Thứ bảy, ngày 30/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Đừng biến cơ quan nhà nước thành nhà… 'tình nghĩa' (06/07/2018-21:10)
    Từ rất lâu nay, trong bộ máy nhà nước có nhiều cán bộ, công chức không đủ năng lực, làm việc không hiệu quả theo kiểu "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về".

Ông Tô Quang Phán - Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đã thẳng thắn thừa nhận trong số hơn 700 người đang làm việc tại đây, có 40% năng lực hạn chế nhưng không loại bỏ được vì họ là "con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố".

Chuyện ông Phán nêu ra việc này được dư luận cho là thẳng thắng, thậm chí là "dũng cảm", dám nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng nhìn ở góc độ khác, chuyện biết nó có "tồn tại" như thế mà không xử lý được thì thật đáng lo ngại. Đó là sự bất lực trong vấn đề quản lý công chức, viên chức!

Câu chuyện của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội không phải là ngoại lệ. Nó cũng là chuyện của không ít cơ quan, đơn vị nhà nước khác. Đây là vấn đề không mới, bởi từ lâu trong bộ máy nhà nước có nhiều cán bộ, công chức không đủ năng lực, làm việc không hiệu quả theo kiểu "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về".

Vấn đề ở đây là không thể đuổi việc, tinh giản được những người này vì họ là "con ông, cháu cha", có quan hệ này nọ, có gửi gắm qua lại kiểu "tôi lo cho con anh, anh giúp cháu nhà tôi". Do đó, đuổi việc những người này không dễ vì họ có "ô dù", do người có chức quyền che chắn, giúp đỡ. Trong khi đó, những người có trách nhiệm quản lý, điều hành thì ngại đụng chạm, không đủ dũng khí để thực thi điều mà pháp luật đã quy định rất cụ thể, rõ ràng.

Cũng do "đầu vào" có gửi gắm, có "ô dù", có "phên dậu" che chắn nên đầu ra rất khó xử lý. Để rồi sự tồn tại, hiện diện của những người này trong cơ quan nhà nước không chỉ tạo gánh nặng cho ngân sách mà còn làm giảm hiệu quả chuyên môn nơi họ công tác. Chưa kể nó còn cản trở sự phát triển, vươn lên bằng năng lực chính đáng của những người trẻ, có trình độ, tâm huyết và khả năng công hiến cho đất nước.

Người yếu kém không làm được việc mà chiếm chỗ, chiếm ghế người khác nó còn làm lãng phí nguồn lực của đất nước. Vì sao không thể đuổi việc người yếu kém, làng nhàng được khi Luật Viên chức, Luật Cán bộ -công chức cũng đã có qui định?

Vấn đề là có dám áp vào không hay chính người đứng đầu cũng sợ đụng chạm hoặc vướng cái luật khác là "luật bằng lòng"?

Hiện Đảng và Nhà nước đang có chủ trương tinh giản biên chế. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát để loại bỏ những người không làm được việc, "có cũng được, không có cũng được" ra khỏi bộ máy dù họ là con cháu của ai. Điều này không những góp phần tinh giản bộ máy mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Đã đến lúc phải trả lại sự bình đẳng cho tất cả mọi người. Bởi chỉ có trọng dụng người tài mới có thể phát triển và kiến thiết quốc gia.

Tuyển dụng công chức, viên chức: Hãy chọn người có năng lực, đừng nhìn vào lý lịch gia đình xem con cháu của ai!  Bởi cơ quan nhà nước không phải là nhà tình nghĩa, đừng dùng nó trả nghĩa cho nhau.

Theo Minh Luận/Báo Tuổi trẻ

 

Các tin khác:
  • Luật An ninh mạng: Công cụ bảo vệ người dân khỏi thông tin xấu (04/07/2018-15:50)
  • Niềm tin của người tiêu dùng Việt đang cao nhất thập kỷ qua (04/07/2018-14:41)
  • Lấy cớ phục vụ QP-AN để tạo “vùng cấm” hòng che chắn tham nhũng (04/07/2018-10:18)
  • Sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng trong tình hình hiện nay (03/07/2018-8:06)
  • Cử tri, nhân dân đã có niềm tin vào Đảng, Nhà nước trong công cuộc PCTN (26/06/2018-21:38)
  • Apple ban hành lệnh "cấm cửa" với tất cả các ứng dụng đào tiền ảo (13/06/2018-8:46)
  • Kiểm soát, ngăn chặn mua bán ma túy trên internet và mạng xã hội (13/06/2018-8:43)
  • Bộ GD&ĐT "ra tay" xử lý nghiêm vấn nạn chạy trường (05/06/2018-17:15)
  • Tự ý đăng ảnh trẻ lên mạng xã hội bị phạt 40 đến 50 triệu? (01/06/2018-8:17)
  • Hóa giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn (28/05/2018-8:53)