TS, nhà báo Nguyễn Tri Thức - Vụ trưởng, Trưởng ban Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản
Ông nhận thấy đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, nhất là người làm báo trẻ hiện nay như thế nào?
Gần đây môi trường báo chí thay đổi nhiều, đặc biệt với sự bùng nổ của mạng xã hội khiến báo chí bị tác động mạnh mẽ, sâu sắc, đi kèm với những lợi thế, tiên tiến, cạnh tranh để tồn tại, phát triển cũng có không ít thách thức, cạm bẫy. Do đó, vấn đề đạo đức báo chí cũng có những biến động nhất định, đặc biệt là sự suy giảm về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ nhà báo, trong đó có các nhà báo trẻ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan…
Điều này đã được đồng chí Võ Văn Thưởng -Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nêu lên tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2018. Biểu hiện cụ thể như: một số cơ quan báo chí thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân...
Có một số người cầm bút có biểu hiện suy thoái, có những bài báo không mang tính dẫn dắt dư luận mà đôi khi có tác dụng xấu. Vẫn còn tình trạng hội viên, nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Không ít nhà báo lao động không nghiêm túc, hời hợt trong tác nghiệp, xào xáo tin bài của nhau.Có những cây bút làm báo vì tiền, vì lợi, vì danh, vì sự tác động của lợi ích nhóm dẫn đến tha hóa…
TS, nhà báo Tri Thức thường xuyên được mời tham gia giảng dạy tại Trung tâm Bồi
dưỡng Nghiệp vụ Báo chí - HNBVN
Theo ông, việc giáo dục đạo đức nghề báo cho sinh viên có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của nền báo chí?
Thực ra việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cũng như giáo dục con người, đã được chú trọng ngay từ cấp tiểu học. Khi đã là sinh viên, mỗi ngành nghề theo học có những giá trị chuẩn mực đạo đức khác nhau, cách giáo dục đạo đức cũng có khác nhau nhất định.
Phải khẳng định rằng, việc giáo dục đạo đức nhà báo cho sinh viên báo chí là hết sức quan trọng, nó giúp sinh viên ra trường nắm được các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tôn chỉ mục đích hoạt động của tòa soạn, góp phần tạo dựng được nền tảng để sống được với nghề, luôn giữ được những phẩm chất đạo đức trong sáng, liêm khiết và chính trực, công bằng, khách quan…
Ông đánh giá như thế nào về chất lượng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên ở các cơ sở đào tạo báo chí ở nước ta trong thời gian qua?
Nhìn chung ở các cơ sở đào tạo, mục tiêu giáo dục đều đạt được đối với sinh viên, đặc biệt là trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng cơ bản để cho sinh viên ra trường có thể thích ứng được với nghề.
Tôi có tham gia thỉnh giảng ở một số cơ sở đào tạo báo chí, thấy đa số các bạn sinh viên đều ham học, cầu thị và quyết tâm theo đuổi nghề. Trong quá trình theo dõi những sinh viên sau khi ra trường, tôi có thấy một số em trưởng thành, chín chắn, chững chạc trong nghề, nhưng cũng có một số em sớm sa vào những hành vi lệch chuẩn đạo đức nghề nghiệp…
Cơ quan ông từng tiếp nhận không ít sinh viên báo chí đến thực tập và ông nhận thấy đạo đức nghề nghiệp của họ như thế nào, những lỗi nào họ thường mắc phải?
Nhìn chung phẩm chất đạo đức của các em đều tốt, sau khi ra trường các em đều trưởng thành cả, không để lại những điều tiếng gì trong hoạt động báo chí. Tuy các em không mắc phải những lỗi đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, nhưng có xuất hiện tình trạng lười biếng, sao chép, copy-paste… chưa trung thực với nghề nghiệp, ý thức đạo đức nghề nghiệp chưa thật cao.
Nhà báo Tri Thức: Chỉ khi ý thức, tự giác, quyết liệt, dũng cảm trong vấn đề này,
vấn đề đạo đức nghề nghiệp mới được thực thi một cách hiệu quả
Để góp phần giáo dục đạo đức nghề báo cho sinh viên trong thời gian kiến tập, thực tập, cơ quan ông có những biện pháp gì?
Khi tiếp nhận sinh viên thực tập, cơ quan yêu cầu phải có giấy giới thiệu của cơ sở đào tạo sau đó sẽ cấp thẻ/giấy ra vào cho sinh viên thực tập rồi phân công về các ban chuyên môn phù hợp với nhu cầu thực tập của sinh viên.
Các ban chuyên môn sẽ phổ biến những nội quy, quy định của cơ quan, hướng dẫn những vấn đề cơ bản nhất về nghề nghiệp cũng như đạo đức nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản của cơ sở đào tạo cử sinh viên đến thực tập.
Trong quá trình thực tập, sinh viên sẽ được hướng dẫn về nghề nghiệp, cũng như đạo đức nghề nghiệp một cách nghiêm túc, chân thành và tận tình.
Ông có đề xuất những giải pháp nào với các cơ sở đào tạo báo chí để việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên đạt hiệu quả tốt hơn?
Phải nói rằng sau khi sinh viên ra trường, hoạt động nghề nghiệp sẽ rất khác so với những gì đã học trong nhà trường. Cho nên, việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải thường xuyên được duy trì giữa các môi trường báo chí, từ trang bị kiến thức cơ bản về đạo đức nghề nghiệp đến khi áp dụng vào thực tiễn hoạt động nghề nghiệp một cách phù hợp, linh động, đúng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cũng như quy định của pháp luật.
Và điều rất quan trọng, công tác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của mỗi sinh viên, phóng viên trẻ một cách thường xuyên đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ khi ý thức, tự giác, quyết liệt, dũng cảm trong vấn đề này, vấn đề đạo đức nghề nghiệp mới được thực thi một cách hiệu quả.
Xin chân thành cám ơn ông!
Theo Trường Hùng/Báo Nhà báo và Công luận