Rời phố phường với bếp than đỏ lửa, chúng tôi về với biển. Bạn đồng hành của tôi là một người trẻ cứ mãi xuýt xoa, không hẳn vì cái rét, mà vì những con người và sự vật nơi chúng tôi đặt chân đến không giống lập trình trong đầu cô.
Hoang lạnh thế ư? Cô chỉ tay về phía biển. Hẳn sẽ là kỷ niệm đáng nhớ khi cô lần đầu đến đô thị du lịch Sầm Sơn lại vào ngày trái vụ.
Thưa vắng hơn cảnh bon chen thường thấy những ngày rộ vụ, Sầm Sơn chỉ còn bãi cái ngút ngàn sóng biển lùa đi vết chân dã tràng và ngàn thông reo trên dãy Trường Lệ là vẫn thế.
Chúng tôi đứng trước linh bài Độc Cước dã nhân, mà lòng thấy nhẹ nhàng như trút bỏ được gánh trần ai. Ngàn xưa đã thế, nay vẫn thế, vị thần một chân từng cưỡi sóng biển Đông, đạp kình ngư đuổi lũ quỹ dữ về phía mặt trời mọc đem lại cuộc sống yên lành nhiều tôm, cá cho mấy vạn dân vùng này. Một thiên thần sáng trong và lừng lẫy, tạo dựng cái phúc cho dân, nay đền thờ vẫn còn, dân vẫn đến nhang khói, nhưng lòng dân, tình dân thì không còn cái bản ngã mộc mạc nguyên sơ.
Dọc mép nước giờ không còn là những hàng ghế chờ khách tắm, đoạn ngắn một chúng tôi lại bắt gặp những ngư dân với chiếc cần câu dài tìm cá Đục. Không được như ngày hè “câu khách”, việc câu cá chỉ đem lại cho họ nguồn thu khoảng trên dươí trăm ngìn một ngày, vì vậy khi có nhã ý được câu thử, họ sẵn sàng hướng dẫn, và sau đó là việc đòi thù lao quen thuộc.
Ngày không nắng, biển không dữ dằn, nhưng vẫn thấy rát bỏng điều chi.
Lam Vũ