Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện T.Ư quản lý, trong đó có 9 người là ủy viên T.Ư, nguyên là ủy viên T.Ư, khai trừ Đảng 1 ủy viên T.Ư - nguyên ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng
Đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện T.Ư quản lý, khai trừ Đảng 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Ngày 25/6, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay công tác PCTN đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, “có chiều hướng thuyên giảm". Cụ thể, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả PCTN.
Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái (riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức Đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái).
Đáng lưu ý, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện T.Ư quản lý, trong đó có 9 người là ủy viên T.Ư, nguyên là ủy viên T.Ư, khai trừ Đảng 1 ủy viên T.Ư - nguyên ủy viên Bộ Chính trị. Từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi trên 260.000 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng; trong đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến nghị thu hồi trên 165.000 tỉ đồng và 12.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 194 vụ, 335 đối tượng liên quan đến tham nhũng, kinh tế.
Cũng theo báo cáo, đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích cực thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng bí thư: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.
Theo đó, từ năm 2014 đến nay, đã khởi tố 971 vụ án, với 2.010 bị can; truy tố 1.060 vụ án, với 2.444 bị can; xét xử sơ thẩm 968 vụ án, với 2.297 bị cáo về các tội tham nhũng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, khởi tố mới 463 vụ án, với 976 bị can; truy tố 499 vụ án, với 1.221 bị can; xét xử sơ thẩm 436 vụ án, với 1.118 bị cáo về các tội tham nhũng.
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án, với 440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo, 20 án chung thân cho 19 bị cáo, 7 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm, 393 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm, cải tạo không giam giữ 7 bị cáo và cảnh cáo 2 bị cáo.
Xây dựng đội ngũ cán bộ là giải pháp lâu dài phòng, chống tận gốc tình trạng tham nhũng
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đánh giá cao kết quả và quyết tâm PCTN hiện nay. Có thể nói, chưa khi nào công cuộc PCTN lại được thực hiện trên nền của một triết lý rõ ràng, đồng thời trở thành một “cao trào” trong xã hội như thời gian qua. Công cuộc này đã thu hút sự vào cuộc của người dân, báo chí, các cơ quan, tổ chức.
Hoàn toàn bày tỏ sự đồng tình với bản báo cáo về công tác PCTN được nêu tại hội nghị trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng với một loạt vụ việc lớn được phơi bày, nhiều “quan chức hạng nặng” tham nhũng bị “nốc-ao”; nhiều tài sản tham nhũng bị phát hiện, thu hồi. Điều này thể hiện rõ sự kiên quyết của Đảng đối với công tác PCTN.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội,
đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.
“Rõ ràng, càng ngày những thể chế, những giải pháp, biện pháp phòng, chống tham nhũng càng được hoàn thiện… Nhân dân và cử tri cả nước đã có chỗ dựa, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp phòng, chống “quốc nạn” lớn này.
Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở nghiên cứu, nhận thức, đánh giá đúng tính chất, mục tiêu, phương châm, giải pháp; tổng kết khách quan, toàn diện và sâu sắc những vấn đề lý luận, thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng để xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Góp thêm tiếng nói vào công cuộc PCTN, vị đại biểu tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị cần xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức tham nhũng, thực hiện không có “vùng cấm” trong xử lý tham nhũng; kiên quyết không để tình trạng xử lý kiểu nương nhẹ, bao che, bảo kê cho hành vi tham nhũng. Đồng thời, cần công khai các kết quả xử lý tham nhũng, lấy đó làm gương cảnh tỉnh sự vi phạm để người dân biết; đấu tranh với hành vi, hiện tượng tham nhũng, trong đó nên nghiên cứu thiết lập hẳn một chuyên mục về phòng, chống tham nhũng trên một số tờ báo.
Ngoài ra, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng kiến nghị đẩy mạnh giám sát công tác cán bộ, coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ là giải pháp thiết thực, cấp thiết và lâu dài nhằm phòng, chống tận gốc tình trạng tham nhũng quyền lực. “Vì tham nhũng quyền lực chính là “cha đẻ” của tham nhũng học vị, học hàm, tham nhũng bằng cấp, tham nhũng tài sản. Cùng với đó, có kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện Luật Tố cáo, làm cơ sở phát hiện, xử lý tham nhũng; đề cao hoạt động kê khai, xác minh tài sản của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; thực hiện các biện pháp quản lý đầu tư công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách Nhà nước; quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư, hoạt động tín dụng”, ông Nhưỡng phân tích.
Cuối cùng, ông Nhưỡng cũng nhấn mạnh thêm, việc xử lý tham nhũng cần tiến hành theo phương châm có “diện”, có “điểm”. Trong đó tập trung xử lý điểm nóng, bức xúc, các cán bộ cấp cao, người đứng đầu có hành vi tham nhũng lớn, nghiêm trọng; thanh, kiểm tra làm rõ hành vi tham nhũng “vặt” để phục vụ công tác cán bộ; xử lý toàn diện cả về mặt Đảng - Đoàn và về mặt chính quyền, có lý, có tình, đánh giá đầy đủ cả “công” và “tội”; tránh cả hai hướng tả khuynh hoặc hữu khuynh.
“Song song với đó, công tác phòng, chống tham nhũng cần tính đến vấn đề xử lý tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, kiên quyết không quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đã tham nhũng, để xảy ra hoặc bao che cho tham nhũng; đồng thời có biện pháp hữu hiệu giữ bí mật, bảo vệ, tuyên dương, khen thưởng người tích cực, có thành tích trong phát hiện, phòng, chống tham nhũng”, ông Nhưỡng kiến nghị.
Theo N. Huyền/Infornet