Thứ tư, ngày 01/01/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Để hội viên gắn bó mật thiết với Hội - Chuyện chẳng dễ dàng (10/05/2018-10:58)
    “Để hội viên tự giác gắn bó mật thiết với Hội Nhà báo là một việc không dễ chút nào”. Đây là trăn trở của nhà báo Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế - người đã có nhiều năm gắn bó với công tác Hội Nhà báo địa phương.
 Nhà báo Dương Phước Thu (người đứng ngoài cùng bên phải) cùng các hội viên
nhà báo HNB Thừa Thiên Huế tại một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.

Từ thông điệp mạnh mẽ của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Nhà báo Dương Phước Thu cho rằng, hoạt động Hội (nhìn từ thực tiễn hoạt động Hội ở Thừa Thiên Huế cũng như nhìn sang HNB các địa phương khác), bên cạnh những niềm vui cũng còn không ít những tâm tư, trăn trở. 

Từ thông điệp mạnh mẽ của đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác của Hội năm 2018 vừa diễn ra tại Cửa Lò, Nghệ An: đó là chúng ta nhìn thẳng vào những hạn chế, khuyết điểm, xác định rõ các nguyên nhân, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan, để từ đó đề ra được những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động báo chí và hoạt động của HNB; xây dựng đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu về mọi mặt trong tình hình mới.

Vì vậy, có thể nói, với quy mô toàn quốc, HNB Việt Nam quản lý hội viên gián tiếp bằng Điều lệ, Nghị quyết, các quy định thông qua các cấp Hội trực thuộc; HNB địa phương quản lý hội viên trực tiếp thông qua các văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức các buổi sinh hoạt, các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, các giải báo chí, hoạt động văn hóa - thể thao; xét đề nghị kết nạp, khen thưởng, tặng Kỷ niệm chương, hỗ trợ kinh phí, thăm viếng tang gia, đau ốm, bão lụt… với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nói chung đó là những hoạt động cụ thể, sát sườn với từng hội viên ở cơ sở.


Song có một thực tế là khi chưa vào Hội thì nhiều người làm báo gần gũi với tổ chức Hội, thường lui tới văn phòng Hội cũng như tích cực tham gia các hoạt động do Hội đề ra. Thế nhưng sau khi trở thành hội viên, có cái thẻ hội viên trong tay rồi thì nhiều người lại thờ ơ, gần như không quan tâm đến Hội nữa. Vì sao lại có chuyện như vậy?

Theo chúng tôi, việc ấy có thể từ mấy nguyên nhân: Vai trò của HNB xem ra thua kém các cơ quan báo chí nơi mà hội viên làm việc, ăn lương, thăng tiến, nơi có thực quyền; Tiếng nói của nhà báo thật sự nặng ký hơn âm lượng của hội viên nhà báo đối với công chúng; 

Sức mạnh của thông tin nằm ở các cơ quan báo chí, Hội không có cái sức mạnh tiềm tàng ấy nên thiên hạ thường nhìn nghiêng tổ chức Hội với câu nói “hội hè” dù đó là Hội Nhà báo; 

Cơ sở tổ chức Hội còn nghèo nàn, thu nhập thấp, biên chế ít, phương tiện thiếu (có nơi bằng không), tồn tại được là nhờ cơ chế xin - cho (nhiều hay ít là tùy sự xem xét của lãnh đạo từng địa phương).

Bên cạnh đó, không ít cán bộ làm công tác chuyên trách ở cơ quan HNB (thường bị xem nhẹ) vừa yếu năng lực, thiếu kinh nghiệm, lại thiếu sự nhiệt tình nên có nơi chưa được lòng của đa số hội viên. 

Thậm chí, tổ chức HNB lại chưa thuộc diện cơ quan được lãnh đạo tỉnh quan tâm đưa vào quy hoạch nguồn, để có thể bổ nhiệm, điều động cán bộ có năng lực sang đơn vị công tác khác… Với tâm lý, quan niệm rằng ai đã về làm công tác Hội chuyên trách thì coi như dừng chân ở đấy cho đến lúc nghỉ hưu.

Với những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên cho thấy nhiều hội viên nhà báo chưa thật sự mặn mà về tổ chức Hội của mình, trong đó có phần vì Hội chưa giúp được gì nhiều cho hội viên nên họ ít quan tâm.

Tuy nhiên, có một thực tế khác, một khi hội viên bị xúc phạm, bị cản trở trong quá trình tác nghiệp ở cơ sở, hay bị đánh trọng thương, bị thu giữ phương tiện hành nghề, hội viên nhà báo vi phạm luật lệ, có nguy cơ bị mất việc… thì lúc ấy hội viên mới cầu cứu đến sự can thiệp của tổ chức Hội.

