Thứ bảy, ngày 30/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Bộ GD&ĐT "ra tay" xử lý nghiêm vấn nạn chạy trường (05/06/2018-17:15)
    Vấn nạn chạy trường mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp ở các thành phố lớn, đặc biệt "những năm vàng" với số lượng học sinh quá đông đã không phải là câu chuyện mới khi diễn ra liên tục nhiều năm qua. Tuy nhiên, mới đây, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nghiêm những trường hợp chạy trường.
 Chạy trường đã trở thành "vấn nạn" trong nhiều năm qua. (Ảnh minh họa)

Chạy trường không thể giải quyết triệt để
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, hiện tượng chạy trường đã được nhắc đi nhắc lại trong thời gian rất dài nhưng các cấp quản lý vẫn không thể giải quyết triệt để. 

“Một xã hội mà phụ huynh phải mất hàng nghìn USD để con được học trường tốt là không thể chấp nhận được. Chạy trường là một dạng tiêu cực, tham ô trong giáo dục”, nguyên thứ trưởng bức xúc nói.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến chạy trường không thể giải quyết triệt để là do thực tế khách quan, trong đó không thể không nhắc đến tâm lý của phụ huynh học sinh và chất lượng của các trường không đồng đều. Có trường dạy tốt, trường điểm nhưng cũng có trường dạy trung bình, kém, nhất là ở các thành phố và vùng đồng bằng. 

Hơn nữa, điều kiện kinh tế của người dân hiện nay đã khác trước nhiều. Phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc. Vì vậy, không hiếm gặp trường hợp phụ huynh có “điều kiện” sẵn sàng bỏ tiền để con mình được học ở trường tốt. Nhu cầu lớn trong khi nguồn cung ít dẫn đến chạy trường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến chạy trường còn được khởi đầu từ chính sự yếu kém trong công tác quản lý của lãnh đạo ngành giáo dục. Nó không chỉ là biểu hiện của tiêu cực, tham nhũng trong giáo dục mà còn cho thấy sự bất lực của lãnh đạo ngành. 

Đồng quan điểm này, GS Phạm Minh Hạc, nguyên thứ trưởng GD&ĐT cho rằng "thượng bất chính, hạ tắc loạn”, lãnh đạo của ngành nghiêm khắc, minh bạch thì những cấp nhỏ hơn sẽ không bao giờ dám tiêu cực, tham nhũng, trong đó có chạy trường. Nếu tất cả đều minh bạch, trong sạch, từ thầy cô giáo, hiệu trưởng cho đến các cấp quản lý thì không ai dám dùng tiền hối lộ, đổi lấy suất học cho con. Nếu không có chuyện bán suất học ra ngoài mà tuyển sinh công khai, minh bạch thì không có chuyện chạy trường, chạy lớp trở thành phong trào như nhiều năm qua.

 Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định bộ này đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội báo
cáo về tình trạng chạy trường. Ảnh: Hiếu Công.

Sẽ xử lý nghiêm chuyện chạy trường

Mới đây, sự việc phụ huynh rao bán suất chạy trường, cô giáo ra giá 15 triệu đồng công khai trên mạng xã hội tiếp tục làm nóng vấn nạn của ngành giáo dục. Không chỉ mua “suất” học cho con vào lớp 1 Tiểu học Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) từ giáo viên, nhiều phụ huynh còn công khai rao bán trên mạng như hàng hóa.

“Chị mình muốn nhượng lại suất học trái tuyến vào lớp 1 Tiểu học Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) do nhà chuyển xa không có người đưa đón con, thật sự rất tiếc vì môi trường học quá tốt cả về chất lượng và cơ sở vật chất. Mẹ nào có nhu cầu inbox mình nhé”, chị P.Th. viết trên fanpage "Hội các mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1".

Trên diễn đàn mạng khác, một người đàn ông muốn nhượng lại suất học lớp 1 Tiểu học Nguyễn Du (Hàng Tre, Hà Nội). Anh nói đã mua suất vào trường giá 25 triệu đồng nhưng do chuyển nhà nên đồng ý "sang tên" giá 22 triệu.

Muốn chấm dứt chạy trường cần nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường, cả hệ thống giáo dục minh bạch, trong sạch và tuyển sinh công khai. (Ảnh minh họa) 

Trước những thông tin điển hình về việc chạy trường gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây, Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết Bộ đã nắm thông tin vụ việc. Ngay lập tức, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội có báo cáo, sau khi làm việc với trường Tiểu học Trung Tự và các trường khác nếu để xảy ra tình trạng tương tự.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo địa phương ngay từ đầu năm học, với tinh thần răn đe và cảnh báo về hiện tượng chạy trường, lớp. Nếu phát hiện chạy trường, lớp, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu xử lý nghiêm, dựa trên mức độ vi phạm cụ thể.

Mặc dù đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định đanh thép về việc xử lý nghiêm việc chạy trường trước thời điểm năm học mới 2018 - 2019 sắp bắt đầu, tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại tâm lý “trường chuyên” “lớp chọn” của phụ huynh cùng chất lượng đào tạo tại các trường quá khác biệt vẫn sẽ trở thành "bùi nhùi đánh lửa", tạo điều kiện để tiêu cực này tiếp diễn trong thời gian tới. 

Thiết nghĩ, muốn chấm dứt hiện tượng chạy trường, điều quan trọng cần nâng cao đồng đều chất lượng đào tạo tại các trường, cấp học, lớp học; đồng thời cả hệ thống giáo dục phải minh bạch, trong sạch và tiến hành tuyển sinh đầu năm học mới cần công khai, chỉ tiêu rõ ràng để phụ huynh căn cứ vào đó đăng ký và lựa chọn cho con em mình môi trường giáo dục phù hợp. 

Theo H.Lâm/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Tự ý đăng ảnh trẻ lên mạng xã hội bị phạt 40 đến 50 triệu? (01/06/2018-8:17)
  • Hóa giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn (28/05/2018-8:53)
  • Lo thải người giỏi, giữ người kém! (24/05/2018-14:51)
  • Trạm thu của nhà nước thì trả phí, trạm tư nhân thì trả giá? (23/05/2018-18:34)
  • Chính phủ bãi bỏ 23 điều kiện, thủ tục kinh doanh trên Internet (23/05/2018-18:31)
  • Cải cách tiền lương: Mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức (21/05/2018-8:18)
  • Dân có lòng tin, đất nước mới mạnh (10/05/2018-11:04)
  • Làm sao để có cán bộ vừa hồng, vừa chuyên (10/05/2018-11:02)
  • Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Không có chuyện vỡ quỹ BHXH (04/05/2018-15:07)
  • “Chủ nghĩa thành tích” khiến cổ phần hoá DNNN chưa đạt hiệu quả (26/04/2018-7:42)