Một lễ hội ở Ninh Bình. Ảnh minh họa, nguồn: vietnamtourism.
Kết quả nổi bật
Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Thiện - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng - Bộ trưởng Bộ VHTTDL: Năm vừa qua, toàn ngành VHTTDL đã đạt được những hiệu quả nhất định về kế hoạch công tác và hoàn thành xuất sắc một số nhiệm vụ, mục tiêu phát triển ngành có nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Đặc biệt, năm 2017, “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; “Hát Xoan Phú Thọ” đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản được UNESCO ghi danh là 26 di sản.
Công tác tuyên truyền và quảng bá tích cực, ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được đẩy mạnh gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017, cùng phối hợp với các địa phương, Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công các Ngày hội VHTTDL của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong hoạt động văn hóa”.
Trong năm qua ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đứng thứ 6 trong 10 nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, đứng đầu Châu Á về tốc độ phát triển du lịch và nhận được nhiều danh hiệu danh giá của giải thưởng du lịch toàn cầu. Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa và tổng thu từ khách du lịch đều tăng trưởng vượt mức kế hoạch đề ra, đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa (trong đó 35,7 triệu lượt khách lưu trú), tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỉ đồng, tương đương 23 tỉ USD, tăng 27,5% so với năm 2016.
Yếu kém vẫn còn
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thiện cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số yếu kém trong công tác quản lý nhà nước của ngành như hoạt động nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng sáng tác. Hoạt động lý luận phê bình các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn còn yếu, việc tuyên truyền, quảng bá tác phẩm nghệ thuật hạn chế do nguồn kinh phí khó khăn. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động nghệ thuật biểu diễn vẫn còn bất cập; tình trạng thiếu kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức hoạt động văn học, nghệ thuật tại một số địa phương vẫn còn xảy ra.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các bảo tàng đang trong trình trạng xuống cấp hoặc chưa bảo đảm công năng sử dụng. Hệ thống thiết chế văn hóa hiện có tại một số địa phương, từ cấp tỉnh đến cơ sở thiếu kinh phí hoạt động, hiệu quả hoạt động chưa cao, một số bị sử dụng sai mục đích, bị bỏ hoang, xuống cấp.
Nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; năng lực đội ngũ làm công tác gia đình chưa đồng đều. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá phức tạp và nghiêm trọng ở một số nơi.
“Làm văn hoá rất khó...”
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận những nỗ lực của toàn ngành VHTTDL trong suốt năm 2017. Phó Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề lễ hội và chỉ đạo Bộ VHTTDL đốc thúc, kiểm tra chấn chỉnh các công tác chuẩn bị lễ hội trước Tết Nguyên Đán. Ông cũng nhấn mạnh, làm văn hoá rất khó, nhưng “Bộ VHTTDL là nòng cốt, hệ thống địa phương không làm được bởi lẽ chúng ta tham mưu chưa tốt. Tất cả những chuyện xảy ra trong năm vừa qua từ cấp phép, bài hát đến các cuộc thi sắc đẹp… cần phải lưu ý Việt Nam là đất nước pháp quyền, mọi việc cần phải nghiêm túc thực hiện theo đúng pháp luật”.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trọng tâm năm 2018 sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở trong và ngoài nước; Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hoá, chú trọng công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá phi vật thể; Nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và chỉnh trang cảnh quan, môi trường của các bảo tàng; Tập trung vào các hoạt động quản lý tại một số địa phương, kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch…
Theo Mai Châu/Báo Lao động