Phát huy “sức mạnh” thực sự của HNB trong tình hình mới

Vậy phải làm gì để hội viên ngày càng gắn bó với HNB, xem tổ chức Hội là “mái nhà chung”? Đi tìm lời giải cho “bài toán khó” này, Phó Chủ tịch Thường trực HNB Thừa Thiên Huế hiến kế:

 Trước hết, cán bộ chuyên trách công tác HNB phải là nhà báo hẳn hoi, nhà báo có tác phẩm báo chí chất lượng, có uy tín về nghề nghiệp và cũng cần có thâm niên tuổi đời (khoảng từ 40 tuổi trở lên) về làm công tác Hội. 

Thứ hai, tổ chức HNB ngoài phần chính trị - xã hội thì tính nghề nghiệp phải nổi trội, phải rõ ràng, không nên hành chính hóa bộ máy tổ chức. Thứ ba, vai trò quản lý hội viên không chỉ thông qua các hoạt động thường niên khác, mà cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của tổ chức có chức năng “cầm cân nảy mực” xem xét chế tài đối với những trường hợp hội viên vi phạm Điều lệ Hội, Quy định đạo đức nghề nghiệp được luật hóa trong Điều 8 Luật Báo chí 2016…

Lãnh đạo HNB Thừa Thiên Huế trao giải vô địch cho đội bóng báo chí Nghệ An tại Giải bóng đá báo
chí miền Trung 2017 do HNB Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức tại Huế. 

Hội phải thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho hội viên; cùng cơ quan báo chí xem xét giới thiệu những hội viên có bản lĩnh chính trị, có năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức trong sáng… đưa vào diện đào tạo quy hoạch cán bộ nguồn cho báo chí.

Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp kiểm tra theo sự phân cấp, phân công trong các hoạt động báo chí của hội viên; Hội cần kiến nghị với lãnh đạo địa phương tạo môi trường thuận lợi cho báo chí hoạt động; hỗ trợ nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên.

Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của HNB trong việc phối hợp quản lý hiệu quả đội ngũ phóng viên thường trú tại các địa phương. Vấn đề này đang thực sự là câu chuyện dài với những nỗi niềm khó nói từ cơ sở. 

Đồng thời, trong vai trò công tác của mình, HNB có phát triển được cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của lãnh đạo các cơ quan báo chí. Một khi công tác thi đua của cơ quan báo chí có một tiêu chuẩn về công tác HNB (đối với hội viên) thì tôi tin rằng công tác Hội sẽ sôi nổi và trở nên thiết thực.

“Để làm tốt công tác HNB, chúng ta cần có sự đồng thuận và đoàn kết của nhiều người để tạo nên sức mạnh của cả hệ thống. Từ nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên phải xuất phát từ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và bộ phận Thường trực Hội. Nói tổ chức Hội là nói chung, điều làm nên vai trò của Hội lại thuộc về những người trực tiếp điều hành.

 Do vậy, phải không ngừng đổi mới từ cơ quan HNB và các cấp Hội trực thuộc để hội viên cảm thấy khi đến với Hội là như về nhà mình. 

Song thời gian qua, mặc dù có nhiều người âm thầm quay lưng với Hội, nhưng cũng đã có rất đông hội viên thường xuyên gắn bó với tổ chức Hội và tự hào mình là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam”, nhà báo Dương Phước Thu nhấn mạnh.

Theo Bảo An/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • “Giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải thường xuyên được duy trì giữa các môi trường báo chí” (07/05/2018-14:48)
  • Hội viên luôn là chủ thể của mọi hoạt động! (04/05/2018-8:30)
  • 9 đơn vị, 33 tập thể, 152 cá nhân đc Hội Nhà báo Việt Nam khen thưởng (18/04/2018-22:14)
  • Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, hội viên, nhà báo (18/04/2018-22:08)
  • Tăng cường quản lý đội ngũ phóng viên thường trú tại địa phương (15/04/2018-22:26)
  • Hội Nhà báo Nghệ An và trăn trở về những tác phẩm báo chí có thương hiệu (12/04/2018-10:47)
  • Vẫn “mải miết đi, miệt mài viết”! (30/03/2018-21:50)
  • Khen thưởng hai nhà báo dũng cảm thâm nhập điều tra mỏ quặng (23/03/2018-8:42)
  • Khởi tố vụ án phóng viên báo Giao thông bị hành hung (23/03/2018-8:32)
  • Đoàn báo chí Thái Lan thăm và làm việc với Hội Nhà báo Hà Tĩnh (17/03/2018-13:05)