Phần lớn “Con voi chui lọt lỗ kim” là những chuyện trong đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội mắt thấy tai nghe. Tác giả cũng không quên điểm thêm một số chuyện vui và không vui trong làng báo.
Trong “Lời thưa”, tác giả khiêm tốn, nói: “Đó là sự góp nhặt hàng ngày - như những trang nhật kí tù y hứng, những trang ghi chép vội về thời cuộc và nghề báo, sự đổi thay của quê hương đất nước”. Đọc “Con voi chui qua lỗ kim”, ta thấy quả là tác giả không dụng công làm văn chương nhưng những điều Phạm Quốc Toàn đề cập ở đây không nhỏ, không vụn vặt chút nào; mà trái lại đó là những điều bức xúc mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang rất quan tâm. Cuốn sách không làm nhiệm vụ phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực mới mà là chọn những vụ việc điển hình đã được đưa ra ánh sáng công lý để mổ xẻ, phân tích, lí giải tìm ra cội rễ của sự việc để từ đó ngõ hầu góp ý chỉ ra phương thuốc chữa trị. Đây thực sự là một điều khó, bởi chỉ ra bệnh đã khó, tìm ra phương thuốc đặc trị càng khó hơn, nhất là với căn bệnh nan y: Tham nhũng!
Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo Phạm Quốc Toàn đặt bài “Sức nóng nghị trường” lên đầu cuốn sách. Chưa bao giờ người dân ham theo dõi Quốc hội họp như bây giờ. Những điều dân quan tâm, cử tri bức xúc nhất đều được đưa lên nghị trường. Các vị có mặt trên nghị trường hầu hết tỏ ra xứng đáng là đại biểu của dân. Người hỏi lĩnh hội được ý dân và người trả lời cũng dần quen với những lời nói thẳng, không dị ứng do “nghịch nhĩ”. Người điều hành cuộc chất vấn công tâm và rất sắc sảo gợi ý người hỏi và không để người trả lời vòng vo, né tránh. Hãy nghe tác giả bình: “Chính đây là cuộc sát hạch các cán bộ công quyền, là phép thử dân chủ và đổi mới xã hội”; “Chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường sẽ là hàn thử biểu đo đếm năng lực và phẩm chất bộ trưởng, các thành viên chính phủ…”. Rất chính xác!
Bài “Chống lưng”, khá “chói” khi nó kiếm tìm kẻ đứng sau thủ phạm. Thường thì một kẻ nào đó dám phạm pháp lớn, dám nghênh ngang, “mục hạ vô nhân” là đằng sau nó có “ông Kễnh”nào đó làm chỗ dựa. Ai cũng ngầm hiểu điều này nhưng không phải ai cũng có gan vạch mặt chỉ tên chứ chưa nói dám truy tìm, truy bắt các ông Kễnh đầy uy quyền mà đi “chống lưng”. Có người biết rõ mười mươi “nó là ai” nhưng vẫn đành im lặng bởi họ chưa tin có người bảo vệ - thôi thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, tốt nhất là thực hiện “Mũ ni che tai”(!). Có một điều rất lạ hiện hữu là: Tội tham nhũng nhiều khi kết thành khối lượng vật chất khổng lồ bày ra ngay trước mắt các quan chức địa phương (có khi cả Trung ương) nhưng khi cơ quan pháp luật hỏi thì lại chối bay: “Không biết”! Điển hình cho vụ “giả điếc” này là ngôi nhà cao và to ngoại cỡ đường Lê Trực, Hà Nội cách đây chưa lâu. Trong “Chống lưng”, sau khi mổ xẻ bệnh ô dù, nhà báo Phạm Quốc Toàn bật lên lời than: “Hỡi ôi, sự chống lưng mới tệ hại làm sao!”. Và tác giả đề xuất toa thuốc trị bệnh nan y này: “Sự minh bạch thông tin, công khai hóa là khắc tinh của Chống lưng”.
Trong “Con voi chui lọt lỗ kim”, phần lớn nhà báo Phạm Quốc Toàn sử dụng lối hành văn châm chích, sử dụng từ ngữ nhẹ mà đau, đúng với tính cách, đúng với văn phong vốn có của một nhà báo, mang dáng dấp thầy đồ Nghệ. Để góp tiếng nói vào việc xây dựng đất nước ta thành một xã hội “dân chủ - công bằng - văn minh”, Phạm Quốc Toàn không chỉ đề cập đến những vụ việc gây thiệt hại lớn cho đất nước, nhân dân mà anh còn nêu ra những cái “xấu xí” thường nhật, những “ứng xử” kém cỏi mà người ta rất dễ mắc phải và cũng dễ tùy tiện cho qua. Chẳng hạn: Vợ chồng ục nhau trên máy bay; Phó Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch bẻ hoa anh đào; Giám đốc sở nọ mắng chửi và tát lái xe; tài xế taxi bắt nạt khách nước ngoài, một cậu ấm con đại gia đánh bà lao công quét rác v.v…Những việc làm ấy, tuy nhỏ nhưng “tích tiểu thành đại”, bởi những kẻ làm điều xấu tưởng mình hay, cứ thế làm, chẳng bao lâu sẽ trở thành cọp dữ, thành cầy cáo ranh ma gây hại cho cộng đồng.
