bóng đá Lê Thụy Hải: Một ông chủ mấy đội bóng, có khẳng định sự vô tư cũng khó thuyết phục
Việc có 3 đội bóng cạnh tranh chức vô địch cho tới tận vòng đấu cuối cùng nói là kịch tính tôi thấy cũng không hẳn đúng. Người ta vẫn thường nói một ông chủ không nên có nhiều đội bóng. Thế nhưng, có tới 3 - 4 đội một ông chủ như thế thì anh dù có muốn sòng phẳng, dù khẳng định sự vô tư nhưng vẫn không tránh khỏi có điều gì đó gợn ở trong, kém đi sự thuyết phục.
V.League năm nay có điểm lạ là có tới 3 đội cạnh tranh chức vô địch đến vòng đấu cuối cùng trong khi những đội thuộc nhóm cuối bảng điểm thấp quá. Long An xuống hạng 10 điểm, làm gì có mùa giải nào như thế. Bóng đá Việt Nam mười mấy năm chuyên nghiệp rồi mà chất lượng như vậy tôi nghĩ là kém, còn về công tác tổ chức, phải thừa nhận đã nảy sinh nhiều vấn đề, còn lộn xộn, mùa giải ngắt quãng nhiều, như vậy là sắp xếp lịch thi đấu chưa tốt.
SEA Games, giải vô địch châu Á hay World Cup U20 đều có lịch từ 2 năm rồi mà lịch thi đấu của V.League vẫn phải điều chỉnh bị động. Còn về trọng tài, nhiều người mắc sai lầm, bị kỷ luật, và khi phải mời trọng tài ngoại chứng tỏ chính BTC, Ban trọng tài không tin vào năng lực bản thân nữa.
Theo baovanhoa.vn