Với nhà báo Phạm Quốc Toàn, kí giả chính là cái nghiệp. Nguyễn Du nói rất hay, rằng: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Phạm Quốc Toàn không những không trách ông trời khoác cho anh cái “nghiệp báo” mà còn cảm ơn trời, cảm ơn đất đã cho anh nghề báo cao quý. Cho nên anh trọn đời cống hiến cho sự nghiệp báo chí; học lớp đại học báo chí chính quy từ khóa 1 và theo nó tới tận cùng. Anh cần sự viết như cần không khí, cần nước uống hàng ngày vậy.
Trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, Phạm Quốc Toàn trải qua nhiều cương vị và ở cả ngoài Bắc, trong Nam. Làm phóng viên - biên tập viên - bình luận viên có, làm chỉ huy lãnh đạo cũng có; gánh công việc tầm vĩ mô có mà xắn tay vào việc bếp núc báo chí cũng có. Cả đời cống hiến cho nghề báo, nay đã gần ngưỡng “Cổ lai hi” vẫn như một “anh nhà giàu tiếc của”, dù đứng trên bục giảng bài hay, viết cho báo này báo khác Trung ương và địa phương, cũng như viết sách càng hay…, bao giờ anh cũng đắm say với nghề, đầy tâm huyết, muốn truyền đạt cho người nghe, người đọc, nhất là lớp trẻ, những cái hay, cái đẹp và cả những cạm bẫy dễ mắc trong nghề báo. Đọc “Con voi chui qua lỗ kim”, ta càng thấy rõ điều này.
“Tổng biên tập, họ là ai?” có thể coi là bài “Thổ tận can tràng”. Theo tôi, trong nghề báo, sướng nhất là phóng viên, mà khổ nhất là Tổng biên tập. Mở đầu bài viết, tác giả nêu tên hai vị tiên chỉ làng báo là Thiếu tướng Trần Công Mân, nguyên TBT báo QĐND và nhà văn, nhà báo Lưu Quí Kỳ, nguyên Vụ trưởng Vụ báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương.
Một may mắn cho Phạm Quốc Toàn là sau khi tốt nghiệp đại học báo chí, anh về báo Quân đội Nhân dân. Thiếu tướng Trần Công Mân là người hội đủ đức - tài để gánh trọng trách TBT một tờ báo lớn của Đảng, của Quân đội. Năm 1990, trong lễ mừng thọ ông Mân 70 tuổi, một vị khách tặng ông bài thơ chữ Hán thể tứ tuyệt, Đường luật, trong đó có câu: “Kỉ hồi bạch phát thục năng tri” (Mấy lần anh bạc tóc mấy ai là người biết) là rất chính xác. Từ hai vị tiền bối trong làng báo nói trên, Phạm Quốc Toàn nghiệm lại thời gian giữ trọng trách TBT một tờ báo Đảng địa phương, rồi khi làm TBT một tạp chí lý luận nghiệp vụ về báo chí và mười năm làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN, tiếp xúc với bao nhiêu TBT trong cả nước, để rồi hạ bút viết bài tổng kết phong phú cả lí luận và thực tiễn hôm nay.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung, công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng nói riêng, ngành báo chí - truyền thông có đóng góp lớn, điều ấy ai cũng công nhận. Nhưng trong rừng cây đời báo chí - truyền thông xanh tốt còn tồn tại những con sâu. Trong các sai phạm đã mắc, tệ hại nhất là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ở các tập sách trước của anh, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã bàn rất nhiều về lĩnh vực truyền thông, có cuốn chuyên bàn về nghề báo như tập sách “Đời và nghề”. Lần này, bên cạnh việc mổ xẻ ung nhọt tham nhũng về kinh tế, ngoài xã hội nhưng rồi anh không thể quên nghề mà mình đã và đang tận tụy cống hiến. Anh biểu dương những tấm gương sáng chịu “Dấn thân”…
“Con voi chui lọt lỗ kim” dày dặn nhưng rất dễ đọc, dễ vào vì nó gần gũi và bổ ích. Bằng cách nhìn thấu đáo và ngòi bút nhân văn, bằng văn phong chân chất, giản dị, thủ thỉ tâm tình, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã tái hiện một cách chân thực đất nước ta, xã hội ta đang sống trong một thời kỳ “đặc biệt” - đan xen và trộn lẫn cả mặt được và chưa được. Và điều quan trọng là tác giả “Phò chính, trừ tà” như Bác Hồ đã dạy, rất nhân văn, chừng mực, trách nhiệm, có lí có tình khi bình luận, lí giải và chỉ ra hướng đi, lấy trị bệnh cứu người làm trọng - kỷ luật một người để cứu muôn người (!)
Theo Khánh Tường/Báo Nhà báo và Công